Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

126/4. HUYỀN THOẠI “MỤC TỬ MỘT” / NHƯ HOA NỞ MUỘN



4. HUYỀN THOẠI “MỤC TỬ MỘT”
HUỆ KHẢI (Như Hoa Nở Muộn. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2019)

“Ràn” là chỗ quây kín để nhốt gia súc như trâu bò, cừu dê… Phúc Âm (Gio-an 10:16) chép lời Chúa như sau: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử. Do đó, Chúa là vị mục tử (shepherd) tôn kính nhất chăn dắt đàn chiên; khi thay mặt Chúa ở trần gian thì mỗi vị giáo hoàng cũng là “mục tử số một” (shepherd one) của Công Giáo hoàn vũ.
Tháng 9-2015, Đức Phan-xi-cô tông du Hoa Kỳ; giới truyền thông đua nhau tung ra những câu đại loại như: chuyên cơ Mục Tử Một sắp hạ cánh; Đức Giáo Hoàng vừa xuất hiện ở cửa chuyên cơ Mục Tử Một, v.v…
Những lời đó dễ khiến người ta hiểu lầm Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô vốn nổi tiếng là giản dị nhất, đơn sơ nhất từ xưa tới nay mà rốt cuộc cũng… xài sang, bởi vì họ ngộ nhận rằng ngài có máy bay riêng mang tên Shepherd One (Mục Tử Một), chẳng khác chi các đời tổng thống Mỹ kể từ năm 1943 cho tới nay đều có chuyên cơ riêng mang tên Không Lực Một (Air Force One). Nói cách khác, chuyên cơ Mục Tử Một chỉ là một huyền thoại (myth), nó không hề có thật trên cõi đời này.
Trong mỗi chuyến tông du từ Rô-ma ra nước ngoài, các vị giáo hoàng luôn luôn dùng một máy bay dân sự (máy bay thương mại) AZ4000 của hãng hàng không quốc gia Ý Alitalia. Khi nhắc tới một chuyến bay như vậy, người Ý chỉ gọi đơn giản là volo papale (chuyến bay của giáo hoàng), ý nghĩa này hoàn toàn khác xa “chuyên cơ của Giáo Hoàng” (sic) bởi vì thật sự giáo hoàng không hề có máy bay riêng.
Một vị giáo hoàng mỗi năm thực hiện khoảng ba, bốn chuyến tông du nước ngoài rồi trở về Rô-ma, và Vatican luôn luôn thuê trọn một máy bay thương mại thông thường trong số những chiếc máy bay dân sự đang được khai thác trên những đường bay quốc tế. Một ngày trước ngày giáo hoàng lên đường, máy bay này vẫn cứ chuyên chở hành khách như bình thường. Hợp đồng kết thúc khi máy bay đáp xuống, để rồi đến đợt bay khác thì Vatican sẽ thuê một máy bay khác.
Theo truyền thống, mỗi khi giáo hoàng tông du nước ngoài, Vatican thuê một máy bay của hãng hàng không Alitalia chỉ cho chuyến đi. Lúc trở về Rô-ma, Vatican sẽ thuê một máy bay của hãng hàng không quốc gia địa phương. Thí dụ, trung tuần tháng 01-2015, khi Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô tông du Philippines, thì thuê máy bay của Alitalia cho chuyến đi. Lúc trở về Rô-ma, thì thuê máy bay của hãng hàng không Philippine Airlines. Cuối tháng 9-2015, trong lúc Đức Phan-xi-cô đang ở Hoa Kỳ, khi ngài bay từ New York tới Philadelphia, rồi từ Philadelphia trở về Rô-ma, Vatican đã thuê một chiếc Boeing 777 của hãng hàng không American Airlines. (Trong chuyến bay từ Cuba sang Mỹ cuối tháng 9-2015, Đức Giáo Hoàng vẫn tiếp tục dùng máy bay đã thuê của Alitalia.)
