Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

3. Ý THỨC HỆ CAO ĐÀI (tiếp theo)


5. Tìm hiểu thánh giáo Đức Lý Giáo Tông
5.1. Thánh giáo
“Nhân sự hiện diện đông đủ của chư hiền đệ, hiền muội hôm nay, Bần Đạo cũng nêu một vài điều cần cho cơ Đạo hiện hữu để giúp phần nào cho chư hiền tu thân hành đạo, lập công bồi đức.”
* Suy Niệm 1: Đối tượng của ý thức hệ Cao Đài
Encyclopædia Britannica (như dẫn ở 2.3 trên đây) cho biết: “Một ý thức hệ thì nhắm tới cộng đồng, quốc gia, hay giai cấp.” Bài giảng về ý thức hệ của Đức Lý không nhắm tới quốc gia hay giai cấp mà nhắm tới một cộng đồng được mệnh danh là đạo Cao Đài.
Ở đây, trước tiên cần nên xác định đối tượng. Hầu hết người đạo Cao Đài đều tự hào khi nói tới sứ mạng cứu độ cho toàn nhân loại mà Thượng Đế ban trao, và là sứ mạng mà thánh ngôn hay nhắc lại kể từ năm 1926. Tuy nhiên, mấy ai từng tự vấn xem liệu bản thân người đạo Cao Đài có hội đủ điều kiện để hiện thực sứ mạng cao cả ấy?
Đơn cử một thí dụ, bản thân tôn giáo Cao Đài vẫn còn trong trình trạng phân ly thì làm sao có thể kêu gọi nhân loại xây đắp một Đại Đạo không phân biệt, rẽ chia, kỳ thị? Cũng nên nhớ rằng người phương Tây thích câu nói này, mà họ cho là lời Đức Khổng Tử: “Chớ càm ràm tuyết phủ mái nhà hàng xóm khi thềm nhà của mình còn chưa sạch.”
Mặc dù Cao Đài Giáo và Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cuộc Phổ Độ Lần Thứ Ba Của Đại Đạo) đồng nghĩa, nhưng từ tôn giáo Cao Đài đến Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vẫn là một khoảng cách chưa được thâu ngắn. Thế nên, trong một đàn cơ tại thánh thất Nam Thành ngày Thứ Hai 31-3-1969, Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy: “Trải qua bao lần vận động, mất bao tâm huyết, bao thời gian, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay cũng chỉ ru rú trong khung cảnh tôn giáo xa xưa.”
Thế rồi Đức Lê Đại Tiên dạy tiếp: “Phương tiện mới, mục đích mới, sứ mạng mới, khả năng mới, nhìn lại trước sau, Đại Đạo vẫn bao gồm những gì [của những ai] chưa chịu ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng.”
Thấu hiểu như vậy để lãnh hội vì sao mở đầu bài giảng đầu năm 1974, Đức Giáo Tông trước tiên liền xác định ai là đối tượng của ý thức hệ Cao Đài.
5.2. Thánh giáo
“Chư hiền đệ, hiền muội là những người chức sắc, chức việc, tín đồ, đạo hữu trong các Hội Thánh, Giáo Hội, thánh thất, thánh tịnh, đoàn thể trong Đại Đạo thì đã có ít nhiều liên hệ, hãy hiến thân để phục vụ thánh thể của Đức Chí Tôn. Điều mà Bần Đạo muốn nói hôm nay là hình thể Đạo và giáo thuyết hay ý thức hệ Cao Đài.”
* Suy Niệm 2: Một phẩm chất đòi hỏi
Mở đầu đoạn này, Đức Lý xác định thêm lần nữa và chi tiết hơn, rằng đối tượng bài giảng của Ngài là “những người chức sắc, chức việc, tín đồ, đạo hữu trong các Hội Thánh, Giáo Hội, thánh thất, thánh tịnh, đoàn thể trong Đại Đạo”. Những người này được mời gọi “hiến thân”.
Encyclopædia Britannica (như dẫn ở 2.3 trên đây) cho biết: “Có thể nói cả tôn giáo và ý thức hệ đều đòi hỏi sự hy hiến…” Do đó, không lạ rằng Đức Lý mời gọi con người Cao Đài “hãy hiến thân để phục vụ thánh thể của Đức Chí Tôn”. Nói khác đi, ai chưa sẵn sàng hiến thân, người ấy khó hiểu được ý thức hệ Cao Đài và không thể thực thi ý thức hệ này.
