KHỔ NẠN VÀ HỒNG ÂN
NGUYỄN THANH TẢI
Tôi
sinh ra trong một gia đình mà cha mẹ tôi đều tu đạo Cao Đài. Cha tôi là Dự Thiện,([1]) mẹ tôi là tín đồ ăn chay sáu ngày vì thế tôi
trở thành người tín đồ Cao Đài từ lúc nhỏ. Có phải đây là nhân duyên tôi trở
thành môn sinh nhà đạo Kỳ Ba chăng? Và đúng như vậy thì việc giữ đạo và sống đạo
ra làm sao?
Tôi xin
kể lại những gì đã xảy ra trên đoạn đường đời mà tôi đã trải qua.
Nhớ lại
lúc nhỏ, mỗi lần cha tôi đi Thiên Bàn ([2]) hay thánh thất tôi được cha dẫn theo tập lễ
bái, học kinh, học cúng, tôi trở thành đồng nhi lễ năm mười hai tuổi.
Chiến tranh
ập về, màn đen bao trùm phủ kín cả cuộc đời tôi. Cha tôi ra đi vào một buổi mai
trời đổ mưa rả rích, gió đông lạnh với bộ cánh màu chàm đã cũ, và choàng một
tấm vải mưa màu xanh lá cây vừa tới lưng quần, theo sau có hai người cầm vũ khí.
Họ nói rằng cha tôi được đưa đi cải tạo. Lúc ấy, tôi chẳng biết cải tạo là gì
nhưng kể từ đó cha tôi không trở về nhà nữa. Mấy năm sau có người đến báo rằng
cha tôi đã chết vì bệnh thủng.
Ba mẹ con
ôm nhau khóc... Thế là mẹ tôi mất chồng, anh em tôi mồ côi cha. Mẹ tôi vò võ
nuôi hai chúng tôi. Em tôi nhỏ hơn tôi ba tuổi. Mẹ thay cha làm lụng vất vả để có cái ăn cái mặc
cho gia đình. Đêm phải ngủ hầm, có ngày phải chạy hai, ba lượt để trốn máy bay.
Sống trong chiến tranh là vậy, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, lo âu vì bệnh tật, đạn
bom, chết chóc.
Thế mà
cái sợ hãi đó cũng chẳng tránh khỏi. Một buổi sáng tháng Chín, tôi đi chăn bò
trên núi, thì biến cố gia đình đã xảy ra. Mẹ tôi phải bỏ lại chúng tôi vì một
trận pháo dữ dội. Nhà nát tan, mẹ tôi trúng mảnh pháo vào chỗ quá nghiệt nên
đột ngột từ giã cõi đời. Khi tôi chạy về thì hỡi ơi, nhà tan, mẹ chết, cảnh đau
thương lên đến cùng tột! Tôi chỉ biết khóc, dỗ em tôi, còn bà con năm, bảy
người chạy tới trong hoang mang, sợ hãi, an ủi chúng tôi và lo hậu sự cho mẹ
tôi. Mẹ tôi đi vào lòng đất lạnh với bốn mảnh ván mà anh em tôi thường nằm, lúc
này ghép lại làm chiếc quan tài mà không có mảnh vải nào quàng lấy mảnh thân.
Mẹ tôi
không còn nữa, cảnh mồ côi lại chồng lên đầu anh em tôi. Từ đó anh em tôi sống
với gia đình vị Chánh Trị Sự ở cạnh xóm. Tôi về lập một bàn thờ để thờ mẹ tôi
trong một góc nhà hoang nát theo hướng dẫn của vị Chánh Trị Sự xã đạo. Anh em
tôi nấu cơm cúng mẹ tôi hằng bữa. Tôi về thánh thất cúng cửu. Suốt chín tuần
cửu, anh em tôi ăn chay tám mươi mốt ngày để báo hiếu.
Một biến
cố nữa lại xảy đến. Giữa trưa tháng 11 năm 1967, khi chúng tôi chuẩn bị bữa cơm
trưa thì bỗng có tiếng súng nổ gần. Mọi người chạy trốn, nói: “Có càn quét!” Vì quá sợ, thấy người
chạy, tôi cũng chạy. Em tôi là con gái yếu ớt, có người bảo đừng chạy, hãy ở
nhà. Em tôi vâng lời.
Lính
hành quân ập vào. Nhà còn lại hai con bò mà cha tôi giữ rẽ để kiếm lời nuôi
chúng tôi, họ đã dắt đi, lại còn bắt em tôi đi luôn về căn cứ quân sự ở trung
tâm huyện lỵ cách xa mười mấy cây số.
