Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

2. THIÊN BÀN TẠI NHÀ


Sau khi nhập môn Cao Đài, tín đồ hãy chọn một chỗ trang trọng và thích hợp nhất trong nhà để lập Thiên Bàn (xem Phụ Bản 1).
I. CÁCH BÀI TRÍ THIÊN BÀN TẠI NHÀ
1. Thánh tượng Thiên Nhãn.
2. Đèn Thái Cực.
3. Bình hoa.
4. Dĩa trái cây.
5-6-7. Ba chung rượu.
8. Chén nước.
9. Chén trà.
10. Lư hương (bát nhang).
11-12. Cặp đèn.
Theo cách bài trí như trên, ba hàng phẩm vật [4-2-3] ; [9-7-5-6-8] ; [12-10-11] xếp thành chữ Vương (vua); thánh tượng Thiên Nhãn [1] ở trên, giống như bộ Chủ đặt trên đầu chữ Vương và tạo thành chữ Chủ (chúa tể). Ngụ ý nói rằng Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là vua của muôn loài vạn vật, là chúa tể càn khôn vũ trụ.
Trên Thiên Bàn chỉ sắp bày mười hai phẩm vật như trên. Đức Chí Tôn dạy:
“Số mười hai là số riêng của Thầy.” ([1]a)
Do đó, chẳng hạn:
- Đức Chí Tôn dạy môn đồ “lạy Thầy mười hai lạy”,(1b) (Gồm ba lạy, mỗi lạy gật đầu bốn lần.)
- Câu chú của Thầy gồm mười hai chữ: Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
- Tính tới ngày 09-01 Bính Dần (Thứ Bảy 20-02-1926), Đức Chí Tôn có mười hai môn đồ đầu tiên: Ngô Văn Chiêu (1878-1932), Vương Quan Kỳ (1880-1939), Lê Văn Trung (1875-1934), Nguyễn Văn Hoài (18…?-19…?), Đoàn Văn Bản (1876-1941), Cao Hoài Sang (1901-1971), Lý Trọng Quí (1872-1945), Lê Văn Giảng (1883-1932), Nguyễn Trung Hậu (1892-1961), Trương Hữu Đức (1890-1976), Phạm Công Tắc (1890-1959), và Cao Quỳnh Cư (1888-1929).
II. Ý NGHĨA MƯỜI HAI PHẨM VẬT TRÊN THIÊN BÀN
1. Thánh tượng Thiên Nhãn
Giáo chủ đạo Cao Đài là Đức Thượng Đế. Ngài không có xác phàm. Do đó, không thể đắp tượng hay vẽ chân dung Ngài. Đức Chí Tôn dạy:
Tại sao Thầy lại biểu các con tạo ra Thánh Nhãn mà thờ, không dạy thờ hình tượng như các tôn giáo khác? Các con phải biết rằng Trời là Lý thì Lý ấy rất thông linh bao quát càn khôn thế giới. Thầy đâu phải có xác phàm như các con mà tạo hình thể như các con, nên chi thờ Thiên Nhãn là thờ Thầy.” ([2])
Đức Chí Tôn truyền Thiên Nhãn cho vị môn đồ đầu tiên là ngài Ngô Văn Chiêu (1878-1932) tại Dương Đông, trên đảo Phú Quốc. Sự kiện như sau:
“Sáng Thứ Tư 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu), vào lúc tám giờ, tiền bối đang ngồi trên võng, phía sau dinh quận Phú Quốc, nhìn ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ một con mắt trái thật lớn, linh động, hào quang chói lọi.
Tiền bối sợ, lấy tay che mắt. Hồi lâu, mở mắt ra nhìn, cảnh tượng vẫn còn. Tiền bối chắp tay, khấn xin tiên ông cho con mắt ấy biến đi, nếu như tiên ông muốn tiền bối thờ con mắt. Lạ thay, sau đó cảnh tượng mờ dần rồi mất hẳn.
Mặc dù vậy, trong dạ tiền bối hãy còn phân vân. Vài hôm sau, tiền bối lại mục kích một cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ con mắt thì con mắt mới biến đi.” ([3])
Đức Chí Tôn dạy:
Tại sao lại dạy thờ Thiên Nhãn?
