PHỤ ĐÍNH:
BỆNH PHUNG TRONG PHÚC ÂM
1. Bệnh cùi (leprosy) được Phúc Âm nhắc tới rất nhiều
lần. Bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn (1922-1975) gọi nó là bịnh phong (Lê-vi 13:2). Nhóm Phiên Dịch
Các Giờ Kinh Phụng Vụ gọi nó là phong hủi
(Dân Số 5:2).
Ngày xưa, theo Paulus Huình Tịnh Của (1834-1907),
người Việt gọi bệnh này là cùi, hủi,
phung, phung cùi, phung hủi (xem: Đại
Nam
Quấc Âm Tự Vị, 1895, tome 1: tr.
202, 451; và 1896, tome 2: tr. 210).
Cũng ngày xưa, tổng đốc Đỗ Hữu Phương (1838-1914) là
một nhân vật tai mắt ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Tương truyền, nhân một Tết
Nguyên Ðán nọ, đại gia họ Ðỗ ra câu đối, có treo giải thưởng cho ai khéo đối.
Họ Đỗ thách đối:
Ðất Chợ Lớn có
nhà họ Ðỗ, đỗ một nhà, ngũ phước tam đa.
Vế thách đối dùng hai từ đồng âm: Đỗ (họ) và đỗ (thi đậu).
Ghét họ Đỗ quá tận tụy phục vụ thực dân Pháp cướp
nước, có người gởi đến câu đối lại như sau:
Cù lao Rồng có lũ
thằng phung, phun một lũ cửu trùng bát nhã.
Vế đối lại dùng hai từ đồng âm theo giọng miền Nam : phung (hủi, cùi) và phun (như trong miệng phun
ra). Vì sao địa danh cù lao Rồng được nhắc tới? Cù lao này (cũng gọi cồn Tân
Long) nằm trên sông Tiền thuộc Mỹ Tho; năm 1903 toàn quyền Đông Dương Paul Beau
ra nghị định thành lập trên cù lao Rồng một trại phung cho Nam Kỳ. Năm 1940
trại phung này dời về Tuy Hòa.
Như thế, căn cứ vào những điều dẫn trên, gọi cùi, hủi, phung là theo tiếng Việt; gọi phong là dựa theo chữ Hán, vì người Hoa
gọi bệnh này là ma phong bệnh 麻風病. Vậy, gọi phong hủi là ghép Hán (phong)
với Việt (hủi).
2. Kinh Thánh nói
nhiều tới bệnh phung vì bệnh này là hình ảnh minh họa cho sức hủy diệt của tội
lỗi.
Cựu Ước (Lê-vi 13)
chép lời Đức Chúa dạy cho hai vị Mô-sê và A-ha-ron cách phân biệt giữa bệnh
phung với các loại bệnh khác như: mụt, lác, đốm; ung nhọt; phỏng; chốc; mày
đay; sói đầu. Bất kỳ ai bị nghi ngờ mắc bệnh phung đều phải đến gặp tư tế để
xem xét (Lê-vi 13:2-3). Nếu bị tư tế kết luận là đã mắc bệnh phung, người bệnh
buộc phải theo quy chế là: áo xống phải xé tả tơi, đầu để tóc rối che mình đến
râu mép và kêu lên: “Nhơ, nhơ!” Chừng nào còn mang bệnh phung thì người ấy còn
nhơ uế, và phải sống riêng biệt một mình. Chỗ ở phải để bên ngoài trại của
những người không mắc bệnh (Lê-vi 13:45-46).
Cựu Ước (Lê-vi 14) chép lời Đức Chúa dạy cho hai vị Mô-sê
và A-ha-rôn cách tẩy uế người đã hết bệnh phung và nhà cửa bị nhơ uế vì phung
hủi.
Năm 1873 bác sĩ Hansen (1841-1912, người Na Uy) có
công tìm ra trực khuẩn leprae (cũng
gọi vi khuẩn Hansen) là nguyên nhân gây bệnh phung, nhờ đó sau này y học có
phương pháp chữa trị. Nhưng thời xưa, trước khi có được cách trị bệnh phung,
người ta tin rằng Trời gieo bệnh này để trừng phạt kẻ phạm tội. Bị mọi người
ghê tởm, khinh miệt, và ruồng bỏ, bệnh nhân không được quyền sống gần gũi cộng
đồng. Cựu Ước (Dân Số 5:2-3) chép lời
Đức Chúa dạy Thánh Mô-sê:
Hãy truyền cho
con cái Ít-ra-en phải đuổi ra khỏi trại mọi người phong hủi, (…). Các ngươi
phải đuổi chúng, bất kể đàn ông hay đàn bà, các ngươi phải đuổi ra khỏi trại,
kẻo chúng làm ô uế trại, nơi Ta cư ngụ ở giữa chúng.
Theo cổ luật Do Thái, người mắc bệnh phung phải ở
cách xa người không mắc bệnh (kể cả thân thích ruột thịt) khoảng 1,8 mét; nếu
có gió thổi, thì khoảng cách phải là 45 mét.([1]) Vì vậy, người bệnh phung phải sống chung với người
đồng cảnh ngộ cho tới khi chết, nếu bệnh không thuyên giảm. Đây là biện pháp
ngăn ngừa bệnh phung lây lan ở Do Thái thời xưa.
3. Phúc Âm theo Thánh
Mát-thêu (8:2-4) chép thêm một phép mầu khác của Đức Giê-su như sau:
Khi Ðức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi
theo Ngài. Và kìa, một người bị phung hủi tới gần, bái lạy Ngài và nói: “Thưa
Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Ngài giơ tay chạm vào
anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh ta được sạch bệnh phung
hủi. Rồi Ðức Giê-su bảo anh ta: “Coi chừng, chớ nói với ai cả, nhưng hãy đi
trình diện tư tế và dâng của lễ, như Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta
biết.”