Khi im
tiếng súng, tôi theo mọi người về lại nhà thì bò cũng như em tôi đã đi xa. Vì
thương em, tôi quyết định đi tìm em. Cách đó mấy ngày sau, tôi phiêu lưu băng
bộ hướng đến căn cứ quân sự theo người ta chỉ bảo. Một ngày ròng rã, tôi tìm
tới nơi, ngỡ rằng sẽ gặp được em mình nào ngờ lại bị bắt nhốt vào trại. Họ cho
rằng tôi nghe lời cộng sản. Họ tra hỏi đủ điều nhưng thấy tôi thật tình và thơ
ngây nên ba ngày sau được thả tự do nhưng vẫn ở trong căn cứ phục vụ quét dọn,
sai vặt...
Thời
gian ở đây, ăn uống rất thoải mái, có đủ các loại thịt, cá, cơm trắng... Nhưng
bữa nào tôi cũng xin xì dầu ăn cơm, nếu không có xì dầu thì tôi xin muối hầm.
Thấy vậy có người hỏi, tôi trả lời là ăn chay tám mươi mốt ngày theo đạo Cao
Đài để báo hiếu cho mẹ. Nhiều người bảo hãy ăn thịt cá vào, đừng nghe theo tầm
bậy... Nhưng tôi vẫn thế, hết ngày này qua ngày khác.
Một buổi
sáng, có một người cao cao dáng gầy, mặc bộ quân phục rằn ri đến gặp tôi và bảo
rằng vài hôm nữa sẽ được ra khỏi căn cứ và về làm con nuôi người đạo Cao Đài.
Lúc này tôi chẳng biết nói gì, chẳng biết vui hay buồn, mừng hay lo lắng. Điều
tôi quan tâm là làm sao gặp em tôi, và tìm lại bò để đem về. Tôi quay mặt bước
đi, đôi mắt rưng rưng, nước mắt chảy ròng ròng xuống đôi môi nghe mằn mặn...
Đêm hôm
sau, khi ăn cơm tối xong, tôi được gọi đến một phòng nhỏ gặp một người lính to
cao mặc quân phục, oai vệ nói giọng Huế. Ông bảo: “Ngày mai cho ra trại.” Vốn
sợ sệt, tôi vòng tay chỉ biết “dạ” mà không có một lời nào khác. Tôi ra khỏi phòng,
về lại chỗ ngủ thao thức mãi rồi không biết ngủ thiếp khi nào.
Khi tôi thức
dậy, ánh sáng mặt trời đã chiếu qua các ô cửa của phòng. Người lính gặp tôi hôm
nọ với chiếc xe đạp dàn đầm dựng phía ngoài cửa. Thấy tôi, anh vội bước vào nắm
tay tôi dắt ra và nói: “Hãy theo anh!” Tôi ngoan ngoãn bước theo và lên xe mà
không biết mình sẽ đi về đâu...
Anh chở
tôi tới một ngôi nhà, trước cổng ngõ có tấm bảng hiệu kẽ chữ đỏ: Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hội Thánh Truyền Giáo
Cao Đài. Anh bảo: “Nhà mình đây!”
Tại đây,
tôi gặp hai ông bà hiền từ, mặc bộ đồ trắng vui vẻ hỏi mấy câu: “Cha mẹ thế
nào? Con năm nay bao nhiêu tuổi ? Anh chị em như thế nào?...” Tôi lần lượt trả
lời trong lo âu, bối rối.
Nhưng
rồi tôi cũng quen dần, thích nghi dần với nếp sống tại đây. Tôi được chỉ bảo
các công việc cụ thể như quét dọn sân nhà, nấu nước cúng, soạn cúng, đánh
chuông cúng. Tôi gọi hai ông bà bằng bác. Ai vào thấy tôi, hay hỏi: “Cháu nào đây?” Ông bà nói là con nuôi.
Ông bà ăn chay trường vì là Chánh Trị Sự. Đến bữa tôi ngồi ăn chung với ông bà.
Thấy vậy, ông hỏi: “Con ăn chay theo hai bác có nổi không?” Tôi đáp: “Thưa bác,
con ăn chay tám mươi mốt ngày cho mẹ. Con ăn nổi.”
Từ đó
tôi được gia đình quý mến như con trong gia đình và tôi cũng chăm lo hoàn thành
các công việc được giao. Tôi được
bà may cho bộ đồ lễ. Thỉnh thoảng tôi được ông dẫn đi chùa cúng cầu siêu. Tôi thường
theo sau và tay xách chiếc cặp da.
