9. ƠN CỨU ĐỘ CHO NGƯỜI HOÁN CẢI
Phúc Âm theo Thánh Lu-ca (19:1-10) chép:
Sau khi vào
Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là
Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách
để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà
ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức
Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên
và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà
ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người
xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Ông Da-kêu đứng
đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người
nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su
mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này
cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người [Đức
Giê-su] đến để tìm và cứu những gì đã
mất.”
Theo Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (PDCGKPV), bài
tường thuật này chỉ có trong sách Lu-ca, minh họa đề tài hoán cải,([1]) một đề tài rất được Thánh tông đồ Lu-ca ưa chuộng. Sự hoán
cải của người thu thuế này làm nổi bật vai trò của Đức Giê-su, Người đến để tìm
và cứu những gì đã mất.
Khi biết là Đức Giê-su sắp ghé nhà ông Da-kêu, đám đông
xầm xì: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng
vào trọ!” Nhóm PDCGKPV giải thích: Theo
quan niệm của người Do Thái, ai lui tới giao thiệp với người tội lỗi cũng bị
nhiễm uế, đáng khiển trách.
Ông Da-kêu thưa với Chúa: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu
tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Nhóm PDCGKPV giải
thích: Luật Do Thái chỉ buộc đền gấp bốn
tội trộm chiên [cừu], và luật Rô-ma,
tội trộm có chứng cứ. Phần ông Da-kêu, ông tự buộc mình đền gấp bốn cho tất cả
những thiệt thòi ông đã gây nên: một sự rộng rãi phi thường.
Nghe vậy, Đức Giê-su dạy: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này (...).” Nhóm PDCGKPV giải
thích: Lòng quảng đại của ông Da-kêu
chứng tỏ ông đã đón nhận ơn tha thứ và cứu độ.
Đức Giê-su nói với đám đông rằng ông Da-kêu “cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.”
Nhóm PDCGKPV giải thích: Không phải theo
huyết thống, nhưng vì thuộc về dân riêng của Thiên Chúa. Mặc dù hành nghề thu
thuế, bị coi là một nghề tội lỗi, ông Da-kêu xứng đáng là con của tổ phụ
Áp-ra-ham nhờ lòng quảng đại của ông.
Đức Chúa lại dạy: “Vì
Con Người [Đức Giê-su] đến để tìm và
cứu những gì đã mất.” Nhóm PDCGKPV giải thích: Câu kết này nhấn mạnh đến vai trò của Đức Giê-su trong cuộc hoán cải
của ông Da-kêu.
Lấy cảm hứng từ đoạn Phúc Âm dẫn trên, mục sư Wilson kể câu chuyện Đứng Cao Lên (Standing Tall) theo cách riêng của ông.
Ralph F. Wilson kể chuyện như sau
“Mình không lùn. Mình sẽ cho họ thấy.” Con người loắt
choắt ấy hay tự nhủ như thế. Và qua nhiều năm ông ta đã tìm nhiều cách chứng
minh điều đó, chí ít là cho bản thân. Chẳng hạn,
ông khám phá ra rằng tiền bạc có thể giúp mình. Một gã nhà giàu lúc nào cũng có
bạn bè vây quanh, dẫu cho hắn có thấp có lùn đi nữa.
Dĩ nhiên một số
người không tán thành cái cách ông Da-kêu tom góp tiền bạc. Con người lý tài loắt
choắt này là một cái bánh xe răng cưa cỏn con nhưng không ngừng trở nên quan
trọng trong cỗ máy tài chánh to đùng vận chuyển tiền bạc từ các tỉnh xa xôi của
đế quốc rót vào các tủ két của La Mã. Khởi đầu chỉ là một gã thu thuế quèn, thế
rồi ông được giao cho một “lãnh địa” để hàng năm bắt buộc phải moi ra được một
số tiền nộp thuế cụ thể. Và ông ta phải cực khổ hành nghề bởi lẽ nhà nông và
dân chài dễ gì chịu chia lìa đồng tiền dính liền khúc ruột của họ.
Con người loắt choắt ấy thường phải giở đủ trò nài
ép, dọa nạt, phỉnh phờ người đóng thuế. Ông ta thường hét một số tiền cao ngất
rồi chỉ giảm bớt chút ít khi nhìn thấy ánh mắt sợ sệt hoặc căm giận của họ. Vâng,
ông phải cực khổ hành nghề. Nhưng cái hay của chế độ này là sau khi nộp ngân
sách đủ số tiền thuế theo chỉ tiêu phân bổ, chỗ thừa lại là tiền của ông, bất
kể bao nhiêu.
