Trên bức tường bên phải
Trung Tâm Hiến Pháp Quốc Gia (ảnh trên) ghi trọn câu văn mở đầu Hiến Pháp Hoa
Kỳ:
Chúng tôi, nhân dân Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng
một liên bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong
nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ
vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến
Pháp này cho Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
(We the People of the United States, in
order to form a more perfect Union, establish Justice, insure domestic
Tranquility, provide for the common defence, promote the general Welfare, and
secure the Blessings of Liberty to ourselves and our Posterity, do ordain and
establish this Constitution for the United States of America.)
|
20. TRƯNG BÀY VỀ TỰ DO TÔN GIÁO
HUỆ
KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
1. Hội Đồng Tòa Thánh Về Gia Đình (Pontifical Council for the Family) của giáo triều Rô-ma do Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II thành lập năm 1981, để thay thế Ủy Ban Gia Đình (the Committee for the Family) do Đức Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI sáng lập năm 1973. Hội Đồng này đảm trách thăng tiến mục vụ và sứ vụ tông đồ gia đình, qua việc thực thi huấn giáo và những hướng dẫn của Hội Thánh, giúp cho các gia đình Ki-tô hữu hoàn thành sứ mệnh giáo dục và tông đồ của mình.
Trong tuần lễ từ Thứ Ba 22 đến Chủ Nhật 27-9-2015,
tại thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania , Hoa Kỳ), Hội
Đồng nói trên tổ chức Đại Hội Gia Đình
Thế Giới (the World Meeting of
Families) lần thứ tám. Đây là cuộc hội ngộ quy tụ người tham dự đến từ khắp
nơi trên thế giới để cùng cầu nguyện, học hỏi giáo lý, tăng cường mối liên kết
giữa các gia đình, khẳng định giá trị tối quan trọng của hôn nhân và gia đình
đối với mọi người trong xã hội.
Nhân đại hội toàn cầu này, Đức Giáo Hoàng
Phan-xi-cô sẽ đến thành phố Philadelphia vào sáng Thứ Bảy 26, sau khi đã ghé
thủ đô Washington và thành phố New York (bang New York). Tính ra, Đức Phan-xi-cô
là vị giáo hoàng thứ tư đặt chân lên nước Mỹ. Trước đây đã có ba vị tiền nhiệm
của ngài tới Hợp Chúng Quốc chín lần: Đầu tiên là Đức Thánh Giáo Hoàng Phao-lô
VI sang Mỹ vào tháng 10-1965. Sau đó, Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II công
du nước Mỹ bảy lần (1979, 1981, 1984, 1987, 1993, 1995, 1999). Vị thứ ba là Đức
Giáo Hoàng Biển Đức XVI (tháng 4-2008).
Như vậy, sau lần cung nghinh Thánh Giáo Hoàng
Gio-an Phao-lô II vào năm 1979, đây là lần thứ hai thành phố Philadelphia lại được vinh dự đón tiếp thêm một
vị giáo hoàng. Trước sự kiện rất trọng đại và rất ý nghĩa này, một số cơ quan
dân sự và bảo tàng đặt tại thành phố Philadelphia
đã tổ chức nhiều hoạt động đặc biệt.
2. Một
trong các hoạt động quan trọng nhất chính là đợt trưng bày với chủ đề Tự Do Tôn Giáo Và Sự Thành Lập Nước Mỹ (Religious Liberty and the Founding of
America), khai mạc hôm Thứ Sáu 21-8-2015 và bế mạc vào Chủ Nhật 03-01-2016
tại viện bảo tàng lịch sử mang tên Trung Tâm
Hiến Pháp Quốc Gia (the National
Constitution Center), thành lập vào Chủ Nhật 17-9-2000, và chánh thức mở
cửa ngày Thứ Sáu 04-7-2003. Từ năm 2013 Trung Tâm đặt dưới quyền quản trị của
Jeffrey Rosen là chủ tịch kiêm CEO (tổng giám đốc). Sinh năm 1964, Rosen còn là
một nhà bình luận danh tiếng về pháp luật, giáo sư luật học, xuất thân từ Viện Đại
Học Harvard, Trường Luật Yale, và Viện Đại Học Oxford…
Vì chủ đề của cuộc trưng bày mùa Thu là Tự Do Tôn Giáo Và Sự Thành Lập Nước Mỹ nên
tờ báo điện tử của Tổng Giáo Phận Philadelphia là CatholicPhilly.com phát hành hôm Thứ Sáu 28-8-2015 có đăng bài viết
của Lou Baldwin nhắc tới chuyện xưa, liên quan tới vấn đề kỳ thị Công Giáo ở
Mỹ, xảy ra cách nay gần một thế kỷ.