Hãng hàng không Trans World Airlines (TWA) của Mỹ thành lập năm 1925 và bị American Airlines “thâu tóm” trọn vẹn năm 2001. Trước khi thương hiệu TWA mất dạng trên bầu trời thế giới, TWA đã năm lần phục vụ các chuyến bay của các vị giáo hoàng từ năm 1965 tới năm 1999. Vì thế, Đức Giám Mục Fulton J. Sheen (1895-1979, người Mỹ) có lần nói vui, bảo TWA được viết tắt từ Traveling With Angels (Bay cùng các thiên thần).
Nhà báo Mỹ John L. Allen, Jr. (sinh năm 1965) cho biết trong mỗi chuyến bay tông du, Đức Giáo Hoàng ngồi ở hàng ghế đầu tiên của hạng doanh nhân (business class). Loại ghế này có thể chuyển thành giường nằm hoàn toàn phẳng nên rất tiện lợi.
Đức Giáo Hoàng thường bay với một đoàn tùy tùng khoảng ba mươi người, trong đó có Hồng Y Quốc Vụ Khanh, một hay hai hồng y hoặc giám mục, khoảng mười linh mục (là nhân viên Phủ Quốc Vụ Khanh), và thêm hai mươi người nữa là nhân viên văn phòng báo chí Vatican, các nhân viên mặc thường phục của ban an ninh Vatican, và vệ binh Thụy Sĩ. Ngoài ra còn có khoảng bảy mươi nhà báo tháp tùng; do đó mỗi chuyến bay của Đức Giáo Hoàng có khoảng một trăm hành khách (không kể phi hành đoàn).
Đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng gồm ba mươi vị được bay với hạng ghế doanh nhân nhưng tất cả đều không phải trả tiền vé. Vậy ai chi trả cho toàn bộ chuyến bay? Đó là các nhà báo được bay theo Đức Giáo Hoàng; họ được yêu cầu mua vé doanh nhân, nhưng tất cả lại ngồi hạng ghế bình dân (economy class). Sự chênh lệch giá vé được hiểu là để bù đắp cho ba mươi mốt ghế hạng doanh nhân không phải trả tiền.
Cũng theo nhà báo Allen, trong tháng 9-2015, giá vé của hãng Alitalia cho lộ trình Rôma-Havana-Washington D.C. là 3.200 Mỹ kim mỗi người; còn giá vé của hãng hàng không American Airlines cho lộ trình Washington D.C.-New York-Philadelphia-Rôma là 2.300 Mỹ kim mỗi người; mỗi nhà báo tháp tùng phải trả tổng cộng 5.500 Mỹ kim. Có nghĩa bảy mươi nhà báo đã đóng góp 385.000 Mỹ kim để tài trợ cho các chuyến bay của Đức Giáo Hoàng.
Máy bay chở Đức Giáo Hoàng chỉ là một máy bay thương mại bình thường, hãng hàng không Ý cho gắn thêm huy hiệu của ngài bên hông máy bay, dưới dòng chữ Alitalia. Trên mỗi lưng ghế dựa, chỗ hành khách ngả đầu, hãng hàng không Alitalia gắn tấm vải lót (cloth headrest) có thêu huy hiệu của Đức Giáo Hoàng. Khi máy bay đáp xuống, các nhà báo sẽ lột ngay tấm vải này mang về làm kỷ niệm.
Các nhà báo tháp tùng Đức Giáo Hoàng từ Rô-ma bay ra nước ngoài được yêu cầu cũng phải đủ mặt khi bay trở về Rô-ma. Ai “lặn” mất sẽ không được Vatican cho bay theo Đức Giáo Hoàng vào dịp khác. Nhà báo Allen có lần buộc phải vắng mặt trong chuyến bay về Rô-ma nên đã xin phép Vatican. Yêu cầu của ông được chuyển tới tận Phủ Quốc Vụ Khanh và chỉ khi Đức Hồng Y Tarcisio Bertone chấp thuận thì Allen mới vắng mặt hợp lệ. Đức Giám Mục Sambi giải thích với Allen rằng nếu nhà báo nào cũng dễ dàng vắng mặt trong chuyến trở về Rô-ma thì máy bay sẽ trống trải, khiến người ta ngộ nhận chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng không được tốt đẹp.
