Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/9. VĂN HÓA GẶP GỠ CHO MUÔN THUỞ / NHƯ HOA NỞ MUỘN



9. VĂN HÓA GẶP GỠ CHO MUÔN THUỞ
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

Hai chuyện xưa
1. Chuyện dưới đây được chép trong sách Yến Tử Xuân Thu của Trung Quốc, về sau được Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) và Trần Lê Nhân tuyển chọn đưa vào bộ Cổ Học Tinh Hoa (Hà Nội 1926, quyển I, truyện 62: Vợ Răn Chồng):
Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, Yến Anh (578-500 trước Công Nguyên) làm tướng quốc nước Tề cho cả Tề Trang Công và Tề Cảnh Công. Vóc dáng nhỏ thấp, ông nổi tiếng tài giỏi, thông minh, khôn khéo trong ngoại giao… Yến Anh có một thuộc hạ chuyên đánh xe cho ông. Trái với chủ, anh ta cao lớn đẫy đà. Có lẽ tự mãn với bề ngoài của mình, và cũng hãnh diện vì được phục vụ cho quan lớn tài ba lỗi lạc, mỗi khi đánh xe đưa chủ nhân đi trên đường, anh chàng tay cầm dù, tay nắm dây cương ngựa, mặt vênh vênh váo váo, hiu hiu tự đắc.
Một hôm nhìn thấy bộ tịch đức lang quân của mình như thế, người vợ chán lắm, đòi bỏ chồng ra đi. Anh chàng bèn hỏi nguyên do, chị đáp: “Ngài Yến Anh thân gầy, thấp bé mà làm tướng quốc, cao nhất triều đình, chỉ đứng sau vua. Danh tiếng bay khắp thiên hạ, nhưng ngài vẫn nhún nhường như chẳng bằng ai. Còn ông thân hình cao lớn đẫy đà, mà chỉ đủ sức làm được một tay đánh xe tầm thường. Ông chẳng biết xét mình để tự thẹn, lại còn vênh váo trên đường. Thiên hạ thấy xe tướng quốc đi qua, tỏ ý cung kính là họ trọng vọng ngài Yến Anh chứ có phải vì ông đâu.”
2. Trong Phúc Âm, cả Thánh Lu-ca (19:29-37) và Thánh Mát-thêu (21:1-9) đều chép rõ tích sau đây:
Hôm ấy Đức Giê-su đang trên đường vào thành Giê-ru-sa-lem. Đến gần làng Bết-pha-ghê và làng Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Chúa bảo hai môn đệ: “Các anh hãy đi vào ngôi làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi tại sao thì cứ nói rằng Chúa có việc cần dùng.”
Hai môn đệ vâng lời ra đi và thấy có con lừa đúng như lời Chúa. Hai ông đang tháo dây thì người chủ tới hỏi: “Tại sao các anh tháo lừa người ta ra?”
Hai ông bèn trả lời y như Chúa dặn: “Chúa có việc cần dùng.”
Hai ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Chúa ngồi lên. Sau đó, Chúa cỡi lừa đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. Khi Chúa đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả môn đệ đều vui mừng và cất tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì họ đã được thấy các phép lạ.
Và chuyện nay
Tuần báo Paris Match danh tiếng của Pháp ra đời đầu năm 1949. Kể từ năm 1996, tuần báo được xem như có thái độ chánh trị độc lập. Số ra hôm Thứ Năm 15-10-2015 đăng bài phỏng vấn độc quyền của nữ ký giả Caroline Pigozzi. Một tuần trước đó, vào ngày 09, nhà báo này gặp Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô tại nhà trọ Thánh Mác-ta (Vatican). Trong số các câu phỏng vấn Đức Phan-xi-cô, bà đặt một câu hỏi nhắc đến thánh lễ ngoài trời tại công viên Rizal ở thủ đô Manila của đảo quốc Philippines hôm Chủ Nhật 18-01-2015.
Theo nhà báo Andrea Tornielli tường thuật trên Vatican Insider, Thứ Ba 20-10-2015,([1]) bà Pigozzi hỏi nhờ đâu Đức Giáo Hoàng giữ được tính đơn giản (simplicity) của ngài khi cử hành thánh lễ trước bảy triệu người trực tiếp tham dự hôm ấy, và hàng trăm triệu người đang dõi mắt lên màn ảnh truyền hình.
Đức Phan-xi-cô đáp: Khi một linh mục cử hành thánh lễ, dĩ nhiên linh mục ấy đang hành lễ trước mặt các tín hữu, nhưng quan trọng hơn hết, linh mục ấy đang hành lễ trước sự hiện diện của Chúa.
Đức Phan-xi-cô nói tiếp: Khi đứng trước một đám đông càng lớn, bạn càng cần phải ý thức về sự nhỏ bé của mình, về sự thật rằng bạn là người đầy tớ vô dụng (vô tích sự) như Chúa Giê-su đã dạy.([2]) Mỗi ngày tôi đều xin ơn được làm một dấu chỉ (a guiding sign) để hướng dẫn mọi người tìm đến Chúa Giê-su, một bằng chứng cho vòng tay từ bi của Chúa. Đây là lý do vì sao đôi khi tôi nghe mọi người hô vang Đức Giáo Hoàng muôn năm! thì tôi mời mọi người hãy nói Chúa Giê-su muôn năm!
Đức Phan-xi-cô nhắc tới Đức Hồng Y Albino Luciani (1912-1978), tức là Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô I. Mỗi khi được hoan nghênh, Đức Hồng Y liền nhắn nhủ mọi người: Các bạn có nghĩ con lừa Chúa Giê-su cỡi vào thành Giê-ru-sa-lem giữa tất cả những tiếng “Hosannas” (hoan hô) đã nghĩ rằng đó là chính nó được hoan hô không?
Kết thúc câu trả lời ý nhị, nhấn mạnh ý nghĩa rất sâu sắc của dụ ngôn con lừa, Đức Phan-xi-cô nói: Giáo Hoàng, các giám mục, các linh mục trung thành với sứ vụ của mình, nếu nhận thức rằng họ là con lừa đó và giúp cho những người khác nhìn thấy ai mới thật sự là nhân vật chính, thì họ luôn luôn ý thức sự thật rằng hôm nay họ có thể được đón tiếp với những tiếng “Hosannas” (hoan hô) nhưng biết đâu ngày mai họ sẽ nghe dân chúng gào lên: “Hãy đóng đinh hắn!” ([3])
Văn hóa gặp gỡ
Câu trả lời của Đức Giáo Hoàng khi nhắc tới con lừa khiến chúng ta nhớ đến chuyện chàng đánh xe của Yến Anh. Lại nữa, Đức Phan-xi-cô hay nói đến văn hóa gặp gỡ (culture of encounter). Trong văn hóa gặp gỡ có một quy tắc vàng ngọc mà Chúa đã dạy: Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lu-ca 14:11)
Con người phàm tục rất dễ bỏ quên quy tắc này bởi lẽ ai cũng thấy cái tôi của mình là trên hết; không ai nhớ mình phải đóng trọn vai của người đầy tớ vô dụng. Và phải chăng đó là lý do chúng ta tuy vẫn gặp nhau mà vẫn thiếu văn hóa gặp gỡ?
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 21-10-2015
Sửa chữa 26-6-2019
Tuần san CGvDT, số 2029, từ 23 đến 29-10-2015



