Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

10 TRỞ VỀ CHÁNH ĐẠO (CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI)



TRỞ VỀ CHÁNH ĐẠO
 TRẦN DÃ SƠN
Năm 1976 vợ chồng tôi đi kinh tế mới ở Tây Nguyên. Đoàn xe dừng bánh vào một buổi chiều dọc theo đường mới ủi giữa rừng. Chúng tôi vội vã xuống xe nhìn ra.
Chung quanh đồi núi điệp trùng, bạt ngàn cổ thụ và cỏ gai chen chúc. Xa xa cánh đồng sậy cúi rạp mình trong gió chiều lồng lộng. Có tiếng thú rừng gầm thét phá tan cái tĩnh mịch ngàn năm. Chúng tôi nhìn nhau, vừa sợ vừa lo lắng.
Ngày hôm sau gấp rút ổn định tổ chức rồi cất lều tạm. Sẵn gỗ sẵn tranh nên công việc cũng chóng hoàn thành.
Từ đó chúng tôi lo phát đốt rừng để làm nương rẫy, rồi tấn công những cánh đồng sậy xanh rì có tự thuở nào. Trên rừng và triền đồi thì dùng sức người để cuốc, dưới “nà” xe cơ giới cày bừa.
Sau những cơn mưa đầu mùa ở Tây Nguyên, từ trên cao nhìn xuống chỗ thấp bao phủ một màu xanh mơn mởn của sắn bắp, lúa đậu làm nức lòng người. Chúng tôi tràn trề hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn khi ở quê nhà. Nhưng không được bao lâu những cơn mưa đầu mùa xối xả, cả bao nhiêu niềm hy vọng của chúng tôi sau một đêm đã ngập chìm trong bể nước mênh mông.
Ba năm liền cơ cực nhà nước phải lo cứu trợ. Số người bỏ trốn về quê cũ hoặc chạy đi nơi khác mỗi ngày một nhiều. Gia đình tôi cũng chung số phận, xin ra ở thôn 4 hợp tác xã Hòa An 2 cuối năm 1979 nhưng mãi tới đầu năm 1980 mới đến định cư tại nơi này.
Lúc chưa chuyển hết gia đình ra, một mình tôi đi trước mượn người cắt tranh, đẵn gỗ dựng lên một ngôi nhà nhỏ. Trong khi chờ cho lồ ô khô để đan vách, tôi làm chuyện lặt vặt trong nhà. Trưa cột võng nằm đu đưa, hát nghêu ngao cho đỡ buồn đỡ nhớ quê xưa.
Tôi thèm đọc sách quá nhưng biết đào đâu ra, nên đành sang nhà người bạn đồng hương cũng vừa mới tới lục lạo tìm, may được cuốn Tu Chơn Thiệp Quyết của đạo Cao Đài vội mang về xem, tự nhiên thấy hay hay nên càng thích thú. Sao ông Thượng Đế khéo dạy người đến thế. Từ cách ăn ở, đối xử của vua quan cho đến cha con, anh em, chồng vợ, thậm chí cả rể dâu, chủ tớ, láng giềng Ngài chẳng bỏ sót một ai mà không dạy. Đọc xong càng nghĩ tôi càng muốn theo Đạo quá chừng. Tôi lại sang ông bạn láng giềng mượn thêm sách, chỉ còn cuốn Kinh Tận Độ mà thôi. Đem về tôi vội mở ra đọc, đến chỗ “nhập môn” tôi thấy buồn biết mấy. Hai đạo hữu tiến dẫn thì tìm được, nhưng ở đây chỉ có đôi ba nhà đạo, làm gì có thánh thất, có Đầu Họ Đạo để làm pháp giải oan. Tôi thầm nghĩ: “Không có đường này ta tìm đường khác mà tu.”
Ở được một thời gian thì mẹ tôi ngoài Quảng vô thăm và ở chơi với con cháu mấy tháng. Anh tôi nhiều lần nhắn tin giục tôi sớm đưa mẹ về vì cụ tuổi cao, sợ ở lâu lỡ ốm đau làm khổ vợ chồng tôi.
