Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

1. GIAO CẢM / THIÊN BÀN TẠI NHÀ


Quyển 77.2 trong Cương Trình Chung Tay
Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Nhà xuất bản HỒNG ĐỨC, Hà Nội 2017
Ảnh bìa: Chreung Yaing Hwang,
người đạo Cao Đài ở Campuchia,
mượn và phỏng lại một ảnh chụp năm 2017
của Alessandro Marazzi Sassoon (http://www.phnompenhpost.com).
Ấn tống lần thứ hai, gồm hai ngàn quyển do
quý môn sanh Chiếu Minh LONG VÂN ĐÀN, Mỹ Tho:
- hiền tỷ NGỌC LAN
công quả 10.000.000 đồng (đợt 90).
- hiền tỷ THỦY NHƯ HƯƠNG
công quả 4.000.000 đồng (trích đợt 90).
Kỉnh thành hồi hướng cửu huyền thất tổ,
cầu nguyện quốc thái dân an,
đạo pháp trường lưu, chánh giáo hoằng dương,
Đại Đạo Cao Đài quy nguyên thống nhứt,
vạn linh thức tỉnh hồi đầu, đồng đăng bỉ ngạn.
ĐÔI LỜI THA THIẾT
Quý vị vui lòng KHÔNG photocopy, KHÔNG mua bán bất kỳ kinh sách nào do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện. Trân trọng kính mời quý vị liên hệ các điểm phát hành của chúng tôi tại các tỉnh, thành, quận, huyện, xã để thỉnh các ấn phẩm chánh thức (kính biếu).
Kinh sách được ấn tống để kính biếu rộng rãi là nhờ có biết bao tấm lòng vàng của hàng hàng lớp lớp đạo tâm gần xa gởi gắm. Để không phụ lòng các bậc mạnh thường quân ấy, xin quý vị trân trọng giữ gìn kinh sách để truyền trao cho đúng người thật tâm tìm tu, học đạo. Chúng tôi chân thành biết ơn sự thấu hiểu, đồng cảm, và hợp tác chặt chẽ của quý vị. (BAN ẤN TỐNG)
GIAO CẢM
Tập sách mỏng này nhằm chia sẻ cùng quý đạo hữu một số hiểu biết căn bản về Thiên Bàn tại nhà tín đồ.
Trong cuộc cứu độ Kỳ Ba, Đức Chí Tôn mượn hữu hình sắc tướng để dẫn dắt con cái trở ngược về vô hình không sắc tướng (vô vi). Thầy dạy:
Tôn chỉ đạo Cao Đài tỏ rõ
Mượn hữu hình bày tỏ chỗ vô.([1])
Thiên Bàn thờ Thầy tại nhà tín đồ là một trong nhiều phương tiện hữu hình sắc tướng. Thầy dạy con cái nhìn vào đó rồi ứng dụng nơi bản thân mỗi người để thực hành tu thiền (tịnh luyện, công phu) cho đạt lý vô vi.
Thiên Bàn ví như ngọn đèn Thầy truyền trao (truyền đăng) để soi đường con cái bước đi trong đêm tối. Đức Chí Tôn dạy:
Cách sắp đặt Thiên Bàn thờ phượng
Mượn hữu hình sắc tướng truyền đăng.([2])
Mỗi khi đến một thành phố xa lạ, các du khách rất cần có tấm bản đồ giúp họ đi tới đúng nơi mong muốn, khỏi lạc lối lầm đường.
Cũng vậy, Thiên Bàn làm cái bản đồ giúp môn sanh Cao Đài nhìn theo đó mà tu hành, tức là tô bồi, trau sửa nội thân và nội tâm của mình. Đức Chí Tôn dạy:
Thiên Bàn làm cái bản đồ
Coi ngoài mà biết điểm tô trong mình.([3])
Tại sao cần tô điểm bên trong (nội thân, nội tâm)?
Khi sống trên thế gian, để thỏa mãn các ham muốn trần tục về danh lợi, tình tiền... con người bị hao mòn thân xác, trí não, đạo đức, tâm hồn...
Cái nhà bị mòn lở, ai cũng biết bồi đắp, tu bổ lại. Cái xe hư hỏng ai cũng biết đem sửa. Do đó, chỉ chữa trị cái thân hư hỏng về thể xác (mang bệnh tật) bằng thuốc men thì chưa đủ; còn phải luôn luôn chữa trị về tâm hồn bằng cách tu hành, giữ gìn đạo đức và tập thiền. Ý nghĩa căn bản của chữ tusửa chữa, bồi bổ. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Tu là sửa những gì đã trật
Tu là bồi cái mất thân tâm.([4])
Con người là tiểu linh quang (ánh sáng thiêng liêng). Thượng Đế là Đại Linh Quang. Con người từ Thượng Đế mà ra, để tiến hóa. Tu là hành trình để tiểu linh quang trở về với nguồn gốc Đại Linh Quang xa xưa của mình (phục hồi cựu nguyên), hoàn thành vòng tiến hóa. Đức Chí Tôn dạy:
