CỰU SĨ QUAN TÌM THẦY
PHẠM VĂN LIÊM
Sau nhiều năm chiến tranh khốc liệt, ngày
quê hương thanh bình, mọi miền đất nước đang được hồi sinh, anh Nguyễn Hữu Văn
− một người lính mang quân hàm trung úy từ giã chiến trường về lại gia đình,
làng xóm, làm nghề cũ thợ rèn để mưu sinh. Một hôm, trong giấc mơ anh thấy có
người áo trắng mách rằng hãy đi về hướng Tây Nam , xa mãi xa mãi, đến một ngôi
chùa nhỏ sẽ thấy biểu tượng Con Mắt
mở sáng ngời trên khung gỗ vuông. Đó là nguồn sáng tâm linh cần nương tựa. Sau
này có cơ hội gặp lại biểu tượng ấy ở một đền thờ trên quả cầu tròn, đó là lúc
cần phát triển chung.
Giấc mơ quá lạ, thực hư thế nào không biết nhưng hình
ảnh người áo trắng như một cô Tiên cứ ám ảnh chàng sĩ quan phục viên từng ngày.
Bụng bảo rằng hãy thử đi xa một chuyến xem sao, và anh đã lo để dành tiền.
Những đồng tiền kiếm ra thật khó nên phải mất trót một năm trời mới thực hiện
được cuộc phiêu lưu.
Nhiều phương tiện giao thông đã đưa Nguyễn Hữu Văn
đến ngôi thất nhỏ phía Tây Nam Quảng Nam . Đó là thánh thất Trung Kiên.
Tại đây, anh thấy thánh tượng Thiên Nhãn trên Thiên Bàn và được Đầu Họ thánh
thất trả lời những câu hỏi cần thiết. Sau đó anh thỉnh một quyển Kinh Tận Độ của Hội Thánh Truyền Giáo về
quê. Từ đó, gia đình anh và bà con thân thuộc tập ăn chay, cúng chay, tụng
những bài kinh tân pháp cho giỗ kỵ, tang ma. Mặc dù nghi thức chưa đâu vào đâu
nhưng họ đã có đức tin và lòng hồi hướng về mối Đạo Trời.
Đến mùa xuân năm sau, cả một nhóm người rủ vào lại
Trung Kiên. Nhân trong mùa Tết có nhiều thời gian, lại gần ngày lễ vía Trời
mồng Chín tháng Giêng nên họ được hướng dẫn về Đền Thánh Trung Hưng tại Đà Nẵng
để mở rộng tầm nhìn, khai sáng tâm linh, củng cố lòng tín ngưỡng.
Về Trung Hưng Bửu Tòa, quả thực như cánh én gặp mùa
xuân, họ hân hoan đến khôn cùng. Nhất là anh Nguyễn Hữu Văn, lòng như nở ra đóa
hoa vạn cánh. Ấy không phải vì cảnh trí tôn nghiêm, kiến trúc mới lạ mà chính
là hình ảnh thánh tượng Thiên Nhãn sáng rực trên quả Càn Khôn trong Bát Quái
Đài phù hợp với giấc mơ ngày ấy.
(…)
Riêng nhóm người của anh Nguyễn Hữu Văn như tiếp nhận
được ân phước đặc biệt, họ loan truyền cho nhau, mỗi ngày quy tụ thêm đông.
Hằng năm vào các ngày mồng Chín tháng Giêng, Rằm tháng Tám, hoặc mồng Một tháng
Sáu, tại Trung Hưng Bửu Tòa đều có thiện nam tín nữ từ Thanh Hóa vào chầu lễ và
nhập môn. Họ đến với Hội Thánh như về trong vòng tay huynh đệ thân thương,
trong tình thiêng liêng Từ Phụ, Từ Mẫu ban cho mỗi chơn linh con người trên dặm
dài tiến hóa của càn khôn. Mỗi đợt người vào đều được trao truyền, đều được
hướng dẫn, đều được cưu mang.
PHẠM
VĂN LIÊM
► NÓI THÊM
Câu chuyện tìm Thầy, tìm Đạo
trên đây được trích từ tập truyện Đạo Áo Trắng (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2016,
tr. 5-12) của Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm, là quyển 14-3 trong Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Hiền huynh Nguyễn Hữu Văn sinh năm
1928, quy thiên ngày Thứ Ba 19-9-2000. Trước đó năm tháng, huynh được Hội Thánh
Truyền Giáo Cao Đài phong phẩm Lễ Sanh do quyết định số 27/QĐ/HT/HC ngày 18-3
Canh Thìn (Thứ Bảy 22-4-2000).
Có thể xem Lễ Sanh Nguyễn Hữu Văn là “tiền khai” của
cơ sở đạo Thanh Hóa. Theo tài liệu của cơ sở đạo Thanh Hóa,([1]) chúng ta biết rõ
hơn về cơ duyên vào Đạo của hiền huynh như sau:
CƠ DUYÊN THANH
HÓA
Cách
đây
trên mười lăm năm, đất Thanh Hóa có ông Nguyễn Hữu Văn làm nghề hàn nồi, thường
quảy gánh đi khắp tỉnh Thanh Hóa. Được Ơn Trên khải thị qua một giấc mộng, nên
năm 1990 ông Văn tạm biệt gia đình, đi về phương Nam bằng chiếc xe đạp và một
bao đựng dụng cụ hàn nồi…
Năm 1993, ông đặt chân đến thôn Châu Sơn, xã Quế An,
huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam .
Nơi đây có một nhà thờ Thiên Nhãn, tín đồ hành lễ mặc đạo phục toàn màu
trắng... giống y như điềm mộng ông Văn đã được Thiêng Liêng khải thị. Ông Văn
được chủ nhà tiếp đãi ân cần, cho mượn kinh sách để tìm hiểu giáo lý và đưa ông
gặp vị Đầu Họ Đạo thánh thất Trung Kiên (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) ở
xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam .
Sau khi tìm hiểu giáo lý ông thấy rằng Cao Đài là
chánh đạo. Sau đó, ông thành tâm nhập môn vào ngày 09-01 Giáp Tuất (Thứ Sáu
18-02-1994). Trong năm này, ông trở lại quê nhà, mang theo một Thánh tượng
Thiên Nhãn. Trong lúc gia đình và dòng họ vui vầy đón mừng ông về quê, ông Văn
đem Thánh tượng Thiên Nhãn ra cho mọi người xem và nói: “Cha Mẹ linh hồn của
tôi là đây. Chân lý cũng là đây.” Từ đó, ông cùng gia đình định xây dựng một
căn nhà nhỏ ba gian để lập Thiên Bàn thờ Thầy, nhưng lực bất tòng tâm, lại gặp
nhiều khó khăn, thử thách.
Ông tiếp tục mưu sinh bằng nghề thợ hàn, một lòng
trung kiên với Thầy với Đạo. Gặp người tâm đắc, ông thổ lộ tin mừng về sự xuất
hiện nền Đạo mới Kỳ Ba ra đời năm 1926. Vừa giữ Đạo ông vừa tùy duyên truyền Đạo
cho nhiều người ở xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa và các xã, huyện lân cận. Nhờ
trợ duyên của các đồng đạo tại địa phương, Thiên Bàn thờ Thầy được thiết lập
vào ngày 15-5 Đinh Sửu (Thứ Năm 19-6-1997) tại tư gia ông Nguyễn Hữu Văn ở làng
Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa. Buổi thượng Thánh tượng chỉ có năm
người là ông Nguyễn Hữu Văn, anh Bùi Văn Tư, cô La Thị Tuyết, cô Lê Thị Ngà, và
cô Lê Thị Nhâm.
Sau đó, ông Văn cùng bổn đạo Thanh Hóa ra Hà Nội để
gặp Thượng Phối Sư Tô Văn Pho, Đầu Họ Đạo thánh thất Thủ Đô Hà Nội (thuộc Hội
Thánh Ban Chỉnh Đạo Bến Tre). Hôm ấy Phối Sư đi vắng, đoàn được Giáo Hữu Hương
Bình (Ngô Thị Bình) ân cần tiếp đón và giới thiệu đoàn tìm về Hội Thánh Truyền
Giáo Cao Đài để được hướng dẫn tu học.
Tiếp được thư giới thiệu của thánh thất Hà Nội, Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài cử hai vị chức sắc cùng đi với vài bổn đạo Thanh Hóa
ra trấn thần, an vị ngôi thờ Thầy ở nhà ông Nguyễn Hữu Văn, đồng thời thăm
viếng và chúc xuân bổn đạo Thiệu Đô.
Được chức sắc Hội Thánh Truyền Giáo hướng dẫn, nhiều
người Thanh Hóa lần lượt vào Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng) nhập môn và thỉnh
kinh sách để tu học. Mỗi lần đi có từ năm đến bảy tín hữu.
Ngày 15-10 Kỷ Mão (Thứ Hai 22-11-1999), Thừa Sử
Nguyễn Thanh Giang (Chưởng Quản Tòa Pháp Chánh Hiệp Thiên Đài) và Giáo Sư
Thượng Sách Thanh (Chưởng Quản Cơ Quan Hành Chánh, Tòa Nội Chánh Hội Thánh
Truyền Giáo Cao Đài) ra thăm bổn đạo Thanh Hóa và thượng tượng thờ Thầy tại nhà
ông Lê Duy Hợi, chị La Thị Tuyết, và anh La Đức Toàn. Sau đó, càng có thêm
người tin Đạo và xin nhập môn.
Thế rồi vì tuổi già sức yếu, ông Nguyễn Hữu Văn đã
nhẹ nhàng quy liễu vào đầu giờ Dậu (17 giờ 15) ngày 19-9 Canh Thìn (Thứ Hai
16-10-2000) tại nhà riêng trong giọng đọc kinh thanh tao, nhịp nhàng của các
đạo hữu.
Thứ Tư 04-3-2009, qua văn thư số 108, Sở Nội Vụ tỉnh
Thanh Hóa đã chấp thuận địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng và nhân sự tại cơ sở đạo
Thanh Hóa, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Số tín hữu nơi đây là 146 người (năm
2014).
Cơ
sở đạo Thanh Hóa
([1]) Đại Đạo Văn Uyển. Tập Trinh (số 16). Hà
Nội: Nxb Tôn Giáo 2015, tr. 21-23.
► Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện,
xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.