([1]) http://vaticaninsider.lastampa.it/en/the-vatican/detail/articolo/francesco-francisco-francis-paris-match-43986/
([2]) Chúa dạy: Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau”? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lu-ca 17:7-10)
Dụ ngôn này có nghĩa là những ai hầu việc Chúa, phụng sự Chúa hãy hết lòng khiêm tốn, chớ kể công, đừng nghĩ mình có công.
([3]) When a priests celebrates mass, he celebrates in the presence of faithful of course, but above all, he celebrates in the presence of the Lord. The more you are exposed to great crowds, the more you need to be aware of your smallness, of the fact that you are a “useless servant”, as Jesus asks of us. Every day, I ask for the grace of being a guiding sign that points in the direction of Jesus, a testimony of his merciful embrace. This is why, sometimes, when I hear people calling out: “Long live the Pope!”, I invite them to say: “Long live Jesus!” When the then Cardinal Albino Luciani received applause, he remind[ed] people: “Do you think the donkey Jesus rode on as he entered Jerusalem amid all the ‘Hosannas’, would have thought that the applause was for him?” Well, the Pope, bishops and priests are faithful of their mission if they are aware that they are that donkey and help others to see who the real protagonist is, always conscious of the fact that while today they may be received with proclamations of “Hosanna”, tomorrow they could hear people call out: “Crucify him!”