Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

1/7. MỤC LỤC & GIAO CẢM



ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo

HUỆ KHẢI
(Dũ Lan LÊ ANH DŨNG)
TÌM HIỂU HAI BÀI
TIÊN THIÊN KHÍ HÓA
QUẾ HƯƠNG NỘI ĐIỆN
IN LẦN THỨ HAI

Nhà xuất bản TÔN GIÁO
Hà Nội 2012

*
MỤC LỤC

Giao cảm
1. Về cách đặt nhan đề bốn bài kinh cúng tứ thời có nguồn gốc chữ Hán
2. Nguồn gốc bài Tiên Thiên Khí Hóa
3. Chú giải bài Tiên Thiên Khí Hóa
4. Nguồn gốc bài Quế Hương Nội Điện
5. Chú giải bài Quế Hương Nội Điện
6. Từ ngữ Việt-Hán

*
GIAO CẢM
Năm 1995 tôi xuất bản Tìm Hiểu Kinh Cúng Tứ Thời (Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa, 168 trang), một tập sách nhỏ được khởi thảo khi tuổi đời chưa gọi “nhi lập”. Bấy giờ tôi chưa đủ nhân duyên để tìm được các kinh văn gốc chữ Hán của đạo Lão Trung Quốc, thế nên quyển sách năm xưa không khỏi vướng lấy một ít mậu ngộ. Thành thử, hơn một thập niên qua, lòng hằng day dứt, tôi luôn lưu tâm tìm kiếm thêm tài liệu, chờ cơ hội thuận tiện thì công bố phần phát hiện mới, cũng là trách nhiệm hiệu đính đôi chỗ trót lỡ chưa tròn trịa trong bản in 1995 nói trên.
Mấy năm sau đó, bào đệ Lê Anh Minh tìm được quyển kinh chữ Hán nhan đề Văn Xương Đại Đỗng Chân Kinh, khắc bản in năm 1857, niên hiệu Hàm Phong, đời nhà Thanh (Trung Quốc). Đầu xuân này, tôi được đạo trưởng Đại Bác, Chủ Trì của Minh Lý Thánh Hội, cho mượn quyển kinh chữ Hán Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú (bản in tại Chợ Lớn năm 1926) được lưu giữ trong thư viện của Tam Tông Miếu. Tôi thật biết ơn hai vị đã giúp tôi rất nhiều.
Nhờ hai quyển kinh xưa nói trên, tôi có điều kiện khảo sát lại nguồn gốc và kinh văn hai bài kinh cúng tứ thời trong đạo Cao Đài xưng tán Đức Khổng Thánh Tiên Sư và Đức Thái Thượng Đạo Quân. (Như vậy, giờ đây chỉ còn thiếu bản gốc chữ Hán bài Hỗn Độn Tôn Sư xưng tán Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.)
Mùa Hè năm 2009 Tập Đoàn Giáo Sĩ (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) phân công tôi hướng dẫn quý đạo hữu đồng môn tìm hiểu kinh cúng tứ thời và kinh Thế Đạo trong khóa Bồi Dưỡng Giáo Lý Cấp Hai do Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý thừa Thánh lệnh đào tạo. Những cảm hứng có được ở giảng đường này (lớp chiều và tối Chủ Nhật hàng tuần) quả thực đã trợ giúp tôi nhiều trong việc chỉnh lý bản thảo cũ.
Tôi vô cùng cảm kích và ghi nhớ mãi tấm lòng cao cả, quảng đại của biết bao vị Thiên ân chức sắc, chức việc, tín hữu, đạo tâm trong và ngoài đạo Cao Đài. Tôi xin kính lời tri ân tất cả quý vị luôn luôn trọn tin cậy Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, nên ba năm qua vài ngàn lượt Mạnh Thường Quân đã thường xuyên đóng góp tài lực và sức lực để hơn ba mươi lăm triệu trang sách mỹ miều được ra đời và được chuyển đến đông đảo con cái Thầy Mẹ từ Nam ra Bắc, rải khắp nhiều tỉnh thành, quận huyện, xã ấp trong cả nước, tựa như một dòng đạo pháp trường lưu.
Hòa chung vào dòng chảy này, giờ đây năm ngàn quyển Tìm Hiểu Hai Bài Tiên Thiên Khí Hóa Và Quế Hương Nội Điện được ấn tống do công quả của những người con Áo Trắng đang chung tay góp sức thực hành câu “Nam mô nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai” thông qua phương tiện pháp thí buổi Kỳ Ba. Thay mặt tất cả những tấm lòng vàng đáng kính ấy, tôi trân trọng đặt món quà thanh khí này vào tay quý đạo tâm độc giả gần xa.
Xin cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành đến toàn thể quý vị và cửu huyền thất tổ của quý vị.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
HUỆ KHẢI
Phú Nhuận, tháng 2-2011

