Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/5. MÁNG CỎ GIỮA LÒNG THUYỀN / NHƯ HOA NỞ MUỘN



5. MÁNG CỎ GIỮA LÒNG THUYỀN
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

1. Thánh đường Phan-xi-cô ở Assisi, một thị trấn trong miền Umbria giữa lòng nước Ý, là nơi Thánh Phan-xi-cô chào đời (1181 hay 1182) và cũng là nơi Thánh trở về với Chúa (1226).
Khởi công xây dựng năm 1228, thánh đường Phan-xi-cô ở Assisi là một trong những điểm hành hương quan trọng nhất đối với người Công Giáo khi đặt chân đến nước Ý. Ngôi thánh đường lịch sử này vào năm 2000 được UNESCO xếp hạng là Di Sản Thế Giới. Vào chiều Chủ Nhật 06-12-2015, nơi đây có một sự kiện mang nhiều ý nghĩa.
2. Chiều hôm ấy, qua màn ảnh truyền hình cực lớn, mọi người thấy rõ trong lúc đang ngồi tại Vatican, Đức Phan-xi-cô tự tay thắp một ngọn đèn dầu dùng làm nến (oil candle). Ngay đúng lúc đó, cây thông Giáng Sinh đặt tại quảng trường trước ngôi thánh đường Phan-xi-cô ở Assisi cũng được thắp sáng. Nghi thức này có tính cách biểu tượng, hàm ý mang đến hy vọng cho những thuyền nhân di dân và tỵ nạn.
Để chuyển tải ý nghĩa biểu tượng đó, dưới gốc cây thông xanh ngắt ở Assisi không bày biện những hộp quà Giáng Sinh màu sắc rực rỡ như hình ảnh truyền thống ai ai cũng quen mắt; thay vào đó là một thuyền gỗ của ngư dân Bắc Phi. Con thuyền dài bảy mét, chính là con thuyền mà một nhóm chín người tỵ nạn hồi năm 2014 đã dùng, để từ bờ biển nước Tunisia (cực Bắc châu Phi), họ mạo hiểm tính mạng vượt qua Địa Trung Hải, tìm tới hòn đảo Lampedusa thuộc nước Ý. Trên boong thuyền có một khoang vuông vắn, trong đó đặt máng cỏ với Chúa Hài Đồng…
3. Tại Assisi, được mời tham dự thánh lễ thắp sáng cây thông Giáng Sinh nói trên là ba mươi mốt người tỵ nạn đã rời khỏi bốn nước Afghanistan, Cameroon, Nigeria, và Syria. Những người này đang được cơ quan Caritas ở Assisi giúp đỡ. Nhân dịp này, Công Quản Đường Sắt của Ý và Hải Quân nước này phân phát đồ chơi cho các gia đình có nhu cầu.
Hôm ấy, sau phần nghi thức, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói chuyện với những người tham dự. Đáng lưu ý, theo văn bản tiếng Anh do đài phát thanh Vatican chánh thức phổ biến, Đức Phan-xi-cô gọi những người rời bỏ quê hương vượt qua Địa Trung Hải tìm đến châu Âu là người tỵ nạn (refugees), chứ không dùng hai chữ di dân (migrants) như một uyển ngữ.([1]) Đức Phan-xi-cô nói như sau:
Khi nhìn chiếc thuyền đó … [chúng ta thấy] Đức Giê-su luôn luôn ở cùng chúng ta, ngay cả trong những giờ phút khó khăn. Biết bao anh chị em đã chết đuối ngoài biển khơi! Giờ đây họ đang ở với Chúa. Nhưng Chúa đến để cho chúng ta hy vọng, và chúng ta phải nắm lấy hy vọng này. Chúa đến để nói với chúng ta rằng Chúa mạnh mẽ hơn sự chết, rằng Chúa mạnh hơn bất kỳ tội ác nào. Chúa đến để nói với chúng ta rằng Chúa giàu lòng thương xót, đầy đức từ bi; và mùa Giáng Sinh này Cha mời gọi các con hãy mở tấm lòng các con ra để xót thương và tha thứ. Tuy nhiên tha thứ những vụ tàn sát, giết chóc thì chẳng dễ dàng đâu. Chẳng dễ chi đâu!
Cha muốn cảm ơn [các thành viên đội] Tuần Duyên: những người nam, người nữ thiện hảo. Cha cảm ơn các con, vì các con đã là khí cụ của niềm hy vọng để đưa chúng ta tới bên Đức Giê-su. Các con, ở giữa chúng ta, các con đã là những người gieo trồng các hạt giống hy vọng, hy vọng Đức Giê-su. Cảm ơn con, Antonio, con và tất cả những đồng đội của con và tất cả những gì mà nước Ý này đã nhận được rất dồi dào: Miền Nam nước Ý là một tấm gương đoàn kết cho toàn thế giới! Đối với mọi người nhìn vào máng cỏ, họ đều có thể thưa với Đức Giê-su như sau: “Con cũng đã phụ giúp một tay bởi vì Chúa là một dấu chỉ của lòng hy vọng.”