Thiên Nhãn là căn bản chúng sanh
Đó là một Đấng trọn lành
Một ngôi Chúa Tể hóa sanh muôn loài.([4])
Thiên Nhãn là căn bản chúng sanh, vì Thiên Nhãn ở trong con người chính là lương tâm, bản tánh tốt lành Trời phú bẩm. Nếu đánh mất lương tâm, con người mất luôn căn bản của mình; tuy mang hình dáng con người nhưng tâm hồn đã rữa nát, hư hoại.
Ý nghĩa nói trên có thể nhắc chúng ta nhớ tới con mắt Thượng Đế trong bài thơ sáu mươi tám câu nổi tiếng của Victor Hugo (1802-1885) nhan đề La Conscience (Lương Tâm), kể lại vụ ám sát đầu tiên được chép trong Kinh Thánh (Sáng Thế Ký 4:8).
Cain và Abel đều là con trai của Adam và Eva. Vì ghen tỵ mù quáng và đánh mất lương tâm, Cain tấn công và giết chết em ruột mình ngoài đồng. Theo bài thơ của Hugo, sau khi phạm tội ác Cain bắt đầu trốn chạy nhưng chỉ hoài công tìm kiếm sự thanh thản tâm hồn, bởi lẽ con mắt của Thượng Đế lúc nào cũng nhìn tội nhân, kể cả khi ông ta ẩn trốn trong lòng đất.
Con mắt phán xét ấy của Thượng Đế tượng trưng cho lương tâm thức tỉnh trong Cain. Minh họa ý tưởng của Hugo, năm 1877 François Chifflart (1825-1901) vẽ con mắt của Thượng Đế là mắt trái (xem Phụ Bản 4).
Đáng chú ý rằng trên Thiên Bàn đạo Cao Đài, Thiên Nhãn cũng là con mắt trái.

Tại sao đạo Cao Đài không thờ Thượng Đế mang hình ảnh một con người?
Thờ Thượng Đế qua biểu tượng Con Mắt thì rất gần gũi với câu nói xa xưa của người Việt: “Trời cao có mắt.”
Trong đàn cơ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (số 171 đường Cống Quỳnh, quận 1, Sài Gòn) ngày 15-01 Giáp Dần (Thứ Tư 06-02-1974), Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch dạy:
“Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng. Chính biểu tượng Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gắm chơn lý trong một cụ thể chủ quan mà thôi.”
Chúng ta nên suy gẫm lời dạy của Đức Lý Giáo Tông.
Trong một đàn cơ tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (quận 4, Sài Gòn) ngày Thứ Tư 08-02-1967, Đức Cao Đài dạy: “Thầy là hư vô chi khí...” Là khí hư vô thì Thượng Đế đâu có hình dạng cụ thể. Thượng Đế còn là Đại Linh Quang (khối ánh sáng lớn thiêng liêng). Là ánh sáng thì Thượng Đế đâu có hình thể. Bởi vậy, Đức Lý Giáo Tông dạy: “Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng.”

Thời xưa, người Trung Hoa quan niệm Thượng Đế theo hình ảnh các ông vua của họ, nên họ đắp tượng hay vẽ Ngọc Hoàng với áo mão một ông vua [xem Phụ Bản 2]. Các triết gia gọi đấy là “thiên nhân đồng hình đồng tính luận”. Nhưng Thượng Đế đâu có quốc tịch, chủng tộc. Trong con mắt các dân tộc khác trên thế giới, tất nhiên hình ảnh Ngọc Hoàng theo kiểu Trung Hoa trông xa lạ. Một bằng chứng hiển nhiên là Michelangelo (1475-1564), thiên tài người Ý, vẽ Đức Chúa Trời (Thượng Đế) theo hình ảnh một ông lão châu Âu khỏe mạnh [xem Phụ Bản 3]; đây là tranh vẽ trên trần nhà nguyện Sistine ở thành phố Vatican.