2/7. VỀ CÁCH ĐẶT NHAN ĐỀ BỐN BÀI KINH CÚNG TỨ THỜI CÓ NGUỒN GỐC CHỮ HÁN


VỀ CÁCH ĐẶT NHAN ĐỀ
BỐN BÀI KINH CÚNG TỨ THỜI
CÓ NGUỒN GỐC CHỮ HÁN
Trong kinh cúng tứ thời của đạo Cao Đài có bốn bài xưng tán Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ([1]) và Tam Giáo Tổ Sư. Bốn bài này được in bằng chữ quốc ngữ và đọc theo âm Hán Việt vì nguyên là chữ Hán (có nguồn gốc từ kinh tụng của đạo Lão Trung Quốc).
Các hội thánh, thánh sở hay một số tác giả trong cộng đồng Cao Đài xưa nay có lưu hành một số bản in, bài viết về bốn bài kinh này. Điều đáng lưu ý là việc đặt nhan đề bốn bài ấy thường không nhất quán giữa các hội thánh, thánh sở, hay tác giả.
So sánh các dị bản này, thường thấy xuất hiện cách đặt nhan đề như sau, thí dụ:
* Thượng Đế chí tâm quy mạng lễ
Thượng Đế chí tâm kinh
Thượng Đế chí tâm
* Phật Giáo chí tâm quy mạng lễ
Phật Giáo chí tâm kinh
Phật Giáo chí tâm
* Thích Giáo chí tâm quy mạng lễ
Thích Giáo chí tâm kinh
Thích Giáo chí tâm
* Thái Thượng chí tâm quy mạng lễ
Thái Thượng chí tâm kinh
Thái Thượng chí tâm
* Tiên Giáo chí tâm quy mạng lễ
Tiên Giáo chí tâm kinh
Tiên Giáo chí tâm
* Nho Giáo chí tâm quy mạng lễ
Nho Giáo chí tâm kinh
Nho Giáo chí tâm
* Thánh Giáo chí tâm quy mạng lễ
Thánh Giáo chí tâm kinh
Thánh Giáo chí tâm, v.v...
Trong những cách đặt nhan đề như vậy, có đôi điều cần xem lại:
 Bài Hỗn Độn Tôn Sư trong kinh cúng tứ thời không thể gọi là Thích Giáo, vì bài này xưng tán Đức Nhiên Đăng Cổ Phật (Dipankara) của thời Nhất Kỳ Phổ Độ chứ không xưng tán Đức Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuni) của thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
Các cách gọi chí tâm kinh, chí tâm thật ra chỉ là rút gọn cụm từ chí tâm quy mạng lễ. Lẽ ra không nên làm như thế.
ƒ Không nên đưa chí tâm quy mạng lễ vào làm nhan đề các bài kinh xưng tán này.
Các bài kinh tụng của đạo Lão Trung Quốc xưng tán công đức và oai linh các Đấng thiêng liêng thường khởi đầu bằng cụm từ chí tâm quy mạng lễ, như một nghi thức có tính cách nhắc nhở tín đồ phải khép mình, cung kính khi hành lễ trước bàn thờ. Thuật ngữ đạo Lão gọi phần này là khoa nghi 科儀.
Chí tâm quy mạng lễ nghĩa là gì?
Các bản kinh chữ Hán thường viết cụm từ này theo bốn cách như sau:
至心皈命禮 / 志心皈命禮
志心歸命禮 / 至心歸命禮
Như vậy (chí: ý chí) dùng thông với (chí: rất, lắm, cực độ). Tức là 志心 (chí tâm) nên hiểu theo nghĩa 至心 (chí tâm: hết lòng, trọn cả lòng thành khẩn).
(quy) dùng thông với (quy), nghĩa là đi theo, noi theo, tuân theo. 皈命 (歸命) quy mạng nghĩa là tuân phục, tin phục.
(lễ): hành lễ, lạy.
Chí tâm quy mạng lễ nghĩa là đem trọn cả lòng thành tuân phục cúi lạy.
*
Hai bài kinh cúng tứ thời gốc chữ Hán của đạo Cao Đài rút từ quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú (để xưng tán Đức Thái Thượng Đạo Quân) và quyển Văn Xương Đại Đỗng Chân Kinh Chú (để xưng tán Đức Khổng Thánh Tiên Sư). Vốn dĩ cả hai bản gốc không có nhan đề, vì đều chỉ là một phần trong khoa nghi theo truyền thống đạo Lão Trung Quốc. Do đó, tôi mượn bốn chữ Tiên thiên khí hóa Quế Hương nội điện mở đầu mỗi bài để tạm làm nhan đề.



