Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/7. TOÁT YẾU TÔNG THƯ LAUDATO SI’ / NHƯ HOA NỞ MUỘN



7. TOÁT YẾU TÔNG THƯ LAUDATO SI’
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

Trong thánh lễ sáng Thứ Hai 09-02-2015 tại Vatican, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói: Nếu anh chị em là một Ki-tô hữu, thì bảo vệ môi sinh là một phần bản sắc của anh chị em, chứ không phải là một chọn lựa mang tính ý thức hệ.([1])
Nói tới bản sắc (identity) tức là nói tới một thuộc tính nhằm xác định A chính là A; nếu mất thuộc tính đó thì tất yếu A không còn là A nữa. Nói cách khác, muối mà không mặn thì không gọi là muối; vậy bản sắc của muối là mặn.
Trong bài giảng sáng hôm ấy, Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Khi chúng ta nghe nói rằng người ta đang họp bàn về cách bảo vệ các thụ tạo [của Thiên Chúa], chúng ta có thể bảo: Không phải, họ là những nhà hoạt động bảo vệ môi sinh!
Rồi Đức Giáo Hoàng khẳng định: Không đúng, họ nào phải là những nhà hoạt động bảo vệ môi sinh! Họ là các Ki-tô hữu đấy chứ!
Ngài liền giải thích vì sao phải xem những ai đang bảo vệ môi sinh cũng chính là Ki-tô hữu: Một Ki-tô hữu không biết bảo vệ các thụ tạo, không biết để cho chúng sinh trưởng, thì đó là một Ki-tô hữu không biết chăm sóc công việc của Thiên Chúa; công việc đó đã ra đời từ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Đức Giáo Hoàng chọn tôn hiệu Phan-xi-cô tức là hàm ngụ rằng ngài đi theo con đường của Thánh Phan-xi-cô thành Át-xi-di (1181/1182-1226), là vị Thánh bổn mạng về môi sinh. Thế nên, không chỉ cá biệt ở bài giảng hôm ấy mà còn rất nhiều trường hợp khác nữa trong nhiều năm nay, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô luôn luôn bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của ngài trước thực trạng môi sinh toàn cầu đang bị tàn phá nghiêm trọng, và ngài luôn luôn mời gọi, ủng hộ mọi bàn tay, mọi khối óc thiện chí cùng đến với nhau để chung sức cứu nguy cho trái đất, mái nhà chung của nhân loại.
Thế nên, chẳng có gì lạ khi báo USA Today hôm Thứ Hai 09-02-2015 trích lại bài giảng của Đức Phan-xi-cô (như dẫn trên) để rồi liên hệ tới một tông thư ([2]) về môi sinh mà Đức Giáo hoàng lúc ấy đang soạn thảo.
Bốn tháng sau bài báo đó, Thứ Năm 18-6-2015, Tòa Thánh Vatican chánh thức công bố tông thư Laudato Si’.([3]) Sự kiện này liền gây được hiệu ứng tốt đẹp trên toàn thế giới, trở thành chủ điểm trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy có tiếng vang rộng khắp như thế, Laudato Si’ vẫn không hề là thời sự. Tại sao vậy?
Bởi lẽ, thời sự dù có nóng sốt, hấp dẫn thế nào chăng nữa, rồi cũng sẽ phải nguội dần và mau chóng chìm lắng vào ngổn ngang những thời sự đang dồn dập xảy ra hằng giờ hằng ngày trên thế giới, chen chúc nhau tìm một chỗ tạm thời trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Cho nên, đừng xem Laudato Si’ đơn giản chỉ là một thời sự giữa hằng hà sa số thời sự. Hãy hiểu biết tông thư này ở đúng tầm kích lịch sử thời đại để rồi cùng hợp tác theo lời mời gọi tha thiết của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.
Bởi thế, ngay khi tông thư Laudato Si’ vừa được công bố với thế giới, Tổng Thống Barack Obama đã sớm đón nhận và nhiệt tâm ủng hộ. Theo báo Catholic Herald (của Anh), vị nguyên thủ Hoa Kỳ phát biểu như sau:
Tôi hoan nghênh tông thư của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, và ngưỡng mộ sâu sắc Đức Giáo Hoàng đã quyết định rõ ràng, mạnh mẽ, với đầy đủ thẩm quyền đạo đức ở cương vị của ngài, để nêu ra lý lẽ cho hành động trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Khi chúng ta chuẩn bị cho những cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu ở Paris vào tháng 12 năm nay, tôi hy vọng tất cả các lãnh tụ trên thế giới và tất cả con cái của Thiên Chúa sẽ suy gẫm về lời Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mời gọi chúng ta hãy đến với nhau để chăm sóc cho mái nhà chung của chúng ta.
Chúng ta có một trách nhiệm rất nặng nề phải bảo vệ con cháu chúng ta thoát khỏi những tác động hủy hoại do biến đổi khí hậu gây ra.([4])
Nhận định được đúng mức giá trị và tầm kích lịch sử của tông thư, thì lại nảy sinh một câu hỏi: Chúng ta đọc tông thư như thế nào? Đây chính là câu hỏi của nữ tiến sĩ Christiana Z. Peppard, phó giáo sư thần học, khoa học, và đạo đức học tại Viện Đại Học Fordham (thành phố New York), được báo The Washington Post (Hoa Kỳ) đăng tải hôm Thứ Năm 18-6-2015. Tại sao phải nêu ra thái độ hay cách thức chúng ta đọc tông thư?
