Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/19. TRONG CÁNH RỪNG ẤY / NHƯ HOA NỞ MUỘN



19. TRONG CÁNH RỪNG ẤY
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

1. Thánh Giá Trong Rừng (the Cross in the Woods) tọa lạc tại địa chỉ: 7078 M-68, Indian River, hạt Cheboygan, phía bắc bang Michigan (Hoa Kỳ). Nơi đây mở cửa suốt 365 ngày trong năm, mỗi ngày đều cử hành thánh lễ trong nhà nguyện hoặc ngoài trời. Nơi tôn nghiêm này hằng năm đón tiếp hơn ba trăm ngàn người đến chiêm bái và cầu nguyện.
Nổi bật nhất ở đây là thánh giá gỗ lớn nhất thế giới, cao 17 mét và nặng 21 tấn, được làm từ nguyên một thân cây tùng gỗ đỏ (redwood) có tuổi thọ hai ngàn năm, mọc trong vùng rừng núi phía tây bang Oregon. Mùa hè năm 1953, vào một ngày trong tháng Bảy, cổ thụ này được cưa xuống rồi chở về Indian River bằng xe lửa.
Chờ cho gỗ khô hẳn đi, công nhân dùng giấy nhám chà nhẵn bề mặt gỗ rồi đánh bóng. Để ráp lại hai phiến gỗ quá lớn, quá nặng cho thành hình thánh giá, các công nhân phải lao động mất hai ngày. Chân thánh giá được lắp khít khao vào một đế sắt. Đế này sẽ được cố định bằng bù-loong bắt cứng vào nền bê-tông cốt thép cao 4,6 mét. Sau khi đúc xong nền ấy, để che đi bốn mặt khối bê-tông đồ sộ, người ta phủ đất và trồng cỏ; thế là hình thành ngọn đồi nhân tạo dài 46 mét, rộng 23 mét, cao 4,6 mét. Đồi được đặt tên Calvary (tức Gôn-gô-tha), mượn lại tên ngọn đồi Sọ bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, là nơi xưa kia Đức Giê-su bị quân dữ đóng đinh.
Thứ Năm 05-8-1954, trước mấy trăm người chứng kiến, hãng thầu McCready Và Các Con phối hợp cùng hãng thầu William A. Porter (đều ở bang Michigan) dùng hai xe cẩu rất lớn của họ để nâng và đặt thánh giá vào đúng vị trí đã đúc sẵn nền bê tông cốt thép. Một xe cẩu có cần trục dài gần 24,5 mét. Tuy nhiên, công việc nhọc nhằn này chỉ kéo dài trong nửa giờ. Sau đó một tốp thợ nhanh chóng xiết chặt các bù-loong để cố định thánh giá trên đồi Calvary.
Năm 1956 bộ phận quản trị cho làm thêm hai mươi tám bậc thang dẫn lên đồi Calvary, tới tận chân đế thánh giá. Công trình này nhắc lại sự kiện quân dữ đã giải Đức Giê-su bước lên hai mươi tám bậc thang dẫn tới chỗ tổng trấn La Mã Phi-la-tô. Tiếng Ý gọi hai mươi tám bậc thang này là Scala Santa, tiếng Anh gọi là Holy Stairs (các bậc thang thánh thiêng).
Trên thánh giá là tượng Chúa bằng đồng, từ đỉnh đầu tới ngón chân cái đo được 8,5 mét. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc danh tiếng Marshall Maynard Fredericks (người Mỹ, 1908-1998), tốt nghiệp Học Viện Mỹ thuật Cleveland năm 1930. Từ lúc phác thảo tượng cho tới khi làm khuôn đúc kéo dài bốn năm. Sau đó tượng đồng được đúc tại xưởng đúc Kristians-Kunst Metalstobori ở Oslo (thủ đô Na Uy), rồi thuê tàu thủy chở về Mỹ băng qua Đại Tây Dương. Chủ Nhật 09-8-1959, các công nhân nâng tượng Chúa lên thánh giá đã dựng sẵn trước đó năm năm. Để gắn tượng Chúa nặng 7 tấn vào thánh giá, phải dùng 13 cây bù-loong dài 76cm, tiết diện mỗi bù-loong có đường kính 5,1cm. Đúng một tuần sau, vào Chủ Nhật 16-8-1959, cử hành trọng thể thánh lễ phụng hiến tượng Chúa.