([1]) Xem: Huệ Khải, Tìm Hiểu Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2009-2010. Ấn phẩm thứ 16 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao Đài.

HUỆ KHẢI



3/7. NGUỒN GỐC BÀI TIÊN THIÊN KHÍ HÓA


NGUỒN GỐC BÀI
TIÊN THIÊN KHÍ HÓA
Năm 1994 tôi ấn hành Tìm Hiểu Kinh Cúng Tứ Thời, một năm sau đó lại sửa chữa và tăng bổ khá nhiều khi tái bản (Huế: Nxb Thuận Hóa). Nay, tôi mượn được trong thư viện của Minh Lý Thánh Hội (Tam Tông Miếu, số 82 Cao Thắng, quận 3) một bản kinh xưa, chữ Hán (số thứ tự của thư viện là 98), nhan đề Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú. Nhờ thế tôi có điều kiện xác thực để hiệu đính giảng lại bốn chữ đơn tích vi mang trong bản in năm 1995 của tôi.([1])


I. GIỚI THIỆU HUỲNH ĐÌNH NỘI CẢNH NGỌC KINH TƯỜNG CHÚ
Quyển kinh này gồm 58 tờ giấy mỏng gấp đôi (13x23cm), đánh số từ nhất (tờ 1) tới ngũ bát (tờ 58). Như vậy mỗi tờ có hai trang. Thí dụ, tờ thứ ba có hai trang, gọi là trang 3a và 3b. Bìa trước và bìa lưng in chữ đen trên nền màu đỏ cam của hai tờ giấy mỏng gấp đôi. Gáy sách không dán, đóng chỉ tơ bên phải, do đó sách giở từ sau ra trước, đọc chữ theo cột hàng dọc từ trên xuống dưới và từ trái sang phải.
Ở mặt trong bìa lưng cho biết kinh này in tại nhà in Mỹ Hoa (My-Wa), số 52 đường Canton, Chợ Lớn.([2])
1. Trang bìa cho thấy các chi tiết sau đây:
(1) Giữa trang bìa, nhan đề in một dòng xuôi xuống, gồm sáu chữ Hán: Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú.([3])
(2) Bên phải nhan đề in một dòng xuôi xuống, gồm mười lăm chữ Hán: Đạo Quang nhị thập thất niên tam nguyệt sơ bát nhật. Hàm Hư Tử trứ.([4]) (Ngày mùng tám tháng ba niên hiệu Đạo Quang thứ hai mươi bảy. Hàm Hư Tử soạn.)
* Đạo Quang là vua thứ bảy triều nhà Thanh (Trung Quốc). Ông sinh năm 1782, mất năm 1850, trị vì 1821-1850. Vậy bản kinh này do Hàm Hư Tử soạn vào năm 1848.
* Hàm Hư Tử tức là Tử Hà Chân Nhân. Tử Hà cho rằng ai có một điểm Chân hiển lộ khác thường thì người đó gọi là hàm Hư tử, nghĩa là kẻ hàm chứa Hư trong mình: Nhất Chân đặc lộ, thử nhân danh hàm Hư tử.([5])
(3) Bên trái nhan đề in một dòng xuôi xuống, gồm mười ba chữ Hán: Long An Vĩnh Nguyên Tự hậu học Tín Mẫn Đường quyên tư ấn.([6]) (Hậu học chùa Vĩnh Nguyên [tại làng] Long An là Tín Mẫn Đường quyên tiền in sách.)
* Tín Mẫn Đường có lẽ là tên một nhà thuốc bắc.
(4) Hàng ngang trên cùng, đọc từ trái sang phải là: Khải Định thập niên bồ nguyệt trùng tuyên.([7]) (Khắc bản in lại vào tháng năm niên hiệu Khải Định thứ mười.)
