Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/8. THÁNH NHÂN VỐN THÍCH HÀI HƯỚC / NHƯ HOA NỞ MUỘN



8. THÁNH NHÂN VỐN THÍCH HÀI HƯỚC
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

1. Linh mục Aloysius Roche là người Tô Cách Lan, sinh năm 1886, về với Chúa năm 1957 (hay 1968?). Có lần linh mục Roche viết:
Nhưng óc hài hước có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. (…) Hài hước là muối của cuộc đời, và trong mức độ nào đó, nó là muối của đời tu hành, giữ gìn cho đời tu khỏi suy bại.([1])
Lẽ thường, các nhân vật nổi tiếng khó tránh khỏi bị dính líu tới những câu chuyện hài hước ngăn ngắn, được truyền tụng cách này cách khác trong cõi nhân gian. Có chuyện thì thật, có chuyện là hư cấu, thêu dệt. Loại chuyện này được mệnh danh là giai thoại (anecdotes), trong đó giai hàm nghĩa tốt đẹp, quý trọng; như nói “giai nhân” tức là người phụ nữ đẹp (mỹ nhân). Vậy, giai thoại được truyền tụng thường do hảo ý của những người mến mộ một nhân vật danh tiếng nào đó.
2. Từ khi đăng quang, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô được nhắc tới trong nhiều giai thoại nói về tính hài hước của ngài. Chẳng hạn, sau khi vừa được bầu làm giáo hoàng hôm Thứ Tư 13-3-2013 (tức ngày 14-3-2013, giờ Việt Nam), lúc cảm ơn các hồng y đã bầu chọn ngài, Tân Giáo Hoàng nói vui: Xin Thiên Chúa tha thứ cho anh em vì những gì anh em đã làm.([2])
Tháng 10-2015, nhân dịp kim khánh kỷ niệm tuyên ngôn Nostra Aetate, trong buổi tiếp đón các vị giáo trưởng lãnh đạo Do Thái Giáo, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã khiến các vị khách quý của ngài cùng cất tiếng cười khoái chá. Hôm ấy, Đức Phan-xi-cô kể rằng có một linh mục mang nặng óc bài Do Thái, không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để chống báng dân tộc này. Một hôm tìm ra trong bài giảng cái cớ để “bắt quàng” mà đả kích người Do Thái, vị linh mục lập tức cao giọng trước giáo dân trong nhà thờ, sang sảng bài xích người Do Thái. Đột nhiên, nhà thờ rung chuyển như bị động đất; người ta thấy Chúa Giê-su bước xuống khỏi thánh giá, Chúa ngước nhìn tượng Đức Mẹ Ma-ri-a và thúc giục: “Mẹ! Mẹ con mình mau mau ra khỏi chốn này! Ở đây họ không ưa những người Do Thái như chúng ta!”
3. Nữ tác giả Louise Perrotta trên tạp chí Công Giáo The Word among Us (Ngôi Lời Giữa Chúng Ta), số tháng 11-2013, khi viết về Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII (1881-1963, người Ý) và Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II (1920-2005, người Ba Lan) - trước khi hai vị cùng được Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô phong Thánh vào Chủ Nhật 27-4-2014 - đã đặt nhan đề cho bài viết gần 1.400 từ của chị là Hai Vị Thánh Mỉm Cười (Two Saints Who Smiled).
Nhắc tới hai vị Giáo Hoàng ấy, chị Perrotta không quên đề cập vai trò của mỗi vị là làm nô bộc cho các nô bộc của Thiên Chúa (tiếng Latin: Servus servorum Dei). Chúng ta biết rằng đây là một trong các tôn hiệu của giáo hoàng, được dùng lần đầu tiên do Đức Thánh Giáo Hoàng Gregory I (nhiệm kỳ từ năm 590 đến khi về với Chúa năm 604).
4. Trong bài viết, chị Perrotta đặc biệt nhấn mạnh tính hài hước của hai vị Thánh Giáo Hoàng. Trước tiên là việc tạp chí Time của Mỹ đã chọn hai vị Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II là Nhân Vật Của Năm (Man of the Year). Khi biết điều này, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã trêu tạp chí danh tiếng nọ: “Tôi thấy trong quá khứ các ông không những đã dành vinh dự này cho . . . mà còn cho Stalin và Hitler nữa.”
Chúng ta biết tuần báo Time ra số đầu tiên vào Thứ Bảy 03-3-1923. Năm 1927 báo Time lần đầu tiên bình chọn Nhân Vật Của Năm, và người được chọn là phi công Charles Lindbergh (1902-1974), chân dung ký họa của ông được in lên bìa số báo đầu năm (Thứ Hai 02-01-1928).
Chúng ta cũng biết, mặc dù danh hiệu bình chọn là Man of the Year (Người Đàn Ông Của Năm) nhưng báo Time vẫn chọn các bậc nữ lưu danh giá như quý bà: Wallis Simpson (Mỹ, 1896-1986), bình chọn năm 1936; Tống Mỹ Linh (Trung Hoa, 1898-2003), bình chọn năm 1937; Nữ Hoàng Elizabeth đệ Nhị (Anh, sinh năm 1926), bình chọn năm 1952; nhóm mười hai quý bà người Mỹ, bình chọn năm 1975; và Nữ Tổng Thống Aquino (Philippines, 1933-2009), bình chọn năm 1986. Mãi đến năm 2000 báo Time mới đổi danh hiệu Man of the Year thành Person of the Year để không còn phân biệt nam, nữ.
