Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

2 BA LẦN NẰM MỘNG (CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI)



BA LẦN NẰM MỘNG
HUỆ KHẢI
Vị Tổng Lý Minh Đạo đầu tiên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam là đạo trưởng Huệ Lưong (Trần Văn Quế). Ngài đồng thời là Vĩnh Tịnh Sư tại Minh Lý Thánh Hội (Minh Lý Đạo, với ngôi Tam Tông Miếu), và cũng là Ngọc Chánh Phối Sư, Chủ Trưởng Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (với Trung Hưng Bửu Tòa ở Đà Nẵng).
Quy thiên ngày 14-10 Canh Thân (Thứ Năm 21-11-1980), đắc quả Quảng Đức Chơn Tiên ngày 07-6 Tân Dậu (Thứ Tư 08-7-1981), ngài giáng cơ tại Tam Tông Miếu và nhắc đến ba nơi nói trên như sau:
Trung Hưng, Minh Lý, Cơ Quan
Tuy ba mà một chu toàn đồng thân.
Ngài Trần Văn Quế sanh trưởng trong một gia đình trung lưu tại làng Phước Long, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa (ngày nay Long Thành là huyện, thuộc tỉnh Đồng Nai). Song thân ngài là ông Trần Văn Được và bà Nguyễn Thị Là. Hai vị sanh được năm trai, ba gái. Ngài Quế là áp út, chào đời ngày Thứ Tư 14-5-1902 (07-4 Nhâm Dần),([1]) nhưng giấy khai sanh ghi ngày 01-11-1902, có lẽ vì ngày xưa các trẻ thường được làm khai sanh muộn.
Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ đại ân xá, huyền cơ diệu bút Cao Đài thường hé lộ nhiều bí mật huyền vi của Tạo Hóa để giúp chúng sanh khởi phát đức tin, mộ đạo tìm tu cho kịp thoát khỏi cuộc sàng sảy thảm thiết khắp cả hoàn cầu vào buổi hạ nguơn mạt kiếp. Cũng chính nhờ cơ bút Cao Đài mà chúng ta biết rằng ngài Quế sanh vào gia đình họ Trần là một đại hạnh nhân duyên cho cha ngài (tiếc rằng chúng ta chưa được biết về mẹ ngài).
Thật vậy, một đàn cơ được lập Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam vào giờ Tuất ngày 10-6 Tân Hợi (Thứ Bảy 31-7-1971); bấy giờ có ngài Tổng Lý Minh Đạo Huệ Lương hầu đàn. Hôm ấy, thân phụ ngài Huệ Lương đắc quả Vĩnh Thọ Đạo Nhơn giáng cơ, xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ:
VĨNH viễn xa lìa chốn thế gian
THỌ truyền bí pháp tại Tiên bang
ĐẠO mầu luyện đắc thần thông quyết
NHƠN sự có chi chẳng vẹn toàn.
VĨNH THỌ ĐẠO NHƠN
“Chào chư hiền hữu. Chào chư hiền muội. Mừng nhục tử Huệ Lương.
Một sự bất ngờ hôm nay nhục tử lại gặp Lão đây mà từ lâu không bao giờ ngờ được, có phải vậy chăng?
Trải qua mấy trăm năm đã nhiều công tích đức tu chơn, một kiếp chót mới hạ sanh Quế tử để làm một nấc thang cho Lão ngày nay được chứng vị nơi cõi Thiêng Liêng. Tuy là ở hàng Đạo Nhơn chớ không còn phải luân hồi chuyển kiếp nữa.”
Đoạn thánh giáo dẫn trên quả thật đã vén màn Thiên cơ bí mật, cho biết rằng nhờ “mấy trăm năm đã nhiều công tích đức tu chơn” nên đến kiếp chót đầu thai làm người Việt Nam ở một làng quê mộc mạc vào đầu thế kỷ 20, ngài Trần Văn Được có đủ đại hạnh nhân duyên mà sanh ra con trai là Trần Văn Quế, “để làm một nấc thang” giúp ngài bước lên phẩm vị Đạo Nhơn, và “không còn phải luân hồi chuyển kiếp nữa”.