May lúc đó có người về thăm quê, tôi liền đến nhà hỏi thăm để gởi mẹ. Anh hẹn sáng mai sẽ tới đón rồi lên Buôn Ma Thuột mua vé xe. Tối đó nhà người đồng hương bên cạnh sang mời mẹ tôi qua ăn cơm tối, gọi là “Chúc bác lên đường bình an.” Nhưng rủi thay, cụ mới ăn được mấy miếng cơm thì bị hóc cổ lát thịt heo. Tôi liền chạy qua thì thấy mắt mẹ trợn trừng. Hoảng quá, tôi nhờ người đưa xuống nhà anh Bảy để chữa vì xưa nay anh thường giúp người bằng thuốc nam và phù phép nhưng không lấy tiền.
Mẹ tôi nằm ở đấy hai ngày, không ăn được gì, chỉ uống toàn nước. Tối hôm đó có người nhập vào xác anh Bảy, xưng là Phật Quan Âm, bảo tôi về, ngày mai đặt bàn ra trước sân cầu xin ông Trung Giới Thái Huyền. Tôi băn khoăn cả đêm và nghĩ: “Phật Quan Âm lớn hơn Trung Giới, sao Ngài không cứu mẹ được mà bảo mình phải cầu xin?” Nhưng vì lo cho mẹ, tôi vẫn làm theo. Khi vừa xong thì con anh Bảy chạy lên nói to:
- Chú Mười (vì tôi thứ mười), bà đã khỏi rồi!
Tôi mừng quá, vội vã chạy xuống thì thấy mẹ đương cười nói vui vẻ với mọi người. Tôi cảm ơn anh Bảy và gia đình rồi đưa mẹ về.
Mẹ tôi ở thêm một thời gian ngắn nữa để tôi lo thu xếp công việc rồi định ngày cùng mẹ về quê. Tối hôm đó - lại là buổi tối - tôi đau răng dữ dội nhưng không dám nói, sợ cả nhà lo lắng, âm thầm xuống nhà anh Bảy nhờ chữa. Mới vừa bước vào, chưa kịp nói gì thì anh Bảy bước ra nhìn tôi rồi cười bảo:
- Ngày mai chú đưa thân mẫu về quê nhưng bị đau răng lắm phải không? Để Bé Tư chữa cho.
Nguyên anh Bảy có một vong vô danh, con thứ tư, thường nhập xác anh, xưng là Bé Tư và nói là Bạch Y Thánh Nữ đương theo hầu Đức Mẹ Quan Âm. Vong này hay về cho thuốc và chữa bệnh mọi người. Có điều lạ là khi tôi vừa há miệng ra, nghe anh Bảy đọc gì lầm thầm trong miệng rồi thổi nhẹ vào răng tôi, tức thì răng tôi êm hẳn như chưa hề bị đau.
Chuyến đó tôi cùng mẹ ra đi yên ổn. Khi trở vào tự dưng tôi muốn xuống đó xin tu, tức là làm đệ tử hội V.T.G.L. - một môn phái chuyên trị bệnh bằng phù phép và cây lá không lấy thù lao, được thành lập ở thành phố H. trước năm 1974, theo lời anh Bảy kể.
Một hôm tôi đem ý nguyện nầy trình bày, anh Bảy vui vẻ nhận lời và hẹn ngày tôi xuống để anh “điểm đạo”. Y hẹn, hôm sau tôi tới; anh đốt nhang đèn trên bàn thờ rồi bảo tôi lại quỳ.
Ngước mắt nhìn lên, tôi thấy tầng trên thờ hình Đức Phật A Di Đà, tầng giữa thờ hình Đức Quan Âm Bồ Tát, cuối cùng thờ hình Đức Quan Thánh Đế Quân. Anh Bảy quỳ trước tôi, lâm dâm khấn vái rồi bảo tôi đọc lời thề theo anh. Bây giờ tôi quên gần nửa, chỉ còn nhớ những câu tâm đắc như: “Nguyện hy sinh thể xác, đức độ, tâm linh để phụng sự Ơn Trên, phụng sự nhân loại, không vì tiền, tài, tình, danh lợi… Nhường trước là anh, ân công ghi nhớ tạc lòng…” Đọc xong, anh Bảy đứng lên đốt ba cây nhang vẽ vẽ trên đầu tôi rồi đốt bùa cho tôi uống. Lá bùa màu vàng viết bằng chữ Nho màu đỏ, ngang độ 3cm, dài gần 10cm. Xong anh bày cho tôi niệm thần chú. Vừa niệm xong tức thì người tôi chuyển động. Tôi ngồi bật dậy và bắt đầu múa máy chân tay giống như người luyện võ.
