HỒI ÂM MỘT NGƯỜI BẠN
Lòng mong độ thêm một người chưa biết đạo
phải
song song với sự nuôi dưỡng đức tin
đối
với người bạn đạo. Nếu vô tình hoặc cố ý
để mất
đức tin một người bạn đạo lâu năm
còn
quan trọng hơn độ thêm năm,
Đức
Vạn Hạnh Thiền Sư
*
Sau khi tuần báo Công
Giáo và Dân Tộc, số 1808, đăng bài “Đồng
Cảm Với Thư Chung 2011 Bằng Tâm Tình Của Một Người Tín Hữu Cao Đài”, một
bạn đạo phương xa không ngại tốn thời gian, gởi tôi một câu hỏi liên quan đoạn
tôi viết: “Các tôn giáo chỉ là những
phương tiện cứu độ khác nhau để đưa loài người đến một bến đỗ tuyệt đích và duy
nhất là Đạo. Ai có duyên với phương tiện nào thì dùng phương tiện đó, nếu nửa
chừng họ muốn đổi phương tiện di chuyển thì cũng nên xem là chuyện nhỏ. Nếu ai
đó nửa cuộc hành trình bỗng đổi phương tiện di chuyển thì giá trị tuyệt đối của
một tôn giáo, một chánh pháp, không hề vì thế mà được tăng thêm hay bị giảm đi
trong cõi thế gian tương đối này.”
Bạn tôi muốn trao đổi với tôi về mấy chữ “cũng nên xem là chuyện nhỏ”. Theo bạn
tôi: “Làm sao có thể xem là chuyện nhỏ
được, mà mình cần phải có một thái độ cho thích đáng với trường hợp này, nhất
là khi mình thuộc về tôn giáo mà người kia từ bỏ để chuyển sang một tôn giáo
khác.”
Bạn mình đã có lòng, chẳng lẽ tôi làm biếng hồi âm?
Trước hết, hai chữ “chuyện nhỏ” tôi viết, hãy nên xem xét trong toàn bộ ngữ cảnh vấn
đề tôi nêu ra với mong muốn giữ gìn tình hòa ái cao nhã giữa những người tu
hành có ý thức trong các tôn giáo khác nhau; đừng vô tình tự biến người có tôn
giáo trở thành hình ảnh chưa đẹp trong mắt nhìn của anh chị em không tôn giáo.
Kế đến, việc bạn tôi muốn “mình phải có một thái độ cho thích đáng với trường hợp này”, thì
tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng nên là thái độ quy hướng về chính mình.
Vâng, nếu mình là một tín đồ, hay hơn thế nữa mình là
một chức sắc của tôn giáo A, mà biết một đạo hữu của mình bỏ sang tôn giáo B,
thì nhất định mình phải có thái độ thích đáng với chính mình.
Nói rõ ra, thái độ này không nhắm vào người đạo hữu
đã bỏ đi. Đừng nên phàn nàn hay chỉ trích người ấy. Trái lại mình chỉ nên tự
trách móc lấy chính mình, tự vấn lương tâm mình.
Thử hỏi, trong bao năm qua người bạn ấy đã tìm đến tu
học trong đạo mình, thế nhưng mình đã hành đạo ra sao, truyền đạo ra sao, và
sống đạo ra sao mà rốt cuộc lại làm cho người ấy mất đức tin?
Phải chăng bấy lâu nay bởi vì mình trót không làm
trọn vẹn bổn phận với đạo hữu và cũng bởi tu hành không đúng đạo, thế nên người
bạn ấy thay vì mỗi ngày một tăng trưởng đức tin, càng được kiên cố thêm đức
tin, thì ngược lại họ phải tiêu tán đức tin? Sự phá sản đức tin ở người bạn ấy
phải đâu một ngày một bữa mà là hậu quả dồn nén từ một quá trình tích tụ từng
ngày, từng tháng, từng năm.
Ngọn đèn đức tin của đạo hữu mình lu mờ, lung lay rồi
lịm tắt là do dầu hao, tim lụn lần hồi mà mình lơ đễnh không lo châm thêm dầu,
quên khêu sợi tim, chẳng biết hàng ngày lau chùi ống khói. Mình làm chức sắc mà
không tận tụy truyền giáo cho đạo hữu mỗi ngày một thông hiểu thêm chân lý cao
siêu của đạo nhà. Mình hướng dẫn tâm linh cho đồng đạo mà bản thân mình sống
đạo chưa đủ sức để làm ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh của đồng đạo…
Vậy, thay vì mất công sức tìm kiếm lỗi lầm của người
bị quy kết là “phản đạo” thì hãy bình tĩnh và thành thật tự kiểm điểm xem chính
mình đã sống đạo và tu hành ra sao mà lại phản tác dụng, khiến cho đạo hữu của
mình cuối cùng đành phải bỏ đi.
Nhà Nho ngày xưa
có câu:
“Trước hãy trách mình rồi sau mới trách người.” ([2])
Hay là:
“Trách người ắt trước tiên hãy trách lấy mình.” ([3])
Nhưng phải chăng chúng ta thường rất dễ nghiêm khắc
với người khác và quá đỗi khoan dung với chính mình? Bởi thế, Chúa mới nhắc nhở
chúng ta:
“Lấy cái xà ra
khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh
em!”
(Luca 6:42)
22-5-2011
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1809, ngày 27-5-2011
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 89-91.