Tại sao nhờ sanh được con trai là Quế mà ngài Trần Văn Được lại hạnh hưởng quả lành thiện báo vô giá như thế nơi cõi thiêng liêng hằng sống?
Bởi vì ngài Trần Văn Quế chính là một trong các đại sứ đồ hy hữu của Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế.
Thật vậy, tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, vào giờ Ngọ ngày 09-01 Quý Sửu (Chủ Nhật 11-02-1973), “thừa sắc lịnh Ngọc Hư Cung, chiếu đề nghị của Công Đồng Tam Giáo, chiếu sớ biểu của Hội Đồng Tiền Khai Đại Đạo”, Đức Nhứt Trấn Oai Nghiêm Lý Thái Bạch, Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đã lâm đàn “tuyên dương công trạng” của Phối Sư Trần Văn Quế gồm tám điểm như sau:
“1. Đã nhứt tâm, nhứt đức trọn vẹn lòng tin, phụng thừa Thiên mạng truyền bá giáo lý Thiên Đạo khắp ba miền Nam Trung Bắc.
2. Đã có tinh thần hòa đồng với quan niệm Tam Giáo Đồng Nguyên, Vạn Giáo Nhứt Lý.
3. Đã có tinh thần hòa đồng với tôn giáo bạn, không phân biệt màu sắc dị đồng tín ngưỡng và phương tiện truyền giáo cũng như hành lễ.
4. Đã thiết tha với ý niệm nhân loại đại đồng, hoài bão tình huynh đệ nơi thế gian sẽ có ngày như tình linh sơn cốt nhục, đồng thọ huyết thống một nguồn cội tối linh.
5. Đã hoài bão và mong thực hiện tình thương yêu dân tộc không phân biệt địa phương Nam Trung Bắc, hoài vọng ngày thống nhứt đất nước trong tình huynh đệ Lạc Hồng, giữ vững non sông bản đồ chữ S về phương diện nhân sanh thế đạo.
6. Hoài bão xây dựng một thế hệ trẻ trung, mầm non tiếp nối đời sống tâm linh thánh thiện theo luật tiền tấn hậu kế, tre tàn măng mọc trong tinh thần huynh đệ đại đồng trong mai hậu.
7. Đã nhứt tâm nhứt đức đặt trọn đời mình trong khoảng thời gian còn lại trong sứ mạng thế Thiên hành hóa độ dẫn nhơn sanh trên đường tu học.
8. Hoài bão xây dựng một Hội Thánh Đại Đạo duy nhứt để truyền bá giáo lý tối thượng khắp nơi.”
Hơn tám năm sau lần tuyên dương công trạng dẫn trên, vào ngày 07-6 Tân Dậu (Thứ Tư 08-7-1981), lâm đàn tại Tam Tông Miếu (Minh Lý Thánh Hội), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Trần Văn Quế là một nguyên căn xin Thầy nguyện xuống thánh địa Việt Nam lập công hành đạo, phò trì chánh pháp. Trải qua thời gian năm mươi bốn năm, một lòng chung thỉ với Đạo, kham nhiệm quyền pháp từ dưới lên trên, làm tròn bổn phận Lễ Sanh, rồi nhờ công hạnh siêng cần, Thầy ban cho Giáo Hữu, thăng phong Giáo Sư, công dày chí lớn nên được vào hàng sứ mạng thọ phong Phối Sư đến Ngọc Chánh Phối Sư kiêm Chủ Trưởng Truyền Giáo, Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan.”
Qua các thánh giáo dẫn trên, rõ ràng ngài Huệ Lương (Trần Văn Quế) có Thiên mạng và đạo nghiệp rất kỳ vĩ trong các bậc đại sứ đồ Cao Đài. Tuy nhiên, thuở thanh niên vì đã tu theo đạo Phật, nên ngài Quế không chịu nhập môn Cao Đài theo lời khuyên nhủ của mẹ và bào huynh, vì sợ rằng “sẽ mang tội phản sư”. Đây cũng chính là lời ngài giải thích với ông Trần Văn Tồn.