Người bệnh phung
đó được Đức Giê-su chữa lành nhờ bản thân có đức tin vào Chúa. Phép mầu Chúa
ban cho anh ta cũng làm chứng cho lời Thánh tông đồ Phao-lô viết trong Thư Gửi Tín Hữu Ê-phê-xô (8:2):
Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em
được cứu độ. Đây không phải
bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa…
Người bệnh phung ấy đã dám cãi luật Do Thái, đã không
chịu giữ khoảng cách tối thiểu 1,8 mét, và chỉ có đức tin mãnh liệt vào Chúa
mới khiến anh ta chủ động tới gần Chúa, quỳ xuống lạy, cầu xin ơn Chúa: Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm
cho tôi được sạch.
Cùng với lời cầu xin ấy đầy xác tín ấy, hành động can
đảm cãi luật Do Thái của anh ta cũng làm chứng cho lời dạy này ghi trong Thư Gửi Tín Hữu Do Thái (4:16):
Bởi thế, ta hãy
mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và
lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.
4. Trong câu chuyện Một
Trong Mười trên đây, phép mầu của Đức Giê-su chữa lành cho cả nhóm mười
người phung.
Chúa bảo họ “Hãy
đi trình diện với các tư tế” là để họ được các tư tế xem xét tình trạng
sạch bệnh, không còn nhơ uế nữa, như Lê-vi 13 quy định. Mười người có đức tin
ấy đã vâng theo lời Chúa mà đi gặp các tư tế, và chính lúc đang đi như vậy thì
họ sạch bệnh. Có lẽ khi ấy họ đi chưa mấy xa, nên một trong nhóm mười người đó
bèn quay lại gặp Chúa, quỳ xuống tạ ơn.
Như dẫn trên, Thánh Lu-ca (17:11-19) chép sự kiện
Chúa làm phép mầu ngắn gọn. Nhưng chúng ta hiểu rằng chín người thọ ơn Chúa mà
cứ vô tâm bỏ đi, không một lời cảm ơn vắn vỏi, thì họ vẫn cứ sạch bệnh. Phép
mầu không mất đi trên da thịt họ, bởi vì Chúa đã cho thì không lấy lại. Nhưng, họ chỉ mới được cứu cho phần xác. Còn
người Sa-ma-ri, người duy nhất biết vội vàng chạy ngược lại tìm Chúa để thành
tâm cúi lạy tạ ơn thì sao? Anh được Chúa bảo gì?
Câu Lu-ca 17:19 được linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch: Hãy trỗi dậy mà đi về; lòng tin của ngươi đã
cứu chữa ngươi.
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch không mấy
khác: Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã
cứu chữa anh.
Nhưng tôi lại thích câu Lu-ca 17:19 trong bản King James hơn: Arise, go thy way: thy faith hath made thee whole.
Có lẽ đã noi theo bản King James nên trong chuyện kể A
Leper’s Thanksgiving, mục sư Wilson viết rằng Chúa đã bảo anh chàng Sa-ma-ri
là: Rise and go. Your faith has made you
whole.
Và tôi dịch câu ấy là: Dậy mà đi đi. Đức tin của anh đã biến anh thành toàn vẹn.
Tôi hiểu toàn
vẹn (whole) là cả xác lẫn hồn. Chín người kia không toàn vẹn, vì chỉ mới
được cứu chữa phần xác.
Trong bản tiếng Anh của Wilson , mục sư viết: They [chín người bệnh khác] had
received physical healing, indeed, but at Jesus’s feet, Bart had
received a healing of his whole person.
Mục sư Wilson
rất thâm thúy khi kết thúc truyện ngắn lại viết câu này: The gift of healing had sent him the message of God’s love, but thanks
had brought him home.
Tôi dịch câu văn của Wilson như vầy: Món quà cứu chữa đã gởi cho ông sứ điệp về tình yêu của Thiên Chúa,
nhưng lòng biết ơn đã mang ông về lại quê nhà.
Mặc dù home
thường được hiểu là nhà, nhưng tôi
chủ ý dịch là quê nhà. Bởi lẽ
tôi tin rằng mục sư Wilson
không hề ám chỉ ngôi nhà hữu hình nào đó của Ba-tô-lô-mê-ô được dựng lên trên miền
đất Sa-ma-ri-a. Tôi tin Wilson ,
cũng giống như những người tín hữu Cao Đài áo trắng, hiểu rằng thế gian này chỉ
là đất khách, là quê người, là chỗ tạm ghé để tạm trú trong vài mươi năm của
một kiếp người mỏng giòn.
Thế thì quê nhà đích thực của mỗi anh chị em chúng ta chẳng hề ở cõi ta
bà thế gian, mà thật ra là ở một nơi khác, vốn dĩ được các tôn giáo xưa nay gọi
bằng nhiều tên khác nhau: Thiên Đàng, Nước Trời, Thượng Giới, Cực Lạc, Niết
Bàn, Tịnh Thổ, v.v… Quê nhà đó còn được các tôn giáo hữu ngã hóa (personified) gọi là Thiên Chúa, Chúa,
Trời, Thượng Đế, Ngọc Hoàng, Phật, v.v…
Huệ Khải
Nhiêu Lộc, 22-6-2016
Sửa chữa 07-4-2019
Nguyệt san CGvDT số
258, tháng 6-2016