Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

6/7. CHÚ GIẢI BÀI QUẾ HƯƠNG NỘI ĐIỆN


CHÚ GIẢI BÀI
 QUẾ HƯƠNG NỘI ĐIỆN

PHÂN CÂU
Bài Quế Hương Nội Điện xưng tán Đức Khổng Thánh Tiên Sư mỗi khi cúng tứ thời trong đạo Cao Đài. Các bản in trước đây thường xuống dòng như sau:
Khai nhơn tâm tất bổn,
Ư đốc thân chi hiếu.
Thọ quốc mạch tất tiên,
Ư trí chúa chi trung.
Tôi phân lại:
Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu.
Thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi trung.
Như thế dễ thấy hình thức thể văn biền ngẫu, nên dễ nhận ra ý nghĩa câu kinh: Câu trên, Khai là động từ. Theo phép đối, Thọ ở câu dưới cũng là động từ, nên tôi giảng là Giữ cho lâu bền.
TRÌNH BÀY
Bài Quế Hương Nội Điện được khảo sát theo thứ tự như sau: Kinh Văn; Khảo Dị; Chú Giải; Tổng Luận.
Về Chú Giải, tôi giải từng câu, hoặc hai, ba hay bốn câu... cốt sao trọn ý văn mạch. Trước khi giải một câu, tôi xét từng chữ, từng từ của câu đó, có chú thêm chữ Hán và tiếng Anh bên cạnh để tiện tham khảo. Sau khi giảng xong hết từ trong một câu, tôi gom lại giảng theo cả câu.
Về Tổng Luận, tôi muốn bổ túc cho phần Chú Giải một cái nhìn tổng quát, thoát ra sự giải thích kinh văn gò bó theo từng câu từng chữ.
KINH VĂN
01. Quế Hương nội điện,
02. Văn Thỉ thượng cung.
03. Cửu thập ngũ hồi, chưởng thiện quả ư thi thơ chi phố.
04. Bá thiên vạn hóa, bồi quế thọ ư âm chất chi điền.
05. Tự lôi trữ bính, linh ư Phụng lĩnh.
06. Chí như ý từ, tường ư Ngao trụ.
07. Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu.
08. Thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi trung.
09. Ứng mộng bảo sanh,
10. Thùy từ mẫn khổ.
11. Đại nhơn đại hiếu,
12. Đại thánh đại từ.
13. Thần văn thánh võ,
14. Hiếu đức trung nhơn.
15. Vương tân sách phụ,
16. Nho Tông khai hóa.
17. Văn Tuyên tư lộc,
18. Hoằng nhơn Đế Quân.
19. Trừng chơn chánh quan,
20. Bửu quang từ tế Thiên Tôn.
01. 殿,
02. .
03. .
04. .
05. .
06. .
07. .
08. .
09. ,
10. .
11. ,
12. .
13. ,
14. .
15. ,
16. .
17. 祿,
18. .
19. ,
20. .
KHẢO DỊ
Câu 19 rất nhiều bản in sai là chánh quang. Theo bản gốc chữ Hán là chánh quan (quán), nhưng giọng miền Nam không phân biệt hai âm quan quang.([1])
CHÚ GIẢI
Câu 1:
Quế (cinnamon): Truyền thuyết cho rằng trên cung trăng có cây quế đỏ (đan quế). Người thi đậu được ví như tay vin cành quế đỏ (Thủ phàn đan quế 手攀丹桂). Người cao khiết, có tài đức mà lại ẩn dật, xa lánh danh lợi thế gian cũng được ví như cây quế. Ca dao có câu: Xin như cây quế giữa rừng / Cay không ai biết, ngọt đừng ai hay. Văn học dùng hình tượng cây quế để nói tới con người cao quý, thanh nhã, bạt tục. (Xem thêm câu 4.)
Hương : Mùi thơm (fragrance).
Quế Hương 桂香: Mùi thơm của quế (cinnamon fragrance). Ở đây được hiểu là tên riêng của một điện (palace hall).
Nội điện 內殿: Cung điện bên trong (inner palace hall).
Câu 2:
Văn : Văn chương, văn học (literature); học vấn (learning).
Thỉ (thủy) : Đầu mối, khởi nguyên (beginning).
Văn Thỉ 文始: Đầu mối của văn chương, văn học (the beginning of literature). Ở đây được hiểu là tên riêng của một cung điện (palace).
Thượng : Cao quý (noble). Thí dụ: thượng sư 上師 (vị thầy đáng tôn quý, sùng thượng); thượng nhân 上人 (người cao khiết, tài đức).
Thượng cung 上宮: Cung điện của bậc cao quý (noble palace).
