22. TƯỞNG NHỚ NHỮNG EM BÉ
KHÔNG ĐƯỢC CHÀO ĐỜI
HUỆ
KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
Martin Hudacek là nhà
điêu khắc trẻ sống tại làng Telgart, công dân Slovakia (Đông Âu), một nước nhỏ rộng
khoảng 49 ngàn cây số vuông với hơn 5,4 triệu dân (65% theo Công Giáo, 10% theo
Tin Lành, và 4% theo Chính Thống Giáo).
Năm 2010 chàng sinh
viên Martin sáng tác một pho tượng với ước muốn mang đến hy vọng và an ủi cho
những phụ nữ đang ăn năn, đau khổ sau khi phá thai. Anh cho biết tất cả khởi
đầu từ lần ghé thăm người bạn sùng tín, năng cầu nguyện và chiêm niệm. Bạn bảo
anh hãy tạc một bức tượng để nói lên hậu quả của hội chứng phá thai thời nay.([1]) Trên đường về nhà, Martin xúc động lắm nhưng
đầu óc mờ mịt, không biết nên thể hiện ý tưởng nọ ra sao. Anh
cầu nguyện và xin những người thân quen cũng cầu nguyện giúp. Thời gian trôi
đi, hình tượng người mẹ ăn năn và đứa con thứ tha càng lúc càng rõ nét trong
tâm trí anh.
Tạc bằng đá nhân tạo (imitation stone), tượng diễn tả bà mẹ
trẻ tuổi đang quỳ gối, ngồi tựa trên hai gót chân; chị gục đầu giấu mặt trong
bàn tay phải vì xấu hổ, bàn tay trái ấp lên ngực như đè nén sầu khổ dâng trào.
Đứng trước chị là đứa con bé bỏng đã bị hủy hoại từ khi mới là thai nhi. Bé gái
đứng thẳng, giơ bàn tay trái dịu dàng chạm vào đầu mẹ, như tha thứ, an ủi, chữa
lành vết thương lòng của mẹ. Tương phản chất liệu đá tạc nên người mẹ mang hình
hài rõ rệt, bé gái xấu số là một tượng nhỏ trong suốt; phải chăng nhà điêu khắc
trẻ tài hoa ngụ ý rằng em chưa hề có thân xác trên cõi đời này?
Martin đặt tên tác
phẩm là Tưởng Nhớ Những Em Bé Không Được Chào Đời. Tượng hai mẹ con gây xúc động
cho rất nhiều người, nhất là những phụ nữ từng phá thai, kể cả đàn ông hay
thanh niên là cha các thai nhi bị từ bỏ. Ngắm tượng hai mẹ con, nhiều người
không sao cầm nước mắt. Họ cứ lặng lẽ đứng khóc như vậy, nhưng sâu thẳm tận đáy
lòng là tiếng thổn thức: “Chính tôi đấy! Con tôi đấy!” Các nhà báo cho rằng tác
phẩm của Martin thể hiện cực kỳ sống động điều mà giới chuyên môn gọi là chấn
thương sau phá thai (post-abortion trauma).
Đầu tháng 4-2012, ngay
sau khi Martin trưng bày tác phầm độc đáo của anh, vị chủ tịch Công Ty Tư Vấn
Đời Sống Gia Đình (Family Life Council,
Inc.) là Dan Zeidler đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi, nhiều cảm nghĩa sâu
sắc của công chúng:
1. Là chuyên gia tâm lý trị liệu có hơn hai mươi
năm kinh nghiệm giúp đỡ các phụ nữ phục hồi sau khi phá thai, bà bác sĩ Martha
Shuping nói: “Tôi tin rằng hình tượng mỹ miều này sẽ cất tiếng vang dội trong
tâm khảm các phụ nữ phá thai. Nó diễn tả mạnh mẽ trải nghiệm của họ…”
2. Với thiện chí giúp đỡ những người đã từng phá
thai, Kevin Burke và vợ là Theresa Karminski Burkestarted đồng sáng lập tổ chức
Vườn Nho Rachel (Rachel’s Vineyard)
vào cuối thập niên 1990 ở Mỹ. Hai ông bà lấy tên Vườn Nho Rachel dựa theo tên bà
Rachel mất con mãi khóc than được ghi chép trong Kinh Thánh (Cựu Ước, Sáng Thế
Ký). Ông Kevin Burke nhận định: “Tác phẩm này cho thấy một hình ảnh rất đẹp để
làm yếu tố cốt lõi cho việc chữa trị sau khi phá thai. Cháu gái bé bỏng bị hủy
hoại kia là phương tiện kêu gọi những người cha người mẹ nặng mang vết thương
lòng hãy sám hối và hãy tìm đến Đức Ki-tô để được chữa lành.”
