Chương III
BƯỚC ĐẦU GÂY DỰNG
NGOẠI GIÁO CÔNG TRUYỀN
I. CUỘC HỢP NHẤT NGẮN NGỦI
1. Lễ vía Đức Chí Tôn
Theo tín ngưỡng truyền thống dân gian
Việt Nam ,
ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch là ngày vía (ngày sinh) Trời, hàng năm đều cúng
Trời vào ngày này. Do đó, đêm Thứ Bảy 20 rạng Chủ Nhật 21-02-1926 tức là vào
giờ Tý ngày mùng 9 tháng Giêng Bính Dần, tiền khai Ngô Văn Chiêu cùng các em
thiết lễ vía Trời tại nhà tiền khai Vương Quan Kỳ. Khi ấy, Đức Cao Đài giáng cơ
và ban cho các vị một bài thất ngôn tứ tuyệt:
Bửu tòa thơ thới trổ
thêm hoa
Mấy nhánh rồi sau cũng
một nhà
Chung hiệp ráng vun nền
đạo đức
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.
Ngô tiền khai
bạch với Đức Cao Đài, xin một bài thơ điểm danh chung cho tất cả những người
đang hầu đàn để làm kỷ niệm. Chấp thuận lời cầu xin, Đức Cao Đài lại ban ơn:
Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài sanh
Bản đạo khai Sang Quí Giảng thành
Hậu Đức Tắc Cư thiên địa cảnh
Huờn Minh Mân đáo thủ đài danh.
Tiền khai Ngô Văn Chiêu là Anh Cả, được nêu tên trước tiên; kế tiếp là
Vương Quan Kỳ, Lê Văn Trung, và Nguyễn Văn Hoài. Còn Sang ở câu hai có thể là
Cao Hoài Sang, trùng tên với Võ Văn Sang; cạnh đó là ba vị Đoàn Văn Bản, Lý
Trọng Quí, và Lê Văn Giảng. Câu thứ ba nhắc tới Nguyễn Trung Hậu, Trương Hữu
Đức, Phạm Công Tắc, và Cao Quỳnh Cư. Trong câu kết thì Huờn, Minh, và Mân là ba
người khách.
Với cương vị Anh
Cả, mỗi tuần vào ngày Thứ Bảy, tiền khai Ngô Văn Chiêu cho làm một bữa cơm chay
tại nhà trọ ở số 110 đại lộ Bonard, quận 1, Sài Gòn (nay là đại lộ Lê Lợi) để
đãi các em đã thay mặt tiền khai đi phổ độ. Tiền khai còn xuất tiền may tặng
một vài vị áo dài để mặc trên đường hành đạo.([1])
2. Ngô tiền khai tách khỏi ngoại giáo công truyền
Tiền khai Ngô Văn Chiêu hiệp với các tiền khai Cao-Phạm được khoảng ba
tháng thì vào tháng 4-1926 Đức Cao Đài dạy ba vị Lê Văn Trung, Cao Quỳnh Cư, và
Phạm Công Tắc đến gặp Ngô tiền khai để báo cho biết về lịnh may thiên phục Giáo
Tông (áo trắng, có thêu tám quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn).
Tiền khai Hương Hiếu may thiên phục này theo kiểu do Đức Cao Đài vẽ.
Chủ Nhật 18-4-1926 (07-3 Bính Dần), Đức Cao Đài dạy tiền khai Hương Hiếu
may mão Giáo Tông màu trắng, cao
33,3cm. Ngày hôm sau, tiền khai Hương Hiếu làm thử một cái mão bằng giấy dâng
lên Đức Cao Đài lần thứ nhất. Bốn ngày sau, trong đàn cơ tại nhà tiền khai
Hương Hiếu, khi dâng lên Đức Cao Đài cái mão Giáo Tông làm thử (lần thứ nhì),
bà tỏ ra vội vàng, nên Đức Cao Đài dạy: “Trúng.
