Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

125/1c. THƯ GIU-SE GỞI MẸ / PHÚC ÂM KỂ LẠI THEO R.F. WILSON


1. THƯ GIU-SE GỞI MẸ


Về sự kiện ông Giu-se quê quán ở Na-da-rét ([1]) chấp nhận bà Ma-ri-a đang mang thai, đưa bà về nhà ông, Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu (1:18-25) thuật lại như vầy:
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô:([2]) Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn ([3]) với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.([4]) Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:([5]) Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
Nhiều họa sĩ danh tiếng đã để lại thế gian những kiệt tác lấy cảm hứng từ câu Phúc Âm dẫn trên: sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông (Mát-thêu 1:20). Trong số đó có bức tranh sơn dầu Giấc Mộng Của Thánh Giu-se (Le songe de saint Joseph) do họa sĩ Pháp Pierre Parrocel (1664-1739) sáng tác.
Trong xã hội Do Thái xa xưa, hay trong một xã hội ở bất kỳ thời đại nào khác, chấp nhận một vị hôn thê có thai mà mình không hề là cha đứa trẻ ấy, nào phải là chuyện đơn giản. Đương nhiên ông Giu-se đau khổ lắm chứ. Bởi vậy, dù rất tốt bụng, tuy không muốn tố giác bà ra trước làng nước theo tục cổ, người đàn ông công chính này vẫn định tâm bỏ bà cách kín đáo, tức là âm thầm hủy hôn ước. Thế nhưng, sau đó, tuân lời sứ thần của Chúa, ông can đảm đón bà về nhà, gác ngoài tai tất cả mọi lời đàm tiếu, dị nghị cay độc của thế gian thường tình.
Lòng dũng cảm hy sinh cao sâu như núi như biển kia, Thánh tông đồ Mát-thêu không một lời nào diễn tả. Từ chỗ định hủy hôn ước cho tới lúc vâng theo lời truyền ban của thiên sứ, suốt thời gian đớn đau ấy lòng dạ ông Giu-se đương nhiên ngổn ngang trăm mối, rối rắm muôn bề, thế mà Phúc Âm cũng chẳng dành được nửa chữ chép ghi. Phải chăng chỉ khi nào đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người đàn ông tên là Giu-se trong bối cảnh xã hội cổ xưa của Do Thái, thì may ra mới có thể thẩm thấu được phần nào nỗi lòng của ông thợ mộc Giu-se buổi ấy?


Mục sư Ralph F. Wilson đã có được sự đồng cảm lạ lùng khi đặt mình vào tâm trạng của ông Giu-se hơn hai ngàn năm trước. Diễn bày tâm trạng ấy, qua chuyện kể Joseph’s Letter Home (Thư Giu-se Gởi Về Nhà), Wilson cho thấy đức độ của Đức Thánh Cả Giu-se quê quán ở Na-da-rét.
Ralph F. Wilson kể chuyện như sau
Thưa mẹ,
Chúng con – Ma-ri-a cùng con và bé Giê-su – vẫn còn ở Bê-lem.
Mùa hè năm ngoái có nhiều điều con đã không thể bày tỏ với mẹ. Lúc ấy dẫu nói ra thì mẹ cũng chẳng tin đâu, nhưng giờ đây có lẽ con kể hết cho mẹ được rồi. Con hy vọng là mẹ hiểu.
Mẹ biết mà, lúc nào con cũng thương yêu Ma-ri-a. Thuở cô ấy hãy còn nhỏ xíu thì bố mẹ thường cứ trêu ghẹo, ghép đôi con với cô bé. Cô và mấy anh cô hay chơi đùa trên con lộ trước nhà chúng ta. Gia đình ta và gia đình cô đã cùng ăn tối với nhau. Nhưng vừa mới cách nay một năm thì cái ngày khó khăn nhất đời con lại đến lúc con hai mươi tuổi còn cô ấy chỉ mới mười lăm. Mẹ nhớ ngày ấy mà, phải không mẹ?
Rắc rối bắt đầu sau khi chúng con đính hôn và ký tên vào hôn ước trong lễ ăn hỏi. Cũng mùa xuân năm ấy Ma-ri-a đột nhiên đi thăm người chị bà con là Ê-li-da-bét ở Giu-đê.([6]) Cô ấy đi suốt ba tháng. Sau khi cô ấy trở về, thiên hạ bắt đầu to nhỏ xầm xì rằng dường như cô ấy mang thai.
Đó là một ngày u ám khi cuối cùng con đem lời thiên hạ đồn đãi mà truy vấn nàng. Rốt cuộc, con hỏi: “Ma-ri-a, em sắp có con phải không?”
