5. PHÉP MẦU TẠI HỒ BẾT-DA-THA
Phúc Âm theo Thánh Lu-ca (3:23) cho biết:
Khi Đức Giê-su khởi sự rao giảng, Người
trạc ba mươi tuổi. Trước khi hy sinh trên thập giá, trong khoảng vài năm
rao giảng Tin Mừng, Chúa làm nhiều phép mầu. Có một phép mầu được Phúc Âm theo
Thánh Gio-an (5:1-15) chép như sau:
Sau
đó, nhân dịp lễ của người Do Thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Tại
Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên,([1]) có
một hồ nước, tiếng Híp-ri ([2]) gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành
lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại ([3]) nằm la liệt ở đó, (chờ cho nước động, vì
thỉnh thoảng có thiên thần xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai
xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi). Ở đó, có một người đau
ốm đã ba mươi tám năm. Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong
tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Bệnh nhân đáp:
“Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới
đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi
dậy, vác chõng mà đi!” Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm
đó lại là ngày sa-bát.([4])
Người
Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được
phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi:
Anh hãy vác chõng mà đi!” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh vác chõng mà đi?”
Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi,
vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói:
“Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!”
Anh ta đi nói với người Do Thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh.
Dựa theo đoạn Phúc Âm dẫn trên, họa sĩ
Bartolomé Esteban Murillo (Tây Ban Nha, 1617-1682) khoảng những năm 1667-1670
đã vẽ bức sơn dầu Đức Ki-tô Chữa Người Bị
Liệt Tại Hồ Bết-da-tha (Christ
Healing the Paralytic at the Pool of Bethesda).
Còn mục sư Wilson thì viết thành câu chuyện Chữa Lành Phân Nửa Tại Hồ Bết-da-tha (Half-Healing at the Pool of Bethesda) và
đặt tên cho người vô danh thọ ơn Chúa là A-ma-sai. Tại sao lại chữa lành phân nửa? Tại sao lại là A-ma-sai mà không là người nào
khác? Đó chính là điểm nhấn (emphasis)
của câu chuyện do Wilson kể lại sau đây.
Ralph F. Wilson kể chuyện như sau
Hôm nay Đức Giê-su chăm chú
nhìn một trong số những người đau khổ ở Giê-ru-sa-lem. Kẻ thất cơ lỡ vận, què
quặt, và tội lỗi nặng nề này chẳng phải là một ứng viên lý tưởng để được ban
phép mầu.
A-ma-sai sống tàn phế ba mươi tám năm,
một phần đời dài nhất của ông ta. Nếu có điều gì mô tả A-ma-sai, thì đó là bệnh
bại liệt. Đôi chân bị liệt quá lâu đến nỗi chúng hóa ra khẳng khiu, teo tóp,
héo rũ. Chẳng có chút sinh lực nào ở chúng cả.
Một số người tàn phế đi xin ăn để kéo dài
kiếp sống lây lất. Những người khác thì làm một nghề nào đó, nếu họ còn sức
khỏe và đủ khéo tay. Nhưng A-ma-sai cứ buông trôi năm tháng trên manh chiếu
cạnh hồ nước công cộng, mòn mỏi đợi chờ, vô công vô dụng và phiền não chán
chường. Mỗi sáng có người mang ông ra hồ. Mỗi tối có người mang ông về nhà.
Nằm ngay phía bắc những bức tường của Đền
Thờ, hồ Bết-da-tha gồm hai hồ được các dòng suối tiếp nước. Hồ phía nam đủ nông
cho người ta chuồi xuống. Bốn phía chung quanh hồ là những cây cột cao nghệu đỡ
lấy mái vòm để che mát trong những ngày dài nóng bức.
Khách hành hương tới Giê-ru-sa-lem tìm
đến hồ để tẩy trần cho tinh khiết theo nghi lễ. Nhưng hầu hết những người có
mặt tại hồ hôm nay đều tàn tật: mù lòa, què quặt, liệt bại.
Họ tụ tập ở đây vì truyền thuyết kể rằng
thỉnh thoảng một thiên thần sẽ tới khuấy động nước hồ. Liền sau đó, người tàn
tật nào có thể chuồi xuống nước trước tiên sẽ được chữa lành.