Theo bài báo, hồi đó thiên hạ đồn rùm lên
rằng Al Smith thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bởi vì ông theo Công Giáo,
và còn bởi vì đã có “tin vịt” rêu rao rằng ông sẽ rước Đức Giáo Hoàng Pi-ô XI
(nhiệm kỳ 1922-1939) sang thăm Hoa Kỳ. Ứng cử viên Al Smith chính là Alfred
Emanuel Smith (1873-1944), thuộc đảng Dân Chủ. Được bầu làm thống đốc thứ bốn
mươi hai của bang New York trong bốn lần tranh cử (1918, 1922, 1924, 1926),
nhưng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1928, Al Smith lại phải chịu thua đối
thủ là Herbert Hoover (1874-1964), thuộc đảng Cộng Hòa. Thiên hạ cho rằng bởi
vì Hoover theo đạo Tin Lành (phái Quakers) nên được đa số cử tri ủng hộ, và ông
đắc cử, trở thành tổng thống thứ ba mươi mốt của Hợp Chúng Quốc (nhiệm kỳ
1929-1933).
Nguyên nhân thật sự khiến ứng cử viên Al
Smith thất bại có lẽ không đơn giản chỉ vì lý do tôn giáo; tuy nhiên lời huyên
truyền xa xưa đó dường như phản ánh một khía cạnh là quả thật ở Mỹ đã có kỳ thị
Công Giáo. Nói khác đi, hành trình tự do tôn giáo cũng lắm nỗi thăng trầm trong
lịch sử Hợp Chúng Quốc, và vì thế người ta hiểu rằng Jeffrey Rosen rất sâu sắc
khi cho trưng bày tại Trung Tâm Hiến Pháp
Quốc Gia những văn kiện pháp lý nhằm minh họa tiến trình phát triển của
khái niệm tự do tôn giáo, kể từ khi Hoa Kỳ còn là mười ba bang thuộc địa của đế
quốc Anh nằm trên bờ biển phía đông Bắc Mỹ. Tiến trình phát triển này khởi đầu
với Tự Do Tôn Giáo Ở Hoa Kỳ Thuộc Địa Anh
(Religious Liberty in Colonial America),
kế tiếp là Tự Do Tôn Giáo Trong Hiến Pháp
(Religious Liberty in the Constitution),
và Di Sản Của Tự Do Tôn Giáo (the Legacy of Religious Liberty).
3. Tác
giả Lou Baldwin cho biết trong lịch sử ban sơ của những người di dân sang Mỹ
như tín đồ Thanh Giáo (Puritans, gốc
ở Anh), khi định cư ở Massachusetts (Mỹ) họ bị các
cộng đồng khác tín ngưỡng cấm đạo và bách hại. Lou
Baldwin dẫn lại lời Jeffrey Rosen như sau:
Chín
trong số mười ba bang thuộc địa của Anh có thành lập các giáo hội (churches). Nhiều bang đánh thuế để ủng hộ giáo hội, một số bang chỉ cho phép những
người thuộc giáo hội của họ mới được giữ chức vụ trong các cơ quan công quyền.
Một số tín hữu - Công
Giáo, Tin Lành (phái Báp-tít), và Do Thái Giáo - phải giáp mặt với nạn phân biệt tôn giáo. Chúng tôi có giữ các
hiến chương (charters)
thời ban sơ đó, chúng rao giảng tự do tôn
giáo nhưng lại cấm những người không theo Tin Lành nắm giữ các chức vụ trong chánh
quyền.
Để thoát khỏi ách cai trị của đế quốc
Anh, mười ba bang thuộc địa nổi lên làm cuộc cách mạng giành độc lập kéo dài
mười hai năm (1775-1783). Kể từ thời điểm nổ ra cuộc cách mạng đó trở ngược về
trước, theo bài báo của Baldwin, trong số mười ba bang thuộc địa chỉ có hai
bang Pennsylvania và Rhode Island thực thi liên tục chánh sách tự
do tôn giáo. Tuy nhiên, riêng ở Pennsylvania đã có thực trạng là Hiến Chương Về Đặc Quyền Năm 1741 (the Charter of Privileges of 1741) một
mặt lên tiếng bảo vệ bất kỳ tín đồ của một tôn giáo nhất thần (monotheistic religion) nhưng mặt khác lại
tự mâu thuẫn khi hạn chế ngõ vào các cơ quan công quyền, chỉ dành “cửa hẹp” riêng
cho những ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.