Câu 1-2 tạm hiểu rằng điện Quế Hương ở cung Văn Thỉ là nơi ngự của Đức Khổng Tử.
Câu 3:
Cửu thập ngũ hồi 九十五回: Chín mươi lăm lần (ninety-five times). Hiểu thoát ý là rất nhiều kiếp, nhiều đời.
Chưởng (chủng) : Gieo trồng (to plant, to grow).
Thiện quả 善果: Quả lành, trái cây ngon ngọt (good fruit); quả báo lành của cuộc sống lương hảo (outcome of a good life).
Ư : Ở tại (in).
Thi thơ (thư) 詩書: Văn học, văn chương (literature).
Chi : Của (of).
Phố : Vườn cây ăn trái (orchard).
Thi thơ chi phố 詩書之圃: Mảnh vườn văn học, mảnh đất văn chương (the garden of literature).
Câu 3 ý nói Đức Khổng Tử đã trải qua nhiều kiếp có công trồng những cây ăn trái ngon ngọt trong mảnh vườn văn học. Hiểu thoát ý là khen ngợi công lao của Đức Khổng Tử đối với việc dạy dỗ, mở trường khai hóa dân trí.
Câu 4:
Bá thiên vạn 百千萬: Trăm, ngàn, và mười ngàn. Hiểu thoát ý là rất nhiều, vô số (myriads of).
Hóa : Sự biến hóa (transformation).
Bồi : Vun bón, bồi đắp, lấy đất đắp thêm vào gốc cây (to bank up with earth).
Quế thọ (thụ) : Cây quế (cinnamon, cinnamon tree). Xem lại chữ quế giảng ở câu 1.


Ư : Ở tại, ở nơi (in).
Âm chất 陰騭: Cũng gọi âm đức, âm công; việc làm phúc âm thầm, không lộ ra cho người khác biết (unostentatious benevolence).
Chi : Của (of).
Điền : Ruộng (field).
Âm chất chi điền 陰騭之田: Ruộng âm chất (the field of unostentatious benevolence). Việc làm âm chất được ví với ruộng vì lẽ ruộng phì nhiêu sinh sôi hoa màu phong phú, làm âm chất tuy chưa thấy kết quả trước mắt nhưng về lâu dài bản thân và con cháu cũng đều hưởng được quả lành. Càng gieo nhiều âm chất thì mảnh phước điền (ruộng phước) càng đâm bông trổ trái cho kẻ gieo giống lành thọ hưởng.
Bồi quế thọ ư âm chất chi điền 培桂於陰騭之田: Vun bồi cây quế nơi ruộng âm chất. Cây quế ám chỉ việc thi đậu, và tượng trưng cho người cao quý, bạt tục (xem lại câu 1).
Câu 4 ngụ ý xưng tán Đức Khổng Tử đã nhiều kiếp dày công giáo hóa cho người nên danh phận, đỗ đạt, và sự thành đạt đó của kẻ sĩ phải đặt trên nền tảng nhân đức. Truyện cổ dân gian hay răn kẻ sĩ làm lành tích đức cũng vì lẽ ấy.([2])
Câu 5:
Tự : Chữ viết (Chinese characters).
Lôi : Sấm sét (thunder).
Tự lôi : Tiếng sấm khi chữ viết được phát minh (the thunder celebrating the invention of the Chinese characters).
Trữ : Tích chứa (to store, to accumulate).
Bính : Sáng rỡ, sáng chói (bright, brilliant, luminous). Nghĩa bóng là văn minh (civilization).
Theo truyền thuyết, Thương Hiệt làm quan chép sử của Hoàng Đế thời thượng cổ. Thương Hiệt cất nhà bên bờ sông Vị (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), ngày đêm trầm tư tìm tòi cách ghi chép.
Lòng thành động đến Trời, một hôm chim phụng bay qua nhà ông, thả xuống hòn đất in dấu chân con thú lạ. Một thợ săn bảo đó là dấu chân con Tỳ Hưu 貔貅. Thợ săn còn khoe có thể nhìn bất kỳ dấu chân mà biết rõ là loài thú gì. Thương Hiệt bừng tỉnh, ngộ ra rằng mọi sự vật trên đời đều có đặc trưng, nếu có thể vẽ ra được đặc trưng ấy, mọi người nhìn vào sẽ hiểu ngay là vật gì.
Thương Hiệt dựa vào nguyên tắc đó mà quan sát thiên nhiên, tìm cách vẽ lại đặc trưng của vạn vật, cuối cùng tạo nên lối chữ tượng hình của người Trung Hoa. Vì vậy người Trung Hoa có câu Thương Hiệt tác thư 倉頡作書 (Thương Hiệt sáng tác chữ viết).
