3. HAI MÓN QUÀ BẤT NGỜ
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAN-XI-CÔ
HUỆ
KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)
Tổ chức ủng hộ bệnh nhi ung thư Puttinu Cares (the Puttinu Cares Cancer Support Group,
địa chỉ mạng quốc tế: http://www.puttinucares.org)
được thành lập năm 2002, xuất phát từ ý tưởng nhân đạo và lòng khao khát muốn giúp
đỡ các gia đình ở Malta
([1]) có con trẻ mắc
bệnh ung thư. Sáng lập tổ chức này là bác sĩ Victor Calvagna và ông Rennie
Zerafa. Danh xưng Puttinu là tên của một nhân vật do ông Philip Farrugia Randon
hư cấu - một thiên thần từ trên trời xuống thế gian để chăm sóc
chú bé Toninu. Biểu tượng của Puttinu Cares cho thấy một em bé và thiên thần
nhỏ Puttinu đang nắm tay nhau, sau lưng cả hai là mặt biển và bầu trời xanh
ngắt, vì nước Malta
là một quần đảo.
Dự án đầu tiên của tổ chức bác ái Puttinu Cares là
mang lại sinh khí cho khoa nhi trong bệnh viện Thánh Lu-ca (nguyên là bệnh viện
đa khoa ở Malta
cho tới năm 2007). Với sự giúp đỡ của các người tình nguyện sốt sắng và các nhà
hảo tâm hào phóng, khoa nhi một thuở u buồn, ảm đạm ấy đã bừng sáng lên nhờ
những hình ảnh vui nhộn nhiều màu sắc. Sự thay đổi này có lợi cho việc chữa trị
các bệnh nhi.
Hằng năm vào mùa hè, Puttinu Cares tổ chức tiệc nướng
ngoài trời cho các trẻ và gia đình các cháu. Mùa đông thì tổ chức tiệc Giáng Sinh.
Các trẻ tham dự được tặng quà. Hai hoạt động thường niên này là sinh hoạt chánh
thức của Puttinu Cares. Trong năm còn có các sinh hoạt nhỏ hơn. Một số hoạt
động khác nhằm gây quỹ để tài trợ cho chương trình bác ái của Puttinu Cares.
Tuy nhiên, vì đảo quốc Malta nhỏ bé, tài nguyên hạn
chế, việc chữa trị bệnh nhi trong nước lắm khi không đủ phương tiện, buộc phải
chuyển bệnh nhi kèm theo thân nhân săn sóc ra bệnh viện ở nước ngoài. Chẳng
hạn, khi đưa bệnh nhi sang Anh để được điều trị tại các bệnh viện ở thủ đô London , thân nhân các cháu được bố trí tạm trú tại chúng
cư Sutton Apartments cũng tọa lạc ở London .
Bởi lẽ đó, Puttinu Cares luôn luôn cần có nhiều nguồn tài trợ.
Về việc gây quỹ để tài trợ cho Puttinu
Cares, hôm Chủ Nhật 17-01-2016 báo The
Malta Independent Online đưa một bản tin lý thú của Mathias Mallia với nhan
đề: Thầy Giáo Kiêm Người Bán Đấu Giá Giúp
Puttinu Cares Đã Nhận Được Bưu Kiện Của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.
Kenneth Formosa là
giáo viên trung học phục vụ toàn thời gian; ngoài ra, thầy còn làm thêm việc
bán đấu giá bán thời gian để gây quỹ trợ giúp Puttinu
Cares. Thầy giáo Formosa nhận được một bưu kiện rất bất ngờ mà lại đến vô cùng
đúng lúc. Bưu kiện gởi đi từ Vatican , chính
là món quà Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô tặng thầy.
Món quà trong bưu kiện là hai tấm huy hiệu giáo hoàng
đã được làm phép (blessed papal medals).
Lẽ thường, những món quà rất quý này chỉ đặc biệt dành riêng cho những ai được
Đức Giáo Hoàng tiếp kiến riêng. Nhưng thầy Formosa khi nhân danh nhóm từ thiện
Puttinu Cares để viết một lá thư thỉnh cầu Đức Phan-xi-cô, đã khiến Đức Giáo Hoàng
chú ý, và kết quả tốt đẹp chính là hai tấm huy hiệu ấy.
Rất khiêm tốn, thầy Formosa kể tỉ
mỉ cho phóng viên báo Malta Independent biết rõ các duyên cớ khiến thầy nhận
được cú điện thoại bất ngờ gọi đến từ giáo triều ở Rô-ma.
Vai trò của thầy Formosa trong
Puttinu Cares là giúp đấu giá gây quỹ hằng năm cho tổ chức này. Ngoài ra, thầy
còn trợ giúp trang Facebook đấu giá của Puttinu Cares, qua đó mọi người có thể
đặt giá mua đủ mọi thứ, từ các món kỷ vật thể thao cho đến các tác phẩm nghệ
thuật. Một hôm, thầy bỗng nảy ra ý tưởng là hãy cố kiếm một tấm ảnh Đức Giáo Hoàng
kèm theo chữ ký của ngài để bán đấu giá gây quỹ.