Do đó, để dắt dẫn bậc nguyên căn làm tròn đại nguyện thế Thiên hành hóa trước khi giã từ cõi trời bước xuống thế gian, Ơn Trên đã mượn ba giấc chiêm bao để độ thầy giáo Quế bước vào chánh pháp Cao Đài.
Căn cứ tự thuật viết tay (55 trang A4) của ngài Huệ Lương nhan đề “Tiểu sử đời tu hành của ông Trần Văn Quế, đạo hiệu Huệ Lương”, là bản lưu trữ của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài;([2]) đồng thời tham khảo các ghi chép của Ban Đặc Chương thuộc Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, chúng ta có thể khái quát con đường tâm linh của ngài Trần Văn Quế từ thuở ấu thơ tới khi trưởng thành qua một số điểm mốc như sau:
1. Thuở bé ở làng
Năm 1908, cậu Quế và người anh thứ tư là Trần Văn Tồn cùng học chữ Nho với cựu Hội Đồng Địa Hạt (conseiller provincial) kiêm đông y sĩ Trương Văn Thuần làm chủ tiệm thuốc Nam Thới Lai ở quận Long Thành.
Cậu Quế (bảy tuổi ta) thích bắt chước người lớn cúng tế và chơi trò làm đám tang, chôn xác các con vật nhỏ như thằn lằn, dán, dế… chẳng hạn. Trong nhà, cậu vào kẹt vựa lúa làm một cái tran nhỏ thờ Phật, tự viết hai chữ Nho 佛祖 (Phật Tổ) làm linh vị, dùng một cái chân đèn bằng đồng treo lên làm chuông. Hằng ngày cậu tới đó cúng bái, do đó thường bị cha mắng: “Sao mày không lo học! Muốn làm thầy chùa lắm sao?”
Người anh thứ tư là Trần Văn Tồn bèn bảo cậu Quế dẹp tran thờ Phật, rồi giúp em lập tran thờ Đức Khổng Tử ở cạnh bàn thờ gia tiên, với linh vị viết hai chữ Nho 聖人 (Thánh Nhơn). Cha cậu cũng bằng lòng, cho phép hai anh em làm như thế.
2. Đi học ở Biên Hòa rồi lên Sài Gòn
Năm 1916, mười lăm tuổi ta, cậu Quế học lớp Nhì (cours moyen) ở trường tỉnh Biên Hòa. Lúc nghỉ hè, cậu hay rủ bạn học cũ hoặc bạn cùng trang lứa trong làng đi vào đám rừng chồi phát cỏ, chặt cây dựng chòi để làm chỗ cúng bái nhưng thật sự chẳng biết thờ vị nào cả.
Năm 1923, hai mươi hai tuổi ta, đang học lớp Tú Tài bổn quốc (Baccalauréat local) tại trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn, cậu học trò Trần Văn Quế được một người bạn tặng quyển Tây Qui Trực Chỉ do Trần Phong Sắc dịch.
Tây Qui Trực Chỉ 西歸直指 do cư sĩ đời nhà Thanh là Chu An Sĩ 周安士 (1656-1739) biên soạn, mục đích khuyên bá tánh niệm Phật cầu vãng sanh vào cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.
Bản dịch của Trần Phong Sắc (thế danh Trần Đình Diệm, người làng Tân An, tỉnh Tân An) nhan đề Tây Qui Trực Chỉ (Prières bouddhiques), dày 152 trang, ban đầu in tại nhà in Union (Sài Gòn 1927), sau đó tái bản tại nhà in Xưa Nay (Sài Gòn 1929).
Nhờ sách Tây Qui Trực Chỉ, cậu Quế hiểu biết về pháp môn tịnh độ, thấy thích hợp cho hàng cư sĩ tu tại gia. Do đó, kể từ năm 1923, cậu Quế phát tâm ăn chay và tụng kinh mỗi tháng vào hai ngày sóc vọng. Đến khi được bổ về dạy học tại trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (tháng 8-1928), thầy giáo Trần Văn Quế vẫn giữ cách tu hành như vậy.
