ĐẦU TIÊN VẪN LÀ TIỀN ĐÂU (b)
Một bạn thân đọc xong mẩu Đầu Tiên Vẫn Là Tiền Đâu tuần rồi (CGvDT, số 1782) đã chịu khó “meo” cho tôi, viết rằng có
chỗ anh không thông. Theo anh, hễ ai muốn đi tu mà đòi hỏi người ta phải bỏ hết
tài sản để trở thành… vô sản thì nghe khó lọt lỗ tai, không thấu nhân tình. Thử
hỏi, nếu cứ khăng khăng với điều kiện quá đỗi nghiệt ngã ấy thì sẽ đón nhận được
bao nhiêu người chịu bước vào đường tu? Nhất là thiên hạ thời nay hầu như ai ai
cũng chuộng kim tiền.
“Meo” của anh bắt tôi suy nghĩ. Tôi đồng ý anh có lý, và nhớ lại…
Năm hai mươi tuổi, lần đầu tiên tôi được đọc bản dịch Thất Chân Nhân Quả. Truyện này của đạo
Lão Trung Quốc, do một thầy tu theo đạo Minh Sư ở Long An dịch ra quốc ngữ năm
1937. Các Phật tử thuộc tịnh xá Liên Hoa ở Mỹ Tho thích thú, chịu hùn tiền ấn tống
khoảng đầu thập niên 1970.
Cũng thời gian đó, tôi mon men tập đọc Kinh Thánh. Nói là “tập đọc” vì thú thật ban đầu tôi chưa quen lắm với
văn phong, cách diễn đạt tiếng Việt trong bản dịch Kinh Thánh.
Tích Tổ Sư Vương Trùng Dương đòi viên ngoại Mã Ngọc bỏ gia tài hay
tích Chúa dạy anh nhà giàu hãy bán hết tài sản để giúp người nghèo tôi đều có đọc,
mà không tán thưởng lắm. Vì cũng như anh bạn thân ấy, tôi không thông!
Nhưng diệu lý cao siêu của kinh điển đạo giáo kim cổ Đông Tây há
đâu cứ đọc thoáng qua như đọc nhật báo thì có thể “ngộ” được ngay.
Xưa có người hỏi thiền sư Bách Trượng Hoài Hải (720-814) rằng thiền là chi. Sư đáp tỉnh queo: Thiền nghĩa là đói thì ăn, khát thì uống, mệt
thì ngủ… Người kia bỏ về, ắt không khỏi phiền muộn. Biết đâu còn oán thầm sư
nỡ “giấu nghề”! Chung quy chỉ vì sư Bách Trượng nói tắt, quá vắn tắt!
Cho nên tôi nghĩ thiền sư Vân Môn (864-949) ăn nói “dễ thương”
hơn. Cổ Tôn Túc Ngữ Lục, quyển 16,
chép lời sư Vân Môn như sau:
“Cả ngày ta nói chuyện, chưa
từng có lời nào bám vào môi với răng. Cả ngày mặc áo và ăn cơm, môi răng chưa từng
chạm vào một hạt cơm, thịt da chưa từng vướng lấy một sợi tơ.”
Thánh Nhân sống giữa thế gian cũng ăn uống, ngủ nghê, cũng mặc áo
mặc quần… cũng sinh hoạt hàng ngày giống hệt như người trần tục. Nhưng người trần
tục thì vướng mắc (Phật bảo là chấp, chấp
trước) vào chỗ ăn uống, ngủ nghê, trang phục… Trái lại, Thánh Nhân xem tất
cả những thứ đó chỉ là phương tiện, cho nên các ngài sử dụng mà không vướng bận.
Sư Vân Môn “cách điệu” cái tâm buông xả
đó bằng cách bảo rằng ngài ăn cơm mà hạt cơm không dính răng dính môi, mặc áo
mà thịt da không chạm vào sợi tơ sợi vải.
Trở lại chuyện Chúa Giêsu hay Vương Tổ Sư dạy phải xả bỏ tài sản,
phải chăng ta nên hiểu rằng các Đấng dạy những ai nhờ phúc lớn nên có tài sản lớn
thì đừng ky bo ôm giữ tài sản đó, đừng nghĩ rằng nó là của mình (bởi chết rồi
có mang theo được đâu). Trái lại nên mở lòng, nên buông xả, nghĩa là hiểu rằng Thượng Đế ban phúc cho mình có một gia
tài, để mình quản lý thật tốt giùm Ngài, và biết thay mặt Thượng Đế mà đem của
cải ấy giúp ích cho người khác thiệt thòi hơn mình.
10-11-2010
HUỆ KHẢI
CGvDT số
1783, ngày 12-11-2010