“Hiến thân” không có nghĩa là rời khỏi gia đình để cư trú bên trong các bức tường của bất kỳ một thánh sở Cao Đài nào. “Hiến thân” mang ý nghĩa vật thể (vật chất) như thế chắc chắn không thể phục vụ cho ý thức hệ Cao Đài. Vậy thì “hiến thân” thật sự mang ý nghĩa gì? Câu trả lời nêu ra bây giờ e rằng hơi sớm.
5.3. Thánh giáo
“Hình thể Đạo là thánh thể của Đức Chí Tôn tại thế. Đại Đạo khai minh qua bốn mươi chín mùa xuân tô điểm. Những ngôi thánh đường đồ sộ uy hùng vươn lên khắp nơi, khắp chốn. Dầu trải qua bao nhiêu biến chuyển của cuộc đời nhưng hình bóng Đạo vẫn theo thời gian mà xuất hiện. Duy có một điều mà chư đệ muội hầu hết ít lưu tâm là nhân sự và hành chánh Đạo.”
* Suy Niệm 3: Hai vấn đề tương liên chặt chẽ
Nói “bốn mươi chín mùa xuân” là Đức Lý tính từ mùa xuân 1926 tới mùa xuân 1974, lúc Ngài dạy về ý thức hệ Cao Đài.
Trải qua non nửa thế kỷ ấy, lịch sử đạo Cao Đài là một phần của lịch sử Việt Nam − một lịch sử mà chiến tranh nối tiếp chiến tranh, chết chóc chồng lên chết chóc... Bất kể vô số thăng trầm, vượt qua những giai đoạn gay go nhất, đạo Cao Đài vẫn tồn sinh, để cho “[n]hững ngôi thánh đường đồ sộ uy hùng vươn lên khắp nơi, khắp chốn”, và cho “hình bóng Đạo vẫn theo thời gian mà xuất hiện”. Không ngờ chi cả, đây là điểm mạnh của Đạo, như lời xác định của Đức Giáo Tông Vô Vi.
Tuy nhiên, thực thể nào ở thế giới nhị nguyên này mà không có mặt đối lập. Người đạo Cao Đài, như Đức Giáo Tông chỉ rõ, lẽ ra cần lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề “nhân sự và hành chánh Đạo”.
Hành chánh Đạo là một hệ thống chức sắc, giáo phẩm tinh vi, mang tính tổ chức vững chắc, từ Tòa Thánh xuống tới các họ đạo. Giáo Sư Jayne Susan Werner nhận xét: “Hội Thánh Cao Đài cũng được tổ chức quy củ (…). Mỗi cấp chức sắc Cao Đài đều có được một chức năng nhiệm vụ riêng biệt và được quy định rõ ràng, mà từng phương diện của chức năng nhiệm vụ ấy đều có một ý nghĩa biểu trưng.” (Peasant Politics and Religious Sectarianism: Peasant and Priest in the Cao Dai in Viet Nam. Connecticut: Monograph series No. 23, Yale University Southeast Asia Studies, 1981, p. 7.)
Tuy nhiên, để có đủ những người đạo xứng đáng ngõ hầu bổ nhiệm vào các vị trí từ Tòa Thánh xuống tới các họ đạo thì quả thật không hề đơn giản. Cho nên, khi Đức Lý nói “nhân sự và hành chánh Đạo”, thì hai vấn đề này tương liên chặt chẽ; nói khác đi, tuy hai mà một.
5.4. Thánh giáo
“Này chư hiền, Thượng Đế không ngự trị trên vật thể vô tri, mà trái lại Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà của tâm hồn nhân loại. Hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện thánh thể Chí Tôn tại thế.”
* Suy Niệm 4: Giá trị của bậc chơn tu hành đạo
“[V]ật thể vô tri” tức là các kiến trúc được dựng lên để thờ Đức Cao Đài. Sự phủ định “Thượng Đế không ngự trị trên vật thể vô tri” có thể xem là để khẳng định giá trị của bậc chơn tu hành đạo. Một đền điện dù nguy nga, tráng lệ đến đâu mà trong đó không có các bậc chơn tu hành đạo thì chỉ là thể xác vô hồn; nơi đó không có Đức Cao Đài.
Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà của tâm hồn nhân loại. đây Đức Lý Giáo Tông không dùng hai chữ “tháp ngà” theo nghĩa chúng ta quen hiểu xưa nay.