Kiểm tra lại giai thoại do chị Perrotta kể, chúng ta thấy quả là Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII được bình chọn năm 1962, và Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II được bình chọn năm 1994; còn Adolf Hitler (1889-1945) được bình chọn năm 1938, và Joseph Stalin (1878-1953) được bình chọn hai lần vào năm 1939 và 1942. Riêng câu nói dí dỏm của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II thì chị Perrotta đã lược bớt tên của Lech Walesa và Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII.
Lech Walesa (Ba Lan, sinh năm 1943) là thủ lãnh Công Đoàn Đoàn Kết, được Time bình chọn năm 1981. Theo vài nguồn tài liệu khác, câu nói của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II là: Tôi thấy trong quá khứ các ông không những đã dành vinh dự này cho Lech Walesa và cho Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII mà còn cho Stalin và Hitler nữa.([3])
5. Chị Perrotta kể tiếp, lần nọ nhà báo phỏng vấn: “Có bao nhiêu người làm việc tại Vatican?” Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII nháy mắt, hóm hỉnh đáp: “Ồ, không hơn phân nửa số người đó.”
Thêm vài giai thoại khác về cha đẻ của Công Đồng Vatican II. Một giáo phẩm trong giáo triều Rôma góp ý với Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII rằng “hoàn toàn không thể” khai mạc Công Đồng Vatican II vào năm 1963. Dức Giáo Hoàng liền đáp: “Tốt, chúng ta sẽ khai mạc năm 1962.” Và sự thật diễn ra đúng như vậy vào trung tuần tháng 10-1962.
Ở khu phố cổ tại thủ đô Warsaw của Ba Lan có bệnh viện Chúa Thánh Thần (Hospital of the Holy Spirit), xây dựng năm 1442. Khi Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII ghé thăm một người bạn ở đó, vị nữ tu trông coi bệnh viện có lẽ mất bình tĩnh nên “nuốt” mất hai chữ bệnh viện, buột miệng tự giới thiệu: “Thưa Đức Thánh Cha, con là bề trên (superior) của Chúa Thánh Thần!” Đức Giáo Hoàng bảo: “Chà chà, phải nói là con may mắn. Cha chỉ là người thay mặt (vicar) Chúa mà thôi.”
6. Để thư giãn sau những áp lực công việc, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II cho xây trong dinh thự mùa hè của giáo hoàng một hồ bơi nhỏ. Có người thắc mắc về phí tổn, ngài đáp: “Một mật nghị hồng y (conclave) sẽ tốn kém nhiều hơn thế.”
Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II có tài nhớ dung mạo, dáng dấp và tên tuổi những người ngài đã tiếp. Một giám mục Mỹ được yết kiến Đức Giáo Hoàng lần thứ hai, lúc mà giám mục đã lên cân, trông đẫy đà hơn. Đức Giáo Hoàng hỏi thăm: “Giáo phận của cha có phát triển không?” Giám mục hãnh diện đáp là quả thật đang phát triển. Đức Giáo Hoàng nháy mắt, nói: “Và giám mục cũng thế!”
Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II không che giấu tính hài hước của ngài. Tấm ảnh chụp ngài mỉm cười đầy vẻ tinh nghịch, trong lúc cong bốn ngón tay làm cặp “ống dòm” (binoculars) để nhìn bá tánh là một bằng chứng.


7. Trở lại với câu nói của linh mục Aloysius Roche, hài hước là “muối” trong phẩm chất các bậc thánh nhân. Chúng ta khó học làm thánh, nhưng có lẽ không khó học tính hài hước của các ngài. Vâng, hãy hài hước một cách ý nhị chứ đừng ác tâm, để mang tiếng cười trong sáng tặng nhau giữa cuộc đời vốn nhiều phiền muộn.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 13-01-2016
Sửa chữa 13-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2041, từ 15 đến 21-01-2016



([1]) But a sense of humor has an important part to play in the spiritual life. (…) Humor is the salt of life, and to some extent it is the salt of the religious life, preserving it from decay.
http://catholicexchange.com/wit-humor-of-the-saints
([2]) May God forgive you for what you have done.
http://edition.cnn.com/2013/03/14/world/europe/vatican-new-pope
([3]) I see that in the past, you have given this honor to Lech Walesa and to Pope John XXIII but also to Stalin and Hitler.
http://www.cuf.org/2004/01/humor/
http://www.forcesofgeek.com/2013/06/top-5-most-unforgettable-popes.html