3. Ra Hà Nội học
Sau khi đậu bằng Tú Tài bổn quốc, tháng 6-1925 chàng trai Trần Văn Quế ra Hà Nội học lớp đệ Nhứt niên, ban Khoa Học và Toán Lý Hóa, chương trình ba năm tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (Ecole supérieure de Pédagogie de l'Indochine). Có lần sinh viên Quế muốn đổi qua học Luật tại trường Cao Học Đông Dương (Ecole des Hautes Etudes indochinoises) thì nằm mộng thấy cha về ngăn cản, và sau đó lại mộng thấy Đức Huyền Thiên Chân Vũ đến ngăn cản.
Sinh viên Quế nhìn biết là Đức Huyền Thiên Chân Vũ hiện ra trong giấc mộng bởi vì đã tận mắt thấy tượng của ngài thờ trong đền Quán Thánh nằm bên Hồ Tây (Hà Nội).
Quán Thánh (tức Trấn Vũ Quán) lập từ đời vua Lý Thái Tổ (thế kỷ 11) để phù hộ việc trấn giữ mặt Bắc thành Thăng Long. Trong đền có tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng đen năm 1677, dưới đời vua Lê Hy Tông. Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, đặt trên bệ đá cẩm thạch cao 1,2m. Khi ra Bắc, tới viếng đền Quán Thánh, vua Minh Mạng (trị vì 1820-1841) đổi Trấn Vũ Quán thành Chân Vũ Quán. Từ đó, người Bắc gọi Đức Trấn Vũ là Chân Vũ, nhưng trong Nam gọi ngài là Chơn Võ. Năm 1950, nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã ở Sài Gòn có in quyển truyện Tàu nhan đề Bắc Du Chơn Võ, do Lê Duy Thiện dịch (112 trang).
4. Tập cầu cơ ở Hà Nội
Trong thời gian học tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương (Hà Nội), sinh viên Quế làm đại diện lớp (délégué), tức là trưởng lớp, nên được các bạn chọn làm đồng tử mỗi khi cả nhóm tập cầu cơ (ngoài Bắc gọi là phù kê 扶乩, trong Nam nói phò cơ).
Bài văn khấn cầu cơ mà các sinh viên Hà Nội thuở ấy tụng đọc có những câu như sau:
* Trên bửu tọa khói hương nghi ngút
Chốn Bồng Lai năm thức mây giăng.
* Nhớ xưa sử sách có truyền
Cảnh Tiên có cảnh, người Tiên có người.
* Chơi một ngày Bích Hải, Thương Ngô
Ai hay cán búa tiều phu đã mòn.
Theo Đạo Giáo Trung Quốc, ngoài biển khơi có ba quả núi là cảnh Tiên, gồm: Bồng Doanh (tức Bồng Lai, Bồng Đảo), Phương Trượng (tức Phương Hồ), và Bích Hải.
Thương Ngô không rõ là cảnh Tiên nào, hay là miền đất xưa kia vua Thuấn dọc đường tuần thú (đi xem xét dân tình, đi kinh lý) bỗng ngã bệnh rồi mất tại đó?
Câu “Chơi một ngày Bích Hải, Thương Ngô” nói về thú tiêu dao thoát tục, Thần Tiên cỡi mây đi lại khắp nơi mau như chớp nháng. Tương tự có hai câu lục bát:
Bồng Lai, Phương Trượng cao cao
Sáng chơi Bích Hải, chiều vào Thương Ngô.
Câu bát dẫn trên có lẽ dịch từ câu Triêu du Bích Hải, mộ túc Thương Ngô. 朝游碧海, 暮宿蒼梧. (Sáng chơi Bích Hải, chiều ngụ Thương Ngô.)