Thông thường, “tháp ngà” có nghĩa là một tình trạng tách biệt khỏi những sự thực và thực tế của thế giới thật. Đây là ý nghĩa không tích cực. Nói rằng một người trốn trong tháp ngà tức là chê bai họ. Trái lại, “tâm tháp ngà” theo lời Đức Lý mang ý nghĩa tích cực.
Tháp hay đài là kiến trúc xây cao lên để làm nơi thờ phượng các Đấng thiêng liêng. Tháp ngà mang nghĩa bóng bảy là bửu tháp rất quý báu, ví như dùng ngà làm vật liệu xây dựng. "Tâm tháp ngà” vì vậy là ẩn dụ, có nghĩa tâm thánh thiện, rất quý báu, xứng đáng để Thượng Đế ngự vào.
“Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà của tâm hồn nhân loại.” Chân lý này luôn được nhắc nhở trong thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài. Chẳng hạn, ngày Thứ Bảy 13-02-1926, Đức Cao Đài dạy:
Bạch Ngọc từ xưa đã ngự rồi,
Chẳng cần hạ giới vọng cao ngôi.
Bần sang trối mặc tâm là quý,
Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi.
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện thánh thể Chí Tôn tại thế.” Nói khác đi, nếu một thánh sở Cao Đài thiếu các bậc chơn tu hành đạo, nơi ấy làm sao thể hiện được thánh thể Đức Chí Tôn tại thế, và bởi vậy, có ai cần “mượn” nơi đó?
Thế nào là một hình thể Đạo đúng nghĩa? Trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày Thứ Năm 25-02-1971, Đức Quan Thánh Đế Quân dạy: "Chí Tôn dạy lập chùa thất là một hữu hình trụ tướng để thể hiện quyền pháp của Trời. Đó là một phần nhỏ. Còn phần trọng đại là làm nơi quy tụ nhơn sanh để hướng dẫn mọi sinh hoạt đạo lý, phổ truyền giáo lý, thức tỉnh người đời. Nơi chùa thất là để chung cho nhơn sanh đến đó nghe đạo, học đạo, để hành đạo.
Ngài dạy tiếp: "Trong nếp sinh hoạt tại chùa thất gồm có hai phần. Một phần tu tịnh, để tịnh dưỡng tu đơn, dùng điển lành hộ trợ cho sự bằng an, sung túc của nơi đó. Một phần nữa là ngoại giáo công truyền, gồm có giảng đạo, phước thiện xã hội, và hành chánh Đạo để cho hệ thống của guồng máy hành chánh được lưu thông điều hòa. Nếu không vì những nhu cầu ấy, Chí Tôn đã không dạy lập chùa thất.”
5.5. Thánh giáo
Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng. Chính biểu tượng Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gắm chơn lý trong một cụ thể chủ quan mà thôi. Chính vì vậy, kiến tạo hình thể Đạo có được giá trị cùng chăng là phải có nhơn tâm làm chứng thị. Giá trị của nhơn sanh giác ngộ sẽ định vị cho hình thể Đạo của từng địa phương.
* Suy Niệm 5: Thượng Đế hữu ngã và Thượng Đế vô ngã [xem Phụ Lục 1]
Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận 4, Sài Gòn) ngày Thứ Tư 08-02-1967, Đức Cao Đài dạy: “Thầy là hư vô chi khí...” Là khí hư vô thì Thượng Đế đâu có hình dạng cụ thể. Thượng Đế còn là Đại Linh Quang (khối ánh sáng lớn thiêng liêng). Là ánh sáng thì Thượng Đế đâu có hình thể. Bởi vậy, Đức Lý Giáo Tông dạy: “Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng.”
Thời xưa, người Trung Hoa quan niệm Thượng Đế theo hình ảnh các ông vua của họ, nên họ đắp tượng hay vẽ Ngọc Hoàng với áo mão một ông vua [xem Phụ Bản 3]. Các triết gia gọi đấy là “thiên nhân đồng hình đồng tính luận” 天人同形同性論. Nhưng Thượng Đế đâu có quốc tịch, chủng tộc. Trong con mắt các dân tộc khác trên thế giới, tất nhiên hình ảnh Ngọc Hoàng theo kiểu Trung Hoa trông xa lạ. Một bằng chứng hiển nhiên là Michelangelo (1475-1564), thiên tài người Ý, vẽ Đức Chúa Trời (Thượng Đế) theo hình ảnh một ông lão châu Âu khỏe mạnh [xem Phụ Bản 4]; đây là tranh vẽ trên trần nhà nguyện Sistine ở thành phố Vatican.