Từ đó về sau, dù trời mưa hay nắng, dù lao động cực nhọc bao nhiêu, hễ ăn tối xong, có khi đến 8, 9 giờ đêm tôi vẫn tìm tới làm lễ, không thể ở nhà được, như có một cái gì thôi thúc vậy.
Có một vị vô hình nhập vào xác tôi, xưng là sư phụ độ mạng. Nếu hôm nào nóng bức thì một luồng khí mát mẻ chạy từ đỉnh đầu xuống khắp châu thân. Ngược lại trời lạnh rét thì đổi một luồng khí ấm. Cho nên mấy người làm lễ xong thì khát nước, còn tôi thấy khỏe khoắn như chẳng có chuyện gì. Lấy làm lạ họ hỏi, tôi trả lời nửa đùa nửa thật:
- Sư phụ tôi là một chiếc máy điều hòa.
Từ thời ông nội tôi tới nay, họ hàng tôi không theo một tôn giáo nào, cho nên tôi không biết tí gì về lời thề nguyện. Bây giờ quỳ trước khói nhang hằng bữa tối và đọc lời nguyện trên, lòng tôi phấn khởi vô cùng, nghĩ mình đã đi đúng đường.
Tính tôi hồi đó rất tò mò, tuy là chuyện vô hình nhưng nếu nghi hoặc tôi chẳng tin. Thắc mắc về sư phụ, có lần tôi hỏi:
- Bạch sư phụ, xin cho con biết trước kia sư phụ là ai? Ở đâu?
Ngài cười, bắt tôi ngồi bán già, bàn tay phải duỗi thẳng, đưa lên ngang ngực như các Phật tử thường làm, tay trái nắm lại chỉ giơ ngón trỏ, để xuống ngang rốn nhịp lên nhịp xuống. Tự dưng tôi biết sư phụ đi tu, thường tụng kinh gõ mõ. Ngài xưng tên là Lê Hồng Sơn, lúc chết mộ chôn ở khu nghĩa địa gần chỗ gia đình tôi. Hồi đó nơi nầy chưa là khu dân cư nên mồ mả còn nguyên. Tôi đi tìm gần một tiếng đồng hồ không thấy mộ, bực dọc ra về. Tối đó khi lễ Phật xong, sư phụ lại nhập xác, tôi cằn nhằn:
- Sư phụ lừa con, khiến con tìm mãi mà không ra mộ người đâu.
Sư phụ buồn lắm, ngài dạy:
Rồi đây cuộc thế đổi thay
Các con còn phải chịu ngày gian nan
Những lời Phật Tổ bảo ban
Là lời tâm huyết chỉ đàng cho con
Thế gian trong cuộc mất còn
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nầy con quỳ trước khói nhang
Đã không tin chớ nói càn nói vơ
Phật Tiên Thần Thánh tri cơ
Chỉ cho con bước đến bờ chân như
Nói năng nết hạnh thìn từ
Giữ tâm thanh tịnh thiên thư con tường
Rồi đây cuộc thế nhiễu nhương
Nguyện cầu chư Phật mười phương hộ trì
Giữ tròn ngũ giới tam quy
Cửa thiền con tới, thuyền từ ta đưa.
Theo môn phái nầy lúc đó có ba người. Trước tôi là một chị lớn hơn khoảng ba, bốn tuổi. Sau tôi là Mai Thanh H., nhỏ tuổi hơn tôi khá nhiều, vốn là Cao Đài gốc, hiện nay ở Chư Xê (Gia Lai), sinh hoạt thì về thánh thất Trung Hội (số 93 Nguyễn Viết Xuân, Hội Phú, Pleiku, tỉnh Gia Lai).
Có điều lạ là sư phụ của hai người này khi về nhập xác chỉ cho thuốc mà thôi; ngược lại, tôi được sư phụ mình cho tập ngồi bán già để quán tưởng chư Phật. Lúc cho thuốc, anh Bảy (tức sư huynh) và hai người kia nói tiếng gì nghe ngộ lắm. Âm thanh nửa như tiếng nước ngoài, nửa như tiếng người dân tộc. Có khi thấy họ lắc đầu, có khi lại gật đầu, và cuối cùng người cho thuốc vẫn là anh Bảy.
