THAY LỜI KẾT
Về góc độ lịch sử đạo Cao Đài, sự kiện
Khai Tịch Đạo kết thúc thời tiềm ẩn, mở màn cho công cuộc phổ độ khắp các tỉnh
Nam Kỳ, đồng thời dọn đường cho lễ Khai Minh Đại Đạo vào tháng 11-1926 (tháng
10 Bính Dần).([1]) Nói
cách khác, tại điểm mốc Khai Tịch Đạo, lịch sử đạo Cao Đài mở sang một trang
mới, để rồi chỉ ba hay bốn năm sau đó, tôn giáo trẻ này phát triển với tốc độ
phi thường, và sự thật này được Giáo Sư Jayne Susan Werner khẳng định khi bà
viết: “Đạo Cao Đài là phong trào quần
chúng rộng lớn xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ...” ([2])
Các tác giả phương Tây và Việt Nam hay
có xu hướng diễn giải sự ra đời của đạo Cao Đài như một phong trào chánh trị
núp sau hình thức tôn giáo. Truy tìm ngược về thời tiềm ẩn của đạo Cao Đài,
người đọc nhận ra đạo Cao Đài đơn thuần là tôn giáo, là con đường tu hành. Mọi
màu sắc chánh trị nếu có, đều hoàn toàn do nhân dục, và nó chính là tai họa cho
đạo Cao Đài.
Những ngộ nhận về đạo Cao Đài đã xuất
hiện ngay từ buổi bình minh của nền đạo. Bởi vậy, đúng vào đầu thập niên 70 của
thế kỷ trước, Giáo Sư Ralph Bernard Smith (1939-2000), Viện Đại Học London, đã
nhận xét:
“Hiếm có
hiện tượng nào trong lịch sử châu Á hiện đại lại có thể bị người phương Tây
hiểu sai hoàn toàn như đạo Cao Đài. Đặt nền tảng trên sự dung hợp tôn giáo, với
các đàn cơ giữ một vai trò trọng yếu, tôn giáo này chắc chắn đã bị các cây bút
Kitô Giáo với lòng nghi ngờ (nếu không nói là khinh thường) xem như là một kiểu
‘thông linh học’ phương Tây; sự thiếu cảm thông từ ban đầu này còn bị làm cho
tệ hại hơn bởi sự kiện là trong các đàn cơ Cao Đài đã xuất hiện các nhân vật
quen thuộc như Victor Hugo và Jeanne d’Arc. Kế đến, tại Tây Ninh có một ngôi
đền của tín đồ Cao Đài là nơi khách du lịch hay đặt chân tới, đã khiến ông
Graham Greene mô tả là ‘Chúa Kitô và Phật từ trên mái giáo đường nhìn xuống một
biến tấu phương Đông của Walt Disney, rồng rắn sặc sỡ.’ ([3]) Sự hiểu biết hời hợt như thế về yếu tố tôn
giáo trong đạo Cao Đài lại rất phù hợp với thói nhạo báng hoặc lối chỉ trích
cay độc của các quan sát viên chánh trị, đặc biệt là Bernard Fall, một người
nhìn thấy trong đạo Cao Đài chẳng có gì khác hơn là một phong trào chánh trị
chỉ lo bảo thủ quân đội riêng và quyền lực địa phương của mình, dùng tôn giáo
chỉ để lừa gạt đám nông dân nhẹ dạ cả tin.([4]) Trong những tình
huống như thế, có lẽ chẳng ngạc nhiên rằng thực chất và căn nguyên của đạo Cao
Đài đã không được nhìn thấy, và thậm chí lịch sử tôn giáo này cũng chưa hề được
tóm tắt đầy đủ bằng bất kỳ một ngôn ngữ phương Tây nào.” ([5])
Hôm nay, những lời lẽ của vị giáo sư lỗi
lạc người Anh nói trên vẫn còn đáng lưu ý. Nhất là trong thời đại Internet,
những thông tin không trung thực về đạo Cao Đài lại càng dễ có thể lan rộng,
tạo nên một màn sương mù dày đặc làm nản lòng những ai chân ướt chân ráo tìm
đến ngưỡng cửa tôn giáo này.
Năm hai mươi hai tuổi, lần đầu tiên đọc
Giáo Sư Smith, tôi rất thấm thía lời ông nhắn nhủ: “Trong chừng mực nào đó, việc người phương Tây không hiểu biết về đạo
Cao Đài là trách nhiệm của chính những người Cao Đài.” ([6]) Lời khuyên chí
lý của ông tợ như một ám ảnh đã thôi thúc tôi khởi sự xuất bản vài tập sách vào
giữa thập niên 1990. Sau này, tôi xuất bản hơn mười tập sách nhỏ Việt-Anh về
đạo Cao Đài trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, hoạt động từ
giữa năm 2008 tới nay.
Tôi hoàn toàn chẳng phải là một người
chép sử, mặc dầu bà Janet Alison Hoskins, giáo sư nhân học và tôn giáo tại Viện
Đại Học Nam California, có lần quá đỗi hào phóng gọi tôi là “the most sophisticated and careful Caodai
historian inside Vietnam”.([7]) Tôi cũng chẳng hề là “a modern Vietnamese scholar”,([8]) như được nhắc tới trong hai quyển sách
của tiến sĩ Sergei Blagov, giảng viên môn lịch sử và các tôn giáo Việt Nam tại
Viện Nghiên Cứu Á Phi thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Moscow. Chung quy tôi chỉ là
một học trò Cao Đài áo trắng đơn sơ, mà lòng mến đạo xui tôi lờ đi những hạn
chế bản thân để liều lĩnh vương mang nghiệp viết lách với mong muốn cố gắng
trình bày chân diện mục Cao Đài, một nền đạo luống chịu những xuyên tạc thái
thậm.
Giáo Sư Winfried Löffler, người Áo,
giảng dạy tại Viện Triết Học Kitô Giáo (Institut
für Christliche Philosophie), Viện Đại Học Innsbruck, sau khi đọc ba tập
sách nhỏ tôi tặng ông làm món quà mọn trong một cuộc tọa đàm khoa học quốc tế về
tôn giáo tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2014, từ quê nhà đã viết điện thư gởi tôi
ngày 11-01-2015. Sau những nhận xét đầy mỹ ý, ông kết luận: “Tóm lại: Hình ảnh về đạo Cao Đài trong tôi
đã thay đổi rất nhiều.” ([9])
Tôi ước mong sao những trang trên đây
tôi viết về thời tiềm ẩn của đạo Cao Đài có thể giúp bạn đọc chia sẻ cùng một ý
nghĩ như Giáo Sư Löffler. Và nếu may ra mà được thế, tôi rất biết ơn quý bạn.
Phú Nhuận, 14-01-2017
HUỆ KHẢI