21. TỪ KHỈ ĐẾN NGƯỜI
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
1. Nghệ nhân Hidari Jingoro (Tả Thậm Ngũ Lang 左甚五郎, 1584-1644)
tạc cụm tượng ba con khỉ phía trên cửa ngôi đền thờ Thần Đạo danh tiếng Toshogu
(Đông Chiếu Cung 東照宮),
tại thành phố Nikko (Nhật Quang 日光), quận Tochigi (Lệ Mộc 栃木) , phía bắc Tokyo (Đông Kinh 東京), nước Nhật.([1])
Người ta
cho rằng cụm tượng này diễn tả lời dạy của Đức Khổng Tử chép trong Luận Ngữ (12:1): Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn. . . 非禮勿視, 非禮勿聽, 非禮勿言. . . (Không
nhìn điều trái lễ, không nghe điều trái lễ, không nói điều trái lễ. . .)
Chữ lễ
của Nho Giáo thường được các học giả Anh, Mỹ dịch là propriety, có nghĩa là tính thích đáng, đúng đắn (của một hành vi);
là sự đúng mực, hợp lẽ, phù hợp khuôn phép, quy ước luân lý xã hội (trong thái
độ, cách cư xử), v.v…
Nhìn vào cụm tượng khỉ “ba không” của
Hidari Jingoro trên cửa đền thờ Toshogu, ta thấy Mizaru là con khỉ bên phải, nó bịt mắt để không nhìn điều trái lễ. Kikazaru là con khỉ bên trái, nó bịt tai
để không nghe điều trái lễ. Iwazaru
là con khỉ ở giữa, nó bịt mồm để không nói điều trái lễ.
2. Giới sưu tầm bưu thiếp (postcards) rất trân quý tấm thiếp in thạch bản (khoảng 8,8x13,8cm)
do họa sĩ Bokuchitei Kuronbo (Mặc Trì Đình Hắc Phường 墨池亭黑坊 vẽ năm 1908, cho thấy ba cô gái trẻ đang
bưng tai, che miệng, bịt mắt, thay vì ba con khỉ xa xưa.
Người Nhật còn dùng máy ảnh thể hiện chủ
đề “ba không” với ba cô gái làm mẫu, chẳng hạn tấm ảnh xưa in lại ở trang trước.
3. Trong đạo Cao Đài, tại Huờn Cung Đàn (ở Tam Giáo
Điện Minh Tân, số 221 Bến Vân Đồn, quận Tư, Sài Gòn) vào khuya Thứ Hai 28 rạng Thứ
Ba 29-6-1965, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy về nguyên tắc “ba không” như sau:
- Mắt
phải ngó phải xem đúng lễ / Mắt tránh nhìn ô uế phàm thân… (tức là Phi lễ vật thị).
- Tai
chớ lóng thì thầm to nhỏ / Lời đắng cay xiên xỏ người hiền… (tức là Phi lễ vật thính).
- Lời
nói phải dịu dàng minh chánh / Lời nói sao xứng hạnh hiền nhân… (tức là Phi lễ vật ngôn).
4 Trong đạo Chúa, về “phi lễ vật thị”, Đức Giê-su
dạy:
Nếu
mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi. (Mát-thêu
5:29)
Về “phi lễ vật thính”, Đức Giê-su dạy:
Hãy
để ý tới điều anh em nghe. (Mác-cô 4:24)
Hãy
để ý tới cách anh em nghe. (Lu-ca 8:18)
Về “phi lễ vật ngôn”, Phúc Âm chép:
Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. (Gia-cô-bê
4:11)
Tóm lại, cụm tượng khỉ “ba không” hay
tranh và ảnh thiếu nữ “ba không” quả thật hàm ngụ ý nghĩa tu đức tích cực.
Dọc quốc lộ từ Bến Tre về Sài Gòn thường thấy bày bán hàng
thủ công xứ dừa là cụm khỉ “ba không”. Ai thích thì mua, mang về vừa trang trí
trong nhà, vừa để tự nhắc nhở hãy giữ gìn mắt, tai, miệng lưỡi sao cho đúng
phẩm hạnh của người biết tu hành đúng theo lời Ơn Trên dạy.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 01-01-2016
Sửa
chữa 15-7-2019
Tuần
san CGvDT, số Xuân Bính Thân 2016