Mà ai đội con phòng lật đật!” ([2])
Phải chăng Ðức Cao Đài tiên tri Ngô tiền khai
sẽ không nhận phẩm Giáo Tông? Thật vậy, Ngô tiền khai quyết định tách ra khỏi hoạt động ngoại giáo
công truyền (phổ độ) của các tiền khai Cao-Phạm để dốc trọn tâm chí và thời
gian vào việc tu thiền cho thành công ngõ hầu xây dựng nền tảng vững chắc cho
nội giáo tâm truyền.
Tiền khai Ngô Văn Chiêu từ tạ phẩm Giáo Tông vào ngày Thứ Bảy 24-4-1926
(13-3 Bính Dần). Người hoàn lại tiền khai Hương Hiếu số tiền đã mua vải để may
thiên phục và mão Giáo Tông. Tuy Ngô tiền khai từ tạ, nhưng ngày nay người vẫn
được kính ngưỡng là Đệ Nhứt Giáo Tông của đạo Cao Đài.([3])
II. THÊM NHÂN SỰ NÒNG CỐT CHO NGOẠI GIÁO CÔNG TRUYỀN
Trong tám tháng đầu năm Bính Dần
(1926), nhân sự nòng cốt cho công cuộc phổ độ của đạo Cao Đài đã tăng thêm,
trong số đó có năm vị tiền khai như sau:
1. Tiền khai Lê Văn Lịch (1890-1947)
Tiền khai Lê Văn Lịch tự là Thạch Ẩn Tử, sinh ngày Thứ Ba 14-10-1890
(01-9 Canh Dần) tại làng Long An (sau này thuộc quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn).([4]) Thân mẫu là bà Trần Thị Đắc
(1854-1910). Thân phụ là ông Lê Văn Tiểng (1843-1913), tu Minh Sư đến phẩm Thái
Lão Sư, đạo hiệu Lê Đạo Long, sáng lập Vĩnh Nguyên Tự (ở làng Long An, quận Cần
Giuộc). Vì nhiều chùa (phật đường) của đạo Minh Sư là nơi che giấu nghĩa quân
kháng Pháp nên thường bị mật thám theo dõi rất gắt. Có lẽ để tránh bị thực dân
bách hại mà Vĩnh Nguyên Tự trở thành chùa duy nhất của Minh Đường, cái tên rút gọn từ Minh
Sư Phật Đường.
Tiền khai Lê Văn Lịch kết hôn với cô Trần Thị Khá (1889-1942), con của
Thái Lão Sư Trần Đạo Minh (1857-1927, thế danh Trần Văn Thụ, đệ tử của Thái Lão
Sư Lê Đạo Long). Hai con gái của tiền khai là Lê Thị Nhiều (1911-2006, thánh
danh Diệu Phong), và Lê Ngọc Trang (1919-1986, thánh danh Bạch Tuyết, đắc quả
Quán Pháp Chơn Tiên).
Nối tiếp đạo nghiệp thân phụ, tiền khai Lê Văn Lịch tu đến phẩm Dẫn Ân,
đạo hiệu Lê Xương Tịnh, đủ công đức để trụ trì Vĩnh Nguyên Tự.
Thứ Năm 04-3-1926 (20-01 Bính Dần), tuân lịnh Đức Cao Đài, tiền khai
Nguyễn Ngọc Tương (lúc ấy đang làm chủ quận Cần Giuộc) cùng một số vị tiền khai
khác đến Vĩnh Nguyên Tự xin phép lập đàn. Trước tiên Đức Cao Đài giáng, và dạy:
“Lịch, Ta thâu nạp người làm môn đệ. (…)
Lịch, Ta cho Tiểng là cha của ngươi nhập cơ.” Sau đó Đức Thái Lão Sư Lê Đạo
Long giáng cơ, dạy nhục tử Lê Văn Lịch và môn đồ Minh Đường rằng ngài đã đắc
quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Tất cả bổn đạo Vĩnh Nguyên Tự hoan hỷ tuân lịnh
của Tổ Sư khai sáng, một lòng quy hiệp đạo Cao Đài.
