Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/6. SỐ BA CỦA ĐỨC PHAN-XI-CÔ / NHƯ HOA NỞ MUỘN



6. SỐ BA CỦA ĐỨC PHAN-XI-CÔ
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

Một
Jared Dees là người sáng lập mạng điện tử The Religion Teacher - thầy dạy tôn giáo.([1]) Có trên mười năm kinh nghiệm trong lãnh vực giảng dạy giáo lý, ông còn là chuyên viên xuất bản kỹ thuật số (digital publishing specialist) của nhà xuất bản Công Giáo Ave Maria (bang Indiana, Hoa Kỳ).
Năm 2013 ông có bài viết Bây Giờ Bạn Có Thể Giảng Đạo Giống Như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô,([2]) qua đó ông lưu ý chúng ta rằng Đức Phan-xi-cô luôn luôn kết cấu bài giảng theo số ba. Jared Dees xác định: “Đối với Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, số ba là số ảo diệu.” ([3]) Để chứng minh cho câu nói ấy, Jared Dees viết: “Bắt đầu với bài giảng đầu tiên cho các hồng y trong ngày sau khi được bầu, Đức Giáo Hoàng có xu hướng chỉ tập trung vào ba từ, ba câu hỏi, hay ba ý tưởng, trong mỗi bài giảng hoặc mỗi diễn văn của ngài. Điều này giúp cho mọi người rất dễ theo dõi các ý của ngài…”
Dees nhắc lại rằng trong bài giảng mở đầu cho Năm Đức Tin (từ Thứ Năm 11-10-2012 đến Chủ Nhật 24-11-2013), khi nói chuyện với các giáo lý viên, Đức Phan-xi-cô cho biết xuất phát từ đâu mà ngài luôn luôn áp dụng số ba trong phương pháp giảng đạo. Thứ Sáu 27-9-2013, Đức Phan-xi-cô bảo: “Cha sắp nói về ba điều: một, hai, ba, cái cách cổ lổ mà các thầy tu Dòng Tên đã dùng... một, hai, ba!” ([4])
Đức Phan-xi-cô xuất thân từ Dòng Tên, và như ngài hé lộ hôm ấy, việc áp dụng số ba không phải là sáng kiến của ngài, mà chỉ là noi theo truyền thống xa xưa của Dòng Tên, một truyền thống mà Đức Phan-xi-cô khiêm tốn bảo rằng nó “cổ lổ”. Cách nói của ngài có lẽ dễ khiến những ai từng nghiền ngẫm Luận Ngữ (7:1) ắt liên tưởng tới lời Đức Khổng Tử tự nói về bản thân là một người tín nhi hiếu cổ 信而好古 (tin tưởng và yêu thích những gì xưa cổ).
Hai
Trở lại với bài viết của Dees. Ông đưa nó lên mạng quốc tế hôm Thứ Ba 15-10-2013, sau khi Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô được bầu vào giữa tháng 3; vì thế, các dẫn chứng của Dees về số ba rút ra từ các bài giảng hay diễn văn của Đức Phan-xi-cô đều căn cứ vào các văn bản được Vatican hay báo chí phổ biến trong khoảng bảy tháng (từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 10-2013). Khi dẫn chứng, Dees không trình bày các dẫn chứng theo thứ tự thời gian vì ông không ghi rõ ngày tháng cụ thể của từng trường hợp. Tuy nhiên, khi trích các dẫn chứng ấy của Dees, tôi bổ sung các ngày tháng liên quan và nhân đó sắp xếp các trường hợp theo trình tự thời gian. Kết quả, có tám trường hợp lần lượt như dưới đây:
1. Sau khi được bầu làm giáo hoàng, trong bài giảng đầu tiên cho Hồng Y Đoàn vào chiều Thứ Năm 14-3-1013 tại nhà nguyện Sistine, Đức Phan-xi-cô chia sẻ ba từ: Hành trình, Tuyên xưng, Xây dựng.([5])
2. Trong bài giảng vào dịp lễ Hiện Xuống (Chủ Nhật 19-5-2013), Đức Phan-xi-cô nói tới ba từ: Mới mẻ, Hòa hợp, Sứ mạng.([6])
3. Nói chuyện trước sinh viên các trường Dòng Tên (the Jesuit schools) của Ý và Albania tại giảng đường Phao-lô VI hôm Thứ Sáu 07-6-2013, Đức Phan-xi-cô nhấn mạnh ba từ: Cao thượng, Tự do, Phục vụ.([7])
4. Đức Phan-xi-cô ký tông thư Lumen Fidei (Ánh Sáng Đức Tin) hôm Thứ Bảy 29-6-2013. Ba từ quan trọng xuyên suốt tông thư này là Hành trình, Tuyên xưng, Xây dựng,([8]) cũng là ba từ trong bài giảng đầu tiên của ngài tại nhà nguyện Sistine.
5. Chủ Nhật 28-7-2013, trong thánh lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ hai mươi tám trên bãi biển Copacabana tại Rio de Janeiro (Brazil), bài giảng của Đức Phan-xi-cô gồm có ba nội dung: Ra đi, Đừng sợ, Phục vụ.([9])
6. Chiều Thứ Tư 28-8-2013, đứng trước năm trăm bạn trẻ thuộc giáo phận Piacenza (miền bắc nước Ý), Đức Phan-xi-cô ứng khẩu một bài giảng về ba chuẩn mực: Chân, Thiện, Mỹ.([10])
7. Nhân Năm Đức Tin sắp mở ra, khi nói chuyện với các giáo lý viên hôm Thứ Sáu 27-9-2013, Đức Phan-xi-cô chia sẻ ba chủ điểm:
(a) Gần gũi với Đức Giê-su.
