Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

54/31. NÓI VÀ LÀM / BẮC CẦU TÂM LINH


Gandhi (1869-1948)


NÓI VÀ LÀM

Họ hứa cho người khác được tự do,
trong khi chính họ lại làm nô lệ cho sa đọa …
They promise them freedom,
while they themselves are slaves of depravity …
Thư 2 của Thánh Phêrô 2:19
*
Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association) khuyên rằng một phụ nữ mỗi ngày không nên dùng quá sáu muỗng nhỏ đường, còn đàn ông thì chớ ăn nhiều hơn chín muỗng. Đường là thủ phạm gây ra bệnh béo phì, đái tháo đường, và bệnh về tim mạch, không kể sâu răng và mụn trứng cá.
Bác sĩ David Servan-Schreiber (1961-2011) là người đồng sáng lập tại Mỹ chi nhánh của Bác Sĩ Không Biên Giới, (Doctors Without Borders; Médecins Sans Frontières) một tổ chức quốc tế được tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1999. Trong quyển sách Chống Ung Thư: Một Lối Sống Mới (Anticancer: A New Way of Life, Viking Penguin., 2009) bác sĩ cho biết đường tinh luyện trực tiếp làm phát triển ung thư.
Tuy biết rõ đường có hại, nhưng đến nay phần đông con người vẫn thích dùng chất ngọt, vì nó khoái khẩu. Sở thích này khó bỏ vì từ tấm bé, khi vừa chào đời, hài nhi đã được tập để sau này lớn lên sẽ “nghiện” chất ngọt, vì dù bú mẹ hay bú bình, cả hai thứ sữa ấy đều chứa nhiều đường lactose. Đây là ý kiến của Elyse Resch, một chuyên gia trị liệu về dinh dưỡng, đồng tác giả quyển Ăn Theo Trực Giác (Intuitive Eating, Nxb St. Martin’s Press, 2003).
Vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ con và người lớn đều thích của ngọt, kể cả một vĩ nhân như Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948).
Thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941) tôn kính Gandhi, gọi ông là Tâm Hồn Vĩ Đại (Mahatma). Người Ấn xem Gandhi là Cha (Bapu), và tôn vinh là người Cha Của Dân Tộc (Father of the Nation). Ngày sinh của Gandhi (02-10) trở thành ngày lễ chung cho cả nước Ấn, và cũng là Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động (the International Day of Non-Violence).
Người Ấn tôn sùng bậc vĩ nhân ấy như Thánh sống, cho nên những lời ông khuyên bảo đều rất thuyết phục. Có lẽ vì vậy, dân Ấn hay tìm đến ông để xin được giúp đỡ, thậm chí những việc nhỏ nhặt.
Và đây là chuyện tôi nghe:
Một bà mẹ gặp Gandhi, xin ông răn dạy con trai bà bỏ tật ham ăn đường. Gandhi hẹn bà tuần sau hãy dắt cậu bé tới.
Đúng hẹn, hai mẹ con đến trước mặt Gandhi và ông từ tốn bảo chú nhỏ:
- Con đừng ăn đường nữa.
Bà mẹ cảm ơn vị Thánh sống, nhưng trước khi quay lưng ra về, bà hỏi vì sao chỉ có một câu ngắn ngủi như thế mà Gandhi bắt bà phải đợi suốt một tuần lễ.
Gandhi điềm nhiên đáp:
- Vì cách nay một tuần, ta chưa bỏ được tật ăn đường.
Người kể chuyện nhắc lại câu nói khôi hài của một nhà văn ở Sài Gòn trước 1975: “Hãy làm những gì tôi nói, đừng làm những gì tôi làm.”
Thói đời, chúng ta nói rất hay mà làm quá dở. Ta thích dạy đời mà bản thân ta chẳng mấy khi làm đúng như lời ta dạy khôn kẻ khác. Chả trách, người xưa bảo: Hành nan, thuyết dị. (Nói dễ, làm khó.)
Đức Đông Phương Chưởng Quản nhắc nhở:
Nói rất dễ mà làm rất khó
Mình dối mình nào có hay đâu…
(Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc, Long An), 26-10-1973)
Âu đó cũng là lý do Đức Khổng Tử khuyên phải lập đức trước khi lập ngôn. Lập đức để lòng được chân thành, ý được chân thành, và bấy giờ việc làm sẽ không trái ngược với lời nói (thuyết hành như nhất).
Thuở còn sống, dẫu mòn trán lỏng gót chu du các nước, Đức Vạn Thế Sư Biểu không được vua chúa nào dám dùng có lẽ cũng vì thế.
Huệ Khải
08-11-2011
CGvDT số 1833, ngày 11-11-2011




 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.