Thứ Bảy 10-4-1926 (28-02 Bính Dần), tiền khai Lê Văn Trung tuân lịnh Đức
Cao Đài đến khai đàn thượng tượng cho Vĩnh Nguyên Tự, và ngôi chùa nơi thôn quê
này trở thành một trong những thánh sở đầu tiên của đạo Cao Đài.
2. Tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950)
và Lâm Ngọc Thanh (1874-1937)
Tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ ([5]) tên thật là Nguyễn Văn Tơ, sinh năm
1873 ở Bãi Xàu (nay thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Song thân là ông Nguyễn
Hưng Học (1839-1899) và bà Trần Thị Thảo. Ngoài hai mươi tuổi, tiền khai lên
Sài Gòn, sống ở khu Cầu Kiệu (Tân Định, quận 1), làm thầu khoán, lập đồn điền
cao su, và buôn bán phát đạt, có nhà riêng ở số 439 đường Paul Blanchy (nay là
đường Hai Bà Trưng). Ngoài tiếng Pháp và chữ Nho, tiền khai còn biết nghề đông
y.
Tiền khai kết hôn với cô Mai Thị Thình (1880-1904), sanh được người con
gái là Nguyễn Thị Hương (1901-1998). Chồng bà Hương là ông Trương Văn Tuấn (dạy
học ở collège Chasseloup-Laubat và mở nhà in Đức Lưu Phương danh tiếng ở Sài
Gòn). Bà Hương thọ Thiên phong Giáo Hữu ngày Thứ Ba 15-02-1927.
Tiền khai Thơ quy y với hòa thượng Như Nhãn trụ trì chùa Giác Hải ở Phú
Lâm (quận 6, Sài Gòn). Tại chùa này khoảng năm 1919 tiền khai gặp bà Lâm Ngọc
Thanh, một điền chủ giàu có ở quận Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Bấy giờ cả hai
đều ở góa.
Tiền khai Lâm Ngọc Thanh ([6]) sanh năm 1874, mồ côi cha, sống với
mẹ là bà Trần Thị Sanh (1855-1906) tại làng Trung Tín (sau này thuộc quận Vũng
Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Lập gia đình với ông Huỳnh Văn Xây (1878-1908), tiền
khai có một con gái là Huỳnh Thị Hồ (sanh năm 1898). Sau khi chồng mất, tiền
khai quy y với hòa thượng Như Nhãn.
Chắp nối ở tuổi trung niên, hai vị Thơ và Thanh không có con với nhau.
Đôi vợ chồng giàu đều là đại thí chủ ủng hộ sư phụ là hòa thượng Như Nhãn. Tuy
nhiên, vào giữa tháng 7-1926, hai vị quy hiệp Cao Đài.
Trước đó, tại quận Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn) vào Thứ Bảy 27-02-1926 (15-01
Bính Dần), Đức Cao Đài hóa độ tiền khai Phạm Tấn Đãi. Qua tháng 7-1926, Đức Cao
Đài dạy tiền khai Đãi lên Sài Gòn gặp tiền khai Lê Văn Trung để cùng tới Tân
Định gặp tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ.
Hai vị Lê Văn Trung và Phạm Tấn Đãi giải thích lý do cuộc sơ ngộ là vì
tuân theo lịnh dạy của Đức Cao Đài. Nghe vậy, tiền khai Thơ ra điều kiện phải
để đích thân trực tiếp thông công thì mới tin. Lúc này tiền khai Lâm Ngọc Thanh
đang ở quận Vũng Liêm.
