Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/15. NGHĨ VỤNG VỀ MỐI PHÚC THẬT THỨ NHẤT / NHƯ HOA NỞ MUỘN



15. NGHĨ VỤNG VỀ MỐI PHÚC THẬT THỨ NHẤT
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

1. Phúc Âm theo Thánh Lu-ca kể tỉ mỉ trường hợp hay hoàn cảnh Chúa dạy về Tám Mối Phúc Thật, là nội dung mở đầu Bài Giảng Trên Núi.
1.1. Trước hôm giảng đạo, Chúa đã lên núi: Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. (6:12-13)
1.2. Sau đó, trong cùng buổi sáng ấy, Chúa và môn đồ xuống tới chân núi: Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. (6:17)
1.3. Ở chân núi, Chúa thấy đã có rất đông người tụ về: Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. (6:17-18)
1.4. Thấy quá đông người, Chúa dẫn môn đồ trở lên núi. Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu chép: Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (5:1-3)
Thánh Lu-ca chép: Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. (6:20)
1.5. Theo ghi chép của Thánh Mát-thêu (5:2) và Thánh Lu-ca (6:20) thì có thể hiểu là Chúa dạy các môn đồ. Nhưng tôi nghĩ rằng Chúa không dạy riêng ai. Có lý nào đám đông chịu bó chân dưới núi? Lẽ thường tình là bá tánh nối gót Chúa và các tông đồ, lũ lượt leo lên núi. Chúa nào có ngăn cấm ai đến với Chúa đâu.
Tôi lại nghĩ rằng Chúa không ngại mất công trở ngược lên núi sau khi vừa xuống núi là để chọn được một độ cao thích hợp, và vì thế một chỗ bằng phẳng nào đó trên triền núi ấy đã trở thành một giảng đài (pulpit) giữa thiên nhiên khoảng khoát.
Hồi xa xưa đó làm gì có các phương tiện điện tử để khuếch âm (như mi-crô và loa, v.v…) mà chúng ta quen dùng ngày nay. Nhưng tôi nghĩ rằng không riêng các môn đệ đang vây quanh Thầy, mà bá tánh có mặt lúc ấy ai ai cũng nghe thấy, nghe rõ, và lãnh hội được Lời Chúa. Trừ những ai cứng lòng.
Phúc Âm không chép rõ như tôi suy nghĩ. Nhưng Chúa thì toàn năng, Chúa cất tiếng và quyền năng mầu nhiệm của Chúa sẽ rót từng lời vào tai các tông đồ và bá tánh. Cần chi mi-crô và loa.
Tương tự như vậy, trước khi Đức Chúa Giê-su rao giảng Tin Mừng thì mỗi buổi giảng đạo của Đức Phật Thích Ca cũng thường thu hút hằng ngàn người đến nghe. Chẳng hạn, mở đầu quyển kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, đại tông đồ A Nan tường thuật rõ như sau: Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ở nước Xá Vệ, tại rừng Kỳ Ðà vườn Cấp Cô Ðộc, cùng với các đại tỳ kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. / Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc viên, dữ đại tỳ khưu chúng, thiên nhị bách ngũ thập nhân câu.
Cách chúng ta hơn hai ngàn năm trăm năm, vào thời của Đức Phật làm gì có loa và mi-crô. Vậy mà một ngàn hai trăm năm mươi người vẫn nghe được pháp âm của Đức Phật cũng nhờ vào thần thông quảng đại của Đấng Thế Tôn.
2. Nội dung Mối Phúc Thật Thứ Nhất
Chúa dạy: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (Mát-thêu 5:3)
2.1. Thú thật, thoạt đầu tôi thấy cụm từ tâm hồn nghèo khó chẳng dễ hiểu lắm, nên thử tìm vài bản tiếng Anh để đối chiếu. Các bản như King James Version, New International Version, New American Standard Bible, English Standard Version, v.v… đều viết là: the poor in the spirit (những người nghèo trong tinh thần).
Thử tham khảo thêm Trung Văn Tiêu Chuẩn Dịch Bản 中文標準譯本 (Chinese Standard Bible), tôi thấy viết là: linh lý bần phạp 靈裡貧乏. Bần phạp là bần cùng, nghèo khó, nghèo khổ. là bên trong (inside). Linh là tinh thần (spirit). Linh lý bần phạp là nghèo khó trong tinh thần. Ở đây, tinh thần hay tâm hồn coi như cùng nghĩa.