*
Để đảm bảo an ninh tuyệt đối, hãng hàng không American Airlines không tiết lộ bất cứ điều gì về chuyến bay chở Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô trong năm ngày cuối tháng 9-2015. Chỉ sau khi mọi việc kết thúc hoàn hảo, phi hành đoàn mới được phép tiếp xúc báo chí lần đầu tiên vào Thứ Hai 05-10-2015.
Sau đây là lời kể của ba người trong phi hành đoàn ấy.


1. Là người thành phố Euless (hạt Tarrant, bang Texas), tiếp viên Jeff Gross (bốn mươi bảy tuổi) có mặt trong số nhân viên hãng hàng không American Airlines (các phi công, tiếp viên, nhân viên an ninh, chuyên viên kỹ thuật, v.v…) được chọn lọc tại căn cứ của hãng đặt tại thành phố Fort Worth (bang Texas). Máy bay được thuê để đưa Đức Phan-xi-cô từ sân bay quân sự Andrews (hạt Prince George, bang Maryland) đến sân bay quốc tế John F. Kennedy (thành phố New York, bang New York), rồi tới thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), và sau cùng rời Mỹ bay thẳng về Rô-ma.
Có bốn phi công và mười lăm tiếp viên trên chuyến bay lịch sử ấy. Ngoài ra, để dự phòng trường hợp khẩn cấp, hãng hàng không American Airlines dành riêng một máy bay Boeing 777 thứ hai sẵn sàng thay thế bất kỳ lúc nào, vì nó cũng đầy đủ phi hành đoàn và đội ngũ kỹ thuật, v.v… Cả hai phi hành đoàn được tuyển chọn trong số 17.000 nhân viên của American Airlines, vốn có kinh nghiệm năm 1993, khi chở Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II từ thủ phủ Denver (bang Colorado, Mỹ) bay về Rô-ma trên chiếc Boeing 767-300ER.
Cuối tháng 9-2015, khi chiếc Boeing 777-200ER đang hướng về Rô-ma, Đức Phan-xi-cô mời tất cả phi hành đoàn gặp ngài, và họ liền hoan hỷ xếp hàng để yết kiến vị khách rất tôn quý. Phụ trách ca-bin chánh và đứng ở vị trí thứ hai trong hàng người ấy, Gross thú thực: “Tôi không khỏi nôn nao, hồi hộp.”
Đến lượt Gross đối diện Đức Giáo Hoàng, ông xin ngài ban phúc lành. Gross thổ lộ: “Lúc Đức Giáo Hoàng bước đến, cũng giống như tôi thấy Chúa. Ngài ban phép lành cho tôi và nắm lấy tay tôi. Đó là một trải nghiệm tâm linh.” Tuy không phải giáo dân, Gross vẫn mang theo các xâu chuỗi và thánh giá để xin Đức Phan-xi-cô làm phép cho tất cả các thứ.
Trở về nhà sau chuyến bay, lòng Gross lúc nào cũng chan chứa niềm vui và an ổn. Ông tâm tình: “Phục vụ trên chuyến bay ấy vốn là công việc bình thường của mỗi tiếp viên hàng không, thế nhưng chúng tôi cứ cảm thấy dường như hành trình vừa qua rất thiêng liêng. Đó là một trải nghiệm lạ thường nhất trong đời tôi, là một dấu ấn sâu đậm trong nghề của tôi.”
2. Là người thị trấn Flower Mound (thuộc hai hạt Denton và Tarrant, bang Texas), cơ trưởng George Griffin (năm mươi ba tuổi) cho biết mỗi khi Đức Giáo Hoàng bước lên máy bay, ông đều đích thân ra chào đón. Mỗi lần như thế, ông được dịp gặp Đức Phan-xi-cô vài phút ngắn ngủi; tuy nhiên, đối với một tín hữu Công Giáo như Griffin, vậy đã là quá nhiều lắm rồi.
Trong chuyến bay, cơ trưởng Griffin thay mặt hãng hàng không American Airlines dâng Đức Giáo Hoàng một quà biếu, nhưng không tiết lộ đó là gì. Khi máy bay trực chỉ thành phố Philadelphia, Griffin xin Đức Giáo Hoàng ban phúc lành cho ông hạ cánh suôn sẻ. Đức Phan-xi-cô nhậm lời nhưng ngược lại, ngài nhờ Griffin hãy cầu nguyện cho tông vụ Giáo Hoàng tại Philadelphia sẽ đạt được kết quả mỹ mãn.