Một hôm rảnh rỗi tôi đem chuyện nầy ra hỏi thì anh Bảy bảo đó là tiếng nguyên thủy, các sư phụ hội ý về căn bệnh và nên cho thuốc gì. Tôi thích lắm, cầu xin sư phụ cho khai khẩu và dạy tôi cách chữa bệnh. Sư phụ lặng thinh không nói gì. Một hôm tôi làm lễ vừa xong thì sư phụ về, cho tôi ngồi bán già, nhìn chăm chăm vào hình Phật, rồi đưa tay lên vẽ phù, xong hạ tay xuống từ từ rút nhẹ ra sau. Tôi cảm tưởng như tay mình có nam châm đương hút sắt vậy. Tôi mỉm cười, xoay người xuống nhà dưới chỗ anh Bảy ngồi, rồi cũng rút tay nhẹ ra sau, tức thì anh Bảy la lớn:
- Chất lửa! Chất lửa hơ! Đau bụng quá!
Tôi mỉm cười nói:
- Mời sư huynh về làm lễ Ơn Trên, xin khai khẩu cho sư đệ, bụng sẽ hết thôi.
Anh Bảy bước lên quỳ trước bàn thờ Phật, lâm dâm khấn vái, mọi việc trở lại bình thường. Nhưng có điều lạ lùng là từ đó về sau dù tôi có khẩn khoản cầu xin, vẫn không nói được tiếng “nguyên thủy” ấy.
Không hiểu tại sao, tuy tôi đã chứng kiến nhiều việc khá hiển linh, nhưng lòng vẫn ngờ ngợ như có cái gì đó khó hiểu. Cho nên một lần làm lễ tôi đã phát nguyện:
- Xin Ơn Trên cho con gặp chánh đạo, nếu không con thà hy sinh gia đình, vợ con và thể xác, miễn sau khi chết con được thấy chánh đạo cũng ưng.
Hồi còn trẻ tôi rất nóng tính và xấu chứng đói. Đi làm về phải có cơm nước sẵn, nếu không tôi đói run cả tay chân. Một buổi chiều đi làm rẫy về thấy vợ đương lom khom nhen lửa nên tôi nổi nóng cằn nhằn, quên rằng cô ấy phải đi dạy học. Nghe tiếng vợ lầm bầm, tôi hét to:
- Im miệng! Còn nói nữa tôi đá luôn vô bếp.
Thế là tối xuống làm lễ, sư phụ về rầy tôi:
- Từ nay con phải tập nhẫn nhục. Nhẫn với vợ con, gia đình, hàng xóm.
Miệng tôi cứ đọc mãi “Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn!” gần hai mươi phút mới dứt.
*
Trước khi tôi đến ở đây, ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Hòa An kêu tôi tới dặn rằng sẵn sàng cho tôi “nhập tịch” (tức là nhập hộ khẩu), nhưng tôi phải hứa là làm kế toán công điểm cho đội 4 Hợp Tác Xã 2. Tất nhiên tôi rất mừng và nhận lời ngay.
Năm đó vụ mùa Hợp Tác Xã thu chẳng bao nhiêu, lúa chia theo công điểm rất thấp, về sau cân đối lại phải chia thêm. Nhưng đội tôi có mấy chục lao động chỉ nhận được 1,5 tạ mà thôi. Tôi băn khoăn không biết tính thế nào để lúa chia ra khỏi hao hụt, nếu lỡ thế lấy gì đền vào, nên đành nghĩ bụng: “Thôi, tạm mượn để dùng. Vụ tới cộng thêm lúa công điểm xã viên rồi chia.” Không ngờ tối đó xuống làm lễ, sư phụ về quở tôi:
- Ngươi đừng tưởng của tập thể dễ ăn. Đó là mồ hôi nước mắt của chúng sanh cộng lại.
Lúc đó tôi ngơ ngẩn không hiểu gì nên thưa:
- Bạch sư phụ, con có làm gì đâu, sao sư phụ lại trách con.
 - Trăm mấy ký lúa công điểm ngươi tính sao?
Hoảng vía, hôm sau tôi tức tốc thông báo cho xã viên họp tại nhà đội để chia.
