Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

42.26 ĐẦU TIÊN VẪN LÀ TIỀN ĐÂU (a) / NHỊP CẦU TƯƠNG TRI



ĐẦU TIÊN VẪN LÀ TIỀN ĐÂU (a)
Toàn Chân Giáo (Toàn Chân Phái) do Tổ Sư Vương Trùng Dương (1113-1170) sáng lập vào đời Bắc Tống (960-1127). Vương Tổ Sư có bảy tông đồ là Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ, Vương Xứ Nhất, Lưu Xứ Huyền, Đàm Xứ Đoan, Hác Đại Thông, Tôn Uyên Trinh.
Sự tích Vương Tổ Sư hóa độ bảy tông đồ ấy được một đạo sĩ giấu tên viết thành pho Thất Chân Nhân Quả gồm hai mươi chín hồi (hay chương), diễn bày trọn vẹn nhân duyên tu tiên và kết quả đắc đạo của cả thảy tám thầy trò.
Chuyện Vương Tổ Sư hóa ra kẻ ăn mày để tìm cách độ vợ chồng Mã và Tôn là nhà giàu nứt đố đổ vách ở huyện Ninh Hải (tỉnh Sơn Đông) bắt đầu từ hồi thứ tư. Sang hồi thứ năm, truyện kể rằng khi Mã Ngọc hỏi Vương Tổ Sư họ tên, quê quán, lý do tới Ninh Hải, thì Tổ đáp rằng: “Nếu không muốn cái gia tài to lớn của ngươi, thì ta chẳng đến đây.” Mã sửng sốt và bất bình. Nhưng sau đó, nhờ vợ sáng suốt khuyên giải, ông bằng lòng làm giấy tờ giao hết sản nghiệp đồ sộ cho Tổ. Chỉ khi hoàn thành điều kiện xả bỏ hết của cải thế gian thì hai vợ chồng phú hộ này mới được Vương Tổ Sư truyền đạo tu Tiên.
Câu chuyện trên nhắc ta nhớ tới tích một người nhà giàu muốn xin theo chân Ðức Giêsu. Phúc Âm theo Thánh Maccô (10:21) chép rằng Chúa dạy người đó như sau:
“Anh chỉ còn thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo thầy.”
Thánh Matthêu (19:21) chép tương tự lời Chúa dạy:
“Nếu anh muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì anh sẽ có của quý ở trên trời; rồi hãy đến mà theo thầy.”
Lâu nay nhân gian bông đùa hay nói lái: “Điều kiện đầu tiêntiền đâu.” Không ngờ rằng quả thật đây cũng là điều kiện mà Chúa Giêsu và Vương Tổ Sư đặt ra đầu tiên cho những ai thật lòng muốn bước vào đường tu giải thoát.
Khi anh nhà giàu tiếc của buồn bã bỏ đi, thì Chúa bèn dạy các tông đồ (Matthêu 19:23-24):
“Thầy bảo thật anh em, người giàu khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa.”
Các thầy tu phương Đông ngày xưa thường tự xưng mình là “bần đạo” hay “bần tăng”. Phải chăng ông đạo hay ông sư ấy gọi mình là kẻ nghèo (bần) để tự nhắc nhở bản thân rằng các vị là người không sở hữu của cải, tài sản thế gian?
Các vị ấy thường gọi người đời là “thí chủ” phải chăng để ngầm nhắc nhở họ hãy biết tập bố thí, biết tập giải trừ lòng chiếm hữu để tập bước vào đường đạo?
Trong đạo Cao Đài, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư khuyên những ai muốn bước chân xuống con thuyền bát nhã để được Ngài chở qua bến bờ giác ngộ (giải thoát), thì nên biết bỏ lại thế gian những gì của thế gian:
Nước biếc non xanh một chiếc đò
Ai qua bến giác Lão đưa cho
Bao nhiêu hành lý xin chừa lại
03-11-2010
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1782, ngày 05-11-2010
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 69-70