Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

42/36 tái bút (HỒI ÂM MỘT NGƯỜI BẠN) / NHỊP CẦU TƯƠNG TRI



HỒI ÂM MỘT NGƯỜI BẠN (tái bút)
Khuynh hướng xem xét trước tiên
những tác động ngoại lai đã mọc rễ sâu
trong đầu con người và khó loại bỏ.([1])
Đức Dalai Lama
*
Trong bài trước, sau khi hồi âm một người bạn và kết thúc với câu Tiên trách kỷ, hậu trách nhân của người xưa, tôi chợt nhớ đến câu chuyện giữa Đức Dalai Lama (Tây Tạng) và Thomas C. Laird (tác giả, nhiếp ảnh gia, nhà báo Mỹ, sinh năm 1953).
 Laird gặp Đức Dalai Lama lần đầu năm 1995. Hai năm sau Ngài cho phép anh phỏng vấn nhiều đợt trong ba năm. Anh mất sáu năm để định hình cuộc trò chuyện thành bản thảo The Story of Tibet: Conversations with the Dalai Lama (Câu Chuyện Tây Tạng: Những Cuộc Trò Chuyện Với Đức Dalai Lama). Năm 2005 Laird viết lại bản thảo lần cuối cùng. Năm sau sách được xuất bản tại Mỹ, Anh, và Đức.
Trong bản in 2006 tại nhà xuất bản Grove (496 trang), có hai trang 94-95 tôi muốn chia sẻ với bạn mình, vì Đức Dalai Lama đã bày tỏ cái nhìn lịch sử của Ngài theo đúng Lời Chúa (Luca 6:42). Khi dịch những lời nói đáng ghi nhớ của Đức Dalai Lama, tôi chép lại nguyên văn trong phần chú thích.
Thomas C. Laird viết như sau:
“Phật Giáo bị hủy diệt tại Ấn Độ, đã biến mất khỏi đất nước đã sinh ra tôn giáo này, hình ảnh mỉa mai ấy ám ảnh tôi trong nhiều thập niên. Tôi háo hức muốn thảo luận với Đức Dalai Lama xem Phật Giáo đã hoại diệt ngay trên quê hương của tôn giáo này như thế nào.
Tôi hỏi: ‘Phật Giáo bị hủy diệt tại Ấn Độ như thế nào? Có phải chỉ vì những cuộc tấn công của người Hồi Giáo?’
Đức Dalai Lama bắt đầu nói: ‘Không có gì xảy ra bởi một nhân tố. Một học giả tài giỏi quá cố có gởi tôi một quyển sách ông viết, trong đó bàn về ba nguyên nhân làm Phật Giáo suy tàn tại Ấn Độ.
Đức Dalai Lama nói tiếp: ‘Một là, những thí chủ ủng hộ các thiền viện càng ngày càng có xu thế xa rời truyền thống Phật Giáo. Hai là, những tác động từ bên ngoài như Hồi Giáo và các lực lượng khác, họ ra sức tiêu diệt Phật Giáo. Ba là, các thiền viện và bản thân chư tăng trở nên rất giàu, tích trữ nhiều vàng, lại thêm tửu sắc. Những việc đó đã xảy ra. Do đó dân chúng không còn tôn kính, có người thì khinh rẻ, hoặc mất lòng tin chư tăng. Thế nên tôi nghĩ rằng không phải một mà là có nhiều nguyên nhân.’ ([2])
Tôi ngạc nhiên khi nghe Ngài nói người theo Phật Giáo chịu trách nhiệm về những biến cố này; trước đó tôi luôn quy trách nhiệm cho người Hồi Giáo. Tôi hỏi: ‘Thật ư? Ngài không trách người Hồi Giáo sao?’
[Đức Dalai Lama đáp:] ‘Tôi nghĩ rằng trong trường hợp Tây Tạng cũng thế, y hệt như trường hợp Ấn Độ, có xu hướng xem xét những nguyên nhân bên ngoài. Khuynh hướng xem xét trước tiên những tác động ngoại lai đã mọc rễ sâu trong đầu con người và khó loại bỏ. Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều về những người khác, về những tác động ngoại lai. Nhưng chính chúng ta, nếu chúng ta không tu hành tốt, không giữ gìn giới luật, thì tôn giáo chúng ta trở thành giả dối. Đây là sự thật. Vậy đây đúng là lịch sử Phật Giáo tại Ấn Độ và Tây Tạng.’ ([3])
Tôi sửng sốt thấy rằng trong mọi trường hợp, Đức Dalai Lama trước tiên tìm lỗi bản thân trước khi ngài tìm lỗi người khác. Ngài trước tiên tìm lỗi ở Phật Giáo trước khi tìm lỗi ở các tôn giáo khác. Ngài trước tiên tìm lỗi ở Tây Tạng rồi mới tìm lỗi ở các nước khác. Khuynh hướng của Ngài đã định hình cách Ngài nhìn lịch sử (…). Khuynh hướng của Ngài là trước hết hãy thấy lỗi của chính mình, quốc gia mình, và tôn giáo mình.”
23-7-2011
HUỆ KHẢI
CGvDT 1819, ngày 05-8-2011
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 92-94



([1]) The tendency to look at external forces first is deeply rooted in the human mind and difficult to eliminate.
([2]) “First,” the Dalai Lama continued, “the patrons of the monasteries developed more of an inclination toward non-Buddhist traditions. Second, external forces like the Muslim invasions and others, these forces tried to destroy Buddhism. Third, the monasteries and the monks themselves became very wealthy, and they accumulated a lot of gold in the name of Tantra. As we have discussed, there was drinking and sex. These things happened. So the public lost their respect for the monks, some despised the monks, or lost their trust. So I think that there was not one cause but many.”
([3]) “I think in the Tibetan case also, just as with the Indian case, there is a tendency to look at the external causes. The tendency to look at external forces first is deeply rooted in the human mind and difficult to eliminate. We cannot do so much about others, about external forces. But then ourselves, if we do not practice well, if we are not disciplined, then our religion becomes hypocritical. This is real. So this is the real history of Buddhism in India and Tibet.”