17. THÁNH LỄ GIỮA BÌNH MINH SA MẠC
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
Linh mục Pierre (Phê-rô) Teilhard de Chardin, thuộc Dòng Tên, khóc
chào đời hôm Chủ Nhật 01-5-1881
tại lâu đài Sarcenat, xã Orcines, gần thành phố Clermont-Ferrand, nước Pháp. Linh
mục về với Chúa vào Chủ Nhật 10-4-1955, trong lúc đang ngụ tại nhà thờ Thánh
Ignatius Loyola của Dòng Tên, trên đại lộ Park, thành phố New York, Hoa Kỳ.
Là triết gia lỗi lạc, cũng là nhà địa
chất học và cổ sinh vật học danh tiếng, linh mục Teilhard de Chardin tham gia cuộc khai quật di chỉ hóa thạch người
vượn Bắc Kinh (sau gọi tắt là Người Bắc Kinh), khởi sự năm 1923 và kết thúc năm
1941 tại Chu Khẩu Điếm 周口店 (tây
nam Bắc Kinh, Trung Quốc).
Chẳng những Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI
từng ca ngợi linh mục Teilhard de
Chardin trong quyển Tinh Thần Thánh Lễ
(Spirit of the Liturgy), mà trong
tông thư Laudato Si’, Chương Hai (Phúc Âm Về Sự Tạo Dựng / The Gospel of Creation), phần III (Huyền Nhiệm Của Vũ Trụ / The Mystery of the Universe), đoạn 83,
chú thích 53, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã nhắc tới đóng góp thần học của linh
mục Teilhard de Chardin về phương diện
nhận thức sâu sắc giá trị thiêng liêng của những thụ tạo mà Thiên Chúa ban cho
trái đất này.
Trong
tông thư nói trên, chú thích ấy của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô ngắn gọn, nhưng
đủ nhắc nhở chúng ta nhớ tới kiệt tác danh tiếng của linh mục Teilhard de Chardin, chính là bài nguyện cầu có
một không hai khi linh mục dâng thánh lễ giữa sa mạc Ordos vừa bừng tỉnh vào
một buổi bình minh trong tháng 6-1923.
Mùa xuân năm 1923, linh mục Teilhard de Chardin lần đầu tiên sang Trung
Quốc. Trước hết, linh mục rời tàu thủy, đặt chân lên cảng Thượng Hải; rồi đáp
xe lửa tới Thiên Tân, một thành phố ven biển cách Bắc Kinh khoảng 113,8km theo
đường chim bay, để gặp linh mục Emile Licent (1876-1952), cũng thuộc Dòng Tên,
và là nhà tự nhiên học (naturalist, natural
historian) danh tiếng. Tại Thiên Tân, linh mục Licent có lập một bảo tàng
lưu giữ những vật hóa thạch đã tìm thấy tại Trung Quốc từ khi đến lục địa này
vào năm 1914. Người Trung Quốc gọi linh mục Licent là Tang Chí Hoa 桑志華, và gọi linh mục Teilhard de Chardin là Đức Nhật
Tiến 德日進.
Cả hai vị đều là hai nhà khoa học lỗi lạc, đã mau chóng có được
mối quan hệ bền vững trong công việc.
Vào tháng 6-1923 linh mục Teilhard de Chardin thám hiểm sa mạc
Ordos, nằm về phía tây Bắc Kinh, trên một cao nguyên ở phía nam khu tự trị Nội
Mông hiện nay. Trải rộng khoảng 90.650 cây số vuông, sa mạc Ordos
còn có tên là Mu Us, hay Ngạc Nhĩ Đa Tư 鄂爾多斯.
Đất ở Ordos
là một hỗn hợp gồm đất sét, cát, bất lợi cho nông nghiệp. Linh mục Teilhard de Chardin đi vào sa mạc này
vào mùa hè, khí hậu quá gay gắt và điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt. Cuộc
hành trình gian khổ đó của nhà khoa học đã là nhân duyên để kho tàng văn học về
huyền nhiệm tâm linh của nhân loại được lưu giữ cho tới hôm nay và mai sau một
áng văn trác tuyệt.
Sáng tinh mơ hôm ấy, linh mục nhận ra
mình đang lẻ loi giữa bao la sa mạc hoang vu trong ánh triêu dương đang bừng
tỏa từ cuối chân trời xa xăm. Một màu vàng cam nhuộm khắp càn khôn thế giới.