Nhưng người đời vốn chuộng Thượng Đế hữu ngã hơn Thượng Đế vô ngã. Họ cần một hình ảnh giống như họ mà siêu việt hơn họ để gởi gắm lòng tin. Đó là lý do Đại Sư Vivekananda (1863-1902) bảo rằng nếu một con cá có thể quan niệm được Thượng Đế thì Thượng Đế của nó chắc chắn là một con cá khác to khỏe và xinh đẹp hơn nó rất nhiều (xem thêm: Tôn Giáo Là Gì Theo Lời Nói Của Đại Sư Vivekananda. Sài Gòn: An Tiêm 1969, Vương Gia Hớn dịch).
Con người cần có một hình ảnh hay biểu tượng không những kết hợp được Thượng Đế hữu ngã với Thượng Đế vô ngã mà còn thể hiện chỗ đồng nhất của nhân loại. Thiên Nhãn vì vậy là biểu tượng của Thượng Đế trong đạo Cao Đài, nhưng Thiên Nhãn không phải là tuyệt đối thể. Lãnh hội được điều này thì hiểu vì sao Đức Lý Giáo Tông dạy: “Chính biểu tượng Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gắm chơn lý trong một cụ thể chủ quan mà thôi.” ([5])
2. Đèn Thái Cực
Thái Cực sinh Lưỡng Nghi là Âm và Dương, rồi Lưỡng Nghi tương tác sinh ra vạn vật trong vũ trụ. Theo ý nghĩa này Thái Cực còn tượng trưng Thượng Đế (Tạo Hóa). Một hồng danh khác của Đức Cao Đài là “Thái Cực Thánh Hoàng”. Vì vậy đèn Thái Cực trên Thiên Bàn tượng trưng nguồn gốc của vũ trụ càn khôn. Đức Chí Tôn dạy:
“Trước khi chưa phân trời đất thì khí Hư Vô bao quát càn khôn, sáng soi đầy trong vũ trụ. Nó là một cái trung tâm điểm tức là Đạo. Đạo ấy mới sanh Thái Cực, hóa Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi là Âm với Dương (...). Có Âm Dương rồi mới hóa sanh muôn vật.” ([6])
Đèn Thái Cực tượng trưng cho lương tâm sáng suốt của con người; đó cũng là ngọn tâm đăng (đèn lòng). Đức Chí Tôn dạy:
“Ngọn đăng các con thờ chính giữa đó là giả mượn làm tâm đăng.” ([7])
Bởi vậy, đèn Thái Cực luôn luôn được thắp sáng trên Thiên Bàn, kể cả ngoài giờ cúng. Ngụ ý con người hãy giữ tâm đăng (đèn lòng) của mình luôn luôn trong sáng. Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:
Đèn lòng đừng để mờ lu
Đạo tâm đừng để bôn xu ([8]) nhiễm trần.([9])
Đèn Thái Cực còn tượng trưng Thiên Nhãn nơi con người (tức là khiếu Huyền Quan ở Nê Huờn Cung trong đỉnh đầu). Đức Chí Tôn dạy rằng “Thái Cực là Thiên Nhãn”.([10]) Thầy cũng dạy: Huyền Quan nhứt khiếu ấy là chi? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay Nê Huờn Cung…” ([11])
3. Bình hoa 
Bài Dâng Hoa khi cúng tứ thời có câu: Hoa tươi năm sắc, sắc thiên nhiên... Hoặc: Năm sắc hoa tươi xin kỉnh lễ... Do đó, khi dâng hoa lên Thiên Bàn nên chọn đủ năm màu. Tuy nhiên, vì hiếm thấy hoa màu đen, có thể thay bằng hoa màu thật sậm.
Trong thiên nhiên Năm Sắc tương ứng với Năm Phương, Năm Khí, Năm Hành. Ở con người, Năm Sắc tương ứng với Năm Hành, Năm Tạng, Năm Đức, và Năm Giới. Tóm tắt như sau:

5 Màu
Xanh
Trắng
Đỏ
Đen
Vàng
5 Phương
Đông
Tây
Nam
Bắc
Trung ương
5 Khí
Ấm áp
Mát mẻ
Khô nóng
Lạnh lẽo
Ẩm thấp
5 Hành
Mộc
Kim
Hỏa
Thủy
Thổ
5 Tạng
Gan
Phổi
Tim
Thận
Lá lách
5 Đức
Nhân
Nghĩa
Lễ
Trí
Tín
5 Giới
Sát sanh
Du đạo
Tà dâm
Tửu nhục
Vọng ngữ
Vì vậy, khi dâng năm sắc hoa lên Thiên Bàn, người tín đồ nhắc nhở bản thân rằng tu hành tức là trau dồi Ngũ Đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), là gìn giữ Ngũ Giới Cấm, không buông thả theo tình dục và rượu thịt để giữ gìn Ngũ Tạng được khỏe mạnh.
