10. ĐIỆU MÚA LIÊN TÔN
HUỆ
KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
Trước kia người Việt quen gọi Indonesia
là Nam Dương. Là một trong các thành viên sáng lập tổ chức ASEAN, và là một
thành viên của khối G-20 (bao gồm hai mươi nền kinh tế lớn mạnh trên thế giới),
nước Cộng Hòa Indonesia ở Đông Nam Á là một quần đảo với số dân hiện nay lên
tới 264,9 triệu, mật độ dân số là 36,3/km2.([1])
Theo thống kê năm 2010 của Indonesia (Badan Pusat Statistik), đảo quốc này có
sáu tôn giáo chánh (official religions);
xét về số lượng tín đồ thì thứ tự như sau: Islam (207,2 triệu tín đồ, chiếm 87,2%
số dân); Tin Lành (16,5 triệu; 6,9%); Công Giáo (6,9 triệu; 2,9%); Ấn Giáo tức
đạo Hindu (4 triệu; 1,7%); Phật Giáo (1,7 triệu; 0,7%); Nho Giáo (0,1 triệu; 0,05%).([2]) Theo tổ
chức Đầu Tư Indonesia (Indonesia
Investments), Indonesia có số tín đồ Islam đông nhất so với các nước trên
thế giới.([3])
Công Giáo du nhập Indonesia vào
thế kỷ 16. Thoạt đầu, các tín đồ Công Giáo Bồ Đào Nha tạo được mối quan hệ buôn
bán rất tốt đẹp với tín đồ Islam trên đảo Ternate (nằm trong cụm đảo Moluccas ở
phía đông Indonesia ).
Từ năm 1534 trở đi các giáo sĩ Bồ Đào Nha bắt đầu truyền đạo và tới cuối thế kỷ
16 đã có khoảng 20% dân cư phía nam đảo Moluccas theo Công Giáo. Các giáo sĩ Bồ
Đào Nha còn truyền đạo ở hai nơi khác nhỏ hơn, là Larantuka (trên đảo Flores)
và Dili (trên đảo Timor), cũng ở phía đông Indonesia .
Ngày nay, trên lãnh thổ Indonesia, các
cộng đồng Công Giáo và Tin Lành tập trung đông đảo ở chín khu vực như sau: (a)
phía bắc đảo Sumatra (nằm về phía tây Indonesia); (b) Kalimantan (phía nam đảo
Borneo thuộc về Indonesia; phía bắc đảo này thuộc về Mã Lai và Brunei); (c)
phía bắc đảo Sulawesi; (d) Phía tây đảo Sulawesi; (e) cụm đảo Moluccas; (f) đảo
Papua; (g) đảo Flores; (h) đảo Sumba ở phía đông Indonesia; (i) phía tây đảo
Timor.
Tháng 8-2015, pho tượng Đức Mẹ Hồn Xác
Lên Trời, cao bốn mươi hai mét, được khánh thành gần bên “gua Maria”. Đồng tác
giả pho tượng cao nhất thế giới này là ba giáo dân địa phương: Kuncoro (bốn mươi
lăm tuổi), Adi Nugroho (bốn mươi tuổi), và Agung Hartanto (ba mươi tám tuổi).
Ba nhà điêu khắc này đã tạc nên hằng tá pho tượng thờ đặt ở nhiều nơi trên đảo
quốc Indonesia .
Hôm Chủ Nhật 16-8-2015, nhân dịp kỷ niệm
lần thứ sáu mươi mốt ngày thành lập đền thờ Đức Mẹ ở “gua Maria”, đã có ít nhất
ba mươi ngàn giáo dân từ thủ đô Jakarta và hằng trăm giáo xứ trong cả nước, lũ
lượt tuôn về Ambarawa dự lễ khánh thành pho tượng Đức Mẹ. Trước đó, ban tổ chức
ước tính sẽ có khoảng hai mươi ngàn người dự lễ và đã chuẩn bị sáu ngàn hộp thức
ăn (food packages). Rốt cuộc, các
giáo sĩ đã không có đủ bánh thánh ban cho giáo dân chầu lễ bởi lẽ không ai ngờ số
người hành hương lại đông quá như vậy.
Trong thánh lễ, bảy vị giám mục đồng tế
cùng với mười lăm linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Semarang. Cuối thánh lễ, vị chủ
tế là Đức Tổng Giám Mục Johannes Pujasumarta phải dùng một cần cẩu nâng ngài
lên cao để có thể rảy nước thánh ban phép pho tượng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Một tuần trước sự kiện trọng đại này, Đức
Tổng Giám Mục Johannes Pujasumarta và linh mục Aloysius Budi Purnomo là trưởng
ban đối thoại liên tôn của Tổng Giáo Phận Semarang đã tổ chức thành công một
hội nghị liên tôn tại “gua Maria”. Theo bản tin AsiaNews ngày Thứ Hai 17-8-2015, hội nghị liên tôn này được tất cả
các đảng phái chánh trị trong chánh quyền thị trấn Ambarawa ủng hộ, kể cả một
số nhà lãnh đạo Islam ở địa phương. Chánh quyền Ambarawa còn khuyến khích dân
chúng trong thị trấn hãy hoan hỷ đón tiếp, giúp đỡ ba chục ngàn người hành
hương trẩy về “gua Maria”.
Đạo Islam có phái Sufi với điệu múa nghi
lễ xoay tròn thể hiện tình yêu thương cao cả. Trong hội nghị liên tôn hôm ấy,
dưới bóng pho tượng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời cao nhất thế giới, người đạo Islam đã
hiến dâng vũ điệu của mình để bày tỏ tình cảm tốt đẹp với người Công Giáo.([4])
Trên một đất nước có số tín đồ Islam đông nhất thế
giới mà số tín đồ Công Giáo chỉ bằng 3,33% so với tín đồ Islam, thì sự kiện tại
Ambarawa vào trung tuần tháng 8-2015 như kể trên phải nói là rất ngoạn mục và
rất ý nghĩa, nhất là khi trên thế giới hiện nay vẫn đang diễn ra các cuộc bách
hại tôn giáo đẫm máu, và nổ ra khủng bố hay chiến tranh đau thương khốc liệt với
danh nghĩa mạo nhận tôn giáo này hay tôn giáo khác.
Chẳng riêng Indonesia mà bất kỳ một đất nước nào có nhiều
sắc tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều đảng phái chánh trị, và nhiều tôn giáo, thì lý
tưởng bao giờ cũng vẫn là nỗ lực xây dựng vững bền một cuộc chung sống hòa hảo,
thân thiện. Thánh lễ ở “gua Maria” cùng với hội nghị liên tôn trước đó một tuần
quả thật đã thể hiện sống động khẩu hiệu Bhinneka
Tunggal Ika ghi trên quốc huy Indonesia mang hình chim thần Garuda (Kim Sí Điểu 金翅鳥), là con chim có đôi cánh vàng được ghi
chép trong kinh điển Ấn Giáo và Phật Giáo. Khẩu hiệu Bhinneka Tunggal Ika có nghĩa là Thống Nhất Trong Đa Dạng (Unity
in Diversity), và cũng được hiểu như sau: Chúng ta gồm nhiều loại, nhưng chúng ta là một (We are of many kinds, but we are one).([5])
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 25-8-2015
Sửa chữa 18-7-2019
Tuần
san CGvDT, số 2021, từ 28-8 đến 03-9-2015