Câu “Ai hay cán búa tiều phu đã mòn” nhắc đến tích xưa kể rằng có một tiều phu vào núi kiếm củi, tình cờ gặp hai ông lão đánh cờ bên cội tùng, bèn bỏ búa xuống đất ngồi xem. Tàn ván cờ, tiều phu ngoảnh nhìn cây búa thì thấy cán gỗ đã mục nát, lưỡi búa sét mòn từ bao giờ; bèn quay lại nhìn hai ông lão thì chẳng còn ai, chỉ trơ trọi một phiến đá phẳng họ mượn làm thạch bàn (bàn đá). Bấy giờ tiều phu nghĩ rằng mình đã gặp Tiên. Khi tiều phu tìm lối trở về nhà thì xóm làng đã thay đổi, cảnh và người đều xa lạ. Do tích này, văn học nói lạn kha 爛柯 nghĩa là cán mục, ám chỉ một khoảnh khắc thời gian cõi Tiên dài bằng mấy năm hạ giới.
Trong một lần cầu cơ, cả nhóm tiếp được bốn câu:
HUÂN danh nan đắc HẢO tương phùng
MAI, TUYẾT, MINH, MINH kỷ độ cùng
Đơn QUẾ phương lưu kim cổ tích
Đề BI độc thị ĐỊNH, CÁT, CƯ.
Bài này điểm danh mười một người có mặt trong buổi cầu cơ. HUÂN là sinh viên Y Khoa, kế tiếp là mười sinh viên Cao Đẳng Sư Phạm: Trần Cảnh HẢO, Đặng Thai MAI, Nguyễn Trọng TUYẾT, Lưu Văn MINH (người Hà Nội), Nguyễn Văn MINH (người Thủ Dầu Một), Trần Văn QUẾ, Đặng Văn BÊ (tức BI), Võ Quang ĐỊNH, Trần Văn CÁT, và Nguyễn Ngọc CƯ.
5. Dạy học ở Sài Gòn
Giữa năm 1928 sinh viên Trần Văn Quế tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương. Cuối tháng 8 cùng năm được bổ về Sài Gòn dạy tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký, thầy Quế phụ trách các môn Toán Lý Hóa, Sử Địa, và Việt Ngữ trong mười sáu năm liền.
Cuối tháng 9-1928, mẹ và người anh thứ tư của thầy Quế là Trần Văn Tồn nhập môn Cao Đài tại thánh thất Phú Hội (làng Phú Mỹ, tổng Thành Tuy Hạ, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa). Người tiến dẫn là Hội Đồng Địa Hạt Nguyễn Phát Đạt,([3]) người làng Phước Thiền, là anh bà con của anh chị em thầy Quế. Nhập môn xong, ông Tồn đi lên Sài Gòn để khuyên em mình nhập môn. Thầy Quế trả lời:
“Thôi, má và anh tu thì tu theo đạo Tam Kỳ, còn tôi thì để tôi tu theo đạo Phật vì tôi đã tu theo đạo đó lâu rồi. Nếu nay tôi bỏ đạo Phật mà qua đạo Tam Kỳ thì tôi sẽ mang tội phản sư sao?”
Ông Tồn buồn lòng bỏ về quê. Ít lâu sau, ông Tồn lên Tòa Thánh Tây Ninh làm công quả một tháng và phát nguyện ăn chay trường. Hết một tháng, ông Tồn trở về quận Long Thành; dọc đường ông ghé nhà thầy Quế ở số 255 đường Frère Louis, Sài Gòn,([4]) và bảo: “Trước khi về nhà thăm má, tôi ghé lại đây khuyên chú nên nhập môn vào đạo vì là cái đạo của Trời thật.”
Thấy em làm thinh, ông Tồn buồn bã kiếu từ. Không lâu sau đó, mẹ thầy Quế lên Sài Gòn khuyên thầy nhập môn Cao Đài mà thầy vẫn bỏ ngoài tai. Bà không vui, nán lại với con vài ngày rồi lủi thủi về quê.
Thầy Quế không chịu nhập môn Cao Đài chẳng phải vì không tin tưởng tôn giáo này. Chính thầy từng tập cầu cơ khi ra Hà Nội học hành, và tin có Thần Tiên giáng cơ.
Anh tư là Trần Văn Tồn từ quê nhà lên Sài Gòn đã hỏi ý kiến thầy Quế: “Anh Hội Đồng Nguyễn Phát Đạt ở Phước Thiền là bà con với mình ghé nhà khuyên má và tôi vào đạo Cao Đài. Tôi không rõ đạo ấy như thế nào nên vào đây hỏi ý kiến chú vì ở Sài Gòn chú quen biết nhiều nhà tai mắt, rõ việc ấy hơn tôi.”