Ngày
chung cửu của mẹ tôi gần đến, tôi rất lo lắng và buồn. Đôi lúc tôi khóc một
mình vì không biết phải làm sao. Thấy vậy ông hỏi. Tôi bèn trình bày đầu đuôi
câu chuyện...
Sáng hôm
ấy là ngày 17 tháng 9 năm 1968, ông bảo tôi: “Ngày mai ra thánh thất cúng cửu
cho mẹ con và sẽ gặp em con luôn ở đó.” Tôi mừng run lên và “dạ” mà không biết
thực hư sẽ như thế nào. Đêm hôm ấy tôi ngủ không được. Thời gian sao mà dài hơn
mọi đêm! Tôi trông trời sáng.
Tôi nằm
mơ màng, bỗng nghe có tiếng người đi ngoài đường. Tôi vùng dậy đi đánh răng,
súc miệng, thực hiện một số công việc như mọi ngày đâu vào đó. Ông gọi, bảo: “Chuẩn bị rồi đi.” Tôi dạ.
Ông đi
trước. Tôi theo sau, xách chiếc cặp như thường lệ, đi một mạch đến thánh thất.
Có năm, bảy người đã ở đó. Kẻ nấu ở bếp, người dọn ở nhà Báo Ân, người ở nhà thánh.
Ở chính giữa nhà Báo Ân kê một cái bàn thấp hơn có bày hoa quả. Tôi nhìn trong
ngoài, tìm kiếm trên dưới. Tôi thấy chẳng có chút nào hy vọng gặp lại em tôi
như ông nói hôm qua.
Tôi đang suy nghĩ bỗng từ ngoài cổng có hai người đi vào, một già, một trẻ. Người tôi biết chính xác là em tôi, vẫn dáng nhỏ, gầy. Vừa thấy tôi, em vội chạy tới trước, ôm
lấy tôi và khóc nức nở. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Mọi người nhìn thấy,
ai cũng cảm động.
Khi hỏi
ra mới biết em tôi được người cháu của bà Phó Trị Sự là một quân nhân đem về
làm con nuôi, nhưng khi biết tình cảnh em tôi là người đạo, bà đã xin về ở cùng
bà vì bà không con.
Hai anh
em tôi quỳ cúng nơi Điện Thầy qua lễ chung cửu, rồi cúng vong tại nhà Báo Ân. Lòng
tôi thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc vô cùng vì tôi nhận ra rằng chỉ có môi trường
sống cùng anh em đồng đạo mới được như vầy. Rồi lễ cúng tiểu tường, đại tường
cũng diễn ra như thế.
Cách một
năm sau, tôi được bác lập khai sinh lại và làm giấy tờ hợp lệ cho tôi vào
trường, học lớp Năm. Tôi vui mừng. Ở trường tôi ra sức học tập, ở nhà tôi ra
công làm việc chăm chỉ.
Sự êm ả
đó chẳng được bao lâu. Đầu năm 1972 chiến sự diễn ra ở Tiên Phước.([3]) Những quả đạn pháo nổ chát chúa, cảnh hoảng
loạn ập đến với mọi người nơi đây. Gia đình ông bà gồm năm người trong đó
có tôi phải gồng gánh chạy bộ, leo đèo vượt núi với quãng đường hai mươi lăm
cây số xuống Tam Kỳ ([4]) lánh nạn cùng mọi người.
Đạo hữu
Cao Đài được tập trung về thánh đường Quảng Tín ([5]) và được sự giúp đỡ của tỉnh đạo Quảng Tín,
đứng đầu là Giáo Sư Thái Phẩm Thanh. Chúng tôi ăn ở tại đây hơn một tháng thì
quê hương Tiên Phước tạm yên tiếng súng, cảnh an bình được lập lại. Gia đình
hai ông bà trở về quê cùng mọi người, riêng tôi quyết định xin ông bà ở lại tại
tỉnh đạo lập công tu học. Được ông bà chấp thuận, nhất là bác Giáo Sư thương
tình giúp đỡ, tôi yên tâm sống và làm việc tại đây. Một buổi làm ở tại trại gỗ,
xẻ gỗ, bốc gỗ, bán gỗ cùng một số anh em. Một buổi tỉnh đạo cho đi học văn hóa
tại trường tư thục Hưng Đạo. Thời gian còn lại lo cúng kính tu học.
Sau
tháng Tư năm 1975, hầu hết những người trong tỉnh đạo xin về quê sinh sống. Cuộc
sống ở đây khó khăn dần, bởi ruộng đất bị chính quyền trưng thu, trại gỗ ngưng
hoạt động. Một số anh em tình nguyện ở lại trong đó có tôi, sáng ra cùng bác
Giáo Sư với chiếc xe bò chở cuốc xẻng, thức ăn cộc cạch kéo lên tận khu vực
nghĩa địa ở Tam Thái vỡ đất trồng khoai, đậu. Chiều tối mới về tỉnh đạo.