Sau ba ngày ăn chay và cầu nguyện, tiền khai Thơ chấp bút tại nhà riêng
và đặt nhiều câu hỏi về việc riêng tư thì đều được Đức Cao Đài trả lời chính
xác. Hoàn toàn tin tưởng, sau đó hai vị Thơ và Thanh nhập môn Cao Đài vào Thứ
Năm 15-7-1926 (06-6 Bính Dần). Ngôi chùa Phật do tiền khai Lâm Ngọc Thanh lập
trước nhà ở Vũng Liêm sau này trở thành thánh thất Vũng Liêm.
3. Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương (1881-1951)
Tiền khai Nguyễn Ngọc Tương chào đời ngày Thứ Tư 22-6-1881 (26-5 Tân Tỵ)
tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu (sau này thuộc tỉnh Bến Tre). Song thân là ông
Nguyễn Ngọc Đẩu (1857-1882) và bà Võ Thị Sót (1856-1919). Tháng 7-1882 (tháng 6
Nhâm Ngọ), thân phụ qua đời, tiền khai sống với ông nội là Nguyễn Hữu Chơn
(1832-1908).([7])
Tiền khai Tương thi đậu vào collège de Mỹ Tho (1897), lên Sài Gòn theo
học collège Chasseloup-Laubat (1900), tốt nghiệp trường này (1902), thi đậu vào
ngạch thơ ký, làm việc tại Phủ Thượng Thơ ([8])
ở Sài Gòn một năm, rồi đổi về Bến Tre làm việc tại tỉnh nhà suốt mười bảy năm
(1903-1920), thi đậu ngạch tri huyện cuối năm 1919 (Kỷ Mùi).
Tiền khai kết hôn với cô Trương Thị Tài (1886-1906), sanh được một gái và
một trai. Năm 1908 (Mậu Thân), tiền khai tục huyền với cô Bùi Thị Giàu
(1884-1937), sanh được ba trai và hai gái.
Năm 1920 (Canh Thân), tiền khai được bổ đi làm chủ quận Châu Thành, tỉnh
Cần Thơ. Ba tháng sau, đổi đi làm chủ quận Hòn Chông, tỉnh Hà Tiên.([9]) Trong mấy năm làm việc ở quận này,
tiền khai có tu theo đạo Minh Sư, ăn chay và tịnh luyện.
Năm 1924 (Giáp Tý), tiền khai làm chủ quận Cần
Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Thời gian này tiền khai được thăng ngạch tri
phủ.
Thứ Hai 01-02-1926 (19-12 Ất Sửu), các tiền khai Lê Văn Trung, Cao Quỳnh
Cư, và Phạm Công Tắc xin Đức Cao Đài đi Cần Giuộc độ chủ quận Nguyễn Ngọc
Tương. Nguyễn tiền khai nhập môn Cao Đài tại quận Cần Giuộc. Tại quận này, sau
một ngày làm việc đời, mỗi tối tiền khai lại chăm lo đi các nơi để khai đàn
thượng tượng hoặc giảng đạo. Số người nhập môn tăng lên rất nhanh, không chỉ
trong quận Cần Giuộc mà còn ở mấy quận lân cận.
Thứ Bảy 27-02-1926 (15-01 Bính Dần), trong đàn cơ tại nhà tiền khai
Nguyễn Ngọc Tương (dinh quận Cần Giuộc), Đức Cao Đài dạy: “Tương! Từ đây con trấn nhậm nơi nào thì là hồng
phúc của nơi ấy.” Tiền khai
được Đức Thượng Đế ban cho bài thất ngôn tứ tuyệt:
Con trị ai Thầy cũng trị ai
Một lòng đạo đức chớ đơn sai
Năm năm công quả tua bền chí
4. Tiền khai Trần Đạo Quang (1870-1946)
Tiền khai Trần Đạo Quang,([11]) thế danh Trần Thanh Nhàn, sanh ngày
Thứ Bảy 31-12-1870 (10-11 Canh Ngọ) tại Ban Dầy (sau này thuộc quận Cai Lậy,
tỉnh Định Tường). Tiền khai là con trai duy nhất trong số các con của ông Trần
Chí Hiếu và bà Dương Mỹ Hậu. Song thân tiền khai là nông dân, tu theo tông Phổ
Tế của đạo Minh Sư.