3. Là thị dân thành phố Atlanta
(bang Georgia ,
Mỹ), Julie Thomas từng phá thai, rồi trở thành người tham gia một chương trình xã
hội trợ giúp những phụ nữ đồng cảnh ngộ. Bà bày tỏ: “Tôi thích sự trong suốt ở
tượng em bé, trông như hình ảnh thiên thần. Người mẹ đau đớn não nề, trông rất
thực. Tôi yêu dáng điệu bé gái vói tay chạm vào đầu mẹ. Tôi tưởng tượng chị ấy
cảm nhận được bàn tay con mình, và chị sẽ đứng dậy, cao hơn trước. Tôi tin rằng
hình ảnh này rất mạnh mẽ và xúc động, có thể đưa đến bước đầu tiên trong việc
chữa lành những bà mẹ từng phá thai.”
4. Một phụ nữ người châu Mỹ Latin đã phá thai và
được chương trình Dự Án Hy Vọng (Proyecto
Esperanza) giúp đỡ vượt qua những khó khăn sau đó. Chị bộc bạch: “Pho tượng
đơn sơ mà tuyệt vời. Tôi xúc động và cảm nhận nhiều điều. Tất cả nỗi đau của
người mẹ tập trung vào nét mặt giấu trong bàn tay. Nó cũng diễn tả lòng xấu hổ.
Con gái chị đang ban phúc cho mẹ, đang cố vói tới mẹ, hình ảnh này gợi cho thấy
sự cao cả của lòng tha thứ, qua tình yêu của Thiên Chúa. Tượng em bé trong suốt
có nghĩa là bé đến từ một cõi thanh khiết.”
5. Linh mục William Kurz, Dòng Tên, giảng dạy
tại Viện Đại Học Marquette ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin, Mỹ) cũng là
người giàu kinh nghiệm giúp đỡ phụ nữ ổn định sau phá thai. Cha phát biểu: “Pho
tượng này làm cõi lòng ta tan nát. Nó là thông điệp thứ tha và chữa lành cần
thiết cho các bà mẹ sầu đau sau khi phá thai, ngay cả khi sự việc đã trôi qua
vài năm.”
Anh (hay em trai?) của
Martin là Marek Hudacek thổ lộ: “Martin tạc tượng đâu phải để được nổi danh
lừng tiếng, mà chủ yếu là để nói rằng mạng sống con người rất quan trọng và rất
quý giá, ai ai cũng cần bảo vệ sự sống từ khi mới mang thai.”
Về phần mình, Martin khiêm tốn nói: “Tôi
chẳng làm được gì cả, mà chính nhờ Chúa giúp. Tôi cùng những người thân quen
thành tâm câu nguyện, và Chúa đã đáp lời.”
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 04-11-2015
Tuần
san CGvDT, số 2031, từ 06 đến 12-11-2015
([1]) Theo số liệu
tháng 9-2017, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết trên thế giới có gần
60.000.000 vụ phá thai mỗi năm. Đứng đầu thế giới về phá thai là Trung Quốc;
thứ hai là Nga; thứ ba là Việt Nam .
Tại Việt Nam, trong số
300.000 vụ phá thai, có: 20-30% là phụ nữ chưa kết hôn; 60-70% là học sinh,
sinh viên từ 15 tới 19 tuổi. Nguồn: https://eva.vn/tin-tuc/viet-nam-chi-sau-2-cuong-quoc-dan-so-ve-nao-pha-thai-c73a362296.html. (Bản tin Hà Nội, ngày 11-8-2018.)