Nhưng bá tánh quá đông, có lúc lên đến
hằng trăm kẻ bệnh người què chực chờ sự kiện ấy. Họ thường xuyên bám trụ, mỗi
người chiếm cứ một chỗ riêng, mà phần nhiều ở trong bóng râm không quá xa mép
hồ. Những lúc nước hồ thình lình sủi bọt, đám đông lại nháo nhào lao xuống.
A-ma-sai chẳng bao giờ là kẻ trước tiên,
thậm chí là được kế cận. Bởi lẽ ông què quặt, cần có người giúp xê dịch, mà
chẳng ai giúp cả. Không có bạn bè nào chen vào và thả ông xuống nước. Thế nên,
dù ngày lại ngày đều có mặt bên hồ, A-ma-sai chưa hề được chữa lành.
Vào cái ngày đặc biệt này, như một phần
an bài của trời đất, Đức Giê-su rời khỏi Đền Thờ và sãi bước về phía hồ Bết-da-tha.
Trước đây Chúa từng ở đó, nhưng hôm nay Chúa đang tìm một kẻ mà Cha Người sẽ
chỉ dẫn. Chúa bước lại gần A-ma-sai rách rưới, đang nằm bẹp trên chiếu, gắng
gượng cho qua ngày đoạn tháng.
Không ai nhận ra Đức Giê-su, dù bấy giờ
Chúa đã nổi tiếng ở Giê-ru-sa-lem. Đến chỗ A-ma-sai nằm, Chúa ngồi xổm xuống để
gần tầm mắt kẻ tàn tật hơn, và hỏi:
“Ông có muốn lành bệnh không?”
Ôi, một câu hỏi kỳ cục! Đương nhiên người
bệnh nào cũng muốn được chữa lành. Nhưng dù sao Đức Giê-su vẫn hỏi. Các bạn
biết đấy, có những người quá để tâm vào tật bệnh bản thân hay khó khăn rắc rối
của mình đến nỗi cho dù họ bảo rằng họ muốn thoát khỏi nó, song vì được người
khác chú ý, xót thương nên rốt cuộc họ thật sự chẳng muốn thoát khỏi nó chút
nào.
Bằng câu hỏi ấy, Đức Giê-su muốn A-ma-sai
trò chuyện.
A-ma-sai đáp: “Thưa ngài, chẳng ai giúp
tôi xuống hồ khi nước bị khuấy động. Trong lúc tôi đang ráng sức lết tới thì kẻ
khác đã xuống hồ trước tôi rồi.”
Đức Giê-su nhìn sâu vào tận tâm hồn
A-ma-sai. Chúa không thấy một chút gì giá trị. Chúa không thấy một người can
đảm giáp mặt bệnh tật đời mình. Thậm chí Chúa không thấy một người tốt lành về
căn bản. Thay vào đó, Đức Giê-su nhìn thấy một tội lỗi thâm căn cố đế vốn là
cội rễ của mọi tật bệnh ông ta đeo mang. A-ma-sai là một tội nhân ích kỷ, già
nua, thảm hại, là kẻ chẳng có tương lai và không còn hy vọng, ngoại trừ trông
cậy vào ơn Chúa.
Đức Giê-su nhìn A-ma-sai rồi đứng thẳng
người lên, và bằng giọng nói đầy quyền uy của Thượng Đế, Chúa ra lệnh: “Hãy
trỗi dậy! Hãy nhặt lấy chiếu mà bước đi!”
Hốt nhiên, A-ma-sai được chữa lành. Một
A-ma-sai suy nhược và héo rũ thình lình cảm nhận được sức mạnh như cơn lũ tràn
dâng trong thân thể, trong hai chân, và ông ta đứng phắt dậy. Rồi cúi xuống
nhặt manh chiếu cặp vào nách, ông ta bắt đầu bước đi.
Mọi người chung quanh A-ma-sai biết rằng
đã xảy ra chuyện gì đó. Họ xôn xao, và ai còn đi được thì đổ xô tới ông ta.
Đức
Giê-su lùi lại. Chúa không ở đó để cho bá tánh chú ý. Chúa ở đó để chữa lành
một kẻ hoàn toàn không xứng đáng được cứu chữa.