Thầy Formosa
kể: “Cách nay chừng năm tháng, tôi nảy ra ý tưởng là viết thư gởi Đức Giáo Hoàng,
xin ngài tặng cho chúng tôi một món gì đó để bán đấu giá gây quỹ.” Sau khi trao
đổi với tổng giám đốc (CEO) của Puttinu Cares là ông Rennie Zerafa và nữ phó
chủ tịch là Angele Cuschieri, thầy đã viết thư và gởi đến Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô
theo địa chỉ Vatican. Mấy tháng trời trôi nhanh qua mà chẳng hề có một lời hồi
âm, nhưng thầy giáo ấy cứ vui vẻ nghĩ rằng dù sao cũng vẫn bõ công.
Tuần trước, ngay khi thầy sắp sửa mổ mắt bằng laser,
thì điện thoại di động rung chuông. Thầy nói: “Đó là cú điện thoại từ giáo triều
Rô-ma báo tin rằng tôi sẽ nhận một bưu kiện do Đức Giáo Hoàng gởi cho.” Lúc đó,
thầy Formosa
sửng sốt đến nỗi mọi âu lo phập phồng về vụ mổ mắt chợt hoàn toàn tan biến.
Thầy tâm sự: “Tôi đã trải qua cuộc mổ mắt, và cảm thấy trong lòng vô cùng an
ổn, như thể có ai đang cầu nguyện cho tôi. Đây không phải là phép lạ duy nhất.
Còn có phép lạ khác nữa là những người làm việc trong bệnh viện đã thi hành
phận sự với lòng say mê tột độ.” Thầy kết luận: “Chẳng có gì dưng không mà đến.
Tôi không tin vào những chuyện ngẫu nhiên.”
Bưu kiện từ Văn Phòng Giáo Hoàng chứa hai huy hiệu đã
được làm phép, và một lá thư nói rằng Đức Giáo Hoàng đã nhận được thư của thầy Formosa . Thoạt
đầu thầy chỉ mong xin được một tấm ảnh có chữ ký của Đức Phan-xi-cô, nhưng rốt cuộc
lại nhận được còn nhiều hơn thế.
Câu chuyện về gói bưu kiện của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô
gởi tặng thầy giáo Formosa
nhắc chúng ta nhớ lại lời nói thâm thúy của nhà văn Pháp là Hầu Tước Luc de
Clapiers (1715-1747): Các vĩ nhân đôi khi
vĩ đại ngay cả trong những việc nhỏ nhặt.([2])
Ngoài ra, việc thầy giáo Kenneth
Formosa không ngại ngần, mạnh dạn viết thư xin quà của Đức Giáo Hoàng để làm
công quả phước thiện còn nhắc chúng ta nhớ tới lời Đức Giê-su dạy: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ
thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì
hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. (Mát-thêu 7:7-8)
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 20-01-2016
Sửa chữa 13-7-2019
Tuần
san CGvDT, số 2042, từ 22 đến 28-01-2016
([1]) Với tổng diện
tích 316km2, có số dân chưa tới nửa triệu người, và thủ đô Valletta
chỉ rộng 0,8km2, đảo quốc Malta nằm ở phía nam châu Âu, gồm một quần
đảo ở Địa Trung Hải, cách phía nam nước Ý 80km, cách phía đông nước Tunisia
284km, và cách phía bắc nước Libya 333km. Hai ngôn ngữ chánh thức ở đảo quốc là
tiếng Malta và tiếng Anh.
Công Giáo La Mã (Roman Catholicism) là tôn giáo chánh thức và có truyền thống lâu
đời ở đảo quốc này. Theo Tông Đồ Công Vụ (27:39-42
và 28:1-11), xưa kia Thánh tông đồ Phao-lô đã đắm tàu ở Malta vì tàu
đụng phải bãi cát ngầm, bị mắc cạn ở đó. Mũi tàu đâm vào cát, không nhúc nhích
được, còn đằng lái thì bị sóng mạnh đánh vỡ tan. Những ai biết bơi thì nhảy
xuống nước bơi vào bờ, còn những người khác thì bám vào ván hoặc mảnh tàu vỡ mà
vào. Nhờ thế mọi người tấp được vào bờ và được cứu sống. Dân đảo đối xử với các
nạn nhân rất nhân đạo. Vì trời bắt đầu mưa và lạnh, dân đảo đốt một đống lửa to
và tiếp đón tất cả mọi người. Ba tháng sau, Thánh tông đồ Phao-lô cùng những
người khác lại lên tàu rời đảo Malta
trực chỉ Rô-ma.