Còn đối với tất cả những người tỵ nạn, Cha nói một lời thôi, lời của ngôn sứ: Hãy ngẩng đầu lên, Chúa đến gần rồi. Và [đến cùng] với Chúa là sức mạnh, cứu độ, và hy vọng. Có thể con tim thì buồn đau, nhưng hãy ngẩng cao đầu lên trong niềm hy vọng Chúa.
4. Cho tới năm 2015 đã có hơn chín trăm ngàn người tỵ nạn và di dân vượt qua Địa Trung Hải để tìm tới châu Âu, đất hứa của họ. Trong số đó có nhiều người đã phải ra đi để thoát khỏi cuộc chiến tranh và cơn bách hại đang diễn ra tại Trung Đông. Trước thực trạng mang tính vấn nạn thách thức cả thế giới loài người thời nay, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô luôn nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi mọi người hãy mở lòng nhân ái trước làn sóng nhập cư và ứng xử với người tỵ nạn cũng như người nhập cư bằng đức ái Ki-tô, như Phúc Âm đã chép: Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà (Rô-ma 12:13); Hãy tiếp đón nhau mà không lẩm bẩm kêu ca. (1 Phê-rô 4:9).
Liên hệ tới vấn đề người di dân và tỵ nạn, Đức Phan-xi-cô có lần hàm ý nhắc tới lời Đức Giê-su (Mát-thêu 25) khi kết luận một thông điệp của ngài phổ biến tại Vatican hôm Thứ Bảy 12-9-2015 như sau: Ở trung tâm điểm của phúc âm tình thương, sự gặp gỡ và chấp nhận người khác quyện lẫn với sự gặp gỡ và chấp nhận chính Thiên Chúa. Chào đón những người khác có nghĩa là chào đón Thiên Chúa trong xác thể con người! ([2])
5. Sự kiện ở Assisi hôm đầu tháng 12-2015, khi mùa Giáng Sinh đang đến gần, có thể nói là một thông điệp tình thương mang mể tính đặc thù của một thời đại mà thân phận con người mỏng giòn đang phải đối mặt từng ngày từng giờ từng phút từng giây với cái ác và những bạo lực hung tàn đua nhau bùng phát trên bình diện rộng lớn.
Con người thời nay nghĩ gì, thấm thía được lý lẽ gì, một khi máng cỏ của Chúa Hài Đồng không còn là máng ăn rơm rạ của gia súc hiền lành nơi hang đá như hình ảnh truyền thống bền bỉ hơn hai ngàn năm nay? Vâng, vì sao mà ở đầu thiên niên kỷ thứ ba này “cái nôi” của Hài Đồng Ki-tô tại Assisi lại phải đặt giữa lòng con thuyền mỏng manh trên đại dương bão táp?
6. Khủng hoảng tài chánh, khủng hoảng môi sinh, khủng hoảng lương thực, và khủng hoảng chi chi đi nữa, tất cả đều nguy hiểm và đe dọa, nhưng tất cả những thứ khủng hoảng ấy đều chưa đáng sợ bằng khủng hoảng tình người, khủng hoảng con tim.
Tháng Mười Hai rồi sẽ hết sau lễ Giáng Sinh để thế giới cùng đón chào năm mới 2016. Chủ Nhật 17-01-2016 ở phần lớn các nước cũng là Ngày Thế Giới Di Dân Và Người Tỵ Nạn (the World Day for Migrants and Refugees).([3]) Thế thì, trong bối cảnh ấy, con-thuyền-máng-cỏ ở Assisi quả thật có thể được xem là một thông điệp vô ngôn, một thông điệp bằng vật thể hữu hình nhưng lại truyền đi một ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc và rất lớn lao cho lương tâm thời đại.
7. Việc thắp nến từ xa, và máng cỏ trong lòng thuyền - hai hình thức khác thường ở Assisi trong mùa Giáng Sinh 2015 nhắc tôi nhớ tới lời dạy của Đức Mẹ Diêu Trì tại Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự, Sài Gòn) ngày 14-8 Quý Sửu (Thứ Hai 10-9-1973): Các hình thức đã gây ý thức. Và tôi lãnh hội vì sao Đức Phan-xi-cô thực hiện hai hình thức khác thường ấy.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 09-12-2015
Sửa chữa 18-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2037-2038, từ 18 đến 14-12-2015



([1]) http://en.radiovaticana.va/news/2015/12/06/pope_francis_remotely_lights_ nativity_scene_in_assisi/1192288
([2]) w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/migration/documents/papa-francesco_20150912_world-migrants-day-2016.html.
([3]) Riêng Hoa Kỳ tổ chức Tuần Lễ Di Dân Quốc Gia (National Migration Week) từ ngày 04 tới 09 tháng 01 dương lịch.