Thảo mộc hấp thụ tinh hoa Âm Dương, Ngũ Hành trong thiên nhiên mà trổ ra bông hoa xinh tươi, hương sắc. Vậy, hoa tượng trưng cho Tinh, một trong Tam Bửu (hai món báu còn lại là Khí và Thần).
Tương tự, con người là tinh hoa của Âm Dương và Ngũ Hành phối hợp. Lễ Ký (kinh đạo Nho) miêu tả:
“Thế nên người là đức của trời đất, là giao điểm của Âm Dương, là hội tụ của quỷ thần, là khí tốt đẹp của Ngũ Hành. (12)
Dâng lên Thiên Bàn năm sắc hoa vì vậy còn ngụ ý rằng người tín đồ có thể tu thiền (công phu, tịnh luyện) để bồi bổ Ngũ Tạng, phối hợp Ngũ Hành sẵn có trong cơ thể mà luyện thành đạo quả vô vi.([12])
4. Dĩa trái cây
Thảo mộc hấp thụ đủ Âm Dương, Ngũ Hành trong thiên nhiên mà trổ ra hoa. Đủ thời gian thì hoa lại kết thành quả (trái cây); dĩa trái cây (quả tử 果子) tượng trưng cho kết quả tu hành của con người.
Từ Thiên Nhãn nhìn ra, bên trái thánh tượng là phía Đông, đặt bình hoa; bên phải thánh tượng là phía Tây, đặt dĩa trái cây. Do đó, có câu: Đông bình Tây quả.
5-6-7. Ba chung rượu 
Rượu được chưng cất từ ngũ cốc lên men. Do đó, rượu tượng trưng cho Khí, một trong Tam Bửu.
Ba chung rượu đặt thành hàng ngang, tạo hình chữ Nhứt. Người tu đắc đạo là đắc Nhứt. Đức Giáo Tông Vô Vi Lý Thái Bạch dạy:
“Chữ nhơn là người, viết hai phết, tức là Âm Dương hiệp nhứt, mà Âm Dương hiệp nhứt thì phát khởi càn khôn hóa sanh vạn vật.
Vả, Nhơn là người. Hễ người biết tu luyện cướp đặng cơ mầu nhiệm của Tạo Công thì là đắc Nhứt. Mà Nhơn lại đắc Nhứt nữa (chữ Nhơn thêm chữ Nhứt là Đại ) thì vĩnh kiếp trường tồn, diên niên bất hoại.
Đắc Nhứt là gì? Nghĩa là đặng Một. Một tức là cái pháp độc nhứt vô nhị, cái pháp kín nhiệm, huyền vi của Tiên Phật, khẩu truyền tâm thọ, để cổi xác phi thăng, siêu phàm nhập thánh. Có câu: Thiên đắc Nhứt, Thanh; Địa đắc Nhứt, Ninh; Nhơn đắc Nhứt, Thành. (Trời đặng Một ấy mà khinh thanh; Đất đặng Một ấy mà bền vững; Người đặng Một ấy mà trường tồn).” ([13])
Trong lời dạy ấy, Đức Lý Đại Tiên Trưởng nhắc lại khái quát đoạn mở đầu chương 39 của Đạo Đức Kinh.([14])
Khi cúng, rót rượu trắng vào ba cái chung (hay ba ly nhỏ) trên Thiên Bàn. Mỗi chung rót ba phân rượu (tức khoảng một phần ba chung). Vậy, ba chung gộp lại thì đủ một chung; điều này tiềm ẩn ý nghĩa đắc Nhứt (được Một).
Đắc Nhứt hay đắc Đạo là một hành trình khổ luyện lâu dài và kiên trì của người tu. Để riêng ba chung tức là chín phân rượu. Các đạo sĩ Lão Giáo trải qua nhiều gian khổ mới thành công, nên gọi kết quả tu luyện là cửu chuyển công thành hay cửu chuyển đơn thành. Cửu là chín.