Đôi mắt nâu trong veo của nàng nhìn vào mắt con. Nàng gật đầu.
Con hết biết nói gì. Sau cùng, con lắp bắp: “Ai?”
Mẹ ơi, con và Ma-ri-a chưa hề làm điều gì vượt qua lễ giáo – thậm chí sau khi chúng con đã đính hôn.
Ma-ri-a nhìn xuống. Nàng nói: “Giu-se, em chẳng có cách chi giải thích được. Anh không hiểu nổi đâu. Nhưng em muốn anh biết rằng em chưa hề quan tâm tới ai ngoài anh ra.” Nàng đứng lên, dịu dàng nắm hai bàn tay con, hôn lên từng bàn tay như thể chẳng còn bao giờ nàng lại được hôn tay con lần nữa, xong rồi nàng quay về nhà. Nàng hẳn chết từng khúc ruột. Con thì biết là con tan dạ nát lòng.
Thời gian còn lại trong ngày ấy con làm việc mà cứ luôn va vấp. Cũng lạ là con không bị trầy trụa xây xước khi cưa bào đục đẽo. Thoạt đầu con căm giận và nện thình thịch lên cái khung cửa con đang đóng để trút xuống nỗi lòng não nề. Đầu óc con quay cuồng như chong chóng đến mức con không thể nào tập trung vào công việc. Sau cùng con quyết định cứ âm thầm từ bỏ nàng để hủy hôn ước. Con yêu nàng vô chừng thì làm sao có thể bêu riếu nàng trước làng nước được.
Con đã không thể tỏ bày với mẹ hay bất cứ ai về chuyện ấy. Con bỏ vào giường sớm và cố dỗ giấc ngủ. Lời nàng nói cứ lởn vởn trong đầu con. “Em chưa hề quan tâm tới ai ngoài anh ra… Em chưa hề quan tâm tới ai ngoài anh ra…” Chao ôi, ước gì con tin được nàng!
Chẳng biết con đã ngủ thiếp đi vào lúc nào nữa. Mẹ ơi, Chúa cho con nằm mộng thấy một sứ thần của Chúa đến với con. Lời ngài nói rung chuyển tâm hồn con dữ dội đến nỗi con nhớ rõ như thể mới vừa xảy ra hôm qua thôi.
Ngài nói rền vang như sấm: “Này Giu-se, con cháu vua Đa-vít, chớ sợ hãi khi rước Ma-ri-a về nhà làm vợ, bởi lẽ bà đang mang thai do Chúa Thánh Thần.”
Mẹ ơi, con không tin vào tai mình. Đây là câu trả lời! Thiên sứ nói tiếp: “Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên hài nhi là Giê-su vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
Hai bàn tay to tướng của thiên sứ bấu chặt đôi bờ vai con. Ánh mắt ngài chằm chằm nhìn xuyên thấu vào tận bên trong con một lúc lâu. Ngay khi ngài vừa quay đi, con nghĩ là con nhìn thấy một nụ cười trên gương mặt tỏa sáng của ngài.
Con ngồi chết cứng trên giường. Sau đó chẳng ngủ nổi! Con trằn trọc mãi, cứ ôn tới ôn lui từng lời của thiên sứ. Rồi con nhổm dậy, rón rén mặc quần áo để khỏi đánh thức mẹ.
Con hẳn đã cuốc bộ mấy dặm dài dưới bầu trời thiếu ánh trăng. Các vì sao giống như cả ngàn đầu kim li ti châm chi chít vào màn đêm tăm tối. Một làn gió nồng phất vào mặt con.
Mẹ ơi, con đã ca hát xưng tụng Chúa. Vâng, con đấy, ca hát, nếu mẹ có thể hình dung được. Con không thể kềm chế nỗi mừng vui. Con thưa với Chúa rằng con sẽ đón Ma-ri-a về và chăm sóc nàng. Con thưa với Chúa rằng con sẽ trông nom nàng − và con trẻ − thiên hạ có nói gì thì cũng mặc.
Con quay về ngay khi vầng dương vừa hôn lên những đỉnh đồi. Mẹ ơi, con không biết liệu mẹ có còn nhớ nổi buổi sáng hôm ấy chăng. Con thì có thể nhìn thấy rõ trong tâm con cơ hồ như mới là hôm qua thôi. Mẹ đang cho gà qué ăn, ngạc nhiên thấy con ra ngoài sớm thế. Mẹ nhớ chứ?
