Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

12616. NHƯ HOA NỞ MUỘN


16. NHƯ HOA NỞ MUỘN


HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
1. Cũng như nhiều đồng môn trong Nhóm Mười Hai,([1]) Thánh tông đồ Tô-ma dường như có lý lịch trích ngang rất sơ sài. Chẳng hạn, Phúc Âm theo các Thánh Mát-thêu (10:3), Mác-cô (3:18), và Lu-ca (6:15) chỉ nhắc vỏn vẹn tên ngài: Tô-ma. Riêng Thánh Gio-an có ba lần (11:16; 20:24; 21:2) cung cấp thêm một chi tiết nhỏ, rằng tông đồ Tô-ma còn được gọi là Đi-đy-mô (theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là sinh đôi, song sinh). Bởi thế, người Xy-ri-a gọi ngài là Giu-đa Song Sinh. Ngoài ra, Phúc Âm không cho biết quê quán, nghề nghiệp, và trường hợp nào ngài được Đức Giê-su chọn làm môn đệ. Sau này, các học giả khảo cứu và bổ túc rằng tông đồ Tô-ma có thể chào đời tại Ga-li-lê và tử đạo năm 53 tại Madras, Ấn Độ (theo Britannica Encyclopedia, mục từ St. Thomas).
2. Về tính cách của tông đồ Tô-ma, có người bảo ngài can đảm, hết lòng kính ái Thầy Giê-su, sẵn sàng chết cùng Thầy cho trọn tình sư đệ thủy chung. Đó là người ta căn cứ vào Phúc Âm theo Thánh Gio-an: Người [Đức Giê-su] nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!” Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?” (11:7-8)
Mặc dù các môn đệ cản, Đức Giê-su vẫn bảo mọi người lên đường (11:15). Thế thì tông đồ Tô-ma liền nói với các bạn đồng môn: Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy. (11:16)
Tôi nghĩ, tông đồ Tô-ma còn là người rất chơn chất, chẳng hề ngại bị chê tối dạ, nên hễ Thầy nói mà ngài không hiểu thì hỏi ngay. Chẳng hạn, trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su dặn dò những lời tâm huyết: Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi. Nghe vậy, ngài Tô-ma liền buột miệng hỏi: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường? (Gio-an 14:3-5)
Câu hỏi của ngài Tô-ma khiến tôi liên tưởng tới Đức Phật Thích Ca. Trong bốn mươi lăm (hay bốn mươi chín) năm dạy đạo ([2]) từ chốn kinh thành hoa lệ tới nơi sơn lâm xa khuất, cứ mỗi lần học trò nêu một câu hỏi thì lại là duyên lành (good opportunity) để Đức Phật thuyết một bộ kinh. Cũng vậy, khi xưa nhờ có ngài Tô-ma hỏi như thế cho nên ngày nay chúng ta mới được phúc học hỏi câu trả lời của Thầy Giê-su: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Gio-an 14:6)
3. Người mới học tiếng Anh mà chưa rành Phúc Âm sẽ dễ lúng túng khi gặp cụm từ a doubting Thomas, hay a doubting thomas. Người Anh lắm khi không viết hoa thomas vì xem đây là một điển cố, cũng giống như người Việt mình thay vì bảo đại gia ấy là người tài trợ cho đội bóng, thì có thể nói đại gia ấy là mnh thường quân (Mạnh Thường Quân) của đội bóng.([3])
Vâng, một người Anh có thể nói: I never want to be a doubting thomas, but what proves your accusations of their bribery? (Tôi chẳng đời nào muốn làm một tô-ma đa nghi, nhưng cái gì chứng minh lời anh buộc tội họ đút lót, hối lộ?) Như thế, người ấy đã dùng điển cố a doubting Thomas (một tô-ma đa nghi) có nguồn gốc từ Phúc Âm, thuật lại sự kiện Đức Giê-su phục sinh và hiện ra cho các môn đệ thấy trong lúc ngài Tô-ma vắng mặt. Thánh tông đồ Gio-an chép:
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (20:19-20)
Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa.” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (20:24-29)
Lấy cảm hứng từ hai đoạn Phúc Âm dẫn trên, họa sĩ Ý Caravaggio (1571-1610) vào khoảng năm 1601-1602 đã vẽ bức tranh Tính Đa Nghi Của Thánh Tô-ma (The Incredulity of Saint Thomas), sơn dầu trên bố.
Nhờ ngài Tô-ma đa nghi mà chúng ta có được lời Chúa dạy: Phúc thay những người không thấy mà tin. Lời dạy này ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và đã trở thành một danh ngôn có thể áp dụng cho nhiều trường hợp trong cuộc sống đời thường. Chẳng hạn, ông chồng kia bị bà vợ ghen bóng ghen gió về tội có “mèo”. Ông quát hỏi: “Có chứng cớ không? Bà có thấy tận mắt không?” Bà vợ trả lời yếu xìu: “Thì nghe người ta nói.” Ông bèn mỉa mai: “Phúc thay kẻ nào không thấy mà tin!”