Thiên hạ
bủa vây lấy A-ma-sai. Khi ông cố thoát ra khỏi khoảnh sân, thì mấy ông Do Thái
nghiêm khắc, có lẽ là người Pha-ri-sêu,([5]) chặn ông lại: “Hôm nay là ngày sa-bát. Vào
ngày thánh thiêng của Thượng Đế, ông không được phép mang vác bất kỳ thứ gì, hà
huống là giường chiếu. Như thế là trái Luật Trời.”
Sửng sốt, A-ma-sai đổ lỗi cho người ơn
của mình: “Cái ông chữa lành cho tôi bảo tôi nhặt chiếu lên mà mang đi.”
Họ hỏi:
“Đó là ai? Tên gì?”
A-ma-sai
đáp: “Tôi không biết.”
Sau đó,
A-ma-sai ra Đền Thờ tạ ơn được chữa lành. Đức Giê-su đang dạy đạo ngoài sân
đền. Trông thấy A-ma-sai, Chúa ngưng bài giảng và bước tới bảo: “Này, ông khỏe
mạnh lại rồi. Đừng phạm tội nữa, kẻo có sự tệ hại hơn trước sẽ xảy đến
cho ông.”
Điểm
nhấn của Ralph F. Wilson là gì?
1. Trong câu chuyện kể trên, mục sư Wilson nhấn mạnh chi tiết
A-ma-sai không có chút gì xứng đáng để được Đức Giê-su cứu chữa; nhưng Chúa đã
ban ơn cho kẻ hoàn toàn không xứng đáng ấy.
Dụng tâm của tác giả nhấn mạnh chi tiết ấy khiến tôi nhớ lại,
thỉnh thoảng có dịp cùng dự thánh lễ với quý anh chị Ki-tô hữu, thường có một
lời cầu nguyện của cộng đoàn luôn làm tôi xúc động: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con; nhưng xin Chúa
phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh. Tuy
nhiên, điều này lại khiến người ta dễ ngộ nhận rằng Ki-tô hữu chỉ trông cậy tha lực mà thiếu tự lực.
2.
Trong nhan đề bản tiếng Anh, Wilson
viết là Half-healing (chữa lành phân
nửa). Đức Giê-su đầy quyền năng sao chỉ chữa lành phân nửa? Tại sao A-ma-sai
chỉ được chữa lành năm mươi phần trăm?
Lời Chúa dạy A-ma-sai ở cuối câu chuyện
giúp chúng ta trả lời thỏa đáng câu hỏi nêu trên:
2.1. Nỗi
thống khổ ba mươi tám năm A-ma-sai đeo mang không phải do Trời phạt. Thượng Đế
hay Thiên Chúa đại từ đại bi, lúc nào cũng thương xót chúng sanh; vậy thì thưởng
phạt con người là do Luật Trời chí công vô tư tác động. Luật ấy cũng gọi là nhân quả báo ứng. Do quá khứ tích chứa rất nhiều tội lỗi (gieo nhân xấu) nên hiện tại A-ma-sai
phải chịu đau khổ ba mươi tám năm đăng đẵng (trả quả xấu). Nếu Đức Giê-su không đến với A-ma-sai, thì ông ta ắt
sẽ còn phải lây lất sống thừa lâu dài thêm nữa.
2.2. Ơn
Chúa chữa lành cho kẻ không xứng đáng là để giúp con người tội lỗi thức tỉnh,
thành tâm sám hối, cải tà quy chánh. Y có dứt khoát từ bỏ quá khứ tối tăm thì
mới không phải nhận lãnh những quả báo xấu sẽ quay trở lại với cường độ còn
mãnh liệt hơn, dữ dằn hơn; thế nên Đức Giê-su cảnh báo: Đừng phạm tội nữa, kẻo có sự tệ hại hơn trước sẽ xảy đến cho ông.
Tóm lại, chỉ khi nào A-ma-sai thành tâm sám hối và vĩnh
viễn cải tà quy chánh thì bấy giờ ông ta mới thật sự được chữa lành trọn vẹn
một trăm phần trăm. Ơn Chúa (tha lực)
là năm mươi, và phần tự lực với ý chí
của ông là năm mươi.
Huệ
Khải
Nhiêu Lộc, 03-3-2019
Sửa
chữa 04-4-2019
Nguyệt
san CGvDT số 291, tháng 3-2019