ƠN THẦY SOI LỐI
HUỆ
KHẢI
Năm tôi tròn
hai mươi tuổi tây thì đúng nhằm lúc lịch sử sang trang. Nói như Hồng Hà nữ sĩ Đoàn
Thị Điểm, đó là “Thuở trời đất nổi cơn
gió bụi…”
Có hai câu lục
bát của nhà thơ Hoài Khanh rất phù hợp với nỗi lòng tôi hơn bốn mươi năm trước:
Thôi em hạnh
phúc giã từ
Thời hai mươi tuổi đã mù khói sương.
Em trong câu thơ ấy
không phải là tình nhân, không phải là bạn gái, không phải là một bóng dáng tha
thướt yêu kiều buộc tôi phải mượn thơ Nguyên Sa mà thú nhận:
Gặp một bữa anh
đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn.
Vâng, với tôi thuở ấy, em trong câu thơ chỉ là nhân cách hóa một ước vọng thanh xuân. Nhưng
ước vọng ấy vụt tan biến vào hư không ở tuổi hai mươi nên tôi hụt hẫng, chỉ
biết tìm khuây lảng trong bộn bề sách cũ, để rồi phát tâm ăn chay trường cái
rụp sau khi tình cờ đọc tập sách mỏng Cô
Ba Cháo Gà Du Địa Phủ.
Thời sinh viên tôi có một cô bạn đồng môn. Mãi lâu về
sau tôi mới biết cô là cháu cố Đốc Phủ Sứ Trần Nguyên Lượng, một tiền bối Cao
Đài cùng thời các tiền khai Cao Đài, đắc quả Chiêu Minh Chơn Thánh.
Thấy tôi ăn chay trường, cô bạn đồng môn về nhà lục
trong tủ sách cụ cố lưu truyền, đem cho tôi mượn Đại Thừa Chơn Giáo và Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển.
Đọc Đại Thừa
Chơn Giáo, tôi thấy Đức Cao Đài dạy:
“Nên hội Tam Giáo
Công Đồng, Thầy lập tờ đoan
thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh.
Nếu các con
chẳng chịu tu hành, không bỏ dữ làm lành, Đạo không thành Thầy nguyện không trở về ngôi vị cũ.”
Rồi Đức Cao Đài nhắc lại lời dạy ấy bằng bài thơ tứ
tuyệt:
Muôn kiếp các
con chịu lạc đường
Thấy vầy Thầy
luống động lòng thương
Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật
Lập Đạo không thành chịu tội ương.
Đọc tới đó tự dưng nước mắt tôi tuôn trào, người tôi
nổi gai ốc. Ngay lúc ấy từ sâu thẳm tâm linh, tôi biết rõ rằng đạo Cao Đài chính
là đạo của tôi, mặc dù cả nhà tôi hơn bốn mươi năm trước không ai biết Cao Đài
là gì hết.
Tôi hỏi cách xin vô đạo Cao Đài. Nhưng gia đình cô
bạn đồng môn không giúp được. Dường như “nhiệm vụ” của cô bạn ấy chỉ là đem cho
tôi mượn hai bộ Đại Thừa Chơn Giáo và
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển mà thôi.
Ở nhà ba má tôi có thờ Phật Thích Ca đã nhiều năm,
từ lúc ba tôi dạy học ở miền Tây cho đến khi dọn lên Sài Gòn. Tôi thấy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Chí Tôn dạy:
Thích Ca Mâu Ni
thị Ngã… kim viết Cao Đài.
Thế là tôi yên tâm, tạm gác lại chuyện xin nhập môn,
cứ noi theo hướng dẫn trong Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển mà cúng Thầy hàng ngày. Tôi quỳ lạy trước hình vẽ Phật Thích Ca
nhưng niệm Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ
Tát Ma Ha Tát. Dĩ nhiên, tôi chẳng có khăn đóng đen, áo dài trắng chi hết. Tôi
cũng chưa biết tụng kinh cúng Tứ Thời.
Mãi hai năm sau, vào đầu mùa hè Đinh Tỵ [1977] tôi
mới có cơ duyên được một bạn đạo [Thiện Căn Lê Văn Phú] dẫn dắt về Vĩnh Nguyên
Tự (Cần Giuộc, Long An) nhập môn Cao Đài. Người bạn đạo ấy lớn tuổi hơn tôi rất
nhiều nên tôi gọi bằng chú. Ông dắt tôi vào Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài
Giáo Việt Nam và tôi gia nhập tập thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý. Về sau,
ông tu theo pháp môn Chiếu Minh và đắc quả là Huỳnh Quang Chơn Nhơn.
*
Hiền giả người Pháp là Pascal nói: “Cái tôi đáng ghét.”
Vừa rồi tôi đã làm một việc thật dễ ghét là đem cái
tôi đáng ghét của mình mà tâm tình với các bạn trẻ.([1])
Thật ra qua chuyện cũ ấy tôi muốn chia sẻ một suy niệm từ trải nghiệm bản thân.