Ngày nay phần đông chúng ta dường như đang sống trong một thế giới quá đỗi bận rộn. Thành thử, từ rất lâu rồi, con người thời đại đã tập tành cho mình một thói quen đọc lướt, đưa mắt “quét” nhanh mỗi khi cần xem tới một văn bản bất kỳ. Vậy, thử hỏi những ai sẽ có thể nhẫn nại dành ra đủ thời gian để đọc kỹ và đọc trọn vẹn sáu chương tông thư với 246 đoạn ngõ hầu thấu hiểu sâu sắc nội dung?
Thứ Năm 18-6-2015, báo The Washington Post đăng bài của Sarah Pulliam Bailey, một nữ phóng viên có sáng kiến tóm tắt tông thư thành mười ni dung cốt lõi,([5]) như sau:
MƯỜI NỘI DUNG CỐT LÕI
CỦA TÔNG THƯ LAUDATO SI’
1. Biến đổi khí hậu có những tác hại nghiêm trọng. Đức Giáo Hoàng viết: Mỗi năm lại thấy mất đi hàng ngàn loài thực vật và động vật mà chúng ta sẽ không bao giờ biết, con cháu chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy, bởi lẽ các loài ấy đã vĩnh viễn mất tích.
2. Các nước giàu đang hủy hoại các nước nghèo, và trái đất đang ấm lên. Đức Giáo Hoàng viết: Thực trạng trái đất đang ấm lên là do sự tiêu thụ khủng khiếp của một số nước giàu gây tác hại cho các khu vực nghèo nhất trên thế giới, nhất là châu Phi, nơi đó nhiệt độ tăng lên kèm theo hạn hán, đã chứng tỏ đang hủy hoại việc trồng trọt.
3. Những Ki-tô hữu đã diễn dịch sai Kinh Thánhphải mạnh mẽ từ bỏ cái quan niệm rằng chúng ta được tạo ra theo hình ảnh Thiên Chúa và được ban cho quyền thống trị trên mặt đất này để vin vào đó biện minh cho sự thống trị tuyệt đối các loài thụ tạo khác.
4. Tầm quan trọng của việc kiếm được nước uống an toànmột quyền phổ quát và cơ bản của con người.
5. Kỹ trị ([6]) dẫn tới phá hủy thiên nhiên và bóc lột con người, và bản thân thị trường không thể đảm bảo sự phát triển toàn diện con người và không giúp con người hội nhập xã hội.
6. Kiểm soát dân số không nói tới những vấn đề của người nghèo. Đức Giáo Hoàng viết: Khi giáp mặt với cái gọi là văn hóa sự chết, thì gia đình là trọng tâm của văn hóa sự sống. Và, vì mọi thứ đều tương liên lẫn nhau, mối quan tâm tới bảo vệ thiên nhiên cũng không phù hợp với sự biện minh cho việc phá thai.
7. Những khác biệt giới tính là quan trọng, và cần thiết quý trọng thân xác nam hay nữ của riêng mỗi người nếu muốn nhận biết được chính mình khi giao tiếp với người khác phái.
8. Cộng đồng quốc tế chưa hành động đầy đủ. Đức Giáo Hoàng viết: Các hội nghị thượng đỉnh gần đây chưa đáp ứng đầy đủ những gì con người mong muốn bởi lẽ các hội nghị ấy vì thiếu ý chí chánh trị đã không thể thật sự đạt tới các hiệp định toàn cầu về môi sinh có tính hiệu quả và trọn vẹn ý nghĩa. Giáo Hội không mạo muội giải quyết các vấn nạn khoa học hay thay thế cho chánh trị. Tuy nhiên tôi quan tâm khuyến khích một cuộc tranh luận cởi mở và thẳng thắn để cho các nhóm lợi ích hay các ý thức hệ đặc thù sẽ không có thành kiến làm tổn hại cái tốt đẹp chung.
9. Mọi cá nhân phải hành động. Đức Giáo Hoàng viết: Một nền sinh thái học toàn diện cũng được tạo thành bằng những cử chỉ đơn giản hàng ngày nhằm tuyệt giao với thứ lý lẽ bạo lực, bóc lột và ích kỷ. (Chúng ta cũng nên xem xét tới việc chuyên chở công cộng, nhiều người đi chung một xe, trồng cây, tắt đèn, và dùng lại những thứ đã sử dụng rồi.)
10. Tại sao chúng ta có mặt ở đây trên trái đất này? Đức Giáo Hoàng viết: Chúng ta muốn để lại cái thứ thế giới như thế nào cho những người đến sau chúng ta, cho con cháu chúng ta đang lớn lên?
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 07-8-2015
Sửa chữa 24-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2019, từ 14 đến 20-8-2015



([1]) http://www.usatoday.com/story/news/world/2015/02/09/pope-francis-environment-creation-christian/23132703/
([2]) tông thư (apostolic letter): Thư của giáo hoàng nhằm khai triển một giáo huấn, một định hướng, thông báo một sự kiện lớn, v.v...
([3]) Laudato si': Phương ngữ miền trung Ý, nghĩa là Chúc Tụng Chúa (Praise Be to You). Tông thư có nhan đề phụ là: Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta (On care for our common home).
([4]) http://www.catholicherald.co.uk/news/2015/06/19/obama-calls-for-world-leaders-to-heed-pope-franciss-message/
([5]) http://www.washingtonpost.com/news/acts-of-faith/wp/2015/06/18/10-key-excerpts-from-pope-franciss-encyclical-on-the-environment/
([6]) kỹ trị (technocratic domination): Việc cai trị do một nhóm tinh hoa (elite) gồm các chuyên gia kỹ thuật nắm quyền.