Thời
gian này nơi quê nhà, em tôi đang sống với bà cô ruột tuổi đã bảy mươi, cuộc
sống quá khó khăn, làm hợp tác, ăn công điểm. Buộc lòng tôi phải về quê sinh
sống giúp đỡ cô và em tôi. Nhờ vào mảnh vườn có chè, thơm, mít, mấy sào đất
trồng khoai củ, cái ăn cái mặc dần dần tạm ổn. Tôi quyết định tiếp tục học lại
chương trình lớp Mười Một đang dang dở, và tôi đã tốt nghiệp phổ thông trung
học năm 1980. Sau đó tôi lấy vợ, cũng người đạo Cao Đài, làm cô giáo.
Vợ đi
dạy, chồng làm nông nuôi con nhỏ, cuộc sống đời thường khó khăn, bận rộn. Với
vai trò Trưởng Ban Phổ Tế tại họ đạo Khánh Vân,([6]) tôi còn thêm phần sinh hoạt đạo sự vào các
ngày sóc vọng, cầu siêu, tang tế.
Thời
gian này, vợ chồng tôi sinh được hai con trai. Năm 1983 cô tôi qua đời với phẩm
vị Phó Trị Sự.
Một biến
cố lớn lại xảy đến với chúng tôi. Vào buổi trưa 17 tháng 7 năm Ất Sửu (1985)
một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ gia sản của chúng tôi, nhưng ân phước lớn
là hai con nhỏ của chúng tôi thoát nạn.
Chúng
tôi lại trắng tay. Vợ tôi hằng đêm ôm con khóc nhiều. Bà con hàng xóm thương
tình, kẻ cây tre, người tấm tranh đem đến, che lợp cho chúng tôi một túp lều đủ
kê một chiếc giường cho bốn chúng tôi trú nắng mưa qua cơn khốn khổ. Đạo hữu,
bạn bè cũng xót xa chia sẻ, an ủi. Kẻ nắm gạo, người chiếc nồi, chén, đũa.
Điều xúc
động nhất mà mỗi lần nhắc tới tôi đều không cầm được nước mắt. Đó là hình bóng bác
Giáo Sư Thái Phẩm Thanh đến thăm chúng tôi giữa tiết trời tháng 7 nóng
bức với chiếc xe đạp dàn đầm sơn màu trắng. Trên xe bác chở một can dầu phộng cỡ
năm lít và một cái bao lát trắng đựng mấy chục lon gạo để cho tôi.
Tôi ngỡ
ngàng cảm động tiếp bác trong cảnh hoang tàn đổ nát vì lửa không có chỗ ngồi. Nắm
lấy tay tôi, với giọng ấm áp, ôn tồn, bác trìu mến bảo: “Mọi việc đều có Thầy
sắp xếp, con ráng tu.”
Tôi cúi
đầu “dạ” và thấy cổ họng mình nghẹn ngào, thấy lòng
mình dịu mát dù giữa tiết trời nóng bức. Nghẹn ngào vì sự quan tâm của một anh
lớn đối với một em nhỏ, khi nghĩ lại mình chưa có công đức gì. Nghe lòng dịu
mát vì bàn tay mát rượi của bác, giọng nói hiền từ, ánh mắt thân thương của bác
đi vào tận đáy lòng. Bác quay ra không kịp nghỉ, chỉ uống một ly nước chè xanh,
rồi ra về với chiếc xe đạp, phải vượt qua gần ba mươi cây số.
Thế là
tất cả phải làm lại từ đầu. Năm tháng qua đi, vượt qua những nỗi khổ, sống nhờ
vào đồng lương của vợ, ngày đêm tôi vừa ra sức lao động làm ra của cải vật
chất, vừa ra sức tu học theo lời dặn dò của bác Giáo Sư để nuôi dưỡng tinh thần,
cộng với sự giúp đỡ của bà con, bạn bè, đạo hữu.
Ba năm
sau tôi đã làm lại nhà chính bằng gỗ, xây gạch, nhà bếp bằng tre có nơi ăn chốn
ngủ. Tôi bàn với vợ phải thờ Thầy; vợ tôi đồng ý. Thế là nhà tôi thờ Thầy từ năm
1988; tôi nguyện ăn chay mười ngày mỗi tháng.