Ở bang thuộc địa Virginia, các công chức
phải có lời thề rằng họ chối bỏ giáo lý Công Giáo, và trong số những người đã
từng thề thốt như vậy có chàng trai George Washington (1732-1799), sinh trưởng
ở bang Virginia, là tín đồ Tin Lành thuộc Giáo Hội Episcopal Mỹ (PECUSA: the Protestant Episcopal Church in the
United States of America). Nhưng khi làm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ
(hai nhiệm kỳ, 1789-1797), Washington
tuyệt đối tôn trọng tự do tôn giáo. Có hai lá thư của Tổng Thống Washington được trưng
bày để làm chứng:
(a) Khi phúc đáp thư chúc mừng của một
cộng đồng Công Giáo , Washington viết: Tất cả những ai phẩm hạnh xứng đáng, thì họ đều có quyền được Chánh Quyền
Liên Bang bảo vệ ngang nhau . . . ([1])
(b) Trong thư gởi cộng đồng Do Thái, ông
viết: Chánh Quyền không tán thành niềm
tin mù quáng . . .([2])
Và ông trích lại Cựu Ước của người Do
Thái (Mi-kha 4:4): Mỗi người sẽ ngồi an
lành dưới cây vả và cây nho của mình, không còn ai làm cho họ sợ hãi nữa.([3])
4. Trong
số các văn bản pháp lý lịch sử được trưng bày tại Trung Tâm Hiến Pháp Quốc Gia
có Tuyên Ngôn Nhân Quyền Của Bang Virginia (Virginia Declaration of Rights) ra đời năm 1776 mà trong số các vị
đồng tác giả thì George Mason (1725-1792) là người quan trọng nhất. Về quyền tự
do tôn giáo, Điều Thứ 16 trong Tuyên Ngôn này xác định: . . . tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng trong việc tự do thực
hành tôn giáo, noi theo tiếng gọi của lương tâm; và bổn phận hỗ tương của tất
cả mọi người chính là thực hành lẫn cho nhau đức nhẫn nại, tình yêu thương, và
lòng thương xót của những người Ki-tô Giáo.([4])
Hiến Pháp
Bang New York (New York Constitution) được thông qua
năm 1777 cũng được trưng bày. Điều Khoản 38 của Hiến Pháp này viết: . . . nhân danh và với tư cách những người
thiện hảo của Bang này, hội nghị này ban hành, quyết định, và tuyên bố rằng
việc tự do thực thi và thụ hưởng tín ngưỡng và thờ phượng tôn giáo, mà không có
sự kỳ thị hay ưu đãi nào, phải mãi mãi được cho phép trong phạm vi toàn Bang,
với tất cả mọi người . . .([5])
Văn kiện quan trọng nhất được Tổng Giám Đốc
Rosen cho trưng bày là Hiến Pháp Hợp
Chúng Quốc (the Constitution of the United States ),
có hiệu lực thi hành từ năm 1789. Năm 1791 James Madison (1751-1836) đưa ra
mười tu chính án (amendments) sửa đổi
Hiến Pháp Hoa Kỳ và đã hình thành Tuyên Ngôn
Nhân Quyền (the Bill of Rights)
để hạn chế quyền lực của Chánh Quyền Liên Bang, bảo vệ quyền của tất cả công
dân, những người sinh sống và là khách trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Được coi là cha đẻ
Hiến Pháp Hoa Kỳ và là tác giả chánh yếu của Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Madison sau
này làm tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ, với hai nhiệm kỳ (1809-1817).
Về quyền tự do tôn giáo, tu chính án thứ
nhất tuyên bố: Quốc Hội không được đặt ra
một đạo luật nào tôn trọng việc thiết lập tôn giáo, và cũng không được cấm đoán
việc tự do thực hành tôn giáo . . .([6])
Đây là điều khoản về tôn giáo (religious clause) bao hàm hai ý:
(a) Thể hiện một nhà nước pháp quyền
không gắn liền với tôn giáo, không ủng hộ một tôn giáo bất kỳ. Như vậy, nó công
bằng với những người không theo một tôn giáo nào cả.
(b) Bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của
những người có tôn giáo.