8. Chén nước
Nước trong suốt, không màu, lạt, không vị; tượng trưng cho Dương. (Nước không màu nhưng dân gian quen gọi là nước trắng, cũng như người Hoa nói là bạch thủy 白水.)
9. Chén trà
Nước trà có mùi thơm, màu sắc và vị chát; tượng trưng cho Âm. Trà tượng trưng cho Thần, một trong Tam Bửu.
Theo đơn vị đo lường xưa, một cân có mười sáu lượng . Để nói hai kẻ ngang sức hay ngang tài nhau, có câu: Kẻ tám lượng, người nửa cân. Tương tự, người Hoa nói: Bán cân bát lượng 半斤八兩 (nửa cân tám lượng).
Khi cúng, rót nước và trà vào mỗi chén tám phân (tám phần mười chén). Như vậy, mỗi chén tượng trưng phân nửa; gộp cả hai thì đủ một.
Hệ Từ Thượng trong Kinh Dịch nói: Một Âm và một Dương gọi là Đạo. (Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo.) 一陰一陽之謂道.
Do đó, chén nước (Dương) và chén trà (Âm) tượng trưng Lưỡng Nghi của Thái Cực (Đạo), mà Dương và Âm là cơ năng sanh hóa của trời đất. Đức Chí Tôn dạy:
“Còn hai chén nước là Âm Dương (tịnh và động). Âm Dương là cơ tịnh động của trời đất tức là Thần Khí của các con. Tu hành không nhờ Thần Khí lấy gì luyện đắc thánh thai? Trời đất không có Âm Dương làm sao hóa sanh vạn vật? Muôn vật không trống mái [Dương và Âm] làm sao sanh sản thêm ra? Vậy Âm Dương là cái diệu tịnh động của trời đất vậy.” ([15])
Sau khi cúng xong, trút nước trà và nước trong vào một chén khác, thì hỗn hợp này là nước âm dương (âm dương thủy 陰陽水), thường dùng cho người bệnh.
Tóm lại, trên Thiên Bàn hoa, rượu, trà tượng trưng Tam Bửu trong con người là Tinh, Khí, Thần. Người tu thiền nhờ có Tam Bửu mà luyện thành đạo quả (đắc đạo).
10. Lư hương (hay bát nhang)
Khi cúng thắp năm cây nhang cắm vào lư hương. Thứ tự cắm năm cây nhang như sau (xem trang kế):
a. Cắm hàng trong ba cây, gọi là án Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân). Ngụ ý nhắc nhở con người (tiểu thiên địa, microcosmos) đồng đẳng với trời đất (đại thiên địa, macrocosmos).
b. Cắm thêm hàng ngoài hai cây thì đủ năm, gọi là tượng Ngũ Khí (hay Ngũ Hành: Mộc, Kim, Hỏa, Thủy, Thổ).

Lưu ý: Nên theo cách 1.

Đức Chí Tôn dạy rằng “lư hương tức là (…) tượng Ngũ Khí, Ngũ Hành.” ([16])
Năm cây nhang Ngũ Hành mới tượng
Mới phân ra bốn hướng, bốn phương... ([17])
Do ý nghĩa “bốn hướng, bốn phương” nên cặp đèn và bình hoa, dĩa trái cây nên bày đối xứng nhau trên Thiên Bàn, như bốn góc của một hình chữ nhật.
Năm cây nhang cắm trong lư hương ngụ ý rằng con người là sinh vật thiêng liêng trong vũ trụ. Quyển Lễ Ký của đạo Nho miêu tả con người như sau:
“Bởi vậy người là đức của trời đất, là giao điểm của Âm Dương, là hội tụ của quỷ thần, là khí tốt đẹp của Ngũ Hành.”
Thế nên thắp năm cây nhang (cũng giống như dâng lên Thiên Bàn năm sắc hoa) tiềm ẩn ý nghĩa rằng người tín đồ có thể nhờ tu thiền (công phu, tịnh luyện) để bồi bổ Ngũ Tạng, phối hợp Ngũ Hành sẵn có trong cơ thể mà luyện thành đạo quả vô vi.