Khi chủ biên Đại
Đạo Văn Uyển (nhà xuất bản Tôn
Giáo, Hà Nội, ba tháng ra một tập), bốn năm nay [2012-2016] tôi vẫn mời
gọi quý tín hữu Cao Đài gởi bài cộng tác và kể lại nguyên do vì sao quý vị vào
đạo Cao Đài.
Vấn đề này đáng cho chúng ta quan tâm lắm chứ. Người
nước ngoài cũng hay quan tâm tìm hiểu lý do vì sao chúng ta theo đạo Cao Đài
thay vì một tôn giáo khác.
Từ ngày 01-7-2015 tới 30-4-2016, có một dự án của
sinh viên châu Âu đi qua ba mươi ba quốc gia ở bốn lục địa Âu, Á, Phi, Mỹ để
thúc đẩy những sáng kiến về chung sống liên tôn giáo. Website của họ là www.interfaithtour.com. Để thực hiện dự
án, họ chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm đi tới một số nước.
Đầu tháng Hai năm nay, một nhóm năm anh chị đã ghé Sài
Gòn. Họ muốn tìm hiểu về đạo Cao Đài nên nhờ linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc,
Trưởng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn của Tổng Giáo Phận TpHCM làm cầu nối, và
linh mục Bảo Lộc mời tôi đến văn phòng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn tiếp
chuyện họ.
Thế là chiều Thứ Sáu ngày 05-02-2016 tôi trò chuyện
với ba cô sinh viên châu Âu trong nhóm năm bạn trẻ đó. Một cô theo Do Thái
Giáo, một cô theo đạo Thiên Chúa, và một cô vô thần (không theo tôn giáo nào). Họ
đặt cho tôi một số câu hỏi về đạo Cao Đài, trong đó có câu này: Tại sao ông theo đạo Cao Đài?
Câu hỏi của họ trùng hợp lòng mong muốn nhiều năm
nay của tôi là ấn tống được một tập sách tương đối dày dặn, bao gồm những
chuyện kể của các đạo hữu cho biết lý do vì sao trong lúc quanh ta đang có sẵn
những tôn giáo lâu đời, bề thế, hoành tráng, được coi là tôn giáo hoàn cầu mà
ta không chọn không theo, ta lại gõ cửa Cao Đài, một tôn giáo vốn chịu nhiều
ngộ nhận, xuyên tạc và bách hại từ khi vừa ra đời.
Nếu làm được cuốn sách mong ước đó, kết tập nhiều
câu trả lời khác nhau từ nhiều tín hữu khác nhau, tôi tin rằng sẽ giúp chúng ta
hiểu được sự nhiệm mầu của ơn cứu độ Kỳ Ba, thấy được cách Thượng Đế đưa tay
nắm lấy chúng ta rất diệu kỳ.
Hẳn chúng ta đều biết, xưa kia, ngày Thứ Năm 31-12-1925
tại phố Hàng Dừa ở Sài Gòn (nay là đường Cống Quỳnh), Đức Chí Tôn hỏi ba vị tiền
khai Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc rất trìu mến như sau:
“Thầy đến với
các con như thế ấy, các con có thương Thầy không?”
Câu hỏi ấy của Thầy sẽ luôn luôn còn vang vọng trong
sâu thẳm tâm hồn từng tín hữu chúng ta mỗi khi chúng ta hồi tưởng lại cách mà
Thầy đã âm thầm đưa tay dắt dìu chúng ta trở về với Thầy.
Phần tôi, khi ngộ ra Thầy đã mạc khải cho mình như
thế nào, tôi bày tỏ:
Tạ ơn Thầy âm
thầm đưa con tới
Chiếc thuyền từ giữa bể khổ đầy vơi
Thân nghiệp chướng nếu không Thầy soi lối
Tôi xét trường hợp bản thân, hiểu rằng mình đã không
tìm kiếm, không chọn lựa; nhưng hễ đúng ngày đúng giờ thì Thầy đưa tay dắt mình
vô cửa Đạo.
Tôi luôn nghĩ rằng hôm nay sở dĩ anh chị em chúng ta
được làm môn đệ Cao Đài là bởi trước khi sinh vào cõi Diêm Phù Đề này chúng ta
đã se duyên với Cao Đài.
Chúng ta có thể tin như vậy bởi vì tại Trung Hưng
Bửu Tòa, vào ngày 01-01 Bính Thân (Chủ Nhật 12-02-1956), Đức Chí Tôn dạy:
Thân con, thân
của Cao Đài
Người con, người của Thầy sai xuống trần.
HUỆ
KHẢI
([2]) Biết ơn đời đã “nổi cơn gió bụi”, giúp tôi ngộ
đạo Cao Đài.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.