Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

54/29. NHỮNG KẺ ĐỐN CÂY / BẮC CẦU TÂM LINH

Robert Fulghum.jpg

Robert Lee Fulghum (2007)


NHỮNG KẺ ĐỐN CÂY

Robert Lee Fulghum (sinh ngày 04-6-1937) là nhà văn Mỹ chuyên viết các tiểu luận ngắn. Ông trở nên nổi tiếng khi hiệp tuyển đầu tay Tôi Học Được Ở Nhà Trẻ Tất Cả Những Gì Tôi Thật Sự Cần Biết (All I Really Need to Know I Learned in Kindergarten, 1988) xuất hiện ngót hai năm liền trong bảng kê sách bán chạy nhất nước Mỹ của tờ Thời Báo New York. Hiện nay các tác phẩm của ông đã bán ra gần hai chục triệu bản, và có mặt ở hơn một trăm quốc gia với gần ba mươi ngôn ngữ khác nhau.

Đây là một tiểu luận ngắn của Fulghum:

Một số thổ dân trên quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương có cách đốn cây độc đáo như sau: Gặp thân cây quá to, không thể dùng búa rìu được, thổ dân Solomon hạ nó xuống bằng cách vào lúc hừng đông, họ leo lên tới đầu ngọn cây và dùng hết sức để gào thét, quát mắng, rủa sả nó thậm tệ. Cứ làm như thế suốt một tháng liền. Cây dẫu to thế nào chăng nữa rốt cuộc sẽ dần dần khô héo mà đổ ập xuống. Thổ dân giải thích, tiếng thét mắng dữ dội của họ đã giết chết linh hồn đại thụ, thế nên cách đốn cây của họ luôn luôn rất hiệu nghiệm.

Mấy con người sơ khai đó quả thơ ngây, đáng thương làm sao! Họ không có lợi thế của khoa học kỹ thuật.

Nhưng tôi thì sao nè? Tôi nạt nộ bà xã. Tôi hét ầm trong điện thoại. Tôi om sòm rầy rà ti vi, tờ báo và lũ trẻ. Tôi nhiều phen vung mạnh nắm tay lên trời và to mồm ầm ĩ.

Gã hàng xóm nhà tôi vẫn hay chửi bới chiếc xe của y mỗi khi xe trục trặc. Mùa hè này, tôi nghe hắn mắng nhiếc cái thang xếp suốt cả buổi chiều.

Chúng ta đấy, những kẻ văn minh sống nơi thị thành, có học thức nữa chứ, và chúng ta quen thói ó ré khi kẹt xe, khi phản đối trọng tài trong một trận banh, và đặc biệt là chúng ta hay quát tháo máy móc khi chúng trở chứng. Máy móc và người thân chúng ta vẫn lãnh đủ những lời đớn đau quát mắng.

Quát tháo cho lắm, nào được gì đâu; máy móc và đồ đạc cứ ì ra đấy thôi. Thậm chí giơ chân đá chúng bình bịch cũng chẳng ăn thua. Nhưng về phần con người thì sao? À, ở điểm này thổ dân Solomon có lý lắm đấy. Quát nạt một sinh vật có thể giết chết linh hồn ẩn trú bên trong sinh vật đó. Gậy gộc và gạch đá có thể làm vỡ xương chúng ta, còn lời nói đớn đau tàn nhẫn đập nát tim ta, vụn vỡ tâm hồn ta.

*

Câu chuyện của Fulghum và lời tự kiểm của ông nhắc chúng ta nhớ ra xưa nay chúng ta vẫn quen làm thổ dân Solomon giỏi “đốn cây” bằng miệng lưỡi độc địa. Cho nên các chánh pháp Đông Tây kim cổ đều dạy chúng ta cẩn ngôn (thận trọng lời nói).

Trong Nhất Kỳ Phổ Độ, Kinh Thánh Cựu Ước dạy:

- Quân vô đạo dùng miệng lưỡi làm hại tha nhân. (Châm Ngôn 11:9)

- Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm. (Châm Ngôn 12:18)

- Lời nham hiểm làm tan nát tâm can. (Châm Ngôn 15:4)

- Chúng mài lưỡi như mài gươm sắc, lời thâm độc tựa tên lắp vào cung. (Thánh Vịnh 64:4)

Sang Nhị Kỳ Phổ Độ, Phúc Âm răn dạy:

- Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. (Matthêu 15:11)

- Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. (Êphêxô 4:29)

Qua Tam Kỳ Phổ Độ, đạo Cao Đài nhiều lần nhắc nhở chúng sanh đừng tạo nghiệp ác vì lời ăn tiếng nói (khẩu nghiệp). Đơn cử, Đức Quan Âm Như Lai khuyên nhủ:

Lời nói phải dịu dàng minh chánh
Lời nói sao xứng hạnh hiền nhân
Đừng khi gặp lúc giận hờn

Buông lời tổn đức thỏa cơn giận đùa.

(Huờn Cung Đàn, Tam Giáo Điện Minh Tân, 28-6-1965.)

Giận đùa là giận quá xá nên không còn kềm chế được, không làm chủ được lời nói văng ra khỏi mồm miệng.

Chúa Giêsu cầu xin: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Luca 23:34)

Còn chúng ta, dẫu biết rõ thế nào là khẩu nghiệp mà vẫn cứ vô tư ngoác mồm “đốn cây” trong giao tiếp đời thường, liệu còn Đấng nào dung tha cho chúng ta không nhỉ?!

Huệ Khải

02-5-2012

CGvDT số 1856, ngày 06-5-2012





 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.