NHỮNG VIÊN SỎI
Người đạo đức phải bền chí cả
Bực chơn tu công quả mót bòn...
Thánh
Huấn Hiệp Tuyển, quyển II
*
Đây
là chuyện tôi nghe:
Nhóm người nọ rủ nhau hành hương. Điểm đến là ngôi đền nhỏ cheo
leo ở đỉnh một ngọn núi cao vút, tưởng như chạm tới những cụm mây lơ lửng trên
bầu trời xanh ngăn ngắt.
Đường đi khó, phải mất dài ngày. Càng lên cao hành trình càng
thêm vất vả… Nhưng cả nhóm quyết tâm vượt núi, vì ngôi đền từ xưa nổi tiếng
linh thiêng và lão sư trụ trì là bậc chân tu đã chứng đắc chánh quả.
Dưới chân núi dựng một nhà trạm, do vị đại đệ tử của lão sư
trông coi, thường gọi là chủ trạm. Khách mộ đạo tạm trú ở đó, dưỡng sức, đồng
thời chuẩn bị thêm ít lương khô và nước uống trước khi bắt đầu leo núi.
Ngủ một đêm ở nhà trạm, sáng sớm hôm sau thức dậy, nhóm người
nọ cung kính cảm tạ và từ biệt chủ trạm.
Tiễn khách ra cổng, đi ngang khoảnh sân nhỏ rải đầy sỏi trắng,
chủ trạm tủm tỉm cười, bảo cả nhóm:
- Mỗi vị hãy tự tay nhặt mấy viên sỏi này mang theo. Nhiều ít
tùy tâm. Không nhặt cũng tùy tâm. Ai không nhặt sẽ hối tiếc, và ai có nhặt cũng
sẽ hối tiếc.
Lời nói lạ lùng! Nghĩ đến dốc núi cao và dài, có người không
muốn lưng vác thêm nặng, nên khẽ nhún vai.
Có người ngần ngại, nhưng cũng cúi xuống nhặt bừa vài viên gọi
là.
Có người hồn nhiên ngồi thụp xuống, vốc sỏi đầy hai bàn tay…
Có đi thì có đến. Cuối cùng cả nhóm được vào bái kiến vị lão
sư tại ngôi đền thiêng trên chót núi.
Trong chánh điện, lão sư chúc phúc cho cả nhóm rồi ôn tồn
nói:
- Bần đạo ở nơi non cao hẻo lánh, không có món gì xứng đáng
lưu niệm chuyến đi nhọc nhằn của quý vị. Tuy nhiên, ai có sỏi thì lấy ra xem.
Cả nhóm sửng sốt khi thấy những viên sỏi tầm thường ở nhà
trạm chân núi đã hóa thành những viên ngọc óng ánh từ lúc nào.
Những người không nhặt sỏi quá đỗi hối tiếc, thầm nhiếc mắng
bản thân thậm tệ.
Những người đã nhặt sỏi cũng rất hối tiếc, thầm trách mình đã
không chịu khó hốt thêm cho thật nhiều, thật đầy vào!
*
Người
học đạo hiểu chuyện này như sau:
Đến ngày phán xét cuối cùng, mỗi người sẽ phải trình dâng
công đức tu hành trước Thượng Đế. Ai không biết tu hoặc chưa thật lòng tu, ắt sẽ
chẳng có gì để dâng trình. Bấy giờ họ sẽ hối tiếc khi thấy người khác nhờ có tu
mà được Thiên Đình ban thưởng đạo quả thiêng liêng.
Bên cạnh đó, những người tuy có tu, nhưng còn kém công đức
nên đạo quả thấp. Họ sẽ ân hận khi thấy bạn đồng tu với mình được chấm điểm cao
hơn, được hưởng ngôi vị thiêng liêng cao trọng hơn nhờ cả đời siêng chăm tu
hành, dày dặn công đức.
Người
Việt khuyên: “Năng nhặt chặt bị.” Đạo Cao Đài dạy môn đệ phải siêng lo bòn mót
công quả, làm phước làm đức.
“Theo Thầy học đạo mót bòn thỉ chung.” (Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển
II, ngày 22-7-1961)
Bòn
mót là lượm lặt từng chút mảy mún, không để rơi rớt, bỏ
sót. Vì có tu nhiều bao nhiêu vẫn cứ e chưa đủ để giải trừ nghiệp xấu bản thân đã
tồn đọng, tích lũy lại từ biết bao kiếp trước. Do đó, phải ráng bòn mót công
quả, công đức để khấu trừ cho mòn bớt dần nghiệp cũ. Giống như kẻ nghèo mạt suốt
đời còng lưng trả góp nợ nần.
Huệ Khải
29-02-2012
CGvDT số 1847, ngày
02-3-2012
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.