Nghe anh mình hỏi vậy, thầy Quế liền nghĩ rằng anh mình muốn vào đạo thì đây là cơ hội để tu tâm sửa tánh, nên thầy trả lời ngay: “Đạo ấy được lắm! Má và anh nên an lòng vào đạo đó đi.”
Vậy thì việc thầy Quế trái ý mẹ và anh, không chịu theo đạo Cao Đài chỉ vì đã nhiều năm thầy tu theo pháp môn nhà Phật, không muốn “mang tội phản sư” như chính lời thầy giãi bày với anh tư mình là Trần Văn Tồn.
Vả lại, trong những năm tháng chí thành tu hành theo pháp môn Tịnh Độ, thầy đã có vài giấc mơ kỳ lạ khiến thầy tin rằng mình được Phật chứng giám. Chẳng hạn:
Một đêm nọ, lúc còn bé, cậu Quế nằm mộng thấy bị một đám trẻ con vây đánh túi bụi. Bỗng có tiếng ai nói lớn: “Mau niệm Phật Quan Âm!” Cậu liền niệm: “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát…” Tức thì có một bà áo trắng hiện đến và lũ trẻ kia cuống cuồng bỏ chạy hết.
Một đêm khác, thầy Quế chiêm bao thấy mình đi đến một bến đò, đang đứng trên bờ sông thì từ phía đầu dòng có chiếc tam bản (xuồng ba lá) do một phụ nữ vừa chèo vừa nói: “Ai theo Phật thì theo.” Xuồng đến gần chỗ thầy đứng, phụ nữ ấy hỏi: “Vậy chớ Monsieur [ông] Trần Văn Quế ở đâu?” Trong mơ, thầy Quế đáp lớn: “Để tôi lo việc dưới trần nầy đã.”
Vào ngày vía Đức Phật A Di Đà (17 tháng 11 âm lịch), sau khi tụng kinh và làm lễ tưởng niệm Đức Phật A Di Đà xong, thầy Quế vào giường ngủ và nằm mộng thấy mình đi đến một nơi lạ lẫm, bên vệ đường có một đại thụ ba nhánh. Trên chỗ cháng ba có một vị giống y hình Đức Phật A Di Đà thường in trên bìa các quyển kinh.
Tóm lại, vì trót nặng lòng với nhà Phật mà thầy giáo Trần Văn Quế khăng khăng quay lưng với đạo Cao Đài. Tuy nhiên, đã đến ngày đến giờ Đức Thượng Đế cần dùng thầy Quế làm một trang hướng đạo tài đức để trợ giúp đắc lực cho nền tôn giáo vừa mới ra đời. Thầy Quế có thể cãi lời mẹ và anh tư mình, nhưng làm sao thầy có thể cãi được Đức Chí Tôn, mặc dù “Thiên hà ngôn tai!” (Trời nào có thốt ra lời nào đâu!)
Bởi vậy, sau khi làm mẹ và anh tư buồn lòng rời Sài Gòn trở về quê, dưng không ông giáo trẻ luôn cảm thấy trong lòng bồn chồn rất khác lạ - không phải là tâm trạng ăn năn của đứa con hiếu thảo hay nỗi niềm hối hận của người em thuận đễ. Thế rồi, thầy Quế liên tiếp ba lần nằm mộng rất dị thường.