Vô hình uốn nắn như thế đó nên tôi càng tin mình đang đi đúng đường, càng năng lễ bái hơn. Một hôm sư phụ dạy tôi viết chữ, nét rất giống chữ Nho, nhưng ngài không giải nghĩa. Về nhà sợ quên tôi liền viết vào vở rồi đem tới hỏi một cụ đồ Nho. Cụ bảo:
- Đây đúng là chữ Nho, nhưng là cổ tự nên tôi không hiểu.
Cụ bảo thế tôi đành làm thinh. Về sau nhân giảng đến việc tu hành, sư phụ dạy cho tôi viết lên tấm ván ép lót để quỳ (vì hồi đó nhà còn nền đất) một khung chữ nhật đứng rồi viết chữ vào trong. Ngài bảo:
- Người tu phải như người ở tù, phải giam mình vào khuôn khổ mới tu được.
Sau này theo đạo Cao Đài rồi, đọc thánh giáo tôi mới biết đó là chữ , gồm ngoài là chữ vi , tức bốn vách (tửu, khí, sắc, tài), còn trong là chữ nhân , tức người.
Ông nội anh Bảy chết nghiệp dây (treo cổ), nghe người ta bảo không thờ trong nhà được nên tôi thấy anh dùng một miếng ván vuông, cạnh chừng năm tấc, đóng trên một cọc gỗ dài chừng một mét, trồng ngoài sân trước cửa chánh bước vào nhà rồi đặt lên đó một lư nhang và thắp hằng đêm. Nghe anh nói rằng ông nội anh về bảo may một chiếc áo rộng như áo nhà sư nhưng màu xanh da trời, có đính các ấn (anh không nói ấn thế nào) để anh mặc mỗi khi làm lễ. Còn khi chữa bệnh cho người ta thì lấy năm hào; nếu không, người ta sợ mang ơn mình, không dám đến xin thuốc. Dù biết sai với lời nguyện “không vì tiền, tài, tình, danh, lợi”, nhưng sợ anh phật lòng, ba đệ tử chúng tôi nghe chỉ làm thinh. Lúc sư phụ tôi về, ngài dạy:
- Sự việc ở đây nửa tà nửa chánh. Để sư phụ dẫn con về chánh giáo con tu. Nếu không, con đi bên tả, bên tả lôi, sang bên trái, bên trái kéo, rồi con không tới đích, lại trách Trời trách Phật.
Tôi nghe vậy đành im lặng đợi chờ. (Sư phụ bảo bên tả, bên trái là ngụ ý tả đạo, sai trái.) Thấy sư huynh hay xem bói cho mọi người, tôi cũng thích, nhưng sư phụ về bảo tôi:
- Cấm con coi giò gà, bói bài, xem gia sự vì những việc đó nhiễu nhương dân chúng.
Từ đó có sự bất đồng giữa tôi và anh Bảy, do vô hình sắp xếp, chúng tôi không hề hay biết. Nhất là trong một lúc nóng giận không đâu, anh mang giày đi làm, bỗng đá vào con mình đến nỗi cháu hộc máu. Lúc đó tôi không có mặt, chỉ nghe chị Bảy kể lại, tôi bất mãn vô cùng. Chẳng lẽ một người gọi là phụng sự Ơn Trên, phụng sự nhân loại lại tàn bạo đến thế sao?
Về sau sư phụ chỉ cho tôi cách mật khấn khác, không phải danh Phật Tổ như trước mà bắt đầu là Đức Chí Tôn, rồi mười phương chư Phật Tiên, Thánh Thần, và cuối cùng là sư phụ. Mãi sau này khi vào đạo Cao Đài tôi mới biết Đức Chí Tôn là Thầy. Khi tôi mật khấn xong, ngài điều khiển tôi day về hướng Tây để lạy. Tôi lấy làm lạ, hỏi anh Bảy thì bị anh la:
- Chú ưa tò mò sự việc Ơn Trên. Sư phụ muốn lạy đâu tùy ngài, chú thắc mắc làm chi!
Tôi không biết anh Bảy có hiểu chăng, nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ hướng Tây là nhà đạo huynh Mai Đăng Thiện (sau này là Đầu Họ Đạo thánh thất Trung Phước An) lúc đó trong nhà đạo huynh có thờ Thiên Nhãn.