* Trùng tuyên là khắc ván để làm lại bản in mới (trùng là làm lại lần nữa; tuyên là khắc bản in trên ván).
* Ngày tết Đoan Ngọ (mùng năm tháng năm âm lịch) người Trung Quốc có tục dùng lá bạch xương bồ ([8]) cắt thành hình lưỡi gươm gọi là bồ kiếm và treo trên cửa cùng với nắm lá dâu để làm bùa trừ tà. Vì thế tháng năm âm lịch còn gọi là bồ nguyệt.
* Khải Định là vua thứ mười hai triều nhà Nguyễn, sinh 1885, lên ngôi 1916, mất 1925, trị vì mười năm. Vậy quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú này do môn sanh Vĩnh Nguyên Tự in lại tại Chợ Lớn vào trong khoảng từ hạ tuần tháng 6 tới trung tuần tháng 7-1925. Một năm sau thời điểm ấy, môn sanh Vĩnh Nguyên Tự mới biết đạo Cao Đài.
Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển thứ Nhứt, vào đầu tháng 4 (Avril) năm 1926 có hai đàn cơ được lập tại Vĩnh Nguyên Tự:
- Vĩnh Nguyên Tự, 7 Avril 1926
Ngọc Hoàng Thượng Ðế
viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát
giáo Ðạo Nam Phương
Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã.
Thích Ca Mâu Ni, thị Ngã.
Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã.
Kim viết Cao Ðài.
Thích Ca Mâu Ni Phật giáng cơ
Thích Ca Mâu Ni Phật chuyển Phật Ðạo, chuyển Phật Giáo, chuyển Phật Tăng quy nguyên Ðại Ðạo. Tri hồ chư chúng sanh!
Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Độ, chư Thần Thánh Tiên Phật đại hỷ phát đại tiếu. Ngã vô lự tam đồ chi khổ. Khả tùng giáo Ngọc Ðế viết Cao Ðài Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát.
CAO ÐÀI
Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?
(…) Phải mặc y phục như [Lê Văn] Trung, mà màu hồng.
* Lịch tức là tiền bối Lê Văn Lịch (1890-1947), nhục tử của Thái Lão Sư Lê Đạo Long (1843-1913). Thái Lão Sư thế danh là Lê Văn Tiểng, sáng lập Vĩnh Nguyên Tự (1908).
Trước khi tiền bối Lê Văn Lịch nhập môn Cao Đài, tại Vĩnh Nguyên Tự ngày 20-01 Bính Dần (04-3-1926), Đức Cao Đài dạy: “Lịch, Ta cho Tiểng là cha ngươi nhập cơ.
Đây là lần giáng đàn đầu tiên của Đức Thái Lão Sư và Ngài cho biết đã đắc đạo quả là Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Theo Đạo Sử Xây Bàn của nữ Đầu Sư Hương Hiếu (1887-1971), hôm ấy Đức Chơn Nhơn dạy như sau:
Ngọc Đế cảm xúc công quả thậm đa, bất lưu luân hồi tái thế, phú Thái Ất Chơn Quân độ dẫn, thọ đắc Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn tại Tây phương cực lạc.([9])
(Đức Ngọc Đế cảm thương ta công quả rất nhiều, không cho ta luân hồi trở lại thế gian, cho Đức Thái Ất Chơn Quân độ dẫn ta, đắc quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn ở cõi cực lạc phương Tây.)


