Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

125/3. TẤM LÒNG CHỦ QUÁN TRỌ / PHÚC ÂM KỂ LẠI THEO R.F. WILSON


3. TẤM LÒNG CHỦ QUÁN TRỌ


Phúc Âm theo Thánh Lu-ca (2:6-7) chép về sự kiện Chúa Hài Đồng giáng sinh ở Bê-lem, miền Giu-đê, như sau:
Khi hai người [ông Giu-se và bà Ma-ri-a] đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
Phúc Âm không nhắc tới những lời ông Giu-se năn nỉ các chủ quán trọ. Chúng ta quả thật không biết họ đối xử với ông Giu-se đủ nhã nhặn hay rất thô lỗ. Tuy nhiên, có lẽ vì quá thương cảm những vất vả trên đường thiên lý và nỗi thất vọng tràn trề của ông Giu-se trong khi đưa bà Ma-ri-a bụng mang dạ chửa đi dò hỏi từng quán trọ giữa đêm đông lạnh lẽo mà sau này không ít người đâm ra oán ghét những tay chủ quán trọ đã nỡ lòng hắt hủi, xua đuổi đôi vợ chồng lỡ đường.
Vâng, phần đông vẫn nghĩ các tay cho thuê phòng trọ đều có tâm địa xấu xa. Hầu như chẳng ai thắc mắc rằng đang lạ nước lạ cái ở Bê-lem, làm sao ông Giu-se khéo tìm ra một chỗ tạm trú ở nơi chuồng gia súc. Quan trọng hơn nữa, chân ướt chân ráo tới Bê-lem thì ông làm sao biết ở đâu có bà mụ mát tay mà rước về đó giữa đêm hôm tăm tối. Giả dụ ông Giu-se có đi rước mụ chăng nữa, thì bà mụ nào đủ liều lĩnh để theo chân một người lạ huơ lạ hoắc đang khi khuya khoắt vắng vẻ.
Như để trả lời mấy câu hỏi hợp lý ấy, mục sư Wilson đã hư cấu nên câu chuyện Chủ Quán Trọ Giãi Bày (The Innkeeper’s Tale) rất thú vị.
Ralph F. Wilson kể chuyện như sau
Thiên hạ cứ nghĩ rằng tôi là hạng chủ quán trọ độc ác, không có con tim. Ai đó hẳn đã nói vậy. Nhưng mọi người nhầm to rồi, hoàn toàn không đúng, và đã đến lúc phải kể ra hết tất cả sự thật. Chỉ nói một lần này rồi thôi.
Thiên hạ bảo tôi là chủ quán trọ. Tôi cho rằng quý vị gọi nhà tôi là quán trọ. Đối với chúng tôi, chỉ là một ngôi nhà lớn. Ông nội tôi, cụ Giô-suê ben-Da-hô-đi, đã cất lại nhà khi công việc buôn bán của cụ phát đạt nhất. Và cụ cất nó đủ rộng để cho vừa với mười bốn đứa con.
Thế rồi, cách nay mấy năm, tôi và bà xã cứ phải sống giữa ngôi nhà thênh thang trống vắng khi mà con cái đều trưởng thành và ra riêng. Vợ chồng tôi suy nghĩ, có lẽ nên tiếp nhận vài lữ khách. Ra-khen, bà xã tôi, lúc nào cũng rất giỏi giắn chuyện bếp núc, thế nên chúng tôi chỉ việc bắn tiếng cho khách ở trọ thì bà con bắt đầu tìm đến. Mỗi đêm chúng tôi có một hay hai khách, đôi khi nhiều hơn. Có dịp quay lại thị trấn, khách luôn luôn ghé nhà chúng tôi lần nữa để thưởng thức thêm một tô thịt cừu ninh nhừ khoái khẩu do Ra-khen trổ tài nấu nướng.
