1. BÓNG DÁNG SAU LƯNG
HUỆ
KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
Tạp chí danh tiếng thế giới National Geographic (Địa Lý Quốc Gia) - tên gọi ban đầu là The National Geographic Magazine (Tạp Chí Địa Lý Quốc Gia) - là cơ quan ngôn
luận chánh thức của Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ (NGS: the National Geographic Society), đặt trụ sở chánh tại thủ đô
Washington (Mỹ).
Thành lập vào tháng 01-1888, Hội này là một trong
những cơ quan giáo dục và khoa học phi lợi nhuận lớn nhất thế giới. Sau khi ra
đời được chín tháng, Hội cho xuất bản nguyệt san Địa Lý Quốc Gia, liên tục từ đó đến nay. Bìa một tạp chí này bao
giờ cũng được viền bằng một khung chữ nhật dày dặn màu vàng tươi, phải chăng vì
biểu tượng (logo) của Hội chính là
cái khung chữ nhật vàng tươi y hệt như vậy?
Theo số liệu năm 2015, tạp chí Địa Lý Quốc Gia được phổ biến trên thế giới với gần bốn mươi ngôn
ngữ, mỗi tháng phát hành toàn cầu trên sáu triệu bản in, trong đó riêng ở Mỹ là
ba triệu rưỡi bản mỗi tháng.
Tháng 8-2015, tạp chí Địa Lý Quốc Gia có một ảnh bìa rất đặc biệt: Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô
đang đứng trong nhà nguyện Sistine, và chúng ta chỉ nhìn thấy được phía sau
lưng ngài. Nói theo nhà giáo, nhà văn Chu Tự Thanh 朱自清 (1898-1948, Trung Quốc), chúng ta chỉ thấy bóng dáng sau lưng (bối ảnh 背影) của ngài.([1]) Và tác giả “bối ảnh” này là Dave
Yoder, nhiếp ảnh gia danh tiếng xuất thân từ bang Indiana (miền trung tây Hoa
Kỳ) nhưng thường trú tại Milan và Rome (nước Ý) để công tác cho tạp chí.
Nổi bật trên ảnh bìa
là ba dòng chữ:
POPE
FRANCIS
REMAKES THE VATICAN
(Đức Giáo Hoàng
Phan-xi-cô
tái tạo Vatican )
Động từ remakes
(tái tạo) trên bìa ắt hẳn không phải cốt ý “câu” khách, và có lẽ tạp chí Địa Lý Quốc Gia đã chọn dùng nó như là
hệ quả từ những gì Đức Phan-xi-cô đã làm kể từ khi ngài được bầu chọn làm giáo
hoàng, và có lẽ cũng chính từ tấm gương sống động hàng ngày của ngài đã gây ấn
tượng sâu sắc cho hằng tỷ người trên thế giới, Công Giáo lẫn không Công Giáo.
Bởi vậy, chúng ta chẳng ngạc nhiên khi thấy bà tổng
biên tập Susan Goldberg thay vì nhắc tới những thành tựu chinh phục lòng người
của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong hai năm rưỡi trị vì ở Vatican, thì lại mở
đầu “lá thư tòa soạn” cho tạp chí tháng 8-2015 bằng cách nhắc tới đức khiêm
nhượng, tính giản dị, óc hài hước tự nhiên của vị lãnh đạo tinh thần một tỷ hai
con dân Thiên Chúa. Vâng, bà tổng biên tập Goldberg mở đầu bài viết như sau: “Xe
của ngài không phải là một chiếc limo đường bệ, mà chỉ là một chiếc Ford Focus
[loại xe nhỏ gọn dành cho gia đình ít người]. Ngài không trú ngụ trong cung
điện dành riêng cho giáo hoàng mà ở trong một căn hộ (apartment) khiêm tốn. Đôi giày chỉnh hình (orthopedic), vòng bụng đẫy đà, tính hay khôi hài, những nhận định
bất chợt của ngài khiến người nghe phải sửng sốt.”
Để minh họa cho những nhận dịnh bất chợt của Đức Phan-xi-cô
làm người nghe sửng sốt, bà Goldberg dẫn lại câu nói nổi tiếng của ngài hồi
tháng 7-2013, đã khiến giới yêu đương đồng phái trên thế giới quá đỗi sung
sướng, và hoan nghênh ngài nhiệt liệt: Nếu
một anh chàng yêu đương đồng phái mà tìm kiếm Chúa và có lòng lành ý thiện, thì
tôi là ai mà dám phán xét? ([2])
Trở lại với tác giả ảnh bìa tạp chí tháng 8-2015, bà tổng
biên tập cho biết: Ngoài số nhiếp ảnh gia riêng của Vatican , những phóng viên trong
giới truyền thông hầu như luôn luôn phải giữ một khoảng cách thích hợp khi muốn
chụp ảnh Đức Giáo Hoàng. Vậy mà có một ngoại lệ. Anh chàng Dave Yoder trong nửa
năm 2014 đã có nhiều dịp được đến gần bên Đức Giáo Hoàng, một sự kiện chưa từng
có tiền lệ ở Vatican. Anh thổ lộ: “Tôi cận kề ngài đến nỗi có lúc tôi lo ngại
là tôi vấp phải ngài hoặc là ngài vấp phải tôi.”
Hôm ấy Yoder nép mình sát một vách tường trong đền
thờ Thánh Phê-rô, trước mặt anh là các vị hồng y, và Đức Giáo Hoàng. Chàng
nhiếp ảnh gia tài hoa nhớ lại một trong ba lần được nói chuyện với Giáo Hoàng:
“Đức Phan-xi-cô tiến thẳng tới chỗ tôi và chìa bàn tay ra chờ đợi. Ngài nhìn
vào mắt tôi có vẻ như muốn bảo: Con không định chào Cha sao?”
Lòng nhiệt thành của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mỗi
khi tiếp xúc với những dân thường đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho Yoder. Anh nói:
“Mỗi khi ở giữa các phụ tá, ngài thường hay nhìn đồng hồ tay. Nhưng khi ở giữa
những dân thường, ngài không ngó ngàng tới chiếc đồng hồ trên tay và cứ dành
cho dân chúng trọn cả thời gian họ cần có.”
Nhắc lại cơ hội hy hữu được cận kề để chụp ảnh Đức Giáo Hoàng, Dave Yoder
nói: “Điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra lần nữa.”
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 03-8-2015
Tuần
san CGvDT, số 2018, từ 07 đến 13-8-2015