Trần Thanh Nhàn cũng theo đạo Minh Sư (1881), giữ trường trai (1884),
xuất gia (1890). Tiền khai tu tới phẩm Thái Lão Sư, đạo hiệu là Trần Đạo Quang
(1914), về trụ trì ở Linh Quang Tự (quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định), là tổ đình của
tông Phổ Tế.
Đầu năm Bính Dần (1926), tuân lịnh
Đức Cao Đài, tiền khai Lê Văn Trung và vài vị nữa đến Linh Quang Tự xin lập
đàn. Đức Cao Đài giáng cơ, dạy Thái Lão Sư Trần Đạo Quang quy hiệp đạo Cao Đài.
Thái Lão Sư tuân lịnh. Sau đó, noi gương Thái Lão Sư, nhiều tín đồ Minh Sư ở
Nam Kỳ và Trung Kỳ cũng quy hiệp Cao Đài. Linh Quang Tự (Linh Quang Phật Đường)
ngày nay vẫn là chùa của Minh Sư, sau hai lần thiên di hiện đang tọa lạc trên
đường Lê Lợi, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, TpHCM.
III. MỘT SỐ CHỨC SẮC THIÊN PHONG TRONG THỜI TIỀM ẨN
Trong tám tháng đầu năm Bính Dần (1926), Đức Cao Đài phong chức sắc cho
một số môn đệ để chuẩn bị thành lập Hội Thánh. Dưới đây là ngày các chức sắc
đầu tiên thọ phong, không kể phẩm Lễ Sanh:
Thứ Hai 26-4-1926 (15-3 Bính Dần) tại nhà tiền khai Lê Văn Trung (Chợ
Lớn), có tám vị tiền khai thọ phong:
- Thượng Đầu Sư Lê Văn Trung (thánh danh Thượng Trung Nhựt), và Ngọc Đầu
Sư Lê Văn Lịch (thánh danh Ngọc Lịch Nguyệt). Lúc ấy Thái Đầu Sư chưa được
chọn.
- Hộ Pháp, Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ
Đạo Sĩ: Phạm Công Tắc.
- Tá Cơ Tiên Hạc Đạo Sĩ: Cao
Quỳnh Cư.
- Tiên Đạo Phò Cơ Đạo Sĩ: Trương
Hữu Đức và Nguyễn Trung Hậu.
- Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết
Đạo Giáo Sư: Vương Quan Kỳ.
- Tiên Đạo Công Thần Thuyết Đạo Sư:
Đoàn Văn Bản.
Thứ Tư 23-6-1926 (14-5 Bính Dần): Thượng Giáo Sư Vương Quan Kỳ.
Thứ Bảy 26-6-1926 (17-5 Bính Dần): Thượng Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương và
Thượng Giáo Sư Ngô Văn Kim.
Thứ Bảy 17-7-1926 (08-6 Bính Dần): bốn vị Ngọc Giáo Sư Ngô Tường Vân,
Nguyễn Phát Đạt, Nguyễn Văn Kinh, và Nguyễn Văn Muồi (Mùi?).
Thứ Hai 10-8-1926 (02-7 Bính Dần): Thái Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ.
Thứ Ba 10-8-1926 (03-7 Bính Dần): Ngọc Phối Sư Lê Bá Trang.
Chủ Nhật 22-8-1926 (15-7 Bính Dần): Thái Giáo Sư Lê Văn Nhung (Yết Ma,
gốc Vạn Phước Tự).
Chủ Nhật 29-8-1926 (22-7 Bính Dần): Thái Giáo Sư Nguyễn Văn Luật (Yết Ma,
gốc Hội Phước Tự).
Thứ Ba 31-8-1926 (24-7 Bính Dần): Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương
(gốc Minh Sư).