Như vậy, tôi hiểu rằng người có tâm hồn nghèo khó hoàn toàn không có nghĩa là người có tâm hồn nghèo nàn. Chẳng hạn, thế gian vẫn bảo: Lắm người giàu của cải, cuộc sống vật chất dồi dào, thừa mứa nhưng tâm hồn nghèo nàn; ngược lại, có những người tiền bạc chật vật, thiếu trước hụt sau, nhưng tâm hồn phong phú.
2.2. Đức Giê-su không dạy “Phúc cho ai nghèo khó”, mà Chúa dạy “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Như vậy, Chúa không loại trừ người giàu ra khỏi cõi phúc chân thật, nếu họ không hề tôn thờ ngẫu tượng là của cải.
Tôi suy nghĩ thêm, để tìm hiểu thế nào là “tâm hồn nghèo khó”. Phải chăng đó có thể là một người rất giàu, nhưng tâm hồn họ không bấu chặt vào tiền bạc? Chẳng hạn, họ sống tiết kiệm, chừng mực, giống như người nghèo phải luôn dè sẻn túi tiền quá ít ỏi của mình. Họ cũng không hợm mình khoe của (không như một số người thích khoe giàu mặc dù nguồn gốc tài sản kếch sù của họ vốn dĩ rất đỗi bất minh), và họ tự nguyện dành dụm những đồng tiền lương thiện đã cực nhọc mới kiếm được để ráng làm nhiều việc tốt đẹp, ích lợi cho người khác, cho xã hội.
Uruguay là một nước ở đông nam của Nam Mỹ, diện tích khoảng 176.215 cây số vuông, tức là nhỉnh hơn phân nửa nước Việt Nam một chút. Vị tổng thống thứ bốn mươi của nước này là José Mujica, nhiệm kỳ 2010-2015. Thay vì sống trong dinh tổng thống sang trọng, ông vẫn ở trong một ngôi nhà giản dị của vợ giữa một nông trại nằm bên ngoài thủ đô Montevideo. Ông dùng một chiếc xe hơi của Đức đã cũ, hiệu Volkswagen Beetle (đời 1987). Tài sản của ông cộng thêm phân nửa tài sản của vợ vào năm 2012 chỉ bằng khoảng hai phần ba tài sản của Danilo Astori (vị phó tổng thống của ông), và bằng một phần ba tài sản của Tabaré Vázquez (vị tổng thống tiền nhiệm của ông và cũng là người kế tục ông). Lương tổng thống khoảng 12.000 Mỹ kim/tháng, thì hằng tháng ông trích ra chín phần mười tiền lương để làm từ thiện. Báo chí phương Tây gọi ông là “tổng thống nghèo nhất thế giới”, nhưng nếu mượn lời Chúa thì phải chăng chúng ta có thể bảo ông là vị tổng thống “có tâm hồn nghèo khó”?


2.3. Bản chất sự giàu có, của cải sung túc không xấu, nhưng không biết làm chủ nó mà để nó làm chủ mình thì nó là chướng ngại rất lớn, như lời Chúa dạy, chép trong Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu: Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. (19:23-24)
 Sự giàu có, của cải sung túc nên là phương tin hữu hiu giúp chúng ta dễ thực hiện những kế hoạch mang tới ích lợi, hạnh phúc cho nhiều người khác (đạo Cao Đài gọi là làm công quả). Đừng xem giàu có là mục đích tối thượng mà suốt đời cứ lao tâm khổ trí, bất kể thủ đoạn tàn độc, miễn sao có thể chiếm đoạt càng nhanh và càng nhiều của cải càng tốt, quên rằng lúc chết đi cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Bởi vậy, trong Kinh Sám Hối (của đạo Minh Lý và cũng dùng trong đạo Cao Đài), Ðức Thái Thượng Lão Quân dạy:
Lo danh vọng, hao mòn thân thể
Ham làm giàu, của để bằng non
Một mai nhắm mắt đâu còn
Đem vàng chuộc mạng, đổi lòn đặng chăng?
Hai câu chuyện dưới đây minh chứng cho lời dạy trên đây của Đức Thái Thượng Lão Quân.
2.3.1. Chết rồi, ra đi với hai bàn tay trắng
Vào thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, Đại Đế Alexander cai trị vương quốc Macedonia. Chưa tròn ba mươi tuổi, Đại Đế đã làm chủ một đế quốc mênh mông, trải dài từ Hy Lạp tới Ấn Độ. Năm ba mươi ba tuổi, trước khi chết, Đại Đế ra lệnh rằng lúc đại liệm (nhập quan), phải để cho hai cánh tay của ông thòng ra bên ngoài áo quan với hai bàn tay mở xòe ra. Không ai hiểu vì sao Đại Đế ra lệnh kỳ quặc như thế.