Sau đàn cơ ngày 08-4-1926 nói trên, tiền bối Lê Văn Lịch và nhiều môn sanh chi Minh Đường (Vĩnh Nguyên Tự) nhập môn Cao Đài.
Theo lệnh Đức Cao Đài, tiền bối Lê Văn Trung (1876-1934) đến khai đàn thượng tượng cho tiền bối Lê Văn Lịch vào ngày 10-4-1926. Đến ngày 26-4-1926, tiền bối Lê Văn Lịch được Đức Cao Đài phong phẩm vị là Đầu Sư phái Ngọc (phái Nho, thiên phục màu đỏ), thánh danh Ngọc Lịch Nguyệt. Việc tiền bối mặc thiên phục màu đỏ đã được Đức Cao Đài dạy trước đó, vào ngày 08-4-1926, như thánh giáo dẫn trên.
* Tiền bối Lê Văn Lịch nhập môn Cao Đài vào trung tuần tháng 4-1926. Quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú do môn sanh chùa Vĩnh Nguyên in vào tháng 6 hay tháng 7-1925. Bài xưng tán Đức Thái Thượng Đạo Quân trong nghi thức cúng tứ thời của đạo Cao Đài do tiền bối Lê Văn Lịch vâng lệnh Đức Chí Tôn soạn lại đã căn cứ theo nghi thức tụng kinh Huỳnh Đình. Tôi tạm mượn bốn chữ mở đầu làm nhan đề bài xưng tán này, gọi là bài Tiên Thiên Khí Hóa.
II. NGUỒN GỐC BÀI TIÊN THIÊN KHÍ HÓA
Mở đầu quyển Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú, có in Huỳnh Đình Nội Cảnh Khoa Nghi từ trang 2a. Cuối trang 2b có câu văn công thức Chí tâm quy mạng lễ, qua trang 3a có sáu dòng gồm 128 chữ Hán, được chấm câu như sau:
Tiên thiên hóa khí, Thái Thượng Lão Quân, thánh bất khả tri, công bất khả nghị, vô vi cư Thái Cực chi tiền, hữu thỉ siêu thứ vật chi thượng, nhị ngoạt thập ngũ giáng sanh, nhứt thân ức vạn thần biến, tử khí đông lai, truyền Đạo Đức ư Quan Doãn, lưu sa tây độ, hóa tướng pháp vi Thế Tôn, sản Tất [Viên] ([10]) Phương Sóc chi bối đơn tích vi mang, khai thiên địa nhơn vật chi tiên, Đạo kinh hạo kiếp, càn khôn oát vận, nhựt nguyệt quang minh, chí thần chí thánh, chí thượng chí tôn [,] chí đại vô ngung, chí cao vô ký, chưởng đạo lập đức Đại Thiên Tôn, thập phương tam giới đồng xưng dương, động thiên phước địa tề thanh tụng.([11])
Tôi tìm thấy một vài dị bản hiện có trên Internet. Đáng nói hơn cả là có một bản văn chỉ khác biệt không đáng kể, đăng tải ngày 11-4-2009 tại http://blog.xuite.net/kuo.winny/bloga/23288347. Xuite tức là chữ Sweet (tiếng Anh).
Trang blog (nhật ký) này đăng bài Thái Thượng Huỳnh Đình Kinh. Trước tiênKhai Kinh Huyền Uẩn Chú; kế tiếp là Huỳnh Đình Chơn Ngôn rồi tới câu văn công thức Chí tâm quy mạng lễ mở đầu bài văn tụng gồm 130 chữ như sau (không chấm câu):
Tiên thiên hóa khí Thái Thượng Lão Quân thánh bất khả tri công bất khả nghị vô vi cư Thái Cực chi tiền hữu thỉ siêu thứ vật chi thượng nhị ngoạt thập ngũ nhựt giáng sanh nhứt thần ức vạn thần biến tử khí đông lai truyền Đạo Đức ư Quan Doãn lưu sa tây độ hóa pháp tướng vi Thế Tôn sản Tất Viên Phương Sóc chi bối khai thiên địa nhơn lão chi tiên Đạo kinh hạo kiếp càn khôn oát vận nhựt nguyệt quang minh chí thần chí thánh chí thượng chí tôn chí đại vô ngung chí cao vô ký thập phương tam giới đồng xưng dương động thiên phước địa tề thanh tụng chưởng đạo lập đức Đại Thiên Tôn (tam xưng cửu khấu).([12])
So sánh bản in của Vĩnh Nguyên Tự (1925) và bản tại blog Xuite (2009), ta thấy:
Bản Vĩnh Nguyên Tự
Bản tại blog Xuite