11-12. Cặp đèn
Lúc cúng thời thì thắp sáng cặp đèn này. Cúng xong thì tắt.
Đèn phía bình hoa tượng trưng cho Dương. Đèn phía dĩa trái cây tượng trưng cho Âm. Cặp đèn tượng trưng Lưỡng Nghi do Thái Cực biến sanh. Cặp đèn tượng trưng mặt trời (Dương) và mặt trăng (Âm). Đức Chí Tôn dạy rằng “nhựt, nguyệt, tức là cặp đèn (Lưỡng Nghi).” ([18])
Thầy cũng dạy rằng “lưỡng quang là nhựt nguyệt hằng soi sáng khắp càn khôn, cứ tuần huờn mãi, hết ngày đến đêm, hết đêm kế ngày…” ([19])
Ở thân người, cặp đèn tượng trưng hai con mắt (mắt phải là Âm, mắt trái là Dương). Đức Chí Tôn dạy: “Hai con mắt của các con là nhục nhãn, tức là Âm với Dương…” ([20])
Đức Chí Tôn dạy:
Cặp đèn là tiểu âm dương
Tức là nhựt nguyệt chiếu chương ([21]) đêm ngày
Vận hành mãi trở day lăn lộn
Soi sáng cùng chốn chốn nơi nơi
Làm cho rực rỡ đất trời
Người là đôi mắt ấy thời khác chi.([22])
Ý nghĩa ẩn tàng của cặp đèn về mặt tu thiền như sau:
Con người chưa tu thì mở nhục nhãn (hai mắt trên mặt) nhìn ra. Nhìn ra thì gặp cảnh sắc bên ngoài tác động, sinh ra ham muốn, cõi lòng xáo trộn.
Biết tu thiền thì quay nhìn vào trong (hồi quang phản chiếu) để tìm thấy Thiên Nhãn ở trong thân mình, tại Nê Huờn Cung, tức là khiếu Huyền Quan. Đức Chí Tôn dạy:
“Người tu hành biết cách hồi quang phản chiếu thì đắc kim đơn.” ([23])
Đắc kim đơn nghĩa là đắc đạo.
III. KẾT LUẬN
Hiểu rõ ý nghĩa huyền vi của Thiên Bàn như trình bày trên đây, chúng ta biết rằng Đức Chí Tôn dạy lập Thiên Bàn không phải để môn sanh hướng ngoại, chỉ nhìn ra ngoài mà lạy Thượng Đế.
Trái lại, chúng ta biết rằng mình nên hướng vào trong, tìm Đức Cao Đài ẩn tàng bên trong thân xác của mình, ở đỉnh đầu (Nê Huờn Cung).
Trong thân thể, đỉnh đầu là nơi cao nhất. Xưa kia, sách Ấu Học Quỳnh Lâm của nhà Nho gọi đỉnh đầu là cao đài.([24])
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Cao Đài là chỗ cao nhứt của mỗi chúng sanh. Đức Cao Đài Thượng Đế hằng ngự nơi đó. ([25])
Đức Đông Phương Lão Tổ còn dạy:
Thử hỏi Cao Đài ở chốn nao
Người tu trở lại, trở về đâu
Phải chăng tìm đến Cao Đài thượng
Đài thượng vô vi tại đỉnh đầu.([26])
Thời Nhị Kỳ Phổ Độ, trong lá thư thứ nhất gởi tới các tín hữu Công Giáo ở thành Côrintô (Corinth) nước Hy Lạp, Thánh Phaolô hỏi:
- Anh em há chẳng biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (3:16)
- Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em. (6:20)
Ngày nay, trong Tam Kỳ Phổ Độ, một khi đã hiểu rõ ý nghĩa huyền vi của Thiên Bàn, người tín đồ Cao Đài có thể nhắc nhở bản thân như sau:
- Trong thân xác tôi có sẵn Thiên Nhãn, có cặp đèn, có cả Âm Dương, Tam Bửu, Ngũ Hành, v.v... Vậy, thân xác tôi là một Thiên Bàn.
- Là môn đệ Đức Cao Đài Thượng Đế, tôi nên trau dồi đạo đức bản thân để thật sự tôn trọng Thiên Bàn trong thân xác tôi, để bày tỏ lòng tôn kính Đức Cao Đài Thượng Đế đang ngự trong tôi.
