HAI KẺ ĐI HOANG
Có bạn
trẻ bày tỏ với tôi nỗi băn khoăn về tính khả thi của việc đối chiếu tôn giáo.
Theo bạn ấy, các tôn giáo vốn rất khác nhau về lịch sử, giáo lý, nghi lễ, đời sống
tu hành… thì rất khó mong so sánh cho trọn vẹn và hiệu quả!
Bạn ấy
có lý. Nhưng như thế chẳng có nghĩa là không làm được. Vấn đề là biết cách làm,
tức là phải được đào tạo (hay tự đào tạo) phương pháp đối chiếu tôn giáo. Thật
ra, trong các tôn giáo luôn có sẵn những yếu tố tương đồng rất thú vị khiến
chúng ta sửng sốt để rồi say mê tìm kiếm tiếng nói chung giữa các tôn giáo Đông
Tây kim cổ.
Tôi muốn
thử kể một trường hợp để bạn ấy cũng như quý vị quan tâm việc đối chiếu tôn
giáo cùng suy gẫm.
Tin Mừng theo
Thánh Luca (15:11-32) có chép dụ ngôn của Chúa về người cha nhân hậu. Người con
thứ xin cha chia gia tài rồi mang đi phung phí, phá tán ở phương xa. Hậu quả
anh phải đi chăn heo thuê, đói khổ. Sau cùng, anh quay về quê xin làm công cho
cha. Vừa thấy con từ xa, cha anh vội chạy tới ôm chầm, và hôn lấy hôn để. Ông bảo
người nhà đem áo đẹp nhất ra mặc cho anh, đeo nhẫn, mang dép cho anh, rồi đi
bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng. Khi người con cả ngoài đồng
trở về, thấy chuyện lạ, bất bình. Người cha nhân hậu giải thích: “Chúng ta phải
ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống; đã mất, nay lại tìm
thấy.”
Trong
kinh Pháp Hoa, quyển 2, phẩm Tín Giải, có chép dụ ngôn của Phật về đứa
con bỏ cha đi qua xứ khác hai ba chục năm, rồi nghèo khổ, phải làm thuê nuôi
thân. Ngày kia anh về quê, thấy cha bấy giờ rất giàu, không khỏi sợ hãi nên toan
lẻn đi phương khác. Người cha kịp trông thấy, mà hiểu bụng con, nên chưa dám
nhìn nhận là con mình. Ông cho người chạy theo dụ ngọt, bảo hãy về làm thuê cho
ông. Có lúc ông còn hóa trang thành kẻ cùng khổ, để được làm việc quét dọn bên
cạnh con, thủ thỉ khuyên bảo. Lần hồi ông cất nhắc anh, bảo anh hãy coi ông như
cha, đừng phụ lòng, cố gắng làm việc, giúp ông coi sóc nhà cửa, sản nghiệp. Khi
thấy tánh nết con đã thuần, lúc sắp lìa trần, ông cho gọi mọi người và anh ta tới
để xác nhận đây là con ruột của mình, và giao lại gia tài.
Hai dụ
ngôn cùng lấy nhân vật đứa con đi hoang trở về. Đứa con đó tượng trưng cho
chúng sanh lầm lỗi mà biết hối ngộ. Hai người cha hỷ xả, nhân ái đó tượng trưng
cho Chúa, cho Phật luôn luôn từ bi cứu rỗi chúng sanh.
Đừng quá
chú ý tới những dị biệt tiểu tiết. Hãy lưu tâm ở chỗ giống nhau trong chủ đề tư
tưởng. Nắm được chỗ đại đồng đó, ắt lãnh hội vì sao Lục Tượng Sơn (1139-1192) đời Tống nói:
“Ở biển
Đông có Thánh Nhân xuất hiện, cũng nói cái lý ấy, nói cái tâm ấy. Ở biển Tây có
Thánh Nhân xuất hiện, cũng nói cái lý ấy, cái tâm ấy. Ở biển Nam, biển Bắc có Thánh
Nhân xuất hiện, cũng nói cái lý ấy, cái tâm ấy. Trăm ngàn đời về trước, có Thánh
Nhân xuất hiện, cũng nói cái lý đó, cái tâm đó. Trăm ngàn đời về sau, cũng nói
cái lý đó, cái tâm đó mà thôi.”
Và đó cũng là lý do mà ngày nay đạo Cao Đài chủ trương: Vạn giáo nhất lý.
19-10-2010
HUỆ KHẢI
CGvDT số
1780, ngày 22-10-2010