nhị ngoạt thập ngũ
nhị ngoạt thập ngũ nhựt
hóa tướng pháp
hóa pháp tướng
sản Tất [in sót chữ Viên]
sản Tất Viên
nhơn vật chi tiên
nhơn lão chi tiên
“chưởng đạo lập đức Đại Thiên Tôn” được đặt gần cuối bài.
“chưởng đạo lập đức Đại Thiên Tôn” được đặt ngay cuối bài.
III. ĐỐI CHIẾU BẢN GỐC HUỲNH ĐÌNH NỘI CẢNH KHOA NGHI TRONG ĐẠO LÃO VỚI BÀI TIÊN THIÊN KHÍ HÓA TRONG ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẠO LÃO
ĐẠO CAO ĐÀI
Tiên thiên hóa khí
Tiên thiên khí hóa
Thái Thượng Lão Quân
Thái Thượng Ðạo Quân
thánh bất khả tri, công bất khả nghị, vô vi cư Thái Cực chi tiền
Thánh bất khả tri / Công bất khả nghị / Vô vi cư Thái Cực chi tiền
hữu thỉ siêu thứ vật chi thượng
Hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng
Ðạo cao nhứt khí / Diệu hóa Tam Thanh / Đức hoán hư linh / Pháp siêu quần Thánh
nhị ngoạt thập ngũ giáng sanh
Nhị ngoạt thập ngũ phân tánh giáng sanh
nhứt thân ức vạn thần biến
Nhứt thân ức vạn diệu huyền thần biến
tử khí đông lai
Tử khí đông lai
truyền Đạo Đức ư Quan Doãn
Quảng truyền Ðạo Ðức
lưu sa tây độ
Lưu sa tây độ
hóa tướng pháp vi Thế Tôn
Pháp hóa tướng tông
sản Tất [Viên] Phương Sóc chi bối, đơn tích vi mang, khai thiên địa nhơn vật chi tiên, Đạo kinh hạo kiếp, càn khôn oát vận
Sản Tất Viên, Phương Sóc chi bối, Ðơn tích vi mang / Khai thiên địa nhơn vật chi tiên, Ðạo kinh hạo kiếp / Càn khôn oát vận
nhựt nguyệt quang minh
Nhựt nguyệt chi quang
chí thần chí thánh
Ðạo pháp bao la
chí thượng chí tôn
Cửu Hoàng Tỷ Tổ
chí đại vô ngung, chí cao vô ký
Ðại thiên thế giới dương tụng từ ân
chưởng đạo lập đức Đại Thiên Tôn
Vĩnh kiếp quần sanh ngưỡng kỳ huệ đức
thập phương tam giới đồng xưng dương
Ðại thần đại thánh, chí cực chí tôn
động thiên phước địa tề thanh tụng
Tiên Thiên Chánh Nhứt Thái Thượng Ðạo Quân Chưởng Giáo Thiên Tôn
Bảng đối chiếu trên đây cho thấy tiền bối Ngọc Lịch Nguyệt đã sửa đổi khá nhiều bản văn gốc. Như thế, tiền bối thật sự tạo thêm một dị bản khác. Điều này xét ra hoàn toàn bình thường, vì lẽ các bài kinh cúng thuộc loại khoa nghi 科儀 giống như một công thức mở đầu các quyển kinh của đạo Lão bắt nguồn từ Trung Quốc và truyền đi các nước, xưa nay vẫn có nhiều dị bản. Chỉ cần gõ lại một số chữ Hán để truy cập trên Internet, chúng ta dễ dàng tìm thấy các dị bản với nhiều mức độ từ ít tới nhiều.
Quan trọng là nhờ có bản gốc như nói trên, chúng ta thuận tiện hơn khi chú giải bài kinh cúng tứ thời xưng tán Đức Thái Thượng Đạo Quân trong đạo Cao Đài.



([1]) Trang 64 và trang (7) phần chữ Hán.
([2]) Đường Canton (Quảng Đông) là một trong những con đường xưa nhất trong vùng Chợ Lớn dưới thời Pháp thuộc. Hiện nay, sau khi mở rộng, là đường Triệu Quang Phục và đường Lý Nam Đế.
([3]) 黃庭內景玉經祥 [sic] . Nhà in sắp sai chữ . Lẽ ra in là . (Tường chú: chú giải rõ ràng).
([4]) 道光二十七年三月初八日. 涵虚子著.
([5]) 一真特露, 此人名涵虛子.
http://nhantu.net/TonGiao/HuynhDinhKinh/HDK16.htm.
([6]) 隆安永源寺後學信敏堂捐資印.
([7]) 啟定十年蒲月重鐫.
([8]) Bạch xương bồ (acorus calamus) còn gọi là thạch xương bồ.
([9]) , , , 西 .
([10]) Văn bản này bị sót mất chữ Viên .
([11]) , , , , , , , , , , 西 , , [] , , , , , , [,] , , , , .
([12]) 西 界 同 ( )

HUỆ KHẢI