Thế rồi quan tổng trấn bày ra cuộc điều tra dân số mắc dịch. Đơn thuần chỉ cốt vơ vét tiền thuế. Trong tuần lễ đó, dân chúng khắp tỉnh tuôn về tràn ngập thị trấn. Ra-khen và tôi ngủ trong phòng chánh vẫn dành riêng cho chúng tôi, còn khách trọ thì xếp vào ngủ trong ba phòng khác. Nhưng người ta cứ tiếp tục đổ xô về đây. Thế nên chúng tôi ghép hai hay ba gia đình ở chung một phòng. Họ vẫn tiếp tục đến. Cuối cùng, chúng tôi phải nhét đầy phòng riêng của mình thêm bốn gia đình nữa, cộng với hai vợ chồng chúng tôi. Sau đó, chúng tôi bắt đầu xua khách đi.
Đêm ấy tôi phải choàng dậy, rời khỏi giường cả chục lần để bước ra cửa, giẫm cả lên khách trọ nằm chen chúc. “Xin lỗi bà con, hết chỗ rồi. Hết phòng rồi. Sáng mai hãy quay lại. Sẽ có vài gia đình trả phòng.” Họ lầm bầm gì đó rồi quay lại với nhóm của họ, và trùm chăn ngủ vật vạ đâu đó gần một mái nhà nào đó. Tôi đâu còn khả năng kiếm thêm cho khách một phòng nào nữa. Tất cả sự thật chơn chánh là như thế.
Nhưng tôi quả thật có tìm chỗ cho một đôi vợ chồng khác. Ông Giu-se là người đàn ông vạm vỡ, hai cánh tay to khỏe rắn chắc, nghe đâu quê quán ở Na-da-rét. Con người này không chấp nhận lời từ chối của tôi. Tôi nói: “Không được, xin lỗi ông.” Thì ông ta kể với tôi về “Ma-ri-a bé bỏng” của ông. Khi tôi nhìn “Ma-ri-a bé bỏng” thì thấy bà ấy đâu có bé bỏng gì, mà là một thai phụ nhưng trông rất xanh xao. Trong lúc ông Giu-se nài nỉ, tôi thấy bà ôm chặt lấy bụng vì đau đớn, và tôi biết mình không thể nào để cho bà sanh con ở ngoài trời đang lộng gió và mưa tuyết lạnh như cắt.
Chuồng gia súc. Tôi nhủ thầm, đó là nơi phải chọn. Tôi đưa hai vợ chồng và con lừa của họ ra phía sau. Bấy giờ chuồng khá chật chội, nên tôi xua bớt một số con vật ra phía ngoài để dành một góc khô ráo cho họ. Ông Giu-se nói: “Thưa ông, chúng tôi thật lòng biết ơn.” Thế rồi, với ánh mắt lo âu, ông hỏi: “Ông có biết trong vùng này tôi có thể rước mụ ở đâu? Mai hay mốt vợ chồng tôi ắt cần có bà mụ.”
Tôi thấy ngay là người đàn ông đó chẳng biết chi nhiều về việc bà bầu sinh nở. Tôi bèn phóng một mạch tới nhà dì Sa-ra và dộng cửa rầm rầm cho tới khi chồng dì ló đầu ra. Tôi bảo: “Một bà khách trọ sắp sinh con, tôi sẽ đợi Sa-ra thay áo.” Ngừng một chút để thở, tôi nói tiếp: “Xin bảo dì ấy nhanh nhanh giùm.”
Lúc chúng tôi về tới chuồng gia súc, ông Giu-se đã cho “Ma-ri-a bé bỏng” quấn kín trong tấm chăn, và bà đang nằm nghỉ trên lớp cỏ khô sạch sẽ, mềm mại, còn ông thì luôn tay lau mồ hôi trên trán bà, vừa dịu dàng thủ thỉ với bà trong lúc bà đang chiến đấu với những cơn đau xé lòng xé ruột. Dì Sa-ra bảo tôi về nhà gọi thêm Ra-khen vợ tôi, rồi đẩy ông Giu-se và tôi ra bên ngoài chuồng gia súc, dì nói: “Chỗ này không dành cho đàn ông.”