“Mẹ ngồi xuống đi.” Con nói với mẹ. “Con phải kể mẹ nghe chuyện này.” Con cầm tay mẹ và giúp mẹ tìm lấy một chỗ ngồi trên tảng đá lớn. Con nói: “Mẹ, con sắp đưa Ma-ri-a về nhà làm vợ con. Mẹ có thể dọn một chỗ cho nàng để đồ đạc không?”
Mẹ im lặng một lúc lâu. Sau cùng mẹ nói, ánh mắt long lanh: “Con à, con chẳng biết thiên hạ đang nói gì, phải không con?”
“Con biết chứ, mẹ.”
Mẹ bắt đầu cao giọng: “Nếu bố anh còn sống, mẹ bảo cho mà biết nhé, bố anh sẽ mắng cho xem. Buông thả như thế trước khi các người cưới nhau. Điếm nhục gia phong. Anh… anh và Ma-ri-a hãy nên hổ thẹn lấy mình!”
Mẹ sẽ chẳng đời nào tin đâu nếu như con cố giải thích, thế nên con chẳng biện bạch gì hết. Mẹ sẽ cười khinh con, trừ phi thiên sứ mách bảo mẹ.
Con nói: “Mẹ à, đây là điều đúng đắn con phải làm.”
Và rồi con bắt đầu nói với mẹ như thể con là gia trưởng: “Khi nàng về nhà này con không muốn có một lời nào về chuyện thai nghén. Nàng là con dâu mẹ, mẹ hãy tôn trọng nàng. Nàng sẽ cần mẹ giúp đỡ nếu nàng phải chịu đựng những lời xiên xỏ của láng giềng!”
Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Mẹ đâu đáng bị nói năng như thế. Mẹ giận dỗi chực đứng lên.
Con khẽ khàng: “Mẹ, con cần mẹ.” Mẹ níu tay con đứng dậy, nhưng ánh mắt không còn bừng lửa giận.
“Con có thể trông cậy mẹ, Giu-se à.” Mẹ ôm con thật lâu. Và mẹ đã chứng minh lời nói ấy. Con chưa hề nghe thêm lời nào khác. Mấy tháng sau đó không một nàng dâu nào lại có thể mong có được bà mẹ chồng tốt hơn mẹ.
Mẹ, sau đó con rời nhà mình, đi ngược lên con đường dẫn tới nhà Ma-ri-a và gõ cửa. Khi mở cửa ra, mẹ nàng nhìn con chòng chọc. “Giu-se tới!” Bà lớn tiếng gọi vọng vào trong nhà, giọng gay gắt, cơ hồ phun cái tên con ra khỏi mồm.
Ma-ri-a bé nhỏ của con len lét bước ra, như thể nghĩ rằng con sẽ tát nàng một cái, con cho là vậy. Đôi mắt nàng đỏ hoe, sưng húp. Con có thể tưởng tượng ra bố mẹ nàng đã nói những gì.
Chúng con rời xa khỏi nhà mấy bước. Trông nàng thật bé bỏng và sợ hãi. Con dịu dàng bảo nàng: “Ma-ri-a, em soạn đồ đi. Anh đón em về nhà làm vợ anh đây.”
“Giu-se!” Nàng ôm ghì con thật chặt. Mẹ à, con đâu biết nàng khỏe đến thế.
Con kể nàng nghe những gì con đã sắp xếp. “Tuần này chúng mình tới nhà ráp-bi Ben-Ezer ([7]) và nhờ thầy ấy làm lễ cưới.”
Mẹ, con biết như vậy là quá đỗi đột ngột, nhưng con hình dung rằng chúng con càng cưới nhau sớm chừng nào thì càng tốt hơn cho nàng, cho con, cho em bé chừng nấy.
“Ma-ri-a à, ngay cả khi bè bạn em không tới, ít ra mình cũng có thể nguyện hứa thương yêu nhau trước Chúa.” Con ngưng lại một chút rồi tiếp: “Anh nghĩ là mẹ sẽ tới dự. Và có lẽ Rê-béc-ca bạn em cũng sẽ tới nếu cha nàng cho phép. Còn bố mẹ em thì sao?”
Con có thể cảm thấy tấm thân bé bỏng của Ma-ri-a run rẩy khi nàng lặng lẽ khóc.
Con nhận thấy chính con dũng cảm hơn khi bảo: “Ma-ri-a ơi, thiên hạ nói chi về em cũng mặc kệ. Anh hãnh diện em sắp làm vợ anh. Anh sẽ chăm sóc em. Anh hứa với Chúa rồi.”
Nàng ngước lên.
Con hạ thấp giọng: “Ma-ri-a, đêm qua anh nằm mơ. Anh thấy một thiên sứ. Anh biết.”
