Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

3 CÔ GIÁO HÀ NỘI TÌM ĐẠO (CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI)



CÔ GIÁO HÀ NỘI TÌM ĐẠO
HUỆ KHẢI
Thứ Hai 21-12-1931 (13-11 Tân Mùi), tiền bối Ngô Thị Bình chào đời tại Hà Nội, là chị cả trong gia đình có tám chị em. Song thân là ông Ngô Đình Công (1903-1972), thợ sửa đồng hồ, và bà Trần Thị Tân (1912-1993).([1]) Gia đình tiền bối tuy sùng tín việc đi lễ ở các đền, theo tín ngưỡng Đạo giáo dân gian phổ biến trên đất Bắc, nhưng tôn trọng tự do tín ngưỡng của tiền bối. Bà nội và cha mẹ tiền bối đều tích cực trợ giúp tiền bối tìm đúng đường lối tu hành cho riêng mình. Sau khi tiền bối đã nhập môn đạo Cao Đài rồi thì trọn gia đình cũng nối tiếp bước đi mở đường ấy, đều trở thành tín đồ Cao Đài.
Bắt đầu từ Thứ Sáu 03-3-1950 (15-01 Canh Dần), khi đang làm giáo viên trường Nữ Công Gia Đình, bỗng dưng tiền bối gầy rộc cả người, không hiểu nguyên nhân. Theo lời khuyên của người quen là bác sĩ Tuân, song thân đưa tiền bối đi dâng lễ tại nhiều đền, nhưng cúng bái đã lắm vẫn không kết quả.
Thứ Tư 17-5-1950 (01-4 Canh Dần), tiền bối dọn một nơi tụng kinh Phật trong nhà mặc dù cha mẹ không ai theo đạo Phật; riêng bên ngoại có lập chùa Vân Hồ, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Buổi sáng tiền bối vẫn đi dạy bình thường, nhưng tan trường về nhà thì trở nên trầm lặng. Nhiều sự việc khó giải thích tiếp theo là tiền bối bỗng dưng có ý hướng cầu đạo. Theo lời thân thích chỉ dẫn, song thân cho tiền bối thử đội bát nhang vào Thứ Hai 28-8-1950 (15-7 Canh Dần), đi trình đồng Chủ Nhật 01-10-1950 (20-8 Canh Dần), v.v...
Bên nội tiền bối có lập đền Vọng Tiên ở số 120B phố Hàng Bông, Hà Nội. Ở đền này, Thánh Mẫu về dạy:
“Ta truyền lịnh cho họ Ngô, tuổi hai mươi này không phải là người của Mẫu, Ta không nhận. Không phải người của Phật, không cho cạo đầu. Là người của Ngọc Hoàng Thượng Đế; tìm đâu có Ngọc Hoàng Thượng Đế thì trả về.”
Thứ Năm 19-10-1950 (09-9 Canh Dần), tiền bối phát tâm giữ giới ăn chay trường.
Đêm Thứ Năm 26-10-1950 (16-9 Canh Dần), tiền bối nằm mộng, thấy một bàn thờ với cách sắp đặt hoa quả, rượu trà, bát hương khác hơn những cách bài trí tiền bối quen gặp ở các đền chùa tại Hà Nội bấy lâu. Bà nội tiền bối cũng có giấc mơ tương tự.
Chủ Nhật 24-12-1950 (16-11 Canh Dần), một người bà con đưa tiền bối đến chùa Trung Tự ở quận Đống Đa,([2]) nhưng tiền bối không có duyên quy y Phật.
Trên đường về, tình cờ đi qua số 48 Hòa Mã,([3]) như bị vô thức điều khiển, tiền bối tự động đẩy cánh cổng khép hờ rồi bước vào xin thắp hương.
Chính hôm đó tiền bối Ngô Thị Bình đã sửng sốt không còn tin vào mắt mình khi thấy rõ Thiên Bàn ở bửu điện thánh thất Hà Nội chính là bàn thờ tiền bối được nhìn thấy trong giấc mơ vào hai tháng trước.
Tiền bối bèn hỏi Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho nơi đây thờ ai. Khi biết thánh thất thờ Trời, thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế với tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tiền bối nhận thức ngay tức khắc là đã về đúng mái nhà Thiên định của mình. Lời dạy của Thánh Mẫu ở đền Vọng Tiên ba tháng trước đó vẫn văng vẳng bên tai: “Là người của Ngọc Hoàng Thượng Đế; tìm đâu có Ngọc Hoàng Thượng Đế thì trả về.”
Một giấc mơ khác sau đó chỉ dẫn tiền bối phải nhập môn ngày 12-12 Canh Dần (Thứ Sáu 19-01-1951).([4]) Thánh thất Hà Nội không chấp nhận, vì thông lệ chỉ làm lễ nhập môn trong hai ngày sóc vọng (mùng 1 và rằm). Thân phụ tiền bối khéo léo nói rằng ở nhà đi xem bói, được khuyên nếu muốn đường tu của tiền bối trọn vẹn thì phải chọn ngày ấy nhập môn. Vì gia đình hết sức khẩn cầu, cuối cùng thánh thất Hà Nội đành nhượng bộ cho trường hợp hy hữu này.
Thứ Sáu 19-01-1951 (12-12 Canh Dần), lễ nhập môn của tiền bối Ngô Thị Bình được tổ chức tại bửu điện thánh thất Hà Nội vào giờ Ngọ. Vì không đúng đàn lệ hàng tháng nên không đông tín đồ như mọi khi. Chỉ vỏn vẹn mười hai người hành lễ, kể cả vị chứng đàn là Thượng Giáo Hữu Tô Văn Pho. Các chức sắc khác gồm có Thái Giáo Hữu Lê Văn Thung, Thái Giáo Hữu Trần Văn Đường, Bảo Đàn Nguyễn Văn Hiền. Nữ phái có Giáo Hữu Nguyễn Nguyệt Tiếp.
Tiền bối đã từ khước một lời cầu hôn trong năm này và chọn con đường làm nữ tu, hiến thân hành đạo.
Thứ Năm 22-3-1951 (15-02 Tân Mão), nhân lễ vía Đức Thái Thượng Đạo Tổ, tiền bối Ngô Thị Bình làm lễ xuất gia, vào ở luôn trong thánh thất. Ngoài giờ đi dạy, tiền bối lại trở về nếp sống một nữ tu.([5])
HUỆ KHẢI
NÓI THÊM
1. Tiền bối Hương Bình (Ngô Thị Bình) lần lượt được Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo phong các phẩm:
- Thứ Tư 23-6-1976 (26-5 Bính Thìn): Lễ Sanh.
- Thứ Năm 15-7-1982 (25-5 Nhâm Tuất): Giáo Hữu.
- Thứ Sáu 12-5-1989 (08-4 Kỷ Tỵ): Giáo Sư.
- Thứ Ba 20-6-2006 (25-5 Bính Tuất): Phối Sư.
- Thứ Bảy 24-11-2007 (15-10 Đinh Hợi): Quyền Nữ Chánh Phối Sư.
2. Tại thánh thất Hà Nội, tiền bối đảm nhiệm các chức vụ:
- Quản Lý Phòng Lương (1950-1955).
- Phó Hội Trưởng Ban Cai Quản (1955-1998).
- Hội Trưởng Ban Cai Quản, kiêm Đầu Họ Đạo (1998-2009).
3. Tại Hội Thánh, tiền bối đảm nhiệm:
- Ủy viên Ban Thường Trực Hội Thánh (nhiệm kỳ 2002-2007).
- Phó Trưởng Ban Thường Trực Hội Thánh (nhiệm kỳ 2007-2012).
4. Các sự kiện cuối đời:
- Thứ Sáu 04-6-2010 (22-4 Canh Dần): Lúc 11 giờ sáng tiền bối quy thiên tại thánh thất Hà Nội.
- Thứ Hai 07-6-2010 (25-4 Canh Dần): Tại thánh thất Hà Nội, lúc 10 giờ 30 sáng, Hội Thánh tuyên dương công đức tiền bối, tặng bốn chữ Trung Kiên Vị Đạo.([6]) Tiền bối được hỏa táng tại Văn Điển (Hà Nội). Sau đó tro cốt đưa về nhập liên đài tại Tòa Thánh Bến Tre, đặt tại Đại Đồng Xã.
- Thứ Tư 09-6-2010 (27-4 Canh Dần): Giờ Tý, tại bửu điện Tòa Thánh, tiền bối được Hội Thánh truy phong lên phẩm Nữ Chánh Phối Sư.([7])
Cùng ngày, lúc 13 giờ 30, Hội Thánh làm lễ tiễn biệt. Đến 15 giờ, đưa liên đài ra trước Hiệp Thiên Đài tuyên dương công đức, sau cùng đưa ra nền bửu tháp tại Thảo Xá Hiền Cung. Tiền bối được thờ tại Thiên Phong Đường Tòa Thánh Bến Tre và Thiên Phong Đường thánh thất Hà Nội.
Câu chuyện trên đây trích trong: Huệ Khải, Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 70-74, 123-125. (Quyển 91.1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)