Griffin còn xin Đức Giáo Hoàng ban phúc lành cho ông và gia đình, cũng như làm phép các thánh giá và các xâu chuỗi ông mang theo. Đức Phan-xi-cô liền nhậm lời, khiến cho cơ trưởng vô cùng hạnh phúc. Đó là một trải nghiệm không sao diễn tả cho xiết. Ông thổ lộ: “Khi đứng trước Đức Giáo Hoàng… bạn cảm thấy rất mạnh mẽ. Tôi thấy mình được ban phúc rất nhiều.”
3. Là người thành phố North Richland Hills (hạt Tarrant, bang Texas), chuyên viên kỹ thuật Tom Howard (năm mươi chín tuổi) cho biết sau khi hãng hàng không American Airlines được chọn để phục vụ chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng trên nước Mỹ và đưa ngài trở về Rô-ma, việc chuẩn bị triển khai từ tháng 01-2015, bao gồm chọn hai máy bay (một chánh thức, một dự phòng), hai phi hành đoàn, hai đội ngũ bảo trì sửa chữa, v.v... Phải đảm bảo mọi thứ và mọi người đều hội đủ tất cả yêu cầu gắt gao của cơ quan mật vụ Liên Bang Hoa Kỳ và bộ phận an ninh của Vatican.
Howard kể: “Đức Phan-xi-cô không muốn được dành riêng bất kỳ một phục vụ đặc biệt nào. Ngài muốn tất cả mọi người cùng ngồi trên máy bay đều được phục vụ giống y nhau.”
Có vài thay đổi nho nhỏ được thêm vào chiếc Boeing 777-200ER: Huy hiệu của Giáo Hoàng được dán trên thân máy bay, bên cạnh cửa lên xuống; hai lá cờ của Mỹ và Vatican được gắn phía trước buồng lái (cockpit). Vài tấm màn được tháo ra khỏi một chiếc máy bay khác để treo bổ sung trong khu vực hạng nhất, nơi Đức Giáo Hoàng ngồi. Howard giải thích: “Đức Giáo Hoàng không muốn có những sửa đổi, thêm thắt nào khác trên máy bay khiến cho chi phí phải tăng lên.”
Howard xin Đức Giáo Hoàng ban phép lành cho máy bay và được nhậm lời. Ông nói: “Tôi không nghe được ngài nói gì… nhưng thấy ngài làm dấu thánh giá.”
Là người Công Giáo, có chín anh chị em, Howard mang theo cả một túi đầy các xâu chuỗi, thánh giá và Kinh Thánh để xin Đức Phan-xi-cô làm phép lành cho tất cả các món trong túi đó. Đức Giáo Hoàng vui vẻ nhậm lời nhưng lại đặt điều kiện với Howard: “Bây giờ con phải làm một việc này cho Cha. Hãy cầu nguyện cho Cha.” Ngay lúc ấy và rồi suốt cả chuyến bay, Howard lúc nào cũng cảm thấy lâng lâng.
Howard tiết lộ: Sau khi máy bay rời Rô-ma trở về Mỹ, đội bóng chày Texas Rangers cần đi xa thi đấu, nên tha thiết xin thuê đúng chiếc máy bay đã chở Đức Giáo Hoàng và đã được ngài ban phép lành. Có lẽ họ muốn “lấy hên” và đại thắng. Tuy nhiên hãng hàng không American Airlines không thể đáp ứng nguyện vọng của họ bởi vì máy bay Boeing 777-200ER phục vụ Đức Giáo Hoàng lớn hơn so với nhu cầu của đội bóng chày. Hơn nữa, sau khi gỡ huy hiệu Giáo Hoàng và hai lá cờ trước buồng lái, máy bay đã tiếp tục những chuyến bay bình thường theo kế hoạch khai thác kinh doanh của American Airlines.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 06-10-2015 và 14-10-2015
Sửa chữa 19-7-2019
Tuần san CGvDT, số 2027 và 2028, từ 09 đến 22-10-2015