Thứ Hai 13-9-1926 (07-8 Bính Dần): Thái Giáo Sư Lâm Quang Bính.
Thứ Bảy 25-9-1926 (19-8 Bính Dần): Thượng Phối Sư Lê Văn Hóa, và Thượng
Giáo Sư Nguyễn Văn Chức.
Tịch đạo nam chức sắc Cửu Trùng Đài
Chủ Nhật 08-8-1926 (01-7 Bính Dần) tại Vĩnh Nguyên Tự (làng Long An, quận
Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn), Đức Cao Đài ban tịch đạo cho nam chức sắc Cửu Trùng Đài là Thanh. Thí dụ: tiền khai Lê Bá Trang, phái Ngọc, thánh danh Ngọc
Trang Thanh; tiền khai Nguyễn Ngọc Tương, phái Thượng, thánh danh Thượng Tương
Thanh; tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ, phái Thái, thánh danh Thái Thơ Thanh.
*
Trước khi tháng 9-1926 kết thúc, các tiền khai còn phải thực hiện một số
việc cần yếu dọn đường cho đại lễ Khai Minh Đại Đạo sẽ tổ chức tại làng Long
Thành, tỉnh Tây Ninh vào tháng 11-1926.([13])
Các tiền khai Cao Đài xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau trong xã
hội. Điểm tương đồng duy nhất ở các vị là không ai được đào tạo chuyên nghiệp
hay “hàn lâm” để trở thành các nhà truyền giáo đủ đầy năng lực. Thế mà vào mùa
thu năm 1926, các vị đã thu hút được chí ít khoảng ba trăm người tin tưởng chí
thành vào nền tôn giáo mới. Hiển nhiên kết quả phi thường này chủ yếu nhờ vào
huyền diệu của các đàn cơ phổ độ thiết lập rải rác các nơi. Nhưng thành công
ban sơ ấy cũng buộc các tiền khai phải sớm hợp thức hóa sự hiện hữu của cộng
đồng Cao Đài mới vừa chớm nở. Đó là lý do phải xác lập tư cách pháp nhân của
đạo Cao Đài.
HUỆ KHẢI
Chữ phòng nghĩa
là phải (tiếng Việt cổ). Ví dụ: Chẳng có chi mà phòng lo phòng sợ. Huình
Tịnh Paulus Của giải nghĩa: Chẳng có
chi mà phải sợ phải lo. [Paulus Của 1896: 204]
([8]) Phủ
Thượng Thơ cũng gọi là Dinh Thượng Thơ hay Dinh Hiệp Lý, thay cho tên gọi Dinh
Đổng Lý Nội Vụ (Direction de l’Intérieur),
trụ sở cất xong năm 1864. Từ năm 1946 gọi là Dinh Thủ Hiến Nam Việt, rồi trở
thành Tòa Đại Biểu Nam Phần, sau đó là Bộ Kinh Tế Việt Nam Cộng Hòa với mặt
tiền hướng ra đường Gia Long, tọa lạc ở góc đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) và
Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), quận 1.
([9]) Dân Hòn
Chông phần đông là người gốc Miên (Khmer)
và Hoa kiều, người Việt thưa thớt. Dân chúng hầu hết nghèo nàn, cơ cực, thất
học. Tiền khai chỉ dẫn cách nung đá làm vôi, giúp họ kế sanh nhai. Tiền khai
cho cất chợ, nhà thương, trường học, đào kinh dẫn nước vào các ruộng, đặc biệt
là đào con kinh chạy từ quận Hòn Chông tới quận Rạch Giá. Tiền khai giúp vốn và
chỉ dẫn dân chúng khai khẩn đất hoang, đất rừng thành đồng ruộng. Chẳng những không
tìm cách chiếm hữu các thửa đất mới được khai khẩn, tiền khai còn từ khước việc
chánh phủ thuộc địa muốn tưởng thưởng công lao bằng cách cấp một sở đất để tiền
khai đứng tên làm chủ.