Trong thân thể đổi dời tấn hóa
Người biết tu mau khá trau giồi
Coi như có lở thì bồi
Cho đầy đủ lại phục hồi cựu nguyên.([5])
Con người (tiểu linh quang, tiểu thiên địa) và Thượng Đế (Đại Linh Quang, Đại Thiên Địa) có đồng bản thể là linh quang. Đức Chí Tôn dạy:
Con là một thiêng liêng tại thế
Cùng với Thầy đồng thể linh quang.([6])
Bởi vậy, ở Trời có thứ gì thì ở người cũng có thứ ấy. Đức Chí Tôn dạy:
Người gọi là tiểu thiên địa đó
Người với Trời nào có khác chi
Hễ Trời có những món gì
Người người đều cũng đủ y như Trời.([7])
Vàng nằm sâu trong đất, ngọc quý ẩn kín trong đá, phải khai quật khổ nhọc mới tìm thấy. Cũng thế, những giá trị thiêng liêng tương đồng giữa người và Trời không phải tự nhiên mà phơi bày, hiển lộ. Những giá trị ấy tiềm tàng, ẩn giấu bên trong cơ thể con người, phải “khai thác” chúng bằng cách tu thiền (công phu, tịnh luyện).
Do đó, vừa mới mở Đạo (1926), Thầy liền dạy con cái phải tu thiền (bửu pháp):
“Kẻ nào trai giới đặng mười ngày đổ lên, thọ bửu pháp đặng.” ([8])
Cũng vì lẽ ấy, Hội Thánh Cao Đài ban sơ tuân lời Thầy dạy, khi lập Tân Luật đã quy định trong đó tám điều khoản về Tịnh Thất. Hội Thánh giải thích: “Tịnh Thất là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào mà tu luyện.”
Cho nên, tín đồ Cao Đài càng ngày càng ý thức rằng phổ độ chẳng hề xa lìa tu thiền. Thật vậy, càng ngày càng có đông tín đồ nhập môn theo cơ phổ độ (ngoại giáo công truyền) nhưng đã và đang tìm tới cơ vô vi (nội giáo tâm truyền) để học thiền, đúng theo lời Thầy dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đúng theo Tân Luật của Đại Đạo.
Thiên Bàn tại nhà tín đồ là phương tiện hữu hình truyền đạt ẩn ý tu thiền (công phu, tịnh luyện). Tuy nhiên, tập sách nhỏ này KHÔNG nói về bửu pháp tu thiền. Mục đích tập sách là chia sẻ đôi điều hiểu biết căn bản về Thiên Bàn, để thấy rằng qua cách sắp đặt Thiên Bàn, Đức Chí Tôn đã ban trao bản đồ cho con cái tìm đường trở lại nguồn cội thiêng liêng của con người là Thượng Đế.
Kỳ tái bản này, tôi chân thành bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Tú Đoàn, một bạn đồng nghiệp tinh tế, đọc lại bản tiếng Anh giúp tôi và góp ý về chữ nghĩa.
Tôi hết lòng biết ơn quý vị mạnh thường quân đáng kính đã ủng hộ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, nhờ vậy hàng ngàn bản in này được đến tay quý đạo hữu.
Con cầu xin Thầy ban ơn lành đến quý ân nhân của con, và cửu huyền thất tổ những vị con mãi mang ơn.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
17-10-2017
Huệ Khải




([1]) Bài Cách Thức Thờ Phượng, in trong Đại Thừa Chơn Giáo (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 231). Quyển 36-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Sau đây được gọi tắt là Cách Thức Thờ Phượng.
([2]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 232.
([3]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 231.
([4]) Huờn Cung Đàn 29-5 rạng 01-6 Ất Tỵ (Thứ Hai 28-6-1965).
([5]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 230.
([6]) Thiên Lý Đàn, 14-01 Bính Ngọ (Thứ Sáu 04-02-1966).
([7]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 229.
([8]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đàn ngày Thứ Bảy 17-7-1926. Bước đầu thì giữ ít nhất mười ngày ăn chay, nhưng thọ bửu pháp (tu thiền) rồi thì phải sớm tăng ngày chay lên tới mức trường trai.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.