- Tất cả các lời lẽ trên đây quả là chân lý, nhưng vẫn còn là lý thuyết sách vở. Tôi cần tu thiền (công phu, tịnh luyện) để thật sự nhìn thấy rõ ràng và cụ thể rằng Thượng Đế ở trong tôi, cũng để làm chứng lời Thầy dạy từ thuở mới mở Đạo:
“Nên chi các con là Thầy, Thầy là các con.” ([27])
Sau này Thầy còn nhắc lại:
Thầy là các con, các con là Thầy. ([28])
Sửa chữa, 17-10-2017
Huệ Khải







([1]a), (1b) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đàn ngày Thứ Năm 25-02-1926.
([2]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 226-227).
([3]) Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu, Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2012, tr. 23-24. Quyển 2-3 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([4]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 231.
([5]) Huệ Khải, Ý Thức Hệ Cao Đài. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017.
([6]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 227.
([7]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 228.
([8]) Bôn xu 奔趨: Hăm hở, vội vã chạy theo các ham muốn.
([9]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, đàn ngày 14-8 Bính Thìn (Thứ Sáu 08-10-1976).
([10]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 227.
([11]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 227.
([12]) Cố nhân giả, kỳ thiên địa chi đức, Âm Dương chi giao, quỷ thần chi hội, Ngũ Hành chi tú khí dã. 故人者, 天地之德, 陰陽之交, 鬼神之會, 五行之秀氣也.
([13]) Đàn ngày 24-9 Bính Tý (1936), bài Giải Nghĩa Bốn Chữ Đại Thừa Chơn Giáo, in trong Đại Thừa Chơn Giáo (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 29-30).
([14]) Thiên đắc Nhứt dĩ Thanh. Địa đắc Nhứt dĩ Ninh. Thần đắc Nhứt dĩ Linh. (…) Vạn vật đắc Nhứt dĩ Sinh... 天得一以清. 地得一以寧. 神得一以靈. (…) 萬物得一以生.
([15]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 228. “Khí Dương động, Âm tịnh.” Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 140.
([16]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 228.
([17]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 233.
([18]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 228.
([19]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 227.
([20]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 227.
([21]) Chiếu chương: Chiếu sáng.
([22]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 233.
([23]) Cách Thức Thờ Phượng (Đại Thừa Chơn Giáo), tr. 228.
([24]) Sách Ấu Học Quỳnh Lâm 幼學瓊林 do Trình Đăng Cát 程登吉 đời Minh (1308-1644) soạn, rồi Trâu Thánh Mạch 鄒聖脈 đời Thanh (1644-1911) viết phần tăng bổ. Năm 1912, tại Thượng Hải, Quảng Ích Thư Cục 廣益書局 phát hành sách này (bốn quyển), là bản in đá của nhà sách Thiên Bảo 天寶. Trong quyển hai bộ sách, trang 21, có câu Cao đài viết đầu 高臺曰頭 (Đài cao gọi là đầu); và câu Đầu vi cao đài 頭為高臺 (Đầu là đài cao). Xem: Huệ Khải, Ngô Văn Chiêu, Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 24-25.
([25]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-9 Giáp Dần (Thứ Ba 29-10-1974).
([26]) Bác Nhã Tịnh Đường, 18-3 Nhâm Tý (Thứ Hai 01-5-1972).
([27]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. Đàn ngày 13-6 Bính Dần (Thứ Năm 22-7-1926).
([28]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (Thứ Tư 08-02-1967).

Ghi chú:
* Để tìm hiểu thêm về đạo Cao Đài, có thể tham khảo các tập sách song ngữ Việt-Anh của Huệ Khải, liên kết ấn tống tại hai nhà xuất bản Tôn Giáo và Hồng Đức (Hà Nội) từ giữa năm 2008 tới nay. Xem trang 59 ở cuối sách này. Ngoài ra, có thể truy cập các văn bản điện tử tại:
http://chungtayantong.blogspot.com
http://daidaovanuyen.blogspot.com
http://huekhai.blogspot.com
http://understandingcaodaism.blogspot.com
 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.