Nhưng người đời vốn chuộng Thượng Đế hữu ngã hơn Thượng Đế vô ngã. Họ cần một hình ảnh giống như họ mà siêu việt hơn họ để gởi gắm lòng tin. Đó là lý do Đại Sư Vivekananda (1863-1902) bảo rằng nếu một con cá có thể quan niệm được Thượng Đế thì Thượng Đế của nó chắc chắn là một con cá khác to khỏe và xinh đẹp hơn nó rất nhiều (xem thêm: Tôn Giáo Là Gì Theo Lời Nói Của Đại Sư Vivekananda. Sài Gòn: An Tiêm 1969, Vương Gia Hớn dịch).
Con người cần có một hình ảnh hay biểu tượng không những kết hợp được Thượng Đế hữu ngã với Thượng Đế vô ngã mà còn thể hiện chỗ đồng nhất của nhân loại. Thiên Nhãn vì vậy là biểu tượng của Thượng Đế trong đạo Cao Đài, nhưng Thiên Nhãn không phải là tuyệt đối thể. Lãnh hội được điều này thì hiểu vì sao Đức Lý Giáo Tông dạy: “Chính biểu tượng Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gắm chơn lý trong một cụ thể chủ quan mà thôi.”
Thượng Đế là tuyệt đối thể nên dù cho tình cảm con người đối với Thượng Đế có như thế nào chăng nữa, Thượng Đế vẫn là Thượng Đế. Chân lý này được Đức Cao Đài dạy trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày Thứ Sáu 04-3-1977 như sau:
Con có thánh tâm sẽ có Thầy,
Thầy là Cha Cả của Đông Tây.
Tây Đông dầu biết hay không biết,
Thì đức háo sanh cũng thế này.
Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, ở cuối Bài Giảng Trên Núi (Mátthêu 5:45), Đức Giêsu Kitô dạy cùng một lý lẽ: “… Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”
Một hình thể Đạo tuy thể hiện thánh thể Đức Chí Tôn tại thế, nhưng bản thân hình thể ấy không là một giá trị tuyệt đối. Một thánh sở Cao Đài đẹp đẽ và có vị trí thuận tiện ở chốn thị thành sầm uất mà lại đìu hiu vắng vẻ là bởi vì sao? Người Việt nói: “Đất lành chim đậu.” Vậy, giá trị đích thực của một hình thể Đạo thật sự không tùy thuộc vào những vật chất đã tạo nên hình thể đó. Lãnh hội được điều này thì hiểu vì sao Đức Lý Giáo Tông dạy: “Chính vì vậy, kiến tạo hình thể Đạo có được giá trị cùng chăng là phải có nhơn tâm làm chứng thị.”
Lời dạy “kiến tạo hình thể Đạo có được giá trị cùng chăng là phải có nhơn tâm làm chứng thị” nghĩa là giá trị của hình thể Đạo được minh chứng bằng hiệu quả cứu độ nhơn sanh của đạo Cao Đài. Chẳng hạn, nếu một địa phương có thánh thất, thánh tịnh Cao Đài thì con người nơi đó có giác ngộ hay đạo đức hơn không? Cuộc sống có an bình hơn không?
Giáo lý Cao Đài dạy con người tu thân để chuyển từ phàm ra hiền thánh, nhưng giáo lý này có được thường xuyên giảng dạy vào hai kỳ sóc vọng tại các thánh thất, thánh tịnh không? Có giúp nhơn sanh giác ngộ không? Thế nên Đức Lý Giáo Tông dạy: “Giá trị của nhơn sanh giác ngộ sẽ định vị cho hình thể Đạo của từng địa phương.”
5.6. Thánh giáo
“Chư hiền thử nghĩ: Người nông phu nào cũng gieo mầm lúa trên thửa ruộng màu mỡ mà không bao giờ gieo trên tấm thảm nhung tơ. Dầu thảm đó có thêu được đẹp nổi muôn màu nhưng giá trị của tấm thảm vẫn là tấm thảm để trang trí kiêu sa, chớ làm gì khơi động được mầm sinh sôi bất tận. Tấm lòng của nhân loại mới chính là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh, tạo thế an bình cho nhân loại. Vì vậy nhơn tâm Đạo phải phát khai, phải sum sê tàn lá. Thửa ruộng không được chăm sóc màu mỡ thì bông lúa nào được nặng trĩu đua chen.”