Lần thứ nhất: Thầy Quế chiêm bao thấy mình cùng người em út về thăm nhà ở xóm ông Thiện, làng Phước Long, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Trong nhà lúc ấy đông đúc người ra vào giống như đang có lễ lạt. Tất cả mọi người đều đội khăn đóng đen, mặc áo dài đen.([5]) Hai anh em tự dưng sợ quá, không dám vào nhà, bèn núp ngoài hàng rào dành dành.([6]) Bất ngờ mấy người áo đen ở trong nhà túa ra rượt hai anh em chạy trối chết. Thầy Quế vấp té sấp xuống, mới ngỏng cổ lên liền bị một người áo đen lấy dao găm kề vào cổ và hỏi bằng tiếng Pháp: “De quelle religion êtes-vous?” (Ông theo đạo nào?) Thầy trả lời: “Je suis Bouddhiste.” (Tôi là Phật tử.) Người đó nói lớn: “Dites plutôt Caodaïste.” (Nên nói tín đồ Cao Đài là hơn.) Ngay sau đó thì thầy Quế tỉnh mộng.
Lần thứ nhì: Thầy Quế nằm mộng thấy về thăm mẹ ở làng Phước Long. Trong nhà có nhiều người mặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng đen. Giữa nhà có cái tran đóng trên cao, thờ con mắt mở lớn. Thầy lại thấy mình đi ra phía sau nhà, tới bên một cái ao rộng trồng nhiều bụi sen to tướng. Mỗi bông sen nở ra lớn bằng bánh xe bò, cánh hoa trắng, nhụy xanh nhô lên khỏi mặt nước chừng hai mét. Cuống sen to như cây cột, màu xanh lá cây. Búp sen thì la liệt. Thầy Quế hỏi: “Bông nầy để làm gì?” Một người áo đen đáp: “Để cúng Thầy.” (Trong đạo Cao Đài, Thầy là Đức Thượng Đế.)
Lần thứ ba: Thầy Quế nằm mộng thấy về nhà thăm mẹ. Con đường dẫn vào nhà trồng nhiều tre. Còn cách vài trăm thước thì trời đổ mưa, thầy vội chạy vào ngôi miếu con bên đường đụt mưa. Vào trong miếu, giở tấm sáo che trước bàn thờ thì thấy tranh vẽ con mắt mở lớn chừng sáu, bảy tấc.
Thầy Quế cứ bận tâm suy nghĩ về ba giấc mộng. Tin rằng cả ba đều là thánh ý nhà Trời, cuối cùng thầy giáo quyết định nhập môn Cao Đài.
Trong kỳ nghỉ hè, ngày Thứ Bảy 17-8-1929 (13-7 Kỷ Tỵ) thầy Trần Văn Quế về quê thăm mẹ, và sắp đặt lễ nhập môn vào ngày 15-7 Kỷ Tỵ (Thứ Hai 19-8-1929) tại thánh thất Phú Hội (làng Phú Mỹ, tổng Thành Tuy Hạ, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa). Người anh thứ tư là Trần Văn Tồn tiến dẫn.
Trước ngày nhập môn bỗng dưng thầy Quế bị đau yết hầu, không thể mở miệng nói năng vì rất đau đớn. Để chữa trị các bệnh thông thường như ho, viêm họng… dân gian thường dùng củ rẽ quạt kèm với cam thảo đất, húng quế, húng chanh, gừng tươi, kim ngân hoa, v.v... Bởi vậy, mẹ thầy Quế cũng lấy củ rẽ quạt mài với nước cơm cho con uống nhưng không khỏi.
Tuy bệnh, thầy Quế vẫn tới thánh thất hành lễ. Lạ thay! Sau khi nhập môn xong thì thầy Quế liền hết bệnh, nói chuyện bình thường.
6. Hành đạo tại thánh thất Cầu Kho
Theo lời khuyên của vị Giáo Hữu cai quản thánh thất Phú Hội, thầy Quế trở về Sài Gòn, ngoài giờ dạy học đã tới hành đạo tại thánh thất Cầu Kho (số 42 đường Général Leman, quận 1, nay là đường Cao Bá Nhạ). Thánh thất này vốn là nhà riêng của Thượng Giáo Sư Đoàn Văn Bản (1876-1941), thánh danh Thượng Bản Thanh.([7])
Sau khi nhập môn không lâu, trong một lần hầu đàn ở Sài Gòn, thầy giáo Quế được Đức Chí Tôn dạy:
“Quế! Nếu Thầy không cho chư Thần theo dắt con trở lại thì con đã đi lạc hướng rồi. Bây giờ con nghĩ sao? Ráng nhứt tâm, sau sẽ thọ lịnh.”
