Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

9 TÔI VÀO ĐẠO CAO ĐÀI (CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI CAO ĐÀI)




TÔI VÀO ĐẠO CAO ĐÀI
KHA CHƠN TÂM
I. CĂN TU
Tôi được sinh ra ở ngoài Bắc Việt (Hà Nội) trong gia đình không có đạo gì ngoài đạo thờ cúng ông bà, cha mẹ đã từ trần.
Thế mà khi còn nhỏ, lúc ấy lối mười một hay mười hai tuổi, một hôm tôi ngồi nghe có chị vú ru em hát hai câu này:
Chữ rằng nhất nhật tu thân
Mấy kiếp phong trần rũ sạch như không.
thì lòng tôi bỗng xúc cảm vô cùng và hai câu ấy đã ngân nga mãi trong tâm hồn non trẻ của tôi lúc bấy giờ, chẳng khác nào tiếng chuông chùa trong lúc bình minh làm giựt mình kẻ mê danh mến lợi triền miên như trong câu thơ:
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giựt mình trong giấc mộng.
của ông Nghè Chu Mạnh Trinh trong bài hát nói đi viếng Chùa Hương Tích.(1)
Lớn lên, vào lúc tuổi thanh niên, lâu lâu tôi lại thích ăn chay một bữa cho tinh thần sảng khoái và có lần đã lên núi Tản tầm Tiên, nhưng đi vài bữa lại trở về ngay với đời sống phàm tục.([1])
Do đó nhiều người quen biết với gia đình tôi đã bảo “thằng Kha này có căn tu” tức là có gốc tu hành đem lại từ kiếp trước.
Tôi được vào đạo Cao Đài nhờ nhạc mẫu tôi. Từ khi bà nhập môn Cao Đài Giáo hồi đầu năm 1938 thì lâu lâu bà lại từ Cà Mau lên Sài Gòn thăm vợ chồng tôi và cố gắng độ chúng tôi.
Bà thường đem theo những bài thánh giáo do Đấng thiêng liêng giáng cơ dạy đạo để chúng tôi nhờ đó mà thức tỉnh lòng trần còn lắm mê muội. Nhưng hỡi ôi! Nghiệp chướng của chúng tôi khi ấy còn quá nặng nề nên lời Tiên tiếng Phật quý báu chưa làm sao cải hóa được chúng tôi mà lôi kéo về chốn thiền môn, thánh thất.
Thật ra cũng tại thánh giáo đầu tiên mà nhạc mẫu tôi đem đến là thánh giáo của ông Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ thành thử tôi không coi, cho rằng Tề Thiên Đại Thánh chẳng qua là một ông Thánh tưởng tượng mà người ta bịa đặt ra trong truyện Tây Du chớ làm gì có thật.([2]) Cho nên tôi không tin nổi và cũng chưa có ý nhập môn vào Đạo của nhạc mẫu tôi. Nhưng sự tu hành thật ra đều do tiền định của trời đất, tùy theo nhân duyên từ kiếp trước của mỗi người. Chừng nào đến thời kỳ tu hành mới có thể được tiếp dẫn vào đường chính đạo của Ơn Trên.
II. GẶP ĐẠO CAO ĐÀI
Thời kỳ ấy đến với tôi vào lúc chạy giặc từ Sài Gòn về Cà Mau hồi tháng 11 dương lịch năm 1945, khi (…) quân đội thực dân Pháp trở lại Việt Nam gây nên một biến cố hãi hùng. Tại tỉnh lỵ Cà Mau,([3]) nhạc gia tôi có một cái nhà kiểu tây khá lớn cất bên nhà máy xay lúa Nam Hiệp Thanh cũng của ông nhạc tôi và nơi ấp Cây Giá cách xa tỉnh lỵ mười cây số, lại có một cái nhà mát cất ở trong điền gần chùa gọi là thánh tịnh Hắc Long Môn.([4]) Chùa này là chùa Cao Đài thờ Đức Thượng Đế Chí Tôn do ông nội vợ tôi cất lên và hiến dâng cho Đạo để làm chỗ chiêm ngưỡng Trời Phật Thánh Thần cho dân chúng địa phương.
Khi tôi chạy giặc về nhà vợ thì trước hết tá túc ở tại tỉnh lỵ Cà Mau, sau lại phải tản cư về trong ruộng tại căn nhà mát ấp Cây Giá vào lúc đầu trung tuần tháng Mười âm lịch năm Ất Dậu (1945).