* Suy Niệm 6: Tâm điền
Đoạn này Đức Lý Giáo Tông dạy về việc chăm sóc mảnh tâm điền (ruộng lòng). Hai chữ tu thân tương đương với self-cultivating trong tiếng Anh, và từ gốc cultivating có nghĩa là chăm sóc mảnh đất để trồng trọt; ý nghĩa này vì thế rất gần gũi hai chữ tâm điền.
Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức Giêsu Kitô có lần dạy về tâm điền qua dụ ngôn sau: “Một nhà nông đi ra gieo giống. Trong khi ông ta vãi hạt giống, có hạt rơi dọc theo lối đi, chim chóc đến ăn hết. Có hạt rơi trên sỏi đá, nơi không có nhiều đất. Hạt mọc nhanh vì đất cạn cợt. Nhưng khi nắng lên, chúng bị khô cháy, và vì thiếu rễ nên héo tàn. Số hạt khác rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm chúng chết nghẹt, thành thử không sinh sôi được. Tuy nhiên có số hạt khác rơi xuống đất tốt. Chúng mọc lên, sinh sôi nảy nở, hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm lần.” (Máccô 4:3-8)
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Cao Đài khuyên con cái trần gian chăm sóc tâm điền như sau: “Trước kia miếng ruộng của con vẫn trống sạch, nếu con không cấy lúa lên tức nhiên nó phải sanh cỏ. Khi sanh cỏ rồi, con muốn nhổ cho tận gốc sạch trơn, rồi không cấy những giống lúa tốt lên, lâu ngày cũng biến sanh cỏ nữa. Bởi vậy, tâm con kêu là tâm điền. Chẳng những các con tránh điều dữ mà cần phải lo làm những điều lành.
Thầy kết luận:
Tâm điền con trẻ ráng gieo trồng
Trồng những trái lành được trổ bông
Bông trái trúng mùa con hạnh hưởng
Một lòng từ thiện được thành công.
(Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I. Bài Tâm Điền.)
Trở lại với thánh giáo Đức Lý Giáo Tông, tại sao trong đoạn này Ngài nói đến việc chăm sóc mảnh tâm điền? Có liên hệ gì tới ý thức hệ chăng?
Ý thức hệ nhằm thay đổi xã hội, tức thay đổi cái tâm con người của xã hội đó. Nhưng trước hết cái tâm của “những nhà ý thức hệ” phải phù hợp để họ theo đuổi lý tưởng cao cả của mình. Thí dụ, những ai hay tán tụng Đại Đạo mà tâm địa vẫn chỉ quẩn quanh trong ngõ cụt chật hẹp thì làm sao họ có thể thật lòng thực thi lý tưởng Đại Đạo?
Một lái thuyền chỉ giỏi chèo chống chiếc thuyền con trên sông lạch thì đương nhiên không thể đứng vào vị trí thuyền trưởng một con tàu tân tiến giữa đại dương bao la. Tương tự, con người tôn giáo bất cập con người Đại Đạo trong ý nghĩa Đại Đạo là siêu tôn giáo.
Nhưng con người Đại Đạo không thể từ trên trời rơi xuống. Thành thử cần giáo dục để con người tôn giáo chuyển hóa thành con người Đại Đạo. Bởi thế, ý thức hệ Cao Đài (cũng là ý thức hệ Đại Đạo) cần được giáo dục rộng rãi trong các cộng đồng Cao Đài để đổi mới “khung cảnh tôn giáo xa xưa” như lời của Đức Lê Đại Tiên.
Tuy nhiên, con người thường ít chịu đổi mới, hoặc không đổi mới đúng nghĩa. Nói cách khác, con người tôn giáo không dễ thoát ra khỏi “khung cảnh tôn giáo xa xưa”. Thế nên, trong đàn cơ tại thánh thất Nam Thành ngày Thứ Hai 31-3-1969, dường như để đối trị tâm lý (hay não trạng) ấy, Đức Lê Đại Tiên dùng những lời lẽ mạnh mẽ như sau:
“Đừng xây ngôi nhà mới trên nền cũ, hãy gầy dựng một nền móng mới trước khi xây nhà đúc cột. Trách nhiệm mới, sứ mạng mới, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ phải tương đồng phối hợp mới. Trên con đường gay go giữa thời buổi bão bùng, có người lữ khách nào lại dùng con ngựa già hay cỗ xe cũ.”