Đẹp quá! Huy hoàng quá! Thiên nhiên rực rỡ này Thiên Chúa đã ban trao cho con
người và vạn loại. Lòng ngập tràn nỗi xúc động thiêng liêng khi cảm thụ trọn
vẹn lẽ huyền nhiệm của Thiên Chúa hiện hữu giữa đất trời, ngay tức khắc, đúng
vào lúc xuất thần đó, linh mục Teilhard
de Chardin muốn cử hành một thánh lễ đầu ngày. Nhưng, giữa sa mạc Ordos, thấy
mình chẳng có bàn thờ, chẳng mẩu bánh
thánh, chẳng giọt rượu lễ, linh mục bèn lấy cả trái đất làm bàn thờ, lấy hết
thảy vạn vật chúng sanh đau thương và hạnh phúc trên trái đất để làm bánh và
rượu cho thánh lễ. Sau đây là lời cầu nguyện trong thánh lễ ấy:
Lạy Chúa, vì con không có
bánh, không có rượu, cũng không có bàn thờ, nên con sẽ nâng con vượt lên khỏi
những thứ tượng trưng này; con xin lấy trọn vẹn trái đất làm bàn thờ và trên
đó, con sẽ dâng lên Chúa tất cả mọi nhọc nhằn cùng những nỗi đau khổ của thế
gian.
Khi ánh triêu dương lố dạng,
dịch chuyển như một màn lửa băng qua chân trời, thì trái đất tỉnh giấc, rùng
mình và bắt đầu những công việc hàng ngày của trái đất. Lạy Chúa, con sẽ đặt
trên dĩa của con những gì gặt hái được bằng sức cần lao mới vừa phục hồi này.
Con sẽ rót vào chén tất cả nhựa sống được ép ra từ hoa quả của trái đất trong
ngày hôm nay. Dĩa và chén của con là những chiều sâu thẳm tâm hồn đang
được phơi bày rộng mở ra cho tất cả các sức mạnh sẽ trỗi dậy trong khoảnh khắc
nữa từ mọi ngóc ngách của trái đất và đồng quy về Thần Khí.
Lạy Chúa, xin ban ơn cho con
nhớ tới và hiện tại hóa một cách huyền nhiệm tất cả những ai vào lúc này đang
được ánh triêu dương đánh thức để đón chào ngày mới. Khi con gợi lại những điều
này trong tâm trí, trước tiên con nhớ đến những người đã chia sẻ cuộc sống với
con, đó là gia đình, cộng đoàn, bạn bè, và đồng sự. Thế rồi mơ hồ hơn
nhưng hoàn toàn đầy đủ, con cũng nhớ đến toàn thể nhân loại, đang sống và đã
chết, mà đặc biệt là chính trái đất hữu hình này, lạy Chúa, khi con đứng trước
Chúa, thì con là một mẩu nhỏ của trái đất (...).
Và như thế, lạy Chúa, trước
mọi sự sống trong ngày hôm nay sắp nảy nở, lớn lên, trổ hoa, đỏ chín, con xin
lặp lại những lời này: “Đây là mình Thầy.” ([1]) Và trước mọi thế lực chết
chóc đang chực chờ sẵn sàng để gặm mòn, để tàn héo, để đoạn lìa, con xin lặp
lại lời Chúa diễn bày huyền nhiệm tối thượng của đức tin: “Đây là máu Thầy.” (1) Trên
dĩa của con, con xin dâng tất cả những ai sẽ sống tràn trề sinh lực trong ngày
hôm nay, người trẻ trung, người mạnh khỏe, người dào dạt mừng vui; và trong
chén của con, con xin dâng tất cả những gì trong ngày hôm nay sẽ bị nghiền nát
và tan vỡ khi sinh lực rút ra khỏi sự sống. Trên bàn thờ đang dung chứa muôn
loài vạn vật này, con xin dâng lên Chúa mọi sự trên trần gian chúng con, mọi sự
đang trỗi dậy và mọi sự đang chết đi, và xin Chúa ban ơn lành cho tất cả.
Và sự hiệp thông của chúng
con với Chúa sẽ không được trọn vẹn, sẽ không đúng nghĩa Ki-tô, nếu như cùng
với những thu hoạch mà ngày mới này mang lại, chúng con nhân danh chúng con và
thế giới, không chấp nhận những tiến trình ẩn tàng hay hiển bày vốn dĩ đang làm
cho vạn vật suy yếu, già cỗi và chết đi. Không ngừng đốt cháy vũ trụ, những
tiến trình ấy hướng đến ơn cứu độ và phán xét vũ trụ. Lạy Chúa, (…) chúng con
tin tưởng vô điều kiện rằng những cái tôi hẹp hòi của chúng con sẽ được thay
thế bằng sự hiện diện thiêng liêng của Chúa. Chúng con xin hợp nhau thành một
lời nguyện cầu duy nhất, vừa mừng vui với những gì chúng con đang có và vừa
khao khát những gì chúng con còn thiếu thốn.
Lạy Chúa, xin nhốt kín chúng con vào những
chiều sâu thẳm nhất trong tim Chúa, thế rồi khi giữ chúng con trong đó, xin hãy
đốt cháy chúng con, thanh tẩy chúng con, hãy đặt chúng con trên lửa, tôi luyện
chúng con, cho đến khi chúng con hoàn toàn trở nên đúng như Chúa muốn, bằng
cách triệt tiêu mọi ích kỷ bên trong chúng con. Amen.([2])
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 18-8-2015
Sửa chữa 26-6-2019
Tuần san CGvDT, số
2020, từ 21 đến 27-8-2015