Cũng theo truyền thuyết, người đời sau cất đài kỷ niệm tại nơi Thương Hiệt nhặt hòn đất in dấu chân thú, gọi là Phụng Hoàng Hàm Thư Đài 鳳凰銜書台 (đài chim phụng ngậm chữ). Đến thời Tống dựng thêm chùa, gọi là Phụng Đài Tự 鳳台寺, nay thuộc huyện Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Dĩ nhiên, về nguồn gốc sáng tạo chữ Hán, thuyết Thương Hiệt tác thư không được các nhà ngôn ngữ học hiện đại chấp nhận. Chữ Hán là thành quả sáng tạo trải qua nhiều đời của người Trung Hoa cổ đại. Có thể Thương Hiệt chỉ là một trong những người có công sưu tập, chỉnh lý và phát triển chữ Hán mà thôi.
Nhưng dân tộc Trung Hoa vốn giàu tưởng tượng và ham thích thần bí siêu nhiên. Để tán dương chữ viết của họ là một thành tựu văn hóa cực kỳ quan trọng, họ truyền rằng khi hệ văn tự tượng hình này hoàn thành thì sấm chớp nổi dậy, thần sầu quỷ khốc, và ngũ cốc trên trời đổ xuống như mưa.
Bốn chữ tự lôi trữ bính vì thế có thể hiểu là ngụ ý nói tới phát minh ra chữ viết, một thành tựu to tát của văn minh, văn hóa Trung Quốc.
Linh : Linh thiêng, thiêng liêng (divine, supernatural).
Ư : Hơn (more than).
Phụng : Chim phượng là con trống (male phoenix); con mái gọi là hoàng (female phoenix). Trong văn học Trung Quốc và Việt Nam, chim phụng là biểu tượng của hoan hỷ, hạnh phúc (an emblem of joy and happiness). Khi nói tới bậc đại tài văn chương người Trung Quốc có thành ngữ Thổ phụng chi tài 鳳之才 (great literary ability); thổ là nói năng. Khen tặng người có danh tiếng trong chốn văn chương có thành ngữ Khởi phụng đằng giao 鳳騰蛟 (the soaring phoenix and the prancing dragon; praise of one whose name for literature is becoming famous).
Lĩnh (lãnh) : Đỉnh núi cao (the highest peak in a mountain range).
Phụng lĩnh 鳳嶺: Đỉnh núi Phụng, ám chỉ núi Kỳ (Kỳ Sơn), do truyền thuyết là cuối đời Ân, vua Trụ bạo ngược, dân chúng điêu linh thì có chim phụng gáy trên núi Kỳ báo tin Thánh Nhân (là Chu Văn Vương, Chu Võ Vương) ra đời diệt Trụ an dân, lập đời thái bình thịnh trị.
Linh ư Phụng lĩnh 靈於鳳嶺: Siêu phàm hơn núi Kỳ [có chim phụng gáy] (more sacred than the peak of Phoenix).
Câu 5 ngụ ý so sánh việc chế tác chữ viết còn quan trọng hơn cả việc Thánh Nhân xuất thế cứu đời. (Thánh Nhân không phải thời nào cũng có, việc giáo hóa trực tiếp của Thánh Nhân vì vậy có hạn chế trong không gian và thời gian. Tuy nhiên, nhờ chữ viết, kinh sách ra đời, đạo lý có phương tiện hữu hiệu để truyền đạt rộng khắp vượt không gian và thời gian, việc giáo hóa vì thế mà được tiếp nối trường lưu bất tận.)
Câu 6:
Chí : Tâm chí, ý chí, điều thiết tha mong muốn (will, ambition).
Như : Cũng như (as well as).
Ý : Ý nghĩ, quan niệm (opinion, thought).
Từ : Hiền lành, thương yêu (merciful, compassionate).
Tường : Tốt lành (lucky, good, auspicious).
Ư : Hơn (more than).
Ngao : Loài rùa biển (ba ba) khổng lồ. Theo truyền thuyết, chúng chống chỏi cho mặt đất khỏi bị sụt lở (huge sea-turtle, said to support the earth), dựa theo tích Cộng Công đánh nhau với Chúc Dung làm trời sụp, đất sụt lở. Bà Nữ Oa phải luyện đá ngũ sắc để vá trời, chặt chân ngao để chống chỏi đất. Vì thế có thuật ngữ ngao túc 鰲足 là chân ngao (legs of a huge turtle used as supports for the earth). Ngày xưa, người thi đậu đứng đầu bảng danh sách cũng gọi là độc chiếm ngao đầu.