Trong bài viết đăng trên CatholicPhilly.com hôm Thứ Sáu 28-8-2015,
Baldwin cho biết Tổng Giám Đốc Rosen lưu ý rằng tu chính án thứ nhất (dẫn trên)
thực ra không thể ngăn cấm nạn kỳ thị tôn giáo trên toàn nước Mỹ, nhưng nó ngăn
cấm Chánh Quyền Liên Bang không được thông qua các luật mang tính kỳ thị tôn
giáo. Nhiều bang của Hoa Kỳ có lập hiến pháp riêng; tuy nhiên, nếu luật lệ của
một bang lại xâm phạm quyền tự do tôn giáo, thì Chánh Quyền Liên Bang có đủ
quyền hạn để thủ tiêu luật lệ đó, căn cứ theo tu chính án thứ mười bốn của Hiến
Pháp Hoa Kỳ.
Khi liên hệ tới tu chính án thứ nhất,
người ta hay dẫn lại Thomas Jefferson (1743-1826), là tổng thống thứ ba của Hợp
Chúng Quốc, với hai nhiệm kỳ (1801-1809). Số là, nhân dịp Jefferson vừa đắc cử
nhiệm kỳ thứ nhất, Hội Tin Lành Báp-tít thành phố Danbury (bang Connecticut)
gởi thư chúc mừng, và Jefferson viết thư phúc đáp vào Thứ Sáu 01-01-1802, trong
thư có mấy chữ: một bức tường ngăn cách
giữa giáo hội và nhà nước (a wall of
separation between church and state).
Có ý kiến cho rằng nếu điều khoản về tôn
giáo trong tu chính án thứ nhất được diễn giải là giữa Nhà Nước và giáo hội
không được có bất kỳ một sự tương tác nào cả thì có nghĩa đã bóp méo tư tưởng
của Madison. Bởi lẽ sau khi kế nhiệm Jefferson để làm tổng thống thứ tư của Hoa
Kỳ, Madison đã chấp thuận quyết nghị chung của Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện
yêu cầu phải công bố một ngày cho toàn dân Hoa Kỳ với nghi thức tôn giáo trang
trọng được công khai bày tỏ lòng khiêm tốn trước Thượng Đế và cầu nguyện.
Bằng Tuyên
Bố Khuyến Nghị Một Ngày Cầu nguyện (Proclaimation
- Recommending a Day of Prayer) dài
hơn ba trăm từ, ký hôm Thứ Năm 09-7-1812, có đoạn Tổng Thống Madison viết: Do đó, tôi khuyến nghị ngày Thứ Năm của tuần
lễ thứ ba trong tháng 8 tới đây là một ngày thuận tiện được dành riêng cho các
mục đích sùng kính để dâng lên Đấng Tối Cao của Vũ Trụ và Đấng Ban Ơn cho Nhân Loại
lòng tôn kính chung đối với những thánh đức của Ngài . . .([7])
Hành trình của quyền tự do tôn giáo là một đường dài không
suôn sẻ trong lịch sử nhiều quốc gia trên thế giới xưa và nay. Bởi vậy, hôm Thứ
Ba 07-12-1965, Đức Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI ban hành một văn kiện của Công Đồng
Vatican II, nhan đề Dignitatis Humanae, nghĩa
là Về Phẩm Giá Con Người – Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo (On the Dignity of the Human Person –
Declaration on Religious Freedom). Trong văn kiện này có đoạn viết: Công Đồng Vatican
này tuyên bố rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Tự do này nghĩa là tất cả
mọi người không ai bị ép buộc về phương diện cá nhân hay các nhóm xã hội, hay
bất kỳ quyền lực con người nào, nghĩa là không một ai bị ép buộc phải hành động
theo một cách thức trái ngược với đức tin của mình, dù là một cách riêng tư hay
công khai, dù là một mình hay liên kết với những người khác . . .([8])
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 30-8-2015 và 07-9-2015
Sửa chữa 19-7-2019
Tuần
san CGvDT, số 2022 và 2023, từ 04 đến 17-9-2O15
([5]) . . .
this convention doth further, in the name and by the
authority of the good people of this State, ordain, determine, and declare,
that the free exercise and enjoyment of religious profession and worship,
without discrimination or preference, shall forever hereafter be allowed,
within this State, to all mankind . . .
([8]) This Vatican
Council declares that the human person has a right to religious freedom. This
freedom means that all men are to be immune from coercion on the part of
individuals or of social groups and of any human power, in such wise that no
one be forced to act in a manner contrary to his own beliefs, whether privately
or publicly, whether alone or in association with others, within due limits.