Giữa tôi và anh Bảy tuy bề ngoài vẫn bình thường nhưng trong lòng sự bất đồng càng sâu hơn. Cho tới một hôm, tôi làm lễ xong thì theo sự điều khiển của sư phụ tôi bước ra sân, tới chỗ nồi hương thờ ngoại cảnh của anh Bảy, sư phụ ra lệnh cho tôi phải đập đi. Tôi vội thưa:
- Bạch sư phụ, đây là lư hương thờ ông nội của sư huynh; nếu con đập, anh em sẽ bất hòa nhau.
Sư phụ không nói gì, nhưng ngài khiến tôi nâng hai bàn tay lên, chặt mạnh xuống, cách lư nhang chừng mấy phân, rồi dẫn tôi vào lạy Phật và thăng.
Tôi vừa ngồi xuống ghế thì nghe tiếng anh Bảy hỏi to:
- Chú ở nhà làm lễ có chuyện gì không? Tôi chơi bên nhà anh Đ., nghe đầu như có ai lấy đinh đóng vào, tôi phải chạy về đây.
Ban đầu tôi giấu giếm, đáp tỉnh bơ :
- Chẳng có chi, em làm lễ bình thường mà.
Anh Bảy cứ tra hỏi mãi, giấu không được, tôi đành kể thật. Tức thì anh nổi nóng hét to:
- Tôi nói thật, dù sư phụ chú là ai, là ông Quan Thánh hay ông Phật mà đập nồi hương ngoại cảnh của tôi, nếu hiện hình tôi cũng cầm dao đâm chết.
Nghe xong tôi lạnh điếng người, bước ra về lòng buồn khôn xiết.
Đêm sau tôi vẫn đến làm lễ. Khi sư phụ về, ngài dạy:
Tâm thanh tịnh, Đạo Trời thanh tịnh,
Thế giới bình, tu chính là tâm.
Rồi ngài nghiêm cấm không cho tôi tới nhà anh Bảy nữa, để ngài đem tôi về chánh giáo tu hành. Tôi thưa:
- Bạch sư phụ, ở đó người ta cúng kính nghiêm trang. Con về, tay chân múa may động đậy, coi sao được.
- Sư phụ sẽ ở bên con. Còn thể xác tâm linh con do Đức Chí Tôn dẫn dắt, con đừng lo.
Nghe lời sư phụ, mấy hôm liền tôi không tới. Một buổi tối tôi la cà qua mấy gia đình tán dóc khoảng 9 giờ thì ra về. Không hiểu tại sao tôi không giữ nổi chân mình nên băng bộ xuống nhà anh Bảy. Tôi vào quỳ sau, phía trước là chị Ba đương làm lễ. Khi sư phụ nhập vào, ngài khiến tôi nắm chặt hai tay lại, cứ đầu mình đập liên hồi, tôi cam đành chịu trận cho đến khi sư phụ thăng.
Tất nhiên, tôi không dám tới anh Bảy nữa mà tìm đến nhà đạo huynh Mai Đăng Thiện kể qua sự tình và ngỏ ý xin vào Đạo. Đạo huynh vui vẻ và bảo tôi ráng chờ mấy ngày nữa bác Tùng Sử Quân trong Krong Bông ra sẽ làm lễ nhập môn cho tôi. Thời gian này tôi có thể xuống đây tập đọc kinh và đạo huynh cho mượn đạo phục để quỳ cúng.
Vì ban ngày đi lao động nên tối tôi mới xuống nói chuyện với đạo huynh, rồi cúng thời Tý, xong mới về.
Những đêm đầu, cứ quỳ cúng chừng được năm phút thì tay chân tôi bắt đầu ngọ nguậy. Tôi sợ quá phải tập trung nhìn vào Thiên Nhãn. Những lúc đó tôi thấy hào quang tỏa sáng và lòng tôi trở lại tịnh an. Tôi càng tin tưởng vào huyền diệu của Thầy, dù lúc đó tôi chưa là tín đồ chính thức.
Đợi mãi không thấy bác Tùng Sử Quân ra, tôi đương buồn thì dịp may Giáo Hữu Ngọc Dinh Thanh ở Hội Thánh Truyền Giáo vào thăm bổn đạo Buôn Trấp. Khi ngài ghé nhà người chị ở đây và thăm đạo huynh Mai Đăng Thiện, tôi và một số ít đạo hữu tìm đến vấn an. Tới hôm sau tôi được ngài làm lễ nhập môn. Tôi chỉ nhớ khoảng năm 1982.
