Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

125/1b GIAO CẢM / PHÚC ÂM KỂ LẠI THEO R.F. WILSON


GIAO CẢM


Phúc Âm 福音 (Gospel, Good News) nghĩa là tin tốt lành, cũng gọi là Tin Mừng.
Trong Kinh Thánh Tân Ước, Đức Giê-su Ki-tô đã dùng từ Phúc Âm theo nghĩa sứ điệp cứu độ (salvific message) do chính Đức Chúa mang đến. Nội dung chánh yếu của sứ điệp này là:
- Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. (Mát-thêu 4:17)
- Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (Mác-cô 1:15)
Phúc Âm còn là lời rao giảng của các Thánh tông đồ liên hệ đến cuộc đời, lời dạy, sự chết và sự sống lại của Đức Giê-su.
Phúc Âm cũng chỉ bốn quyển sách đầu tiên trong bộ Kinh Thánh Tân Ước do bốn Thánh tông đồ Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca, và Gio-an ghi chép. Bốn quyển này ghi lại cuộc đời, lời dạy, cuộc khổ nạn, và phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.([1])
Các họa sĩ trứ danh phương Tây thuở xa xưa từng lấy cảm hứng từ bốn quyển mở đầu Phúc Âm để sáng tạo nên những kiệt tác mà ngày nay chúng trở thành tài sản vô giá của các viện bảo tàng mỹ thuật tên tuổi trên thế giới. Trong những trang sau đây của tập sách nhỏ này, thỉnh thoảng một ít kiệt tác đó được in lại để minh họa cho một số chuyện kể.
Nhiều văn hào, thi hào cũng lưu hậu thế các tác phẩm được xem là kinh điển mà nội dung hay chủ đề tư tưởng, hoặc có khi chỉ là cái nhan đề, lại được mượn trong Phúc Âm. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không thể biến vài trang Giao cảm vắn vỏi thành một sơ khảo chứng minh ảnh hưởng của Phúc Âm đối với những văn nhân, thi sĩ danh tiếng trên hoàn vũ.
Nếu giới họa sĩ, văn thi sĩ đã chịu ảnh hưởng như nói trên thì đừng lạ rằng Phúc Âm xưa nay luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với các nhà truyền giáo được thọ nhận ơn gọi loan báo Tin Mừng. Mỗi vị truyền giáo cảm thụ Phúc Âm và truyền đạt Tin Mừng theo cách riêng của mình; trong đó, cách riêng của mục sư Ralph F. Wilson (người Mỹ) đã khiến tôi rất thích thú, nên thử chia sẻ lại với quý bạn đọc đạo hữu.
Mục sư Wilson lấy bằng tiến sĩ thần học năm 1984 tại trường Fuller Theological Seminary ở thành phố Pasadena, bang California, Hoa Kỳ. Để giúp mọi người dễ dàng thấm nhập Phúc Âm, thay vì soạn các bài giảng đạo (thuyết pháp) thì ông kể chuyện. Mỗi câu chuyện ngăn ngắn được tái tạo dựa trên những sự kiện được các Thánh tông đồ ghi chép trong Phúc Âm; thế rồi ông phổ biến miễn phí các sáng tác này để cho Tin Mừng có thể đến với muôn dân, càng nhiều càng ơn ích. Cầu Chúa ban phước lành cho mục sư Wilson.



Trong tinh thần hòa điệu liên tôn giữa đạo Chúa và Cao Đài, tôi chọn dịch mười hai mẩu chuyện Phúc Âm được kể lại theo cách của vị mục sư tài hoa người Mỹ này và trân trọng giới thiệu sau đây cùng quý đạo hữu.([2])
Mở đầu mỗi chuyện kể của Wilson, tôi viết lời dẫn và trích Phúc Âm, căn cứ theo bản tiếng Việt của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Tôi giữ cách phiên âm nhân danh, địa danh có dấu gạch nối của Nhóm này, và áp dụng luôn trong phần lời dẫn chuyện để cho nhất quán cả tập sách. Ngoài ra, ở Phụ Lục, tôi soạn thêm phần đối chiếu các nhân danh, địa danh theo cách phiên âm ấy với các tên tương ứng viết theo tiếng Anh.
Ngõ hầu quý đạo hữu Cao Đài dễ theo dõi các chuyện do Wilson kể lại, khi cần thiết tôi soạn một số chú thích ở phần dẫn chuyện và thỉnh thoảng ở trong vài chuyện kể của vị mục sư người Mỹ. Nói khác đi, mọi chú thích trong sách này đều do tôi thêm vào.
Đạo Chúa cùng với Tam Giáo (Nho, Lão, Phật) hợp thành Tứ Giáo, cũng là thành phần trọng yếu trong giáo lý và cơ cấu tổ chức Hội Thánh của đạo Cao Đài. Tìm học và thấu hiểu căn bản lịch sử, giáo lý đạo Chúa vì vậy nên là mối quan tâm và ý thức của người tín hữu áo trắng Tam Kỳ Phổ Độ, nhất là đối với các bậc hướng đạo có sứ mệnh thế Thiên hoằng giáo.
Nói khác đi, để giúp chúng ta thấu hiểu đạo Cao Đài, một vốn liếng căn bản về Tam Giáo tuy rất cần thiết mà lại vẫn chưa đủ đầy; bởi lẽ chúng ta còn cần thêm vốn liếng căn bản về đạo Chúa thì mới trọn vẹn là Tứ Giáo.
Với nhận thức như thế, mười một năm qua, trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, chúng ta đã có được một số tập sách với chủ đích hoặc khơi gợi, hoặc trình bày, hoặc luận giải mối gần gũi (closeness) giữa đạo Chúa và Cao Đài. Giờ đây, Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson chính là thêm một nối tiếp cho định hướng đã sớm xác lập ấy.
*
Đệ tử cầu nguyện rằng Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson sẽ nhờ ơn lành của Bề Trên mà gây được niềm hứng khởi để anh chị em đạo hữu Cao Đài sẵn đà sẵn trớn, bắt đầu lưu tâm tìm học đạo Chúa sâu rộng hơn, nhờ vậy mà có thể am tường một cột trụ quan trọng trong bốn cột trụ chánh yếu của tòa tháp Cao Đài.
Đệ tử cầu nguyện Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ và Đức Giê-su Ki-tô ban bố hồng ân huệ phúc đến tất cả các ân nhân và cửu huyền thất tổ của các ân nhân đã vì đồng cảm với Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo mà suốt mười một năm qua vẫn luôn rộng mở lòng vàng cao quý để cùng đồng hành trên con đường hoằng giáo Kỳ Ba; nhờ thế nên tập sách nhỏ này hôm nay cũng như hơn một trăm năm mươi đầu sách khác mới có được duyên may lần lượt ra đời, và mới đến được với đông đảo bạn đọc ham tu mộ đạo.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam mô Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn.
Huệ Khải
Nhiêu Lộc, mùa Phục Sinh 2019

Nếu quý bạn thích quyển sách này, mời quý bạn gởi điện thư về daidaovanuyen@gmail.com, ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại. Sách biếu sẽ được gởi về nhà quý bạn, và xin quý bạn hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện Viettel ngay khi nhận được sách biếu. Cảm ơn quý bạn quan tâm. (Ban Ấn Tống)



([1]) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng Công Giáo), Từ Điển Công Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 691 (mục từ Phúc Âm).
([2]) Trước khi in thành sách, mười hai mẩu chuyện này đã lần lượt đăng tuần san và nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc (CGvDT) từ tháng 12-2014 đến tháng 7-2019.