Quyền lực cũng hữu ích nữa. Sự đe dọa bị lính La Mã
xông vào tiệm tịch thu hết trọi kho hàng đã khiến các nhà buôn chịu thua, không
dám tranh cãi. Và mấy năm trước ông Da-kêu được lên chức. Làm sếp sở thuế trong
huyện, giờ đây ông có nhiều nhân viên dưới tay. Những kẻ đó chấm mút tiền nộp
thuế của dân chúng còn ông thì xà xẻo tiền của đám thuộc cấp, và phần còn lại - luôn luôn đúng
boong chỉ tiêu phân bổ - sẽ chuyển tới quan tổng trấn La
Mã, rồi từ đó dòng tiền sẽ chảy về tận Rô-ma. Người đàn ông thấp bé này được
quyền lực nâng cao lên.
Dĩ nhiên quyền lực có cái giá của nó. “Quân phản bội
nhơ nhuốc bợ đỡ La Mã.” Bá tánh thường xầm xì như thế khi thấy ông lon ton đi qua
các đường phố nhỏ hẹp của Giê-ri-khô. Rau hư quả thối thường rơi lộp độp lên áo
quần ông lúc ông rẽ vào một ô cửa. Cách nay đã lâu, đền thờ chánh thức cấm cửa
ông. Người tự trọng chẳng ai bước tới cửa nhà ông.
Tuy nhiên tiền bạc và quyền lực quả thật mua được
những bữa tiệc tùng linh đình. Một số thực khách của ông cũng là những kẻ “tội
lỗi” khác trong vùng. Ông thường tự nhủ: “Ngươi là một tay quyền thế mà bá tánh
phải kể đến, là một kẻ tai to mặt lớn trong thành phố này.”
Lạ lùng thay một kẻ tai to mặt lớn như ông Da-kêu lại
háo hức khi nghe tin Đức Giê-su đang đi tới Giê-ri-khô trong buổi chiều hè bụi
bặm này. Mặc kệ mớ sổ sách chưa rà soát và đống tiền nong chờ kiểm đếm, ông
phải nhìn thấy Đức Giê-su, vị rao giảng mà bước chân rày đây mai đó đã làm khắp
dải đất Pa-lét-tin rung chuyển.
Dân chúng chạy vụt qua mặt ông để ra tới bên ngoài
thành phố nghênh đón Thầy Giê-su. Lợi dụng cơ hội này ông Da-kêu leo lên một
cây sung tàn lá sum suê che mát con phố chánh. Hai vai ông ê ẩm khi ông kéo tấm
thân lên một nhánh câu, nhưng ông chẳng để ý. Giờ đây ông có thể thấy được Đức
Giê-su ở phía cuối đường, với hàng trăm thị dân nối gót theo sau. Đoàn người
lại gần hơn, dấy lên những đám bụi.
Lúc ông Da-kêu có thể nhìn rõ được đám đông thì Thầy
Giê-su dừng chân đứng yên trên đường. Ông Da-kêu cười thầm khi thấy những người
không chú ý nên chạy đâm sầm vào những người ở phía sau Đức Giê-su. Thế rồi tất
cả đứng lại. Có lẽ mình sẽ được nghe Thầy ấy giảng đạo, người đàn ông nhỏ bé
nghĩ vậy.
Bấy giờ Đức Giê-su ngẩng lên nhìn cho tới khi bắt gặp
ánh mắt ông Da-kêu. Và mọi người trong đám đông cũng ngước mắt ngó lên. Đức
Giê-su nở nụ cười cách đặc biệt, không phải là cợt đùa, và có thể nghe rõ giọng Người trầm ấm trong lúc đám đông thinh lặng
như tờ.
Người cất tiếng: “Này ông Da-kêu.” Tay
thu thuế nghĩ: Sao Người lại biết tên mình? Toàn thân ông ta đỏ ửng: Sao Người
lại biết tên mình?
Thầy Giê-su lại gọi: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi.
Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”
Ông Da-kêu suýt rớt té khỏi nhánh cây. Nhà ông ư? Dĩ
nhiên rồi! Nhà ông hẳn gây được ấn tượng với Đức Giê-su. Nhưng rồi lòng dạ con
người thấp bé ấy rối beng lên. Đức Giê-su là một vị thánh, còn ông là kẻ tội
lỗi. Đức Giê-su làm sao có thể tới nhà ông được! Người chẳng biết thế ư?
Thầy Giê-su biết
chứ. “Ông này sắp ghé nhà kẻ tội lỗi.” Thầy có thể nghe ai đó lầm bầm như
thế trong đám đông nhưng Thầy chỉ mỉm cười lần nữa, và ra dấu gọi kẻ ngồi trên
nhánh cây leo xuống. Ông Da-kêu nói thầm: Đức Giê-su muốn nói chuyện với mình. Thầy
biết tên mình. Thiên hạ nói gì cũng mặc, Thầy quan tâm tới mình.
Lúc ông Da-kêu xuống tới mặt đất, dòng lệ sướng vui
bắt đầu tuôn trên đôi má. Đám đông đã dạt ra một tí, và ông phóng mình vào nơi
Đức Giê-su đứng, phủ phục dưới chân Chúa. Ông cảm thấy một bàn tay ấm áp đặt
lên vai và rồi một cánh tay đỡ ông đứng dậy. Ông nghĩ rằng ông thấy được trong
mắt Đức Giê-su cũng đọng ngấn lệ.
Ông đứng lên, bắt đầu nói: “Thưa Chúa, giờ đây con
đem tặng người nghèo phân nửa tài sản của con.” Lời ấy cứ thế mà tuôn ra khỏi
miệng. Thiên hạ há hốc mồm không tin được; là cái lão Da-kêu rít róng đấy sao? Nhưng
ông Da-kêu chưa nói hết: “Và nếu con đã lừa đảo chiếm đoạt bất kỳ thứ gì của
bất kỳ một ai, thì con sẽ hoàn trả gấp bốn lần.”
Một ông đứng đủ gần để thấy hết mọi chuyện nói khẽ:
“Ông ta có ý đó, ông ta sẽ làm thế.”
Đám đông bắt đầu xì xào khi những lời ông Da-kêu thưa
với Đức Chúa được truyền từ người bên trong lan ra tới rìa bên ngoài. Hiếm ai
nghe được lời Đức Giê-su khi Người ôm lấy gã đàn ông loắt choắt và hoan hỷ nói:
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ
Áp-ra-ham.”
Nghe những lời này ông Da-kêu tự thấy mình cao vọt
lên hết mức và tươi cười rạng rỡ. Con cháu tổ phụ Áp-ra-ham! Chính Thầy Giê-su
nói thế. Ta là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.
Đức Giê-su đưa mắt nhìn khắp đám đông đang ngơ ngác,
và bằng uy lực thuyết phục, Người nói với họ như thể chắt lọc mục đích trọn cả
cuộc đời của Người trong vỏn vẹn một câu: “Con Người ([2]) đến để tìm và
cứu những gì đã mất.”
Dõi mắt nhìn theo ông Da-kêu nửa như bước đi nửa như
nhảy múa bên cạnh Đức Giê-su trên con đường dẫn về nhà tay thu thuế, một môn đệ
thốt: “Tôi xin thề, xin thề rằng ông ta rốt cuộc trông chẳng còn loắt choắt,
nhăm nhúm nữa.” Lấy tay gãi gãi vào chòm râu, môn đệ ấy nói tiếp: “Chả hiểu sao
trông ông ta như cao lớn hơn.”
Và nói thật nhé, ông Da-kêu cảm thấy mình cao vọt lên hẳn.
Huệ Khải
Nhiêu
Lộc, 28-5-2019
Nguyệt
san CGvDT, số 295, tháng 7-2019
([2]) Con Người (Son of Man) là thuật ngữ Kinh Thánh, chỉ Đức Giê-su Ki-tô vừa mang
nhân tính (humanity) vừa mang thần
tính (divinity). Trong Phúc Âm, nhiều
lần Đức Giê-su tự xưng là Con Người, với
nghĩa là “Tôi”. Chẳng hạn:
- Ở dưới đất này,
Con Người có quyền tha tội. (Lu-ca 5:24)
- Con Người phải
chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết
và sau ba ngày, sống lại. (Mác-cô 8:31)