Hai năm
sau, tôi thọ Tướng Châu vì lúc ấy không truyền Linh Châu. Tôi chẳng hiểu vì sao;
ở họ đạo tôi, ai cũng vậy. Sau đó, tôi được họ đạo cử đi tham gia học lớp Hưng
Đức I tại Trung Hưng Bửu Tòa. Sau ngày tốt nghiệp tôi được nhân sanh thương yêu
tín nhiệm, Hội Thánh tin dùng nên tôi được cử làm Chánh Trị Sự và bầu vào Ban
Cai Quản lần thứ hai, làm Trưởng Ban Phổ Tế của họ đạo.
Tôi còn
kiêm nhiệm Chánh Trị Sự xã đạo Đồng Nga - Tả Lâm. Tại đây bổn đạo chỉ vỏn vẹn mười
gia đình, nhưng tôi đã cùng mọi người ra công góp sức xây dựng được ngôi nhà
cấp bốn để làm nhà thánh hầu bổn đạo có nơi thờ phượng, lễ bái.
Năm
2016, tôi được họ đạo cử đi tham gia học lớp Hưng Đức hệ Hoằng Giáo. Hiện nay
tôi đã nguyện trường trai. Với nguyện vọng tham gia hành đạo, tôi tham gia hàng
ngũ Phổ Tế điều phối tại Quảng Nam.
Vợ tôi
đã nghỉ hưu, thọ Tướng Châu, ăn chay mười ngày mỗi tháng, được nhân sanh đề cử làm
Chánh Trị Sự xã đạo Đồng Nga - Tả Lâm, kiêm nhiệm Thư Ký Văn Phòng Nữ Phái và
là Thủ Quỹ của họ đạo. Vợ tôi còn được tham gia vào đoàn Phổ Tế Lưu Động của
Hội Thánh và cũng được Ban Đại Diện Hội Thánh tại Quảng Nam mời tham gia đoàn
Phổ Tế theo chương trình điều phối công tác Phổ Tế.
Các con
tôi đã trưởng thành. Cả ba đều tốt nghiệp đại học, ra trường có công việc làm
ổn định, dù đi làm xa nhưng quy giới vẹn gìn. Một điều đáng mừng nhất là các
con, các cháu nội của chúng tôi đều được thực hiện đúng theo pháp Đạo: sinh
nhật, tắm thánh, thành nhân... Các con tôi sống và làm việc giữa thời kỳ vật
chất câu nhử nhưng không sa ngã, hư hỏng.
Kể lại câu
chuyện rất thực trên đây, tôi vẫn chưa nói hết được những ngõ ngách của quá
trình bản thân giữ đạo và sống đạo, với những nỗi buồn, những niềm vui của một
thời đã sống. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi vẫn hạnh phúc vì tôi là người có
nhân duyên với đạo Cao Đài, đã vượt qua biết bao thử thách. Bây giờ tôi vẫn
sống, trên có Thầy, dưới có vòng tay thương yêu của đồng đạo. Cuộc đời tôi mai
sau dài ngắn thế nào, dẫu còn thử thách thế nào đi nữa, tôi vẫn tâm nguyện:
Mặc cho ma quỷ cản ngăn,
NGUYỄN THANH TẢI
► NÓI THÊM
Hồi ức trên đây đăng Sống Đạo, tập Đinh Dậu 2017-6, tr. 35-41, do Hội Thánh Truyền Giáo
Cao Đài ấn tống, liên kết Nxb Tôn Giáo (Hà Nội 2017).
Con đường đời vốn không suôn sẻ của huynh
Nguyễn Thanh Tải rốt cuộc đã làm chứng cho lời dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh
Chơn (14-7-1973): Lòng con tin Đấng Cao Đài
/ Đạo đời Trời sẽ an bài cho con.
([1]) Cơ Quan Phước Thiện
của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có chín phẩm từ thấp lên cao như sau: Dự Thiện,
Thính Thiện, Hành Thiện, Giáo Thiện, Phục Thiện, Đạt Thiện, Thuần Thiện, Chơn
Thiện, Chí Thiện.
([2]) Mỗi họ đạo thuộc Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài có các xã đạo. Mỗi xã đạo (đứng đầu là Chánh Trị Sự) có
một thánh xá. Trước kia, miền Trung còn nhiều khó khăn, ít người lập được Thiên
Bàn thờ Thầy tại nhà, vì vậy đạo hữu thường tập trung về Thiên Bàn của thánh xá
trong xã đạo để lễ bái. Khi ấy, đạo hữu quen nói tắt là về Thiên Bàn.
([7]) Đức Tổng Lý Hưng Đạo,
thánh thất Ngọc Linh Đài, ngày 02-5 Mậu Tuất (Thứ Tư 18-6-1958).
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.