Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/11. ĐỒNG CẢM VỀ “PHÉP NHÂN” CỦA CHÚA / NHƯ HOA NỞ MUỘN



11. ĐỒNG CẢM VỀ “PHÉP NHÂN” CỦA CHÚA
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

Phúc Âm kể lại một “phép nhân” của Chúa như sau:
Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!” Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. (Mát-thêu 14:13-21)
Chúng ta biết rằng “phép nhân” mầu nhiệm này còn được chép trong Mác-cô 6:30-44, Lu-ca 9:10-17, và Gio-an 6:1-14, khi Chúa và các tông đồ đang dừng chân tại nơi hoang vắng ở thành Bết-xai-đa (Lu-ca 9:10), hay ở bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi Ti-bê-ri-a (Gio-an 6:1).
Dẫu rằng chúng ta cách xa buổi chiều tàn xa xưa hơn hai ngàn năm, “phép nhân” ấy của Chúa vẫn đang đến với chúng ta trong đời thường hôm nay, nếu chúng ta biết nhìn để thấy.
Chẳng hạn, bài của Minh Hải viết về linh mục Phao-lô Nguyễn Thực.([1]) Bài báo kể lại những chăm lo cho người mù trong thời gian hơn mười lăm năm của vị mục tử đã sáu mươi bốn tuổi (vào năm 2015). Và tôi thấy, với đồng cảm của mình, câu chuyện của linh mục Nguyễn Thực chính là một bằng chứng về “phép nhân” của Chúa được hiển bày giữa thời đại chúng ta, để chúng ta có mắt nhìn thì tin, có tai nghe thì tin. Tin rằng Chúa chẳng hề bỏ loài người, Phật Trời chẳng hề bỏ loài người. Vậy thì người và người chớ nên phụ bạc nhau, bất kể ai kia có hát hò chi chi cũng mặc.([2])
Bài báo của Minh Hải cho biết: Từ vài chục hoàn cảnh cần giúp đỡ khi linh mục Phao-lô khởi sự, cho đến lúc tăng lên ba ngàn người mù, từ khoảng hơn mười triệu một tháng khi khởi đầu cho tới lúc tăng lên khoảng ba trăm triệu một tháng để có thể nuôi dưỡng dài lâu một chương trình bác ái, nếu đấy không phải là “phép nhân” mầu nhiệm của Chúa thì là gì nhỉ?
Linh mục Nguyễn Thực kể:
Ngày người mù đến với chương trình trợ giúp còn ít, tôi bỏ mỗi tháng trên mười triệu đồng và xin mỗi hộ khá giả trong [giáo] xứ đóng góp vài trăm ngàn. Và như một phép lạ, số người hảo tâm lẫn số tiền quyên góp được nhiều hơn tôi tưởng. Người mù đến càng nhiều, tôi bỏ thêm nhiều hơn và bà con giáo dân cũng tự nguyện bỏ nhiều hơn nữa vậy nên công việc được duy trì trôi chảy…
Theo bài báo tường thuật, có những đợt mới đầu tháng, số tiền quỹ đã bằng không (quỹ rỗng), nhưng đến cuối tháng lại có những ân nhân rộng tay tìm đến và những nỗi lo lại được thay bằng những nụ cười nhẹ nhõm (vì tiền quỹ lại đầy lên, dồi dào hơn).
Tôi đọc bài báo của Minh Hải với sự đồng cảm đặc biệt. Nói là đồng cảm, bởi lẽ bản thân tôi cũng được hưởng một “phép nhân” mầu nhiệm tương tự. Xin bạn đọc hoan hỷ cho cho tôi được kể chút chuyện riêng tư vào đây, để làm chứng cho đức tin giữa thời mạt pháp đảo điên.
Cuối năm 2007, qua máy trả tiền tự động (ATM), tôi bất ngờ được lãnh mười triệu đồng từ ngôi trường tôi đang công tác. Không phải lương, cũng không phải tiền thưởng. Thấy tôi ngơ ngác, vài cô giáo giải thích lý do chi chi đó về vấn đề tài vụ của nhà trường, nhưng tôi chẳng nhớ nổi vì chẳng hề lưu tâm các tiểu tiết. Điều quan trọng bấy giờ là tôi vừa có khoản tiền “trên trời rơi xuống”, và tôi muốn dùng vào một việc có ích cho cộng đồng tín hữu Cao Đài chúng tôi.
 Cộng đồng tín hữu Cao Đài chúng tôi nhiều thập niên đã qua không có xuất bản kinh sách, không có báo chí, mà việc đào tạo giáo lý cho có lớp lang hệ thống như phía tôn giáo bạn cũng khá thiếu vắng. Mức độ hiểu biết giáo lý của phần đông tín hữu chúng tôi ra sao là điều dễ hiểu, dễ suy đoán. Do đó, bấy lâu tôi vẫn nuôi hoài bão phải làm cái gì đó để bù đắp vào lỗ trống tri thức giáo lý của bà con tín hữu. Tôi bèn nghĩ ngay đến việc ấn tống, tức là in kinh sách Cao Đài để biếu không. Với khoản tiền mười triệu khiêm tốn đó, tôi làm vài phép tính nhỏ và thấy có thể in được khoảng một ngàn rưỡi bản sách 96 trang khổ A5, giấy trắng ngoại nhập.