([1]) Gia đình ngụ tại số 18 ngõ 132 phố Khâm Thiên. Nếu đánh số nhà như trong Nam, tức là số 132/18 Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ngõ 132 trước kia còn gọi là ngõ Sơn Nam.
([2]) Chùa Trung Tự (cũng gọi Phúc Long Tự) được cất vào đầu thế kỷ 18; được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia (năm 1992). Chùa nằm cạnh lối rẽ vào cuối ngõ chợ Khâm Thiên, địa chỉ hiện nay là số 46 phố Đê La Thành, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
([3]) Nơi đây là thánh thất Thủ Đô Hà Nội, thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo (Bến Tre).
([4]) Tôi từng hỏi tiền bối Ngô Thị Bình rằng ở Hà Nội không có đàn cơ như trong Nam, thế thì tiền bối hành đạo thế nào. Tiền bối trả lời ngay: “Hai nằm mơ, em à.” (Huệ Khải)
([5]) Tiền bối Ngô Thị Bình rời trường phổ thông cơ sở Đoàn Kết để nghỉ hưu năm 1982. Là giáo viên dạy giỏi, ba lần tiền bối được Công Đoàn ngành giáo dục bầu chọn là chiến sĩ thi đua vì yêu nghề, mến trẻ, tận tụy dìu dắt các giáo viên mới vào nghề, chia sẻ kinh nghiệm của người chị đi trước đối với đàn em tiếp nối.
([6]) Văn bản số 04/BTT của Văn Phòng Cửu Viện, ngày 04-6-2010 (22-4 Canh Dần).
([7]) Đạo lịnh số 01/ĐL/TP của Hội Thánh ngày 08-6-2010 (26-4 Canh Dần).

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.