Giáo dục ý thức hệ Cao Đài cũng có nghĩa là giúp người đạo Cao Đài xây dựng cho mình một văn hóa hành đạo. Thí dụ, sau khi đã dự nhiều lễ kỷ niệm và các buổi thuyết đạo tổ chức tại một cộng đồng Cao Đài, rốt cuộc người ta không sao nếm được tinh ba ngon ngọt của đạo Cao Đài bởi lẽ mọi nỗ lực của cộng đồng ấy chỉ nhằm tô điểm cho một cá nhân nào đó; nếu thế thì văn hóa hành đạo ở nơi ấy có lẽ là một vấn đề. Nhận thức được điều này chúng ta hiểu lời dạy của Đức Lý Giáo Tông trong đoạn 5.13 dưới đây: “Cao Đài (...) không là của người này hay kẻ kia...”
Khi nói văn hóa hành đạo, nên nhớ rằng trong tiếng Anh từ culture (văn hóa) có gốc Latin là cultura nghĩa là trồng trọt, canh tác, cày cấy. Vậy thì văn hóa cũng liên quan tới việc chăm sóc tâm điền. Nhân tâm phải là đối tượng chánh của tôn giáo. Đức Lý Giáo Tông dạy: “Tấm lòng của nhân loại mới chính là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh, tạo thế an bình cho nhân loại. Vì vậy nhơn tâm Đạo phải phát khai, phải sum sê tàn lá.”
5.7. Thánh giáo
“Nền Đạo không được khai minh thì nhơn tâm Đạo quá ư là ít ỏi. Người chèo thuyền bát nhã, kẻ phát độ cành dương là cần vớt cho hết người chết đắm, cứu cho cùng khắp kẻ nạn tai, nào phải đợi người lụy dòng trèo lên thuyền cứu độ hay kẻ bịnh ngặt đến hứng giọt cam lồ rồi đành bảo bởi vô minh duyên nghiệp làm cho sóng dập kiếp phù sinh.”
* Suy Niệm 7: Bồ Tát Đạo
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Nền Đạo không được khai minh thì nhơn tâm Đạo quá ư là ít ỏi.” Lời dạy này tỏ rõ rằng việc giáo dục hay thuyết giảng cho tín đồ vẫn luôn là cốt lõi trong việc khai minh (làm sáng tỏ) đạo Cao Đài để cho nhơn sanh thấu hiểu giá trị cứu độ đích thực của Cao Đài.
Đức Lý Giáo Tông dạy tiếp: “Người chèo thuyền bát nhã, kẻ phát độ cành dương là cần vớt cho hết người chết đắm, cứu cho cùng khắp kẻ nạn tai, nào phải đợi người lụy dòng trèo lên thuyền cứu độ hay kẻ bịnh ngặt đến hứng giọt cam lồ rồi đành bảo bởi vô minh duyên nghiệp làm cho sóng dập kiếp phù sinh.” Ngài khuyên người đạo Cao Đài phải tích cực nhập thế thực hành Bồ Tát Đạo.
Tinh thần Bồ Tát Đạo còn thể hiện qua mục đích của đạo Cao Đài. Trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày Thứ Tư 23-8-1972, Đức Giáo Tông Đại Đạo Lý Thái Bạch dạy: “Mục đích Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ không chủ trương đơn thuần cho các hàng tín hữu thành Phật, Tiên, Thánh để an hưởng cõi thiêng liêng rồi quên nhiệm vụ hiện tại là xây đời thuần lương thánh thiện trong tình thương, trong hòa đồng, trong đạo đức để tròn câu hạnh phúc gia đình, hạnh phúc dân tộc quốc gia, và hạnh phúc cho nhân loại.
Trong Nhị Kỳ Phổ Độ các bậc Bồ Tát nguyện: “Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ.”
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, lập hạnh Bồ Tát, vị môn đồ đầu tiên của Đức Cao Đài là ngài Ngô Văn Chiêu (1878-1932) nguyện:
Một là sanh chúng hằng hà,
Dốc lòng cứu vớt, lòng ta thề nguyền.