Trụ : Cây cột (pillar); sự chống đỡ (support). Hiểu theo tích bà Nữ Oa chống chỏi đất thì ngao trụ là cột bằng chân ngao.
Câu 6 ý nói tâm chí và ý tưởng của Đức Khổng Tử rất mực tốt lành, đỡ nâng con người còn hay hơn cả chân ngao chỏi đất.
Câu 7:
Khai : Bắt đầu, khởi đầu (to start, to begin).
Nhơn (nhân) tâm 人心: Lòng người, đạo đức con người (the moral nature of human beings).
Tất : Ắt hẳn, phải là (must, necessarily).
Bổn (bản) : Cái gốc, căn bản, nền tảng (basis).
Ư : Ở tại (in).
Đốc : Dốc hết, dốc lòng (utmost).
Thân : Cha mẹ (parents).
Chi : Của (of).
Hiếu : Lòng kính yêu, biết ơn cha mẹ (filial piety).
Đốc thân chi hiếu 篤親之孝: Lòng chí hiếu đối với cha mẹ (utmost filial piety).
Câu 7 ý nói việc giáo dục đạo đức cho con người đặt trên căn bản là hết lòng hiếu kính cha mẹ.
Câu 8:
Thọ : Giữ cho lâu bền (to sustain, to maintain).
Quốc mạch 國脈: Mạch của đất nước, quốc gia. Gọi chung văn hóa, văn minh, truyền thống, gia sản tinh thần của một nước là quốc mạch. Đó là cái nguồn sinh lực nuôi dưỡng cho một đất nước trường tồn. Gọi là quốc mạch để so sánh với huyết mạch là dòng máu luân lưu nuôi sống một cơ thể.
Thọ quốc mạch 壽國脈: Giữ lâu bền mạch nước.
Tất : Ắt hẳn, phải là (must, necessarily).
Tiên : Trước tiên (first of all).
Ư : Ở tại (in).
Trí : Rất, lắm, hết mực (utmost).
Chúa (chủ) : Nghĩa hẹp là vua, người đứng đầu một nước. Hiểu thoát ý, chúa (chủ) ám chỉ nhà nước (state), là một tập thể lãnh đạo quốc gia.
Trí chúa chi trung 致主之忠: Lòng trung thành tuyệt đối đối với nước nhà, khi xưa là lòng tận trung với vua, là người đại biểu cho quốc gia thời quân chủ (utmost patriotism).
Câu 8 ý nói muốn giữ lâu bền mạch nước (văn hóa quốc gia, v.v…) thì điều trước tiên tất nhiên là phải hết lòng trung thành với Tổ Quốc.
Hai câu 7-8 là một cặp đối rất chỉnh. Câu 7 nói chí hiếu (đốc thân chi hiếu) là dạy cái đạo làm con trong gia đình. Câu 8 nói tận trung (trí chúa chi trung) là dạy cái đạo làm dân trong một nước. Có đủ vẹn toàn cả hiếu lẫn trung là vẹn tròn nghĩa vụ với gia đình và quốc gia, là chu toàn cái đạo làm người, hay nhân đạo của nhà Nho. Hơn nữa, câu 4 đã nói Bồi quế thọ ư âm chất chi điền là nhắm vào việc tu thân của cá nhân. Bài xưng tán này diễn tả đủ ba phương diện cá nhân - gia đình - quốc gia (xã hội), cũng đồng thời là quan hệ tu thân - tề gia - trị quốc nơi sách Đại Học.
Câu 9:
Ứng mộng 應夢: Cho ai thấy trong giấc chiêm bao (to appear in a dream).
Bảo sanh (sinh) 保生: Gìn giữ sự sống (to protect life).
Câu 9 ý nói Đức Khổng Tử muốn nối nghiệp Chu Công, thường suy tư tìm cách cứu đời, bảo toàn sự sống cho dân. Môn đệ ghi lại lời Đức Khổng Tử: mộng kiến Chu Công.([3]) Chứng tỏ Đức Khổng Tử đã từng nằm mộng thấy Chu Công hiện về.
Câu 10:
Thùy từ 垂慈: Có lòng thương yêu người khác (to have gracious compassion towards).
Mẫn : Thương xót (to have sympathy with).
Khổ : Nỗi khổ (sufferings).
Câu 10 ý nói Đức Khổng Tử có lòng từ, thương xót chúng dân khổ sở.
Câu 11-12-13-14:
Đại nhơn (nhân) 大仁: Chí nhân, lòng nhân ái bao la (great benevolence).
Đại hiếu 大孝: Chí hiếu (utmost filial piety).
