Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

42/31 ĐỨC TIN QUA SÔNG / NHỊP CẦU TƯƠNG TRI



ĐỨC TIN QUA SÔNG

Thầy bảo thật anh em: Nếu anh em
có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi,
thì dù anh em có bảo núi này rời khỏi đây,
qua bên kia, nó cũng sẽ qua và sẽ
 chẳng có gì mà anh em không làm được.
Matthêu 17:20
*
Sinh ra trong một gia đình Bà La Môn nghèo ở nông thôn xứ Bengal, Ramakrishna (1836-1886) là một nhà huyền học (mystic) danh tiếng của Ấn Độ thế kỷ 19. Cao đồ của ngài là Vivekananda (1863-1902). Cả thầy và trò được xem là hai nhân vật có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào phục hưng xứ Bengal và phong trào cải cách đạo Bà La Môn (Ấn Giáo) trong hai thế kỷ 19 và 20. Trò được tôn kính là Swami Vivekananda. Swami là tiếng tôn xưng bậc tu hành đã làm chủ được bản thân, không còn bị thất tình lục dục chi phối, là bậc thầy về thiền (yoga), hết lòng sùng kính và phụng sự Thượng Đế… Còn thầy được tôn kính là Sri Ramakrishna. Sri nguyên nghĩa là hào quang, dùng làm tiếng tôn xưng trước một tên gọi, có thể xem na ná như chữ Đức trong tiếng Việt.
Sri Ramakrishna được môn đệ xem là Đấng Giác Ngộ (Paramahamsa), được những người sùng bái tin là hóa thân (avatar) của Thượng Đế. Sri Ramakrishna hay dạy đạo bằng dụ ngôn.
Và đây là chuyện tôi nghe:
Cô gái quê nọ được cha mẹ phân công hàng ngày đi giao sữa tươi cho khách hàng trong làng. Một khách hàng là tu sĩ Bà La Môn. Để tới được chỗ tu sĩ, cô gái phải vượt qua con sông khá rộng. Phương tiện duy nhất là dùng đò ngang, dĩ nhiên có tốn chút tiền công trả cho người chèo đò.
Một hôm tu sĩ bực mình cô gái đến trễ, làm lỡ việc ông dâng sữa tươi cúng trên bàn thờ. Bị rầy rà, cô gái phân trần rằng từ sớm tinh mơ cô đã lên đường, nhưng phải chờ đò quá lâu.
Làm mặt nghiêm, tu sĩ bảo cô:
- Sao không biết liên tục niệm hồng danh Thượng Đế? Ngài sẽ giúp con băng qua sông dễ ợt.
Sau lần đó, cô gái không hề giao sữa trễ nữa. Tu sĩ rất đỗi ngạc nhiên, bèn hỏi lý do. Cô hồn nhiên đáp rằng cô đã làm đúng theo lời chỉ dạy của tu sĩ và cứ thế mà bước phăng phăng trên mặt nước, khỏi phải chờ đò.
Không tin chuyện… hoang đường, tu sĩ bảo cô hãy làm thử cho ông chứng kiến tận mắt.
Chẳng do dự, cô gái dẫn tu sĩ ra bờ sông. Thấy cô bước đi thoăn thoắt trên mặt nước hệt như đi trên mặt đất bằng phẳng, tu sĩ liền làm gan, nối gót bước theo.
Chợt nghe sau lưng có tiếng kêu cứu, cô gái quay lại, thấy tu sĩ hai tay còn giữ vạt áo đã vén cao tới bụng, nhưng hai chân thì đang chìm xuống nước. Cô cằn nhằn:
- Sao thầy vén áo? Còn sợ áo ướt thì thầy đâu có tin vào Thượng Đế!
15-01-2011
HUỆ KHẢI
CGvDT số 1792, ngày 21-01-2011
Nhịp Cầu Tương Tri. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 81-82.