Khi mở đạo Cao Đài, Đức Thượng Đế lập đại nguyện:
Muôn kiếp các con chịu lạc đường
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương
Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật
Lập Đạo không thành chịu tội ương.
(Đại Thừa Chơn Giáo.
Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 34.)
Đó là đại hạnh của bậc Đại Bồ Tát, nên hồng danh của Thượng Đế trong Tam Kỳ Phổ Độ là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tu theo Cao Đài là tu theo hạnh Bồ Tát. Hàng ngày lúc quỳ cúng tứ thời trước Thiên Bàn, người tín hữu Cao Đài có bốn lượt lập đại nguyện làm Bồ Tát bằng cách đọc câu nguyện thứ hai.
Thật vậy, trước khi kết thúc mỗi buổi cúng thời, tín đồ đọc Ngũ Nguyện; trong đó, lời nguyện thứ hai là “Nhì nguyện phổ độ chúng sanh”; mà muốn phổ độ chúng sanh thì phải “nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai”. Nói khác đi, hai lời nguyện này liên quan qua lại.
5.8. Thánh giáo
“Có tập thể là phải có tổ chức. Hành chánh Đạo không phải để phục vụ cho Thượng Đế. Thượng Đế nào có cần chi, nhưng thế sự chỉ để phục vụ cho nhơn sanh tất cả. Mượn hành chánh Đạo là làm thế nào để thể hiện được tương liên tương trợ dìu dắt lẫn nhau từ kẻ nhỏ nhít cùng trở về với Đại Linh Quang trong buổi chót.”
* Suy Niệm 8: Hành chánh Đạo
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Có tập thể là phải có tổ chức.” Suy Niệm 3 trên đây có nhắc tới nhận xét của Giáo Sư Jayne Susan Werner: “Hội Thánh Cao Đài cũng được tổ chức quy củ (…).”
Hệ thống hành chánh tinh vi của đạo Cao Đài nhằm phục vụ ai? Đức Lý minh định: “Hành chánh Đạo không phải để phục vụ cho Thượng Đế. Thượng Đế nào có cần chi, nhưng thế sự chỉ để phục vụ cho nhơn sanh tất cả.”
Trong đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày Thứ Năm 07-3-1974, Chư Tiền Khai Đại Đạo dạy: “Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời.”
Do đó, hành chánh Đạo được đặt ra với hệ thống chức sắc, chức việc kèm theo nhiệm vụ rõ ràng là để phục vụ nhơn sanh. Chẳng hạn, Pháp Chánh Truyền Chú Giải trình bày nhiệm vụ của Chánh Trị Sự như sau:
“Buộc [các] Phó Trị Sự phải thay phiên nhau đặng nạp cho Chánh Trị Sự, mỗi tháng ba mươi người công quả, tức là mỗi ngày, phải có một người hầu việc cho Chánh Trị Sự. Chánh Trị sự mới sai người đó đi khắp địa phận mà thăm viếng tín đồ về sự bịnh hoạn, đói khó. Hễ có một người trong địa phận bị tai nạn, thì biểu người công quả ấy ở tại đó mà giúp đỡ, săn sóc, hoặc bịnh hoạn phải lo nuôi dưỡng, hoặc nghèo nàn phải chung hiệp nhau mà gỡ khổ. Ấy là phận sự rất cao thượng của Chánh Trị Sự. Cái vẻ riêng tốt đẹp của Đạo do tại nơi đó.
Nhưng hành chánh Đạo là phương tiện, không phải là mục đích. Phương tiện này không có tính tuyệt đối, nên Đức Lý bảo là “mượn”.
Vậy, giá trị đích thực của hành chánh Đạo tùy thuộc vào mục đích của hệ thống có đạt được hay không. Mục đích ấy là chi? Đức Lý dạy: “Mượn hành chánh Đạo là làm thế nào để thể hiện được tương liên tương trợ dìu dắt lẫn nhau từ kẻ nhỏ nhít cùng trở về với Đại Linh Quang trong buổi chót.”
Làm sao đạt được giá trị đích thực ấy? Câu trả lời có sẵn trong đoạn kế tiếp.
5.9. Thánh giáo
“Thế nên thiết lập một cơ cấu hình thể Đạo mà bảo tồn không được cũng không khai sáng thêm hơn, thiệt là một điều thiếu sót và tội lỗi lớn với chính mình. Đừng để cho một tâm hồn nào phải thương xót trước một thánh thể của Chí Tôn. Đã tạo được thì phải cố gắng khai minh và phát huy cho đúng với sự tạo dựng của mình hay của người đi trước.”