Từ năm 1983 tên gọi Thánh Giá Trong Rừng chánh thức được dùng để gọi nơi tôn nghiêm ở Indian River. Năm 1992, vì tượng Chúa chịu ảnh hưởng của thời tiết và khí hậu, bộ phận quản trị nơi tôn nghiêm này đã thuê Tổ Chức Bảo Tồn Mỹ Thuật Jensen (the Jensen Foundation of Art Conservation) làm sạch mặt ngoài tượng đồng, đánh sáp và phủ lên một lớp sơn. Công việc tỉ mỉ ấy kéo dài nhiều tuần mới xong. Kể từ đó, cứ hai năm một lần lại có những người tình nguyện đến làm sạch mặt ngoài tượng Chúa và đánh sáp.
Thứ Sáu 15-9-2006, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tuyên bố Thánh Giá Trong Rừng là một nơi tôn nghiêm ở cấp quốc gia (a national shrine).
2. Tại địa điểm 7078 M-68 ở Indian River còn có Bảo Tàng Búp Bê Nữ Tu (the Nun Doll Museum). Mặc dù nơi đây không phải chỉ có búp bê nữ tu, nhưng lại phổ biến tên gọi như thế có lẽ vì số lượng búp bê nữ tu trội hơn hẳn. Bảo tàng búp bê này lớn nhất thế giới, gồm có 525 búp bê mặc đạo phục của 217 dòng tu nam và nữ có mặt ở Bắc và Nam Mỹ. Các búp bê còn được sắp đặt thành nhiều “cảnh” diễn tả công việc của các tu sĩ, chẳng hạn như lễ truyền chức linh mục, linh mục làm phép cưới, nữ tu cầu nguyện, nữ tu chăm sóc người bệnh, v.v…
Bộ sưu tập này là công trình độc đáo của ông bà Wally và Sally Rogalski. Khi còn là thiếu nữ, từ năm 1945 Sally bắt đầu cho các búp bê mặc trang phục truyền thống. Năm tháng trôi qua, Sally nảy ra ý tưởng “lưu giữ đôi chút lịch sử Giáo Hội Công Giáo”. Người chồng là Wally hoàn toàn ủng hộ việc làm của vợ. Ông giúp bà thiết kế và trưng bày các búp bê mặc đủ kiểu áo dòng tu nam lẫn nữ.
Trong nhiều năm, bộ sưu tập độc đáo của cặp vợ chồng “tát bể Đông” được gìn giữ tại thành phố Saginaw (bang Michigan). Năm 1964, hai ông bà Rogalski hiến tặng nơi tôn nghiêm ở địa điểm 7078 M-68 nói trên tổng cộng 230 búp bê với lời dặn dò ban quản trị: Không bao giờ được thu phí bất kỳ ai, để cho mọi người dù giàu dù nghèo đều có thể đến xem các búp bê. Tâm nguyện của hai ông bà từ đó đến nay vẫn luôn được tôn trọng và thực thi đúng đắn.
Qua thư từ cũng như trực tiếp tham vấn nhiều tu sĩ, nữ tu trong các dòng tu khác nhau, Sally có thể mặc cho búp bê đúng kiểu đạo phục của từng dòng. Nếu nơi nào nhiệt tình trợ giúp, thì Sally gởi luôn búp bê đến đó để các tu sĩ hay nữ tu tự tay “sắm sửa” đạo phục cho búp bê chính xác từng chi tiết theo đúng truyền thống dòng tu các vị ấy. Bộ sưu tập của ông bà Rogalski dần dần tăng lên tới 525 búp bê và 20 tượng người mẫu (ma-nơ-canh).
Năm 1988, hai ông bà Wally và Sally rất hạnh phúc khi được Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II (1920-2005) ban phúc lành và khen ngợi rằng bộ sưu tập búp bê của ông bà Rogalski giúp thúc đẩy ơn gọi làm linh mục và sống đời tu hành. Từ năm 1995, sau khi chồng qua đời, hằng năm Sally vẫn nhiều lần tiếp tục đến viếng Thánh Giá Trong Rừng để bổ sung cho bộ sưu tập tuyệt vời và vô giá đang trưng bày trong các tủ kính tại Bảo Tàng Búp Bê. Sinh ngày Thứ Sáu 30-7-1937, Sally Rogalski về với Chúa hôm Thứ Ba 15-3-2016 tại thủ phủ Madison, bang Wisconsin (Hoa Kỳ).
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 17-11-2015
Sửa chữa 18-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2033, từ 20 đến 26-11-2015