4. Khi Đức Giê-su bị quân dữ ập vào vườn Ghết-sê-ma-ni bắt đi thì các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết (Mát-thêu 26:56). Như vậy, có tông đồ Tô-ma trong số những người đó. Lúc ấy ắt hẳn ngài rất sợ nên đã quên rằng trước kia ngài từng dõng dạc kêu gọi đồng môn: Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy. (Gio-an 11:16)
Nếu tôi không lầm thì Phúc Âm chẳng một lần nhắc tới tên ngài Tô-ma kể từ sự kiện vườn Ghết-sê-ma-ni cho tới khi Đức Giê-su phục sinh và hiện ra cho các môn đệ lần đầu tiên. Vì thế, chúng ta có thể suy đoán rằng ngài Tô-ma vì quá sợ nên buộc lòng phải tìm cách “lặn sâu trốn kỹ”. Tuy nhiên, khi Chúa bị đóng đinh trên đồi Gôn-gô-tha, chúng ta hãy tin chắc rằng ngài Tô-ma có đến chứng kiến, lòng tan dạ nát, tuy nhiên ngài chỉ dám đứng cách xa và giấu mình trong đám đông.
Chúng ta chớ dại dột phán xét chi hết, mà hãy biết đặt mình vào hoàn cảnh của ngài Tô-ma lúc bấy giờ.
Tôi đã xem phim Risen (Phục Sinh) dài 107 phút.([4]) Tôi cũng đã xem loạt phim truyền hình Mỹ dài mười hai tập (mỗi tập 46 phút), nhan đề A.D. Kingdom and Empire (Công Nguyên: Thiên Quốc Và Đế Quốc).([5]) Xem hai bộ phim này, thấy các cảnh đóng đinh Chúa, bách hại tông đồ và con chiên, dù biết là kỹ xảo điện ảnh nhưng tôi vẫn cứ khiếp đảm, vẫn cứ rơi nước mắt. Vậy, nếu đã thật sự sống trong hoàn cảnh ngài Tô-ma, cùng hít thở bầu khí quá đỗi hãi hùng vào thời đại của ngài, mấy ai dám bảo mình không run sợ? Thế nên, xin được nhắc lại, chúng ta chớ dại dột phán xét chi hết, vì chúng ta thật ra còn yếu đuối hơn cả ngài Tô-ma, bởi vậy mà Chúa rất thương chúng ta, rất thương ngài Tô-ma, rất thương sự yếu đuối của mọi thân phận mỏng giòn trên cõi ta bà phù phiếm này.
5. Theo Phúc Âm, Đức Giê-su từng báo cho các môn đệ biết rằng Chúa sẽ bị bắt, bị giết, nhưng sẽ sống lại: Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người ([6]) sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” (Mát-thêu 17:22-23)
Trong những tháng năm Thầy trò gần gũi bên nhau, ngài Tô-ma từng chứng kiến Thầy làm nhiều phép lạ, thấy rõ những gì Thầy tiên tri trở thành sự thật. Vậy mà cớ sao Thầy không làm phép lạ để khỏi bị bắt, để thoát chết? Có lẽ lòng ngài Tô-ma từng phân vân, dao động với trăm mối thắc mắc ngổn ngang. Nên chúng ta có thể cảm thông vì sao ngài cứng lòng, không tin lời đồng môn cho biết Thầy đã sống lại sau khi chết ba ngày đúng như Thầy tiên tri ở Ga-li-lê.
Kể thêm một sự yếu đuối của ngài Tô-ma như trên để chúng ta nhớ tới lời thâm thúy của Oscar Wilde (1854-1900). Nhà thơ kiêm kịch tác gia Ái Nhĩ Lan nổi tiếng này bảo: Mỗi vị Thánh đều có một quá khứ, và mỗi tội nhân đều có một tương lai.([7]) Thật vậy, quá khứ yếu đuối của tông đồ Tô-ma không hề cản trở tương lai nên Thánh của ngài. Tương lai đó mở ra khi ngài được tận tay sờ vào những vết sẹo trên thánh thể Chúa, và ngài liền thốt lên: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con. Theo Britannica Encyclopedia, mục từ St. Thomas, khi thốt lên như vậy tông đồ Tô-ma là người đầu tiên tuyên xưng thần tính (divinity) của Đức Giê-su.([8])
Cũng theo Britannica Encyclopedia, mục từ St. Thomas, tông đồ Tô-ma đã sang truyền đạo tại Parthia (ở trung tâm miền đông bắc nước Ba Tư). Sau đó ngài sang Ấn Độ, rồi tử đạo tại Madras (nay là Chennai).