(b) Noi theo gương Chúa bằng cách để lại cái tôi của mình và đi ra ngoài để gặp gỡ những người khác.
(c) Đừng sợ đi theo Chúa đến những vùng ngoại biên.([11])
8. Tại Rô-ma, khi giảng trong thánh lễ sáng Thứ Sáu 11-10-2013, Đức Phan-xi-cô nhắc nhở các Ki-tô hữu hãy đề phòng tính ranh mãnh, thói xảo quyệt của ma quỷ bằng cách ghi nhớ ba điều hệ trọng như sau:
(a) Đức Giê-su chống lại ma quỷ.
(b) Không theo Giê-su là chống lại Giê-su.
(c) Cảnh giác lòng mình bởi lẽ ma quỷ vốn dĩ tinh ranh.([12])
Ba
Trên đây, chúng ta đã biết Đức Phan-xi-cô bảo việc áp dụng con số ba là một cách “cổ lổ”. Nhưng thật sự có “cổ lổ” không? Câu trả lời là không. Thật vậy, ngay từ tấm bé, khi đứa trẻ được dạy tập làm văn, thầy cô bảo bài viết phải có ba phần: nhập đề, thân bài, kết luận. Lúc học khái quát về cơ thể, thầy cô giảng: Thân thể con người gồm có ba phần là đầu, mình, và tứ chi. Lớn thêm một chút, làm quen với hình học phẳng thì được dạy rằng ba điểm phân biệt không thẳng hàng xác định duy nhất một mặt phẳng. Đến lúc gõ cửa luận lý học trong chương trình triết học nhập môn thì được dạy về tam đoạn luận (Mọi người đều sẽ chết. / Huệ Khải là người. / Vậy, Huệ Khải sẽ chết.)…
Số ba hầu như là một “quy ước” trong đời sống. Kẻ mê rượu mượn lời cổ nhân để tự biện hộ: Bán dạ tam bôi tửu . . . Lương y bất đáo gia (Nửa đêm ba chén rượu . . . Thầy thuốc khỏi tới nhà). Những việc làm bởi lý do nào đó phải làm đi làm lại thì đừng quá ba lần: Sự bất quá tam. Tục ngữ có câu: Cờ ba cuộc, cơm ba bát, thuốc ba thang. Luận Ngữ (7:22) chép lời Đức Khổng Tử: Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên. 三人行, 必有我師焉. (Ba người cùng đi, ắt có người làm thầy ta.) Nhà thơ Cao Bá Quát (1809-1855) tự trào: Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái / Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.
Số ba trong các tôn giáo rõ ràng là số linh. Chẳng hạn, đạo Nho có Tam Cang (quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang); đạo Phật có Tam Quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng); đạo Hindu có Thượng Đế Ba Ngôi (Brahma là đấng sáng tạo, Vishnu là đấng bảo tồn, Shiva là đấng hủy diệt); đạo Lão có Tam Thanh (Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh); đạo Cao Đài có Tam Đài (Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài); đạo Chúa có Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần), v.v…
Các đối chiếu “liên tôn” như trên có thể mở rộng ra với rất nhiều chi tiết phong phú. Tuy nhiên giản lược như thế cũng tạm đủ để thấy số ba quả là thần bí, chả trách nhà toán học Hy Lạp Pythagoras (570-495 trước Công Nguyên) đã xếp số ba vào tập hợp những số huyền nhiệm (mysterious numbers). Thế thì, kết hợp với các dẫn chứng của Jared Dees, chúng ta có thể xác định rằng muốn thành công trong diễn thuyết hay giảng đạo, chúng ta nên noi gương Đức Phan-xi-cô: Mỗi bài viết, bài giảng chỉ nói tối đa ba chủ điểm, ba trọng tâm, hay ba đề mục...
Và bây giờ quý bạn ắt hiểu lý do vì sao tôi phải ráng “gò” bài viết này cho đủ ba phần: Một, Hai, Ba.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 26-01-2016
Sửa chữa 18-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2043, từ 29-01 đến 04-02-2016



([1]) http://www.thereligionteacher.com
([2]) Now You Can Teach Like Pope Francis (http://www.thereligionteacher.com/teach-like-pope-francis)
([3]) For Pope Francis, three is a magic number.
([4]) I am going to speak about three things: one, two, three, the way the old-fashioned Jesuits did… one, two, three!
([5]) Journeying, Professing, Building.
([6]) Newness, Harmony, Mission.
([7]) Magnanimous, Freedom, Service.
([8]) Journey, Profess, Build.
([9]) Go, Do Not Be Afraid, Serve.
([10]) Truth, Goodness, Beauty.
([11]) (a) Being close to Jesus; (b) Imitating Him by leaving ourselves behind and going out to encounter others; (c) Not being afraid to go with Him to the outskirts.
([12]) (a) Jesus fights the devil; (b) He who is not with Jesus is against Jesus; (c) Vigilance over our hearts because the devil is astute.