Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/0b. GIAO CẢM: NHƯ HOA NỞ MUỘN



GIAO CẢM
1. Tập sách nhỏ quý bạn đang cầm trên tay gồm có hai mươi hai bài viết ngắn đã lần lượt đăng trên tuần san và nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc (CGvDT) từ tháng 8-2015 tới tháng 7-2019. Nội dung sách chia làm hai phần:
- Chín bài đầu (1-9) gồm những mẩu chuyện liên quan tới Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Qua đó, chúng ta có dịp suy gẫm những đức tánh của ngài như giản dị, hài hước, hòa đồng, khiêm nhượng, nhân ái, tiết kiệm, v.v… Chúng ta còn chia sẻ quan điểm của ngài về hai vấn nạn lớn của thời đại là bảo vệ môi sinh, làn sóng người tỵ nạn đang tăng lên.
- Mười ba bài còn lại (10-22) kể về một số người thật, việc thật xứng đáng được xem là các tấm gương tu đức, sống đạo của người phương Tây đang cùng thời đại chúng ta.
2. Tất cả các đoạn Phúc Âm dẫn trong Như Hoa Nở Muộn đều trích từ bản dịch Kinh Thánh (ấn bản 2011) của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.([1]) Tôi giữ cách phiên âm nhân danh, địa danh có dấu gạch nối của Nhóm này, và áp dụng luôn trong nội dung cả tập sách, dù không phải là những câu trích từ bản dịch Kinh Thánh (ấn bản 2011). Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có không ít tên người, tên đất vẫn giữ nguyên dạng theo tiếng nước ngoài, không phiên âm. Rõ ràng, tự tôi mắc phải cái lỗi thiếu nhất quán, và rất mong được quý bạn đọc lượng thứ cho chỗ bất tiện này.
3. Ấn tống hiệp tuyển Như Hoa Nở Muộn, tôi muốn bắc thêm một nhịp cầu tương tri để tín hữu Cao Đài chúng ta có thể bước tiếp vào đời sống tu học và hành đạo của các bậc hướng đạo và tín hữu đạo Chúa. Nói “bắc thêm” và “bước tiếp” vì đây không phải là tập sách đầu tiên bắc cầu tương tri giữa đạo Chúa và đạo Cao Đài trong định hướng của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Vì sao thế?
Xin thưa, qua một số tập sách ấn tống, đã không ít lần tôi hay nhắc tới đặc điểm Tứ Giáo của đạo Cao Đài, và để làm sáng tỏ yếu tố Tứ Giáo trong đạo nhà, chúng ta thật sự còn cần thêm nhiều gắng sức tìm hiểu đạo Chúa.
3.1. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, ngày 15-4 Bính Ngọ (Thứ Sáu 03-6-1966), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt ban trao cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam một bản đồ tu học và hành đạo với tên gọi Lịch Trình Hành Đạo.
Trong các cấp chức vụ của Cơ Quan,([2]) về phần Phó Ban, Đức Lê Đại Tiên minh định: Phó Ban có cùng phương vị ([3]) hành đạo với giáo sĩ; Phó Ban sẽ cầm pháp Thầy mà gieo rải đến nhơn sanh. Để trang bị cho Phó Ban một “vốn liếng” khả dụng ngõ hầu thực thi chức năng đã được minh định như thế, Đức Lê Đại Tiên dạy Phó Ban phải nghiên cứu, tìm hiểu Thánh Đo (gồm chung Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi Hồi Giáo [Islam]) cho thông suốt.
3.2. Tại thánh tịnh Ngọc Điện Huỳnh Hà, ngày 24-6 Giáp Thìn (Thứ Bảy 01-8-1964), Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Nhìn giáo bn Đại Đạo
Xem chúng nhân mà tạo tín đồ.
là so sánh để biết bạn biết mình, để học hỏi những ưu điểm của tôn giáo bạn mà phát triển đạo nhà. Khi nhìn giáo bn, chúng ta cần lưu tâm tới đạo Chúa. Theo số liệu của Encyclopaedia Britannica Online (bản cập nhật ngày 21-6-2019), hiện nay thế giới có khoảng 2,3 tỷ người là Ki-tô hữu (Christians), trong đó ước chừng 1,3 tỷ người theo Công Giáo (Roman Catholics).([4]) Để thực hành chặt chẽ và đúng đắn lời dạy của Đức Quan Thánh Đế Quân như dẫn trên, chỉ riêng đạo Chúa với hơn hai ngàn năm lịch sử đủ buộc chúng ta một hành trình học hỏi dài lâu và nghiêm túc.
3.3. Trong khả năng hạn hẹp của mình, nương cậy Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, không dừng lại với Như Hoa Nở Muộn, tôi mong sẽ còn cơ hội ấn tống thêm một số đầu sách tham khảo khác (nhẹ nhàng, dễ đọc) để anh chị em áo trắng chúng ta tùy duyên bổ sung vào hành trang mỗi người, noi theo định hướng 3.1. và 3.2. của Ơn Trên.
Nhiêu Lộc, 26-7-2019
Huệ Khải



([1]) https://ktcgkpv.org/bible?version=1
([2]) Từ năm 1985 gọi là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.
([3]) phương vị 方位 (position): Vị trí, vị thế, tư cách để làm việc gì.
([4]) Of the estimated 2.3 billion Christians in the world, about 1.3 billion of them are Roman Catholics.
(https://www.britannica.com/topic/Roman-Catholicism)