6. Mục sư, tiến sĩ thần học Ralph F. Wilson (Mỹ) có soạn một bài giảng nhan đề Học Lấy Đức Tin Từ Tô-ma Đa Nghi.([9]) Không hiểu căn cứ vào đâu mà Wilson viết về ngài Tô-ma như sau: Nhưng ngài Tô-ma là người bi quan, yếm thế. Một số người vui lòng vì thấy ly nước đầy phân nửa, nhưng ngài Tô-ma thấy ly nước vơi hết phân nửa.([10])
Mở đầu bài giảng ấy, Wilson viết: Tôi đồ rằng ngài Tô-ma là một late bloomer.([11])
Từ điển Oxford giảng cụm từ late bloomer xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, có nghĩa là một cây trổ bông chậm, thường vào cuối hạ hay đầu thu; nhưng nghĩa bóng của late bloomer là một người muộn bộc lộ tài hoa, chậm phát huy năng khiếu, hoặc trễ bước thành công.([12])
Hiểu cả hai nghĩa như dẫn trên, mà nghĩ ra lời dịch thì tôi không khỏi lúng túng. Thời may, ca từ bài hát Buồn ([13]) của nhạc sĩ Y Vân (Trần Tấn Hậu, 1933-1992) bất chợt vang lên trong đầu: Tình đôi ta thật buồn, như lứa hoa nở mun. Xin cảm ơn nhạc sĩ Y Vân, tác giả những bài hát trữ tình tôi mãi yêu thích từ thuở hoa niên. Vậy là xong. Câu văn của Wilson tôi dịch thế này: Tôi đồ rằng ngài Tô-ma là hoa nở muộn.
Tôi hiểu vì sao Wilson viết như vậy. Trước khi tuyên xưng thần tính của Đức Giê-su, ngài Tô-ma là hoa chưa kết nụ, vì ngài yếu đuối. Ngài là đóa hoa nở muộn và nở rất đẹp chỉ sau khi tuyên xưng: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con. Từ đó trở đi, dũng mãnh với đức tin sắt đá, ngài một thân một mình rời khỏi quê hương tìm đến tận xứ sở Ba Tư, Ấn Độ xa xôi lạ huơ lạ hoắc để truyền đạo, và chịu tử đạo, rồi nên Thánh: Thánh tông đồ Tô-ma.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 25-6-2019
Nguyệt san CGvDT, số 295, tháng 7-2019



([1]) Phúc Âm theo Thánh Mác-cô chép: Người [Đức Giê-su] lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê (….) rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người. (3:14-19)
([2]) Theo Nam Tông là bốn mươi lăm năm, theo Bắc Tông là bốn mươi chín năm.
([3]) Mạnh Thường Quân 尝君 là hiệu. Ông họ Điền , tên Văn , người nước Tề, làm Tể Tướng nước Tề thời Chiến Quốc. Ông rất giàu, nghĩa hiệp, thích chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà lúc nào cũng nuôi ăn cả ngàn khách văn lẫn võ. Ông mất năm 279 trước Công Nguyên.
([4]) Phim Risen do đạo diễn Kevin Reynolds (Mỹ) thực hiện theo kịch bản của ông và Paul Aiello, hai hãng phim LD Entertainment và Affirm Films đồng sản xuất, và hãng Columbia Pictures phát hành vào trung tuần tháng 02-2016.
([5]) Loạt phim này của một tập thể đạo diễn (Ciaran Donnelly, Tony Mitchell, Brian Kelly, Rob Evans, và Paul Wilmshurst), do Lightworkers Media và United Artists Media Group đồng sản xuất, được chiếu trên màn ảnh nhỏ từ đầu tháng 4-2015 đến cuối tháng 5 cùng năm.
([6]) Con Người (Son of Man) là thuật ngữ Kinh Thánh, chỉ Đức Giê-su Ki-tô vừa mang nhân tính (humanity) vừa mang thần tính (divinity). Trong Phúc Âm, nhiều lần Đức Giê-su tự xưng là Con Người, với nghĩa là “Tôi”. Chẳng hạn:
- Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. (Lu-ca 5:24)
- Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (Mác-cô 8:31)
- Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến. (Mát-thêu 25:64)
(Huệ Khải, Phúc Âm Kể Lại Theo R.F. Wilson. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019, tr. 80.)
([7]) Every saint has a past, and every sinner has a future.
([8]) His sudden realization of truth [“My Lord and my God”] made Thomas the first person to explicitly acknowledge Jesus’s divinity.
([9]) Learning Faith from Doubting Thomas
http://www.joyfulheart.com/easter/thomas.htm
([10]) But Thomas is a pessimist. Some people rejoice to see a glass half full, but Thomas sees it half empty.
([11]) Thomas is a late bloomer, I guess.
([12]) a plant which flowers relatively late, typically in late summer or early autumn; a person who displays talent, develops skills or interests, or achieves success at a relatively late stage.
([13]) Bài hát Buồn được sáng tác vào đầu thập niên 1980.