Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

54/36. PHỤNG SỰ ĐÍCH THỰC / Bắc Cầu Tâm Linh

Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang
(Tetsugen Dōkō1630-1682) 

PHỤNG SỰ ĐÍCH THỰC
Trong Kinh Sám Hối của Minh Lý Đạo ra đời năm 1925 (và Cao Đài kế thừa năm 1926), Ðức Khổng Phu Tử giáng cơ ban cho bốn câu 261-264 nói về tội lỗi của những kẻ mượn danh làm đạo để bòn rút tiền công quả của bá tánh đem dùng cho bản thân:
Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,
Tởi làm chùa, dối cậy in kinh,
Ăn gian xới bớt cho mình,
Đâu qua dương pháp, luật hình Diêm Vương.
Hai câu sau dễ hiểu: Những kẻ phạm tội ấy khó tránh khỏi luật thế gian (dương pháp) khi còn sống, lúc chết đi lại còn chịu thêm tội với pháp đình của âm phủ.
Nhưng câu thứ nhì thì khó hiểu. Vì thế trong một số bản in, người ta tự ý sửa là “tới làm chùa”. Chữ tới vô nghĩa! Thật ra, tởi là tiếng Việt cổ, có nghĩa là quyên góp tiền bạc.
Như vậy, người mắc tội này cùng lúc vi phạm cả hai giới cấm trong năm giới cấm của đạo Phật và Cao Đài:
- Giới cấm trộm cắp, vì tham nhũng tiền của bá tánh công quả.
- Giới cấm nói dối, vì lấy danh nghĩa quyên góp tiền để cất chùa hay ấn tống kinh sách (in để biếu, không bán) mà rốt cuộc lại dùng cho riêng mình.
Ở Á Đông, tín đồ đạo Phật, Lão, Cao Đài, v.v… vẫn có truyền thống lâu đời là góp tiền làm công quả ấn tống kinh sách để giúp nhiều người dễ có kinh sách học đạo. Kinh sách dạy rằng người làm công quả này được hưởng nhiều phước báu, thế nên tín đồ rất nhiệt thành hưởng ứng. Do đó, khó tránh khỏi kẻ có tà tâm mượn danh nghĩa ấn tống để trục lợi.
Bên Nhật ngày xưa, vào thế kỷ 17 có một sự kiện ấn tống rất nổi tiếng.
Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang (Tetsugen Dōkō 鐵眼道光, 1630-1682) đi quyên tiền để in kinh Phật. Chưa kể tiền giấy và công in, riêng việc thuê thợ giỏi khắc chữ lên từng phiến gỗ đã rất tốn kém, vì phải cần tới khoảng sáu, bảy ngàn bản khắc mới in đủ bộ Đại Tạng Kinh.
Bởi thế, phải mất ròng rã mười năm lặn lội khắp nơi sư mới kiếm đủ số tiền để khởi sự công trình. Nhưng bấy giờ nước sông Vũ Trị (Uji 宇治) dâng cao, gây lụt lớn, làm cho dân chúng trong vùng bị nạn đói. Thế là, thay vì in kinh Phật, sư đem hết số tiền quyên góp được để lo cứu đói cho bá tánh.
Sau đó, sư bắt đầu đi quyên góp lần thứ hai. Được vài năm thì xảy ra bệnh dịch tràn lan khắp nơi. Sư lại trút hết số tiền quyên góp vào việc cứu nhân độ thế.
Sư nhẫn nại đi quyên góp lần thứ ba. Rốt cuộc, phải mất hai mươi năm sư mới đạt được ước nguyện ấn tống. Tương truyền toàn bộ bản khắc gỗ in bộ kinh ấy vẫn được lưu giữ tại chùa Hoàng Phách (Obaku 檗寺) ở Kinh Đô Phủ (Kyoto 京都府).
Việc Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang lấy tiền in kinh để cứu dân phù hợp lời chú trong Kinh Lăng Nghiêm:
“Tương thử thâm tâm phụng trần sát. Thị tắc danh vi báo Phật ân. (將此深心奉塵剎. 是則名為報佛恩.)
Nghĩa là đem hết tấm lòng ra phụng sự cõi trần, như thế ắt được gọi là báo ân Phật.
Các vị Tiền Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nhắc nhở:
Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời.(Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 07-3-1974)
Tư tưởng nhân bản này phù hợp lời Chúa:
“Ta bảo thật các ngươi: bất kỳ việc gì các ngươi đã làm cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Matthêu 25:40)
Bởi thế, người Nhật vẫn tán tụng rằng Thiền Sư Thiết Nhãn Đạo Quang thật sự đã ấn tống được ba bộ kinh, và bộ kinh thứ ba in trên giấy trắng mực đen không thể sánh được với hai bộ kinh vô tự (không có chữ) trước đó.
Huệ Khải
26-10-2011
CGvDT số 1831, ngày 28-10-2011


 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.