* Suy Niệm 9: Tạo tự và tạo tăng
“Một cơ cấu hình thể Đạo” ở cấp nền tảng là thánh thất tại một họ đạo. Nếu nơi ấy “bảo tồn không được cũng không khai sáng thêm hơn, thiệt là một điều thiếu sót và tội lỗi lớn” của người cai quản. Như thế, trách nhiệm của vị đầu họ rất đỗi nặng nề. Người ấy cần có đức để giữ cho thánh thất dưới trên thuận thảo. Người ấy nếu chưa đủ tài thì nhờ vào đức độ bản thân mà có thể quy tụ nhân tài giúp cho thánh thất.
Ngược lại, nếu một thánh thất trở thành chốn xào xáo, giựt giành, thì nơi ấy thật sự đâu còn là thánh thể của Chí Tôn tại thế. Người thật lòng muốn tu hành làm sao dám bước vào đó. Chứng kiến cảnh suy bại của một thánh thất, người có tâm ắt phải chạnh lòng thương cảm. Và Đức Giáo Tông khuyên: “Đừng để cho một tâm hồn nào phải thương xót trước một thánh thể của Chí Tôn.” Mà nếu việc này xảy ra, thì Đức Giáo Tông cảnh báo đó là “tội lỗi lớn”.
Trong một đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam ngày Thứ Hai 13-8-1973, Đức Lý Giáo Tông nhắc nhở: “[N]ên nhớ rằng tạo tự thì dễ, tạo tăng thì khó.” Nói khác đi, thiết lập một cơ cấu hình thể Đạo để tượng trưng thánh thể của Đức Chí Tôn tại thế gian thì dễ hơn là tuyển chọn được người xứng đáng cai quản nơi ấy, nhất là một con người Đại Đạo chứ không phải một con người tôn giáo (đã nói trong Suy Niệm 6).
5.10. Thánh giáo
“Ngoài ra chư hiền cần nên lưu tâm về hình thức vì hình thức cũng sẽ thể hiện là tạo nên sự nhứt trí của tâm hồn và uy lực của thế đạo trong công cuộc xây dựng tâm linh và cứu độ nhơn sanh. Đừng bảo đó là giả mà không lưu tâm. Có mấy ai chỉ mơ về bên kia bờ giác mà quên đóng con đò để vượt qua chắc chắn an toàn. Không bát nhã thuyền nào chở đặng thân phàm xác thịt sang khỏi sông mê.”
* Suy Niệm 10: Hình thức và nội dung
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Ngoài ra chư hiền cần nên lưu tâm về hình thức (...). Đừng bảo đó là giả mà không lưu tâm.”
Theo các nhà triết học, hình thức và nội dung ảnh hưởng lẫn nhau. Khi chưa tách khỏi hoạt động phổ độ của các ngài Cao-Phạm, ngài Ngô Văn Chiêu hay dùng tiền riêng giúp vài đạo hữu nghèo sắm y phục tươm tất. Ngài khuyên: “Ăn mặc lèng xèng, đi nói đạo ai nghe.”
Nhiều người đạo Cao Đài không chú ý trau dồi tiếng Việt mà lại hay hăng hái phổ biến các bài viết về đạo Cao Đài chứa đầy lỗi chánh tả, từ ngữ, ngữ pháp, v.v... Hình thức văn bản kém cỏi ấy không thể gây ảnh hưởng tốt nơi người đọc. Tệ hơn nữa, sử dụng tiếng Việt sai có thể diễn đạt sai ý nghĩa thánh ngôn, thánh giáo.
Tương tự, một thánh sở Cao Đài trông luộm thuộm cũng không tạo được ấn tượng tốt ở người ghé thăm.
Đức Lý Giáo Tông dạy: “Có mấy ai chỉ mơ về bên kia bờ giác mà quên đóng con đò để vượt qua chắc chắn an toàn.” Như thế, hình thức là cần thiết.

Tuy nhiên, Ngài dạy thêm: “Không bát nhã thuyền nào chở đặng thân phàm xác thịt sang khỏi sông mê.” Hình thức vẫn không là tuyệt đối. Người hành đạo cần biết khéo léo dung hòa hình thức và nội dung.
Huệ Khải 

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.