Ngài Trần Văn Quế (Huệ Lương) và bào huynh Trần Văn Tồn (Huệ Thánh) được Đức Lý Giáo Tông ban thánh danh tại thánh tịnh Ngọc Tuyền làng Long Tân, tổng Thành Tuy Hạ, quận Long Thành, tỉnh Biên Hòa:
TỒN tâm HUỆ THÁNH độ nhơn hiền
QUẾ đức HUỆ LƯƠNG trợ bổn nguyên...
*
Thời Tam Quốc xa xưa có tích “tam cố thảo lư” kể chuyện Lưu Bị ba lần tới lều tranh mới rước được Khổng Minh Chư Cát Lượng về làm quân sư cho mình.
Sang thời Tam Kỳ Phổ Độ có ngài Huệ Lương Trần Văn Quế với ba lần nằm mộng dị thường, cũng là ba lần Đức Cao Đài mượn huyền vi diệu mầu để thức tỉnh tâm linh của một đại cao đồ, dìu dắt con Thầy về với Thầy Trời, về với Đạo Trời.
Câu chuyện ngài Huệ Lương khiến Dũ Lan cảm xúc:
Con Thầy, Thầy dắt Thầy dìu
Thương con, Thầy mãi sớm chiều chắt chiu
Không Thầy, con trẻ lạc xiêu
Không Thầy, con trẻ như diều đứt dây
Ơn Thầy, con tạ Ơn Thầy
Đạo đời Thầy sẵn an bài cho con
Nguyện tròn hai chữ sắt son.
HUỆ KHẢI
Phú Nhuận, 31-3-2018




([1]) Theo ghi chép của Giáo Sĩ Lập Hạnh (Trưởng Ban Đặc Chương, thuộc Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam).
([2]) Chân thành cảm tạ Giáo Sư Thượng Liêm Thanh, Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) đã giúp Huệ Khải được đọc tài liệu này.
([3]) Vị này không phải là “ông Nguyễn Phát Đạt, nghiệp chủ, Sài Gòn”, số thứ tự 11 trong hai mươi tám môn đệ cùng đứng tên trên Tờ Khai Tịch Đạo đề ngày 07-10-1926.
([4]) Ngày 22-3-1955 đường Frère Louis đổi tên là đường Võ Tánh. Ngày 14-8-1975 đổi tên là đường Nguyễn Trãi. Nhà thầy Quế cách trường Petrus Ký không xa.
([5]) Thuở trước, nam tín đồ Cao Đài mặc áo dài trắng, đội khăn đóng đen khi cúng Thầy; nhưng trong giao tế thường mặc áo dài đen, đội khăn đóng đen.


([6]) Bông dành dành với cánh trắng như sáp, thơm gắt, thuộc họ bông lài (jasminoides), nên còn có tên là cape jasmine. Ở Việt Nam, nhiều nhà trồng dành dành làm hàng rào. Phải chăng vì mọc nhiều ở núi (?) mà cây dành dành được người Trung Quốc gọi là sơn chi 山梔, gọi tắt là chi , hột gọi là chi tử 梔子, bông là chi tử hoa 梔子花. Phương Tây biết được bông này từ Trung Quốc nên thường cho rằng dành dành gốc gác từ nước này. Nhà thực vật học người Tô Cách Lan là tiến sĩ Alexander Garden (khoảng 1730-1791) có công đưa dành dành sang trồng ở phương Tây, do đó dành dành được mang họ của ông, gọi là Gardenia. (Huệ Khải, Ai Đo Lòng Biển. Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2017, tr. 19.)
([7]) Tốt nghiệp trường sư phạm (École Normale Primaire d’Instituteurs), thầy Đoàn Văn Bản (tự Văn Long, người làng Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa) dạy tiểu học, rồi làm đốc học (hiệu trưởng) trường tiểu học Cầu Kho (nay là trường tiểu học Trần Hưng Đạo, số 250 đường Trần Hưng Đạo, quận 1), do đó thường được gọi là ông Đốc Bản.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.