Nỗi đớn đau bấy lâu bấu víu trên gương mặt nàng tan biến. Nàng rạng rỡ khi chúng con quay lưng rời khỏi nhà và bắt đầu sóng bước bên nhau đi lên đồi.
Ngay lúc ấy mẹ nàng chạy bổ ra sân. “Gượm đã!” Bà kêu lên. Bà hẳn đã nép sau cánh cửa và lóng nghe hết cả. Những giọt nước mắt chảy thành dòng trên đôi má.
“Để mẹ gọi bố!” Bà kêu lên, cơ hồ choáng váng vì xúc động. Vén gọn lại váy, bà khóc và chạy bổ đi tìm chồng: “Bố nó ơi, nhà mình… nhà mình sắp có đám cưới nè!”
Chuyện là thế, mẹ à. Tạ ơn mẹ đã dự lễ cưới vì thương chúng con. Con sẽ sớm viết thư khác thăm mẹ.
Con yêu mẹ,
Giu-se.
Huệ Khải
Nhiêu Lộc, 08-12-2014
Sửa chữa 02-4-2019
Nguyệt san CGvDT số 204, tháng 12-2014



([1]) Na-da-rét: Một làng ở Ga-li-lê. Theo Phúc Âm thì Chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se đã cư ngụ ở đó. Ngày nay Na-da-rét là thành phố phía bắc nước Ít-ra-en. Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu (2:23) gọi Na-da-rét là thành.
([2]) Ki-tô: Danh hiệu (title) của Chúa Giê-su, dịch âm (transliterating) chữ Cristo (tiếng Bồ Đào Nha). Tiếng Latin gọi là Christus; Hy Lạp gọi là Kristos; Pháp và Anh gọi là Christ. Người Hoa dịch âm Cristo và viết là 基督, từ Hán-Việt là Cơ Đốc.
Cristo (Christ) nghĩa là Đấng được xức dầu (the Anointed One), cũng gọi là Đấng Mê-si-a (Messiah) theo tiếng Hi-bru (Hebrew: tiếng Do Thái). Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để thi hành sứ mạng cứu thế, do đó Chúa được gọi là Giê-su Ki-tô (ghép tên riêng Giê-su với danh hiệu Ki-tô).
Do cách dịch âm danh hiệu Cristo là Ki-tô hay Cơ Đốc, đạo Chúa còn gọi là Ki-tô Giáo, Cơ Đốc Giáo, tức là đạo của Đấng được xức dầu. Các môn đồ của Chúa được Công Giáo (Thiên Chúa Giáo) gọi là Ki-tô hữu (bạn của Đấng được xức dầu) và được Tin Lành gọi là Cơ Đốc nhân (người của Đấng được xức dầu).
([3]) Lẽ ra nên dịch là hứa hôn, đính hôn thì đúng hơn. Theo New International Version (NIV), câu tiếng Anh là: His mother Mary was pledged to be married to Joseph . . .
([4]) Chúa Thánh Thần (the Holy Spirit) cũng gọi là Thần Khí. Tin Lành và Cao Đài gọi là Thánh Linh.
Xem thêm: Huệ Khải, Sơ Khảo Thuật Ngữ Đạo Chúa Trong Đạo Cao Đài / A Preliminary Survey of Some Christian Terms Used in Caodaism. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 64-69. (Quyển 123-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
([5]) ngôn sứ (prophet): Người được cử đi loan báo việc gì. Trước kia thường gọi là nhà tiên tri.
Khi Đức Giê-su loan báo cho dân Do Thái tin mừng về Nước Trời, Ngài nói: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Khi loan báo như vậy, Đức Giê-su là một ngôn sứ.
Thánh tông đồ Mát-thêu chép rằng ngày Chúa trở về quê nhà, giảng đạo cho người làng Na-da-rét thì họ chỉ thấy Ngài là con trai ông thợ mộc Giu-se, và không tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Do đó Chúa Giê-su thất bại khi làm ngôn sứ tại chính quê nhà, và Chúa bảo: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” (Mát-thêu 13:57) Lời Chúa khiến chúng ta nhớ tới câu tục ngữ ở miền Bắc: “Bụt [Phật] chùa nhà không thiêng.”
([6]) Xem Lu-ca 1:39-40.
([7]) Ben-Ezer là tên một vị ráp-bi do Wilson hư cấu.
ráp-bi: Theo tiếng Hi-bru, nghĩa là thầy tôi. Các ráp-bi là những nhà trí thức, hiểu rành luật lệ, điều hành việc tế lễ trong các cộng đoàn Do Thái. Các ráp-bi giữ vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của cộng đồng Do Thái.