Rất may thay, chiều hôm đến ấp Cây Giá thì bà nhạc mẫu tôi bảo tối nay trên chùa có lập đàn cơ vì bộ phận thông công mới được Ơn Trên sai xuống từ quận Tam Bình (Vĩnh Long) đến thánh tịnh Hắc Long Môn lập đàn dạy đạo cho nhơn sanh vào giờ Tuất tức là tám giờ tối.
Chúng tôi được bà dắt xuống chùa chào hỏi các vị chức sắc cùng chư đạo hữu và sau đó để hầu đàn.
Đến giờ lập đàn cơ, đồng tử Huệ Vân là một thanh niên trạc hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi, khăn trắng, áo choàng trắng có cột sợi dây sắc lịnh chững chạc, vào chánh điện ngồi đồng tiếp điển Thiêng Liêng.
Bộ phận thông công gồm có một ông pháp đàn, quỳ sau đồng tử với một vị độc giả cũng khăn áo chỉnh tề đứng gần đồng tử và hai vị điển ký, tất cả đều được Đấng thiêng liêng chuyển từ Tam Bình (Vĩnh Long) xuống đây để hành sự và mới tới hồi xế chiều.
Khi đến giờ lập đàn, đồng tử ngồi nâng cần cơ chí trán và ngồi xoay mặt vào Thiên Bàn là nơi thờ Trời, trong khi đó các vị trong bộ phận Hiệp Thiên Đài đến đọc bài cầu Tiên với một giọng rất êm đềm, du dương.
Đọc gần hết bài cầu thì đồng tử nhắm mắt mê man tiếp điển Thiêng Liêng và múa cần cơ gõ xuống mặt bàn để trước mặt và viết rất mau. Một lát sau vị đứng trước bàn đồng tử làm phận sự độc giả mới đọc ra chữ thì mọi người đều chăm chú lắng nghe mới biết có Đấng thiêng liêng là Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giáng cơ dạy đạo cho các môn đồ. Tức thì tiếng chuông boong boong nổi lên chào mừng Đức Đại Tiên Trưởng và tất cả mọi người có mặt ở trước chánh điện đều phủ phục xuống lạy chào.
Đó là lần đầu tiên tôi được mục kích cuộc cầu cơ trong đạo Cao Đài cho nên tôi rất chú ý xem xét cử chỉ của mọi người hầu đàn, thấy ai ai cũng có vẻ rất thành kính và đồng tử cầm ngọn cơ viết rất mau trên mặt bàn, đồng thời độc giả cũng cất tiếng đọc lia lịa rất mau.
Dạy các môn đồ một lát, Đức Đại Tiên Trưởng ngừng lại, ra lịnh cho nhóm điển ký chép đàn cơ đọc lại từ đầu cho tất cả đều nghe, thì tôi mới nhận ra đầu tiên là một bài thi bát cú quán thủ xưng danh hiệu như sau:
THÁI quá e cho phải lụy mình
BẠCH tâm chiêm nghiệm mấy lời minh
KIM thành ắt phải dày công gắng
TIN(H) chắc khổ đây ráng giữ mình
GIÁN(G) đoạn tại trò gây gián đoạn
HẮC lưu cô quạnh thất hồi kinh
LONG đong vắng vẻ người xa bóng
MÔN đệ vì ai lắm tệ tình.
Rồi tiếp đến lời dạy bằng văn xuôi, đại ý Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy đến một ngày kia Ơn Trên chuyển cơ thử thách trong đạo Cao Đài để khử trược lưu thanh thì chừng đó mới rõ chơn giả, biết bao nhiêu kẻ sẽ bỏ Đạo theo đời, tưởng Đạo Thầy sẽ không đi đến đâu... ai dè Đạo ấy mới thật là cái cầu độ chúng cứu người hiền lương sau này.
Sau khi đàn cơ tiếp tục trong mấy tiếng đồng hồ với những điểm danh cá nhân hàng mấy chục người, Đức Thái Bạch Kim Tinh bỗng gọi tên tôi và ban cho một vé bốn câu như sau:
KHA hiền đệ giúp cho cơ Đạo
Lời kêu ca của Lão đây cùng
Hắc Long phận sự hành chung
Lo bề đạo đức, thẳng dùn mặc ai.
Đó là Ngài có ý dạy tôi phải vào đạo Cao Đài để lập công bồi đức.
Thấy tôi được điểm danh, nhạc mẫu tôi mừng lắm bảo: “Vậy thì sáng mai là ngày rằm tháng Mười âm lịch tức là một ngày rằm lớn, má sẽ nói với ông Phối Sư Giác làm lễ nhập môn vào đạo Cao Đài cho con để giúp Đạo theo lịnh của Đức Giáo Tông.”