Dù sư phụ đưa tôi về chánh đạo như ngài đã hứa nhưng bên đó “họ” chưa chịu buông tha. Tôi thường tranh thủ lao động cả buổi trưa để chiều về sớm đi dạo xóm. Rất mừng là lúc này bịnh háu đói không còn nữa.
Tôi thường đi chơi về trễ nên vợ con đều ngủ sớm. Lặng lẽ bưng đèn đến trước bếp, tôi lấy chén đũa ăn cơm. Bỗng nghe tiếng kêu văng vẳng, tôi nghĩ bụng: “Không lẽ Hai T. rủ ăn gì, sao không kêu sớm một tí.” Rồi tiếng kêu rõ hơn, tôi nghe được giọng của cháu V., đứa cháu ngoại của cô ruột tôi:
- Cậu Mười! Có ông gì nhập vào xác Ba H., cho gọi đệ tử Sang xuống.
Sang là tên tôi. Tôi đáp:
- Ừ, để cậu rửa tay thắp nhang đã.
Tôi nói vừa dứt lời thì tay chân bắt đầu rung. Vội vã thắp nhang, tôi bước ra sân chắp tay bắt ấn Tý, day về hướng Bắc xá ba xá, niệm hồng danh Thầy và khấn:
- Lạy Thầy, cho con xuống đó xem “họ” làm gì. Từ đây tới chết, con nguyện giữ trọn Đạo Thầy mà thôi.
Nhà cháu T. ở cách sau vườn nhà tôi độ năm mươi thước. Tôi vừa đi vừa niệm câu chú của Thầy không ngớt. Tới nơi, thấy Ba H. đương quỳ trước bàn thờ ông bà, tay múa may, đương nói gì tôi không dám nghe. Sợ bị phân tâm, tôi leo lên giường ngồi xếp bằng, tay bắt ấn Tý, miệng niệm hồng danh Thầy liên tục. Khoảng chừng mươi, mười lăm phút thì cảnh tượng lên đồng ấy mới dứt, Ba H. trở lại bình thường. Mấy đứa cháu xúm lại bên tôi hỏi:
- Sao “ổng” bảo đệ tử Sang quỳ mà chú không nghe?
- Chú có nghe nhưng sợ, không dám làm theo.
Từ đấy về sau chuyện nầy không còn xảy ra nữa.
Trong chuyến về quê thăm mẹ và các anh chị, tôi ghé nhà chị Hai T. ở Quán Gò. Trước năm 1975 chị tu giải thoát, nay về nhà may vá độ nhật và tiếp tục đường tu tịnh. Chị em vui vẻ chuyện trò, tôi hỏi chị có kinh điển hay thánh giáo cho tôi xin. Chị lục tìm hồi lâu rồi cho quyển Đại Thừa Chơn Giáo. Khi vào trong nầy tôi giở ra xem, tới bài Sắc Không Luận, hai câu đầu của thi bài khiến tôi vô cùng ngạc nhiên:
Đường chơn đạo tuy không mà có,
Pháp chánh truyền có đó hóa không.
Hồi trước, lúc giảng về tà chánh, sư phụ đã dạy cho tôi đọc thuộc lòng hai câu:
Đường tâm đạo tuy không mà có,
Pháp chánh truyền tuy có mà không.
Hai câu kinh và hai câu sư phụ dạy tuy khác nhau một số chữ, nhưng càng làm tôi tin tưởng Đạo Thầy nhiều hơn.
Có không ít huyền diệu mà Thiêng Liêng đã dành cho tôi. Tôi được bầu làm Thông Sự xã đạo Phước An; lúc đó đất nước mới hòa bình được mấy năm, Đăk Lăk chưa có thánh thất của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Ban Trị Sự chúng tôi hay đi cúng chẩn tế hoặc bạt độ âm nhân. Tôi rất tin tưởng vào pháp môn độ tử của Đạo Thầy, vì ngày xưa sư phụ dẫn tôi ra luyện pháp ngoài sân, tuy phía trước nhà anh Bảy, bên kia đường là nhà dân nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài khoảng trống mênh mông; mờ mờ trong màn sương đục tôi thấy không biết bao nhiêu là người xin ăn: già có, trẻ có, lớp ốm đau, lớp tàn tật mà người lành lặn cũng nhiều. Có điều, tuy đông đúc nhưng thật yên lặng, kẻ trước người sau vẫn trật tự đến lạ lùng, như có ai sắp xếp sẵn. Tôi không còn nhớ sư phụ đã làm gì, chỉ nhớ vỏn vẹn câu nói của Ngài:
- Các ngươi cố gắng phò trợ cho đệ tử ta tu hành. Sau này nó sẽ độ trì lại các ngươi.