Hai chúng tôi tìm chỗ trú và đợi bên ngoài, dường như là nhiều giờ lâu lắc. Rồi, thình lình chúng tôi nghe tiếng trẻ con khóc thét. Khi chúng tôi ghé mắt nhìn trộm vào trong, dì Sa-ra nói: “Ông có một bé trai.” Dì trao hài nhi cho Ra-khen và dùng dải băng quấn chặt khắp quanh thân hình bé bỏng.
Ông Giu-se bước tới bên bà Ma-ri-a và ôm ghì lấy bà, hôn lên má bà, rồi Ra-khen trao cho bà Ma-ri-a em bé; sau đó vợ tôi bước lại chỗ tôi đứng, nắm bàn tay tôi, thì thầm: “Có nhớ hồi Giô-suê nhà mình chào đời không?”
Ngọn đèn chao đi chực tắt, lũ gia súc khẽ kêu ư ử, còn hài nhi Giê-su ngủ ngon trong tay mẹ. Tôi từ giã họ, đưa dì Sa-ra về nhà. Gió buốt giá dù mưa tuyết đã ngừng cơn.
Lúc tôi về tới nhà mình, Ra-khen đã vào giường. Tôi sắp sửa tắt đèn, bước qua những thân người say ngủ, để rúc mình dưới lớp vải ấm áp, thì nghe có tiếng rì rầm vọng tới từ chuồng gia súc.
Tôi nhủ thầm, mình nên ra đó xem xét thì hơn. Khi tôi ghé mắt nhìn vào, bắt gặp những người chăn cừu. Những người lớn tuổi áo quần nhàu nhò, luộm thuộm, hôi hám đang quỳ trên nền chuồng bẩn thỉu như thể đang cầu nguyện. Người lớn tuổi nhất đang nói với ông Giu-se chi chi đó về các thiên thần và về Đấng Cứu Thế. Những người kia thì cứ cúi đầu, quỳ sụp bên cạnh; một số khác thì nước mắt tuôn dài trên gương mặt.
Tôi đằng hắng lớn tiếng và ông Giu-se ngẩng lên. Tôi chực tống cổ mấy kẻ chăn cừu bộ dạng như thể quân trộm cắp thì ông Giu-se giơ bàn tay ra dấu ngăn lại. Ông khẽ nói: “Không việc gì đâu. Họ tới xem mặt Ki-tô Hài Đồng.”
Hài Đồng Ki-tô ư? Đấng Cứu Thế ư? Tôi cũng quỳ sụp xuống. Và chiêm ngưỡng, và cầu nguyện, và lắng nghe ông lão chăn cừu thuật chuyện về các thiên thần, về quang vinh đến từ trời cao, về dấu chỉ để tìm ra Chúa Hài Đồng được quấn tã, nằm trong máng cỏ dành cho gia súc.
Lạy Chúa con, chính cái chuồng gia súc nhà con lại là nơi Hài Đồng Ki-tô giáng sinh. Chúa ngự trong máng cỏ nhà con. Rơm rạ nhà con, ngọn đèn của con, Ra-khen vợ con đã giúp cho Chúa buổi lâm phàm.
Lát sau mấy người chăn cừu rời đi. Trước khi cất bước, vài người bọn họ nghiêng mình hôn Chúa Hài Đồng đang say ngủ. Tôi cũng vậy.
Tôi luôn luôn vui sướng vì đã dọn chỗ trong chuồng gia súc cho gia đình ấy - một gia đình thánh thiêng. Quý vị biết rồi nhé, tôi nào phải là hạng chủ quán trọ hèn hạ đốn mạt. Tôi đã ở đó. Tôi đã chứng kiến. Và, quý vị biết rồi đấy, nhiều năm sau cậu bé ấy đã trở lại Bê-lem để rao giảng về Nước Trời. Ôi, tôi tin Người, xin nói với quý vị như vậy. Tôi đã ở đó. Và hãy nhớ lấy lời tôi, nếu quý vị đã thấy những gì tôi chứng kiến, quý vị cũng là một tín hữu như tôi.
Huệ Khải
Nhiêu Lộc, 04-12-2015
Sửa chữa 04-4-2019
Nguyệt san CGvDT số 252, tháng 12-2015