III. NHẬP MÔN ĐẠO CAO ĐÀI
Sáng hôm rằm làm lễ nhập môn, khi ông Phối Sư Giác hỏi tôi xin ăn chay tháng mấy ngày thì tôi trả lời: “Dạ thưa ông, con không biết ăn chay vì chính sáng hôm nay con cũng đã qua bên chợ điểm tâm bằng bánh tằm xíu mại rồi.” Nhưng ông Phối Sư cho biết vào đạo Cao Đài ít nhứt là phải ăn chay một tháng sáu ngày và nếu hôm nay nhập môn đã lỡ ăn mặn rồi thì đến ngày chay kế tiếp là ngày 23 phải bắt đầu ăn chay đúng đắn, giữ đúng thể lệ trai giới mới đặng, không thì mang tội và Thần Thánh không chứng cho mình là người thật tâm tu hành.
Vì thế, bất đắc dĩ tôi phải xin lập thệ ăn chay sáu ngày mỗi tháng là mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, với ngày hai mươi ba và ba mươi tức là ngày cuối tháng. Sau đó vì sợ “ăn chay kỳ” như thế thì khó giữ cho đều đặn vì ưa quên ngày âm lịch, sợ mang tội thất tín với Ơn Trên, nên tôi quyết chí đại hùng ăn phứt trường chay và tự lý luận rằng từ nhỏ tới lớn mình ăn đồ thịt cá cũng nhiều rồi không còn thèm thuồng gì nữa, vả lại dù ăn chay chưa quen thì chỉ cần nhắm mắt cố nuốt vào bao tử cho xong thì ngon hay không ngon cũng vậy thôi. Nhờ cương quyết mới ăn chay nổi một tuần lễ thì đã ngán ngược. Nhưng chừng ấy nếu mình bỏ chay ăn mặn lại thì rất uổng, huống hồ đã có được một thành tích bảy ngày chay liên tiếp thì quý lắm, vậy cố gắng thêm lên ít ngày nữa may ra nó cũng quen.
Thế rồi chẳng bao lâu sau, sự cương quyết càng ngày càng cứng rắn, rồi ăn được một tháng chay, lần lần ba tháng, bốn tháng. Khi ăn được sáu, bảy tháng thì thân thể tôi bị ghẻ lở ghê gớm và tôi biết đó là Tạo Hóa giúp cho tôi tẩy trược cái thân phàm tục cho nó bớt nặng nề, u mê để tiếp được điển lành cho tinh thần trở nên thanh tịnh sáng suốt.
Lối trên một tháng mới hết ghẻ lở, dơ dáy thì tôi thấy trong mình nhẹ nhàng khỏe khoắn hơn khi trước và nhờ vậy sự học hành thánh giáo kinh kệ càng thấy mở mang sự hiểu biết sáng suốt.
Qua đầu năm 1946, tôi được đi theo anh lớn Đầu Sư Nguyễn Phú Thứ sang Tòa Thánh Hậu Giang Minh Chơn Đạo ở Giồng Bốm để thăm ông Bảo Đạo Cao Triều Phát, lúc ấy đang tập trung các thanh niên đạo đức Hậu Giang làm lực lượng Cao Đài cứu quốc chống giặc Pháp thường đem binh đốt phá các chùa Cao Đài (…). Khi ông Đầu Sư cùng tôi đến làm lễ trên chánh điện thì bỗng nhiên có một em đồng tử đang quỳ cúng với tôi được điển Thiêng Liêng nhập vào làm cho khai khẩu nói lên những lời của Ơn Trên cho biết là có Đức Quan Thánh Đế Quân giáng dạy cho ông Đầu Sư một vé bốn câu và cả cho Kha tức là tôi, một bài như sau:
Khả dĩ tiền đồ học đạo gương
Tùng Thiên huờn mạng hiệp chung đường
Đạo Thầy tô điểm lần soi tỏ
Ghi tạc nguyền xưa hẳn thạnh bường.
Rồi tiếp theo đó Đức Quan Thánh lại ban cho tôi bài thi bát cú dạy đạo như sau:
Ánh trăng rạng tỏ giữa dòng khơi
Giác ngộ trần ai sớm tỉnh đời
Bể khổ đeo chi mà lặn hụp
Sông mê mến tiếc phải chơi vơi
Kỳ cùng toan liệu còn hai, một
Buổi chót lần sang, ít kẻ rời
Bỏ quách nợ trần ràng buộc trói
Được lần cảnh tạm thấy chiều mơi.
