Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

4. LƯỢC SỬ ĐẠO CAO ĐÀI: THỜI TIỀM ẨN 1920-1926


Chương I
ĐỨC CAO ĐÀI HÓA ĐỘ
TIỀN KHAI NGÔ VĂN CHIÊU

Trước khi khởi phát nền ngoại giáo công truyền (exotericism), đạo Cao Đài đã đặt nền móng nội giáo tâm truyền (esotericism) trong những năm 1920-1924 với vị đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài là tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932).([1])
Tiền khai Ngô Văn Chiêu sinh ngày Thứ Năm 28-02-1878 (27-01 Mậu Dần), là con duy nhất của một gia đình lao động thanh bạch. Thân phụ là ông Ngô Văn Xuân. Thân mẫu là bà Lâm Thị Quý (1858-1919), cũng gọi Lâm Thị Tiền, người quận Bình Tây, tỉnh Chợ Lớn. Song thân tiền khai cùng làm công cho một nhà máy xay lúa ở quận Bình Tây.
Theo học collège Chasseloup-Laubat (Sài Gòn), tiền khai đậu bằng thành chung (diplôme d’études primaires supérieures), và bắt đầu quãng đời công chức từ năm 1899 tại Sài Gòn. Sau đó, tiền khai lần lượt làm việc tại tỉnh Tân An (1909), tỉnh Hà Tiên (1920), và đảo Phú Quốc (1920). Tiền khai trở về Sài Gòn (1924), rồi nghỉ hưu (1931) và về Cần Thơ sống những ngày cuối đời.
Các mốc chủ yếu trong đời tu hành của tiền khai những năm 1920-1925 như sau:
1. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ nhất (1920)
Tại tỉnh Tân An khoảng tháng 1 hay 2 năm 1920 (Kỷ Mùi), Ngô tiền khai lập đàn cầu cơ tại nhà. Tiền khai là độc giả, có thêm các ông Nguyễn Thiên(g) Kim (1870-1946, điển ký), hương bộ Lê Kiển Thọ (1879-1946, đồng tử âm), thầy giáo Nguyễn Văn Vân (1893-1981, đồng tử dương), nhà giáo kiêm nhà văn Trần Phong Sắc (1873-1928, pháp đàn). Hôm ấy các vị tiếp được một đấng xưng danh Cao Đài Tiên Ông.
2. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ hai (1920)
Tại tỉnh Hà Tiên, đêm trung thu Canh Thân (Chủ Nhật 26-9-1920), Ngô tiền khai cùng hai ông Cao Văn Sự và Nguyễn Thành Diêu lập đàn tại nhà ông Lâm Tấn Đức.([2]) Giáng đàn, Đức Cao Đài Tiên Ông ban cho bốn câu nhắc tới tên (điểm danh) bốn vị. Câu mở đầu như sau: Cao Đài minh nguyệt Ngô Văn Chiêu...
3. Thọ pháp (1921)
Cuối năm 1920 (Canh Thân), trong một đàn cơ tại chùa Quan Âm của đạo Minh Sư, cất trên núi Dương Đông (đảo Phú Quốc), một vị tiên ông ẩn danh dạy rằng nếu Ngô tiền khai thuận làm đệ tử thì tiên ông sẽ truyền đạo.
Mùng 1 Tết Tân Dậu (Thứ Ba 08-02-1921), tại chùa Quan Âm, tiên ông ra lịnh: “Chiêu, tam niên trường trai. Tiền khai ăn chay trường kể từ đó, và tu thiền theo pháp môn của tiên ông ẩn danh.
4. Thiên Nhãn xuất hiện hai lần (tháng 4-1921)
Tiên ông dạy Ngô tiền khai tìm một biểu tượng cho mối đạo do tiên ông sáng lập. Tiền khai đề nghị chữ thập nhưng tiên ông dạy phải tìm một biểu tượng khác. Sau một tuần, tiền khai vẫn không thể nghĩ ra được gì.
Sáng Thứ Tư 20-4-1921 (13-3 Tân Dậu), vào lúc tám giờ, tiền khai đang ngồi trên võng, phía sau dinh quận Phú Quốc, nhìn ra biển khơi, chợt thấy trước mặt hiện rõ một con mắt trái thật lớn, linh động, hào quang chói lọi. Tiền khai sợ, lấy tay che mắt. Hồi lâu, mở mắt ra nhìn, cảnh tượng vẫn còn. Tiền khai chắp tay, khấn xin tiên ông cho con mắt ấy biến đi, nếu như tiên ông muốn tiền khai thờ con mắt. Sau đó cảnh tượng mờ dần rồi mất hẳn. Tuy nhiên tiền khai còn phân vân, chưa thực hiện lời hứa. Vài hôm sau, tiền khai lại mục kích một cảnh tượng y như vậy, và cũng chỉ sau khi khấn, hứa xin thờ con mắt thì con mắt mới biến đi.