Hai triệu tín đồ, in một ngàn rưỡi bản sách để biếu không, như muối bỏ biển. Chẳng thu hồi vốn, sau đó lấy gì in tiếp? Tôi tự biết thế, nhưng không bận tâm chi cả. Tôi nghĩ đơn giản: Cứ tiến hành đi, chuyện tương lai hãy mặc tương lai.
Bản thảo Đất Nam Kỳ: Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài (song ngữ Việt-Anh) đã gởi ra nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội). Trong lúc tôi đang chờ quyết định xuất bản, bất ngờ hiền huynh L.V.T. (anh yêu cầu ẩn danh) - một bạn đạo phương xa thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài - biết được việc ấn tống, liền sốt sắng bảo hãy để anh công quả trọn cuốn sách mở đầu ngõ hầu “lấy hên” cho tôi, và hãy dùng mười triệu “khởi nghiệp” của tôi đem in cuốn sách thứ hai. Cuộc chuyện trò qua điện thoại hôm ấy đúng vào sáng rằm tháng Hai Mậu Tý (Thứ Bảy 22-3-2008), lễ Khánh Đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ, và tôi cảm động chắp tay tạ ơn Ngài ban lộc.
Vừa in xong 1.500 quyển Đất Nam Kỳ: Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài, được hiền huynh Đạt Linh Nguyễn Văn Tài (1953-2009), Chánh Hội Trưởng thánh thất Cao Đài Bàu Sen,([3]) hết lòng ủng hộ chương trình pháp thí, tôi viết thư mời bổn đạo gần xa tựu về thánh thất để nhận sách biếu vào sáng Thứ Sáu 06-6-2008. Hoàn toàn không ngờ. Trong một buổi sáng, bà con hoan hỷ “rinh” đi chưa đến phân nửa số sách, nhưng đã mở lòng gởi lại cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống hơn sáu mươi triệu.
Công việc cứ suôn sẻ như thế. Tôi chỉ tập trung lo làm sách ấn tống. Bà con đạo hữu tự nguyện góp công quả in sách, tự nguyện phát hành sách đi các nơi… Trong bảy năm (từ tháng 6-2008 đến tháng 6-2015), không kể những lần tái bản, tôi in được 104 đầu sách dày mỏng khác nhau, mỗi đầu sách thường in năm ngàn bản. Sách nào “ăn khách”, tôi in mười ngàn bản, rồi lại sớm tái bản. Cộng dồn tới tháng 5-2019, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo đã in được 152 đầu sách, 917.500 bản in, 120.523.000 trang.
Trong chỗ thân tình nhiều năm giao dịch, một chị ở nhà in hỏi tôi: “Chú in kinh sách để biếu, không bán, cớ sao lại chọn in giấy ngoại nhập, tốt thế! Dùng loại giấy khác rẻ hơn cũng được mà, phải không chú?”
Tôi đáp: “Chính vì in để biếu, không kinh doanh, không vì lợi nhuận nên tôi càng phải in thật tốt, thật đẹp. Đó là lòng tôi trân trọng bạn đọc, và để kinh sách được lan truyền dài lâu, rộng rãi, bền dai. Kinh sách Cao Đài chở chuyên lời Tiên tiếng Phật, lòng Trời ý Chúa và Thánh Thần… Phải in đẹp, in tốt để mọi người ý thức mà cùng biết trân trọng.”
Bổn đạo Cao Đài phần đông không giàu. Tôi chỉ là một thầy giáo đồng lương eo hẹp. Vậy mà in kinh sách hoàn toàn biếu không, tặng không thì được bền bỉ và “phát đạt” đến thế. Hiển nhiên “phép nhân” đã đến. Bởi, nếu không có “phép nhân” của Thiêng Liêng, kết quả ắt không được vậy.
Câu chuyện của linh mục Phao-lô Nguyễn Thực, hay trải nghiệm bản thân tôi như kể trên, đủ minh chứng cho một lẽ huyền nhiệm từng được Đức Cao Đài (là Thầy) dạy rõ trong một đàn cơ tại Thiên Lý Đàn (Hòa Hưng, Sài Gòn) vào Chủ Nhật 07-11-1965:
Của con Thầy để thiếu chi đây
Hễ đứa nào ngoan cứ lấy xài
Chung lại thì giàu, chia phải khó
Kho tàng vô tận, máy vần xây.
Kho tàng của Trời vốn vô tận. Kho ấy chẳng khóa kín bao giờ, và cũng chẳng dành riêng cho một ai. Chúa dạy chúng ta hãy mạnh dạn tìm tới kho tàng ấy:
Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. (Mát-thêu 7:7-8)
Dĩ nhiên, chúng ta đều hiểu rằng kho Trời vô tận sẽ mở ra chỉ với một điều kiện: Ta muốn dùng kho Trời như thế nào.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 25-7-2015
Sửa chữa 20-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2017, từ 31-7 đến 06-8-2015



([1]) Tuần báo CGvDT số 2016, từ 24 đến 30-7-2O15, tr. 20-21.
([2]) Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người. Này em xin cứ phụ người. Này em xin cứ phụ tôi. Trích trong bài hát Này Em Có Nhớ, của Trịnh Công Sơn (1939-2001).
([3]) Hiền huynh Đạt Linh đắc quả Đạt Linh Đạo Sĩ (2019).