Sau đó một thời gian ngắn, giặc Pháp đem đại đội thủy lục không quân đánh vào nơi Tòa Thánh Giồng Bốm ở đây. Quân đội Cao Đài dùng kế phục binh chống trả kịch liệt từ sáng sớm tới gần xế chiều mới rút đi. Giặc tràn vô phá tan chùa chiền và căn cứ bộ đội.
Hắc Long Môn là chùa của chúng tôi hành đạo chỉ cách xa Tòa Thánh Giồng Bốm chừng sáu bảy cây số theo đường thẳng chim bay, nên nghe rõ mồn một tiếng súng đại bác và bom nổ không ngớt từ sáng cho đến quá trưa. Tuy nhiên khi quân Pháp tràn được vô chùa thì ông Cao Triều Phát và quân đội của ông đã chạy thoát; chúng không hề tóm bắt được ai cả.
KHA CHƠN TÂM
NÓI THÊM
Hồi ức trên đây trích trong Đại Đạo Văn Uyển, Tập Hanh (số 14), tr. 99-108, do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện, liên kết Nxb Tôn Giáo (Hà Nội: 2015).
Tiền bối Nguyễn Triệu Kha (thánh danh Chơn Tâm) sinh ngày Thứ Ba 03-3-1908 (01-02 Mậu Thân) tại Hà Nội. Sinh thời, tiền bối viết nhiều, và lắm lúc ký tên Kha Chơn Tâm. Đây cũng là một tên thánh, được Đức Đông Phương Lão Tổ (Chưởng Quản Vô Vi Hiệp Thiên Đài) dạy rõ trong bài thánh thi ban cho tiền bối như sau:
KHA CHƠN TÂM danh tòa Thiên sắc
Của Thầy ban ghi chặt bên trong
Đạo tâm hiền đệ ghi lòng
Đáng khen tấc dạ gương trong soi cùng.
Bậc trượng phu anh hùng đúng phận
Khổ chẳng nài lận đận nào than
Hiền ôi! Đối với tim vàng
Của hiền quý hóa xứng trang con Thầy.
Cố gắng thêm đoạt ngày vui sướng
Tâm hồn hiền khỏi luống sầu than
Gắn ghi chắc quả tim vàng
Nghe hiền! Đáng mặt Nam bang anh tài.
Cuối đời, tiền bối thọ Thiên phong Bảo Pháp Chơn Quân (Bộ Phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam).
Tiền bối quy thiên tại Cơ Quan ngày Thứ Hai 22-5-1995 (23-4 Ất Hợi), đắc quả Viên Thông Chơn Tiên ngày Thứ Sáu 13-3-2009 (17-02 Kỷ Sửu).
Tiền bối Chơn Tâm là ông ngoại của hiền huynh Thiện Quang (Võ Thành Văn, 1965-2016), một tác giả quen thuộc với bạn đọc Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.




Huệ Khải chú thích:
([1]) Đây là hai câu trích trong bài hát nói (ca trù, hát ả đào) của nhà Nho Chu Mạnh Trinh (1862-1905), nhan đề là Phong Cảnh Hương Sơn. Ông Chu thi đậu tiến sĩ (năm 1892) nên thường được gọi là “ông Nghè”.
([2]) Về tính hư cấu của nhân vật Tề Thiên Đại Thánh, và lý do Tề Thiên Đại Thánh giáng cơ trong đạo Cao Đài, quý bạn đọc có thể tham khảo quyển 31-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo: Huệ Khải, Giải Mã Truyện Tây Du. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, nhất là hai bài “Hầu Vương Được Hư Cấu Như Thế Nào?” (tr. 164), và “Bài Phú Tây Du Trong Đạo Cao Đài” (tr. 170).
([3]) Cà Mau: Thời Pháp thuộc, vào thập niên 1940, Cà Mau là một quận thuộc tỉnh Bạc Liêu. Ngày 09-3-1956, theo Sắc Lệnh 32/VN, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lấy quận Cà Mau và bốn xã Định Thành, Hòa Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây của quận Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) lập thành tỉnh Cà Mau, tỉnh lỵ là Cà Mau. Có lẽ nhầm lẫn thời gian nên tiền bối Chơn Tâm viết “tỉnh lỵ Cà Mau” khi nhắc tới những năm 1940.
([4]) Nhiều người quen gọi thánh thất, thánh tịnh Cao Đài là chùa.

 Quý đạo hữu gần xa muốn nhận các kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo xuất bản, được gởi biếu qua bưu điện, xin vui lòng gởi e-mail về: daidaovanuyen@gmail.com
Và xin quý đạo hữu hoan hỷ trả giúp cước phí cho bưu điện ngay khi nhận được sách biếu.
Ban Ấn Tống trân trọng cảm ơn quý đạo hữu.