5. Nghe hồng danh Cao Đài lần thứ ba (tháng 4-1921)
Vài ngày sau khi Thiên Nhãn xuất hiện lần thứ hai, Ngô tiền khai hầu đàn tại chùa Quan Âm. Tiên ông dạy tiền khai vẽ lại Thiên Nhãn (con mắt trái) như đã mục kích để thờ.([3]) Tiên ông xưng hồng danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát 高臺仙翁大菩薩摩訶薩, và dạy tiền khai gọi Ngài bằng Thầy.
Trong tiếng Việt, (a) học trò gọi người đàn ông dạy mình học là thầy, (b) con gọi cha đẻ là thầy, (c) tớ cũng gọi chủ là thầy. Ca dao Việt Nam còn truyền lại những câu lục bát với ba ý nghĩa ấy của chữ thầy.([4])
Đàn cơ nói trên đã xác lập những cơ cấu căn bản tối thiết của một tôn giáo như sau:
- Giáo Chủ (vô vi): Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
- Giáo đồ đầu tiên: Tiền khai Ngô Văn Chiêu.
- Giáo pháp: Phần nội giáo tâm truyền (esotericism) là pháp môn tu thiền (tịnh luyện) của đạo Cao Đài.
- Giáo tượng (thánh tượng): Thiên Nhãn.
- Giáo thuyết: Hồng danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát phản ánh đường lối dung hợp Tam Giáo, vì Cao Đài biểu thị Nho, Tiên Ông biểu thị Lão, Đại Bồ Tát Ma Ha Tát biểu thị Phật.
- Giáo điển: Một số bài kinh dùng khi cúng trước Thiên bàn vào bốn thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu.([5])
6. Nếp sống ẩn tu giữa Sài Gòn (1924-1925)
Sau ba năm (1921-1924) chuyên cần học đạo với Đức Cao Đài trên đảo Phú Quốc, ngày Thứ Ba 29-7-1924 (28-6 Giáp Tý) Ngô tiền khai rời đảo này về Sài Gòn làm việc, và ẩn tu giữa chốn phồn hoa nhộn nhịp cho tới đầu năm 1926 mới được Đức Cao Đài cho phép khởi sự truyền đạo.
HUỆ KHẢI



([1]) Để có nhiều chi tiết hơn, xin đọc [Huệ Khải 2008c].
([2]) Xem Phụ bản 4. Lâm Tấn Đức (1866-1934), tự Hữu Lân, không con, là anh ruột của Lâm Tấn Thoại. Ông Thoại là cha của Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969), danh sĩ đất Hà Tiên.
([3]) Xem Phụ bản 5.
([4]) Nghĩa a: Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Nghĩa b: Ước gì chung mẹ chung thầy / Để em giữ lấy quạt này làm thân. Nghĩa c: Nhạn lạc bầy tìm cây nó ẩn / Tớ lạc thầy thơ thẩn vào ra.
([5]) [Lê Anh Dũng 1996: 72]