Một nhà thông thái bèn giảng giải: Đại Đế muốn nhắn nhủ cho chúng ta nhớ rằng khi còn cai trị thế gian này, ngài làm chủ biết bao lãnh thổ mênh mông, biết bao kho tàng chứa đầy vàng bạc, châu báu. Ngài còn là chủ nhân của biết bao con người phải thần phục dưới quyền lực uy vũ của ngài. Nhưng đến lúc rời bỏ trần gian, ngài ra đi chỉ vỏn vẹn hai bàn tay trắng mà thôi, y hệt như lúc ngài được sinh vào cõi đời này.([1])
2.3.2. Không thể đem vàng chuộc mạng sống
Một nhà buôn Ả Rập nọ suốt đời chỉ lo kiếm tiền, khao khát làm giàu. Chưa kể ruộng đất, dinh thự, ông tích lũy được ba trăm ngàn dinar vàng. Xưa kia, một dinar vàng là đồng tiền đúc bằng vàng (nặng khoảng 4,25 gam vàng). Mãn nguyện, ông nhà buôn Ả Rập bắt đầu nghĩ tới chuyện hưởng nhàn cho bõ công rất nhiều năm lao nhọc thân xác và hao tổn tinh thần. Ông chưa kịp lập kế hoạch hưởng thụ thì Thần Chết chợt ghé vào nhà, bảo rằng tới lúc ông phải ra đi. Hoảng sợ, ông nhà giàu tha thiết cầu xin Thần Chết hãy hoãn cho ông sống thêm ba ngày, ông sẽ dâng hiến một trăm ngàn dinar vàng để tạ ơn.
Thần Chết lắc đầu, nắm tay ông lôi đi. Ông cố sức vùng ra, rồi quỳ xuống khóc lóc thảm thiết: “Hãy cho con sống thêm một ngày, và con xin cúng ngài hai trăm ngàn dinar vàng.
Thần Chết làm thinh. Ông liền nằm bẹp xuống sàn, ôm chặt chân Thần Chết, cố năn nỉ: Con chỉ xin sống thêm một giờ và ngài hãy lấy hết ba trăm ngàn dinar vàng của con.
Thần Chết cúi xuống, gỡ tay ông ra. Thấy vẻ kiên quyết của Thần Chết, ông thở dài rồi khẩn nài lần chót: “Thôi, đành vậy! Nhưng cho con nhắn lại một lời.
Thần Chết gật đầu. Ông nhà giàu liền cắn đầu ngón tay, viết vội trên nền gạch men trắng bóng dòng chữ máu: Ba trăm ngàn dinar vàng không đổi được một giờ sống thêm! Hãy quý đời mình. Hãy sống có ích.([2])
3. Các chánh giáo, chánh pháp đều khuyên con người biết sống trong sạch, giữ gìn phẩm hạnh, dẫu rằng phải vì thế mà nghèo khó. Chẳng hạn, trong đạo Cao Đài có lời dạy như sau:
Dẫu bạc vàng đầy rương tràn tủ
Cuộc trần này chưa đủ con ơi
Ác gian cũng chỉ một đời
Thà nghèo trong sạch thảnh thơi linh hồn.([3])
Vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên ở Trung Hoa, lắm kẻ lợi dụng thực trạng chánh trị rối ren, triều đình thối rữa mà trở thành trọc phú, rồi lại tranh nhau khoe giàu trong lúc dân chúng điêu linh cùng khổ. Thấy thế, Đức Khổng Tử răn môn đệ (Luận Ngữ 8:13): Nước nhà chánh trị hắc ám mà mình phú quý thì đáng xấu hổ. / Bang vô đạo, phú thả quý yên, sỉ dã. 邦無道, 富且貴焉, 恥也.
Tuy nhiên, những lời khuyên như thế hầu như luôn luôn là tiếng chuông yếu ớt, không thể thức tỉnh lòng tham vô độ của con người, nhất là vào thời kỳ mà đạo Phật, Cao Đài, và Phật Giáo Hòa Hảo gọi là mạt pháp. Pháp (dharma) mà còn tàn mạt thì chớ nói chi tới những thứ khác ở thế gian.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 29-3-2019
Nguyệt san CGvDT, số 292, tháng 4-2019



([1]) Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 35-36. Quyển 54-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
([2]) Bắc Cầu Tâm Linh, tr. 37-38.
([3]) Hội Thánh Nhị Giang, Tòa Thánh Bửu Sơn (núi Cấm, Tri Tôn, Châu Đốc), Sấm Giảng Huỳnh Đạo, 1965 (?), tr. 18-21.