Bây giờ viết lại những dòng này lòng tôi thấy hối hận và hổ thẹn vô cùng. Mấy chục năm trời theo Đạo, tôi chẳng làm nên công cán gì. Dù họ đạo và nhân sanh tin tưởng, giúp đỡ, nhưng tôi không dám bước lên. Vì ngại khó khăn, vì tham công tiếc việc, tôi chẳng chịu hy sinh. Phần công truyền chỉ ngần ấy, còn về tâm pháp cũng chẳng khá hơn. Năm năm mươi tuổi tôi thọ Tâm Châu, sau mấy lần xin lên không được, tôi lại làm ngơ luôn. Bây giờ bệnh tật giày vò, đến nỗi muốn công phu cũng thấy khó khăn, lòng tôi hối tiếc khôn cùng vì đã phụ công dìu dẫn của Ơn Trên, phụ lòng từ bi che chở của Thầy, làm sao trọn được lời nguyền khi về với chánh đạo: “Con xin tu kỷ độ tha và nguyện trả xong nghiệp chướng.”
Đây là những việc có thật trong đời tu của tôi. Mong rằng khi xem xong, chư huynh tỷ gắng nung chí tu hành, hy sinh phụng sự Đạo Thầy, dựng xây Giáo Hội để nương vị lập vị, chớ đừng mượn cớ nọ kia mà tranh đua. Gắng lo tu tâm sửa tánh, thong dong chờ đón ngày về. Đừng chần chờ như tôi, uổng phí một đời mà không được tích sự gì. Vì như lời Ơn Trên dạy, chép trong Thánh Truyền Trung Hưng:
* Thiệt tu tai nạn chẳng gần,
Thiệt lòng vì Đạo, Thánh Thần hộ cho.
* Có gan góc mới tầm được Đạo,
Có từ bi mới tạo nên Tiên...
Cũng đừng nói mình không có căn duyên nên chẳng tu được, vì ngày xưa sư phụ vô hình từng dạy tôi: “Dù con có thiện có căn, mà không tu cũng kể bằng như không. Con đừng nằm dưới gốc sung mà chờ sung rụng.”
TRẦN DÃ SƠN
NÓI THÊM
Câu chuyện trên đây trích trong Đạo Uyển Xuân 2018 (Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2018, tr. 43-60).
Hiền huynh Trần Dã Sơn (bút danh của Trần Văn Sang) là một bạn thơ rất quen thuộc với bạn đọc Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Câu chuyện này huynh viết tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lắc) ngày 26-3-2017. Qua hồi ức của huynh, chúng ta có thể rút ra được ít nhiều lý đạo huyền nhiệm:
Vị sư phụ vô hình của huynh Dã Sơn lúc còn tại thế là một nhà sư. Do có duyên với huynh nên chơn linh vị sư này gắng công độ dẫn huynh tìm tới chánh pháp. Thuở còn sống, vị sư ấy có lẽ đã biết sự hiện hữu của đạo Cao Đài; nhưng phải đợi đến khi trút bỏ xác phàm, chơn linh vị sư mới ngộ ra sứ mạng của tôn giáo mới này trong Tam Kỳ Phổ Độ, bởi thế nhà sư vô hình đã dẫn dắt huynh Dã Sơn vào đạo Cao Đài thay vì quy y cửa Phật.
Chúng ta lại hiểu thêm rằng chơn linh vị sư ấy vẫn đang tiếp tục tu hành trong cõi vô hình. Việc dắt dẫn huynh Dã Sơn vào đạo Cao Đài còn là cách vị ấy làm công quả cho mình, bởi lẽ trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, dù hữu hình hay vô hình, ai ai cũng phải tùy duyên mà ráo riết lo làm công quả. Riêng công quả giúp người tìm tới chánh đạo là to tát hơn cả. Thánh giáo từng dạy chúng ta như thế.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.