Đại thánh 大聖: Chí thánh (great holiness).
Đại từ 大慈: Lòng thương yêu bao la (great compassion).
Thần văn 神文: Văn chương tuyệt giỏi, văn chương hay như thần (great literary ability).
Thánh võ () 聖武: Võ bị tuyệt vời, giỏi như thánh (great martial arts).
Hiếu đức trung nhơn (nhân) 孝德忠仁: Hiếu thảo (of filial piety), đức độ (virtuous), trung thành (loyal), và nhân ái (benevolent).
Ba câu 11, 12 và 14 xưng tán đức độ cao tột của Đức Khổng Tử. Câu 13 ca tụng Ngài có tài kiêm văn lẫn võ (xem Tổng Luận).
Câu 15:
Vương : Thuộc về vua chúa (royal).
Tân : Khách (visitor, guest).
Vương tân : Khách của vua chúa (the guest of kings).
Sách : Kế sách, chiến lược (scheme, strategy).
Phụ : Hai cái cọc cặp vào xe để chống cho xe đứng được (poles attached to a cart to keep it from upsetting). Từ nghĩa này phát sinh nghĩa trợ giúp, ủng hộ (to help, to support).
Sách phụ : Đưa ra kế sách để giúp đỡ (to offer strategies for help).
Câu 15 ý nói Đức Khổng Tử từng là thượng khách nơi triều đình, được các vua chúa tham vấn về chính sách trị nước an dân.
Câu 16:
Nho tông 儒宗: Tông chỉ đạo Nho (the policy of Confucianism).
Khai hóa 開化: Làm cho văn minh (to civilize).
Câu 16 ý nói Đức Khổng Tử dùng tông chỉ đạo Nho làm cho Trung Quốc (và các nước đồng văn) được văn minh.
Câu 17:
Văn Tuyên 文宣: Một trong những tên thụy các vua Trung Quốc truy tặng Đức Khổng Tử.
Tuyên có nghĩa là bày ra (to display), tuyên bố (to proclaim). Tôn hiệu của Đức Khổng Tử thường kèm theo chữ Tuyên. Vào năm 1 đầu Công Nguyên, vua Hán Bình Đế tôn Ngài là Bao Thành Hầu Tuyên Ni Công. Ni mượn từ tên tự của Ngài là Trọng Ni. Các thế kỷ sau đó, Ngài được tôn là Tuyên Ni hay Tuyên Phụ. Năm 739 vua Đường Huyền Tông tôn Ngài là Văn Tuyên Vương. William Frederick Mayers dịch Tuyên là lỗi lạc (illustrious); dịch Tuyên Ni CôngIllustrious Duke Ni; dịch Văn Tuyên là học vấn lỗi lạc (Illustrious Learning).([4]) Năm 1008, vua Tống Chân Tông tôn Ngài là Huyền Thánh Văn Tuyên Vương; năm 1012 lại tôn là Chí Thánh Văn Tuyên Vương. Ngài cũng được tôn là Tuyên Thánh.([5])
(ti) : Trông coi (to control, to manage).
Lộc 祿: Phúc (happiness).
Câu 17 ý nói Đức Khổng Tử trông coi việc phúc.
Câu 18:
Hoằng : To lớn (great).
Nhơn (nhân) : Lòng thương người (benevolence).
Hoằng nhơn Đế Quân 宏仁帝君: Vị Đế Quân có lòng bác ái, ám chỉ Đức Khổng Tử (the God of Great Benevolence).
Câu 19-20:
Trừng : Trong trẻo, tinh khiết (clear, pure).
Chơn (chân) : Thật, không giả (real, genuine).
Chánh (chính) : Ngay thẳng, chơn chánh (upright, true).
Quan (quán) : Soi xét, xem xét (to observe, to behold).
Bửu (bảo) quang 寶光: Ánh sáng quý báu (precious light).
Từ tế 慈濟: Có lòng thương người, hay trợ giúp người (benevolent and helpful).
Thiên Tôn 天尊: Đấng được cõi trời tôn kính (the Heavenly Honored One).
Câu 19-20 ý tán thán Đức Khổng Tử là vị Thiên Tôn có lòng thương yêu hay cứu giúp cho người; Ngài hay xem xét những điều trong sáng, chơn thật.
TỔNG LUẬN
Nói đến Đức Khổng Tử là nói đến đạo Nho. Nói đến đạo Nho chẳng thể bỏ quên chữ viết của dân tộc Trung Hoa. Thứ chữ đó được gọi là chữ Hán vì Hán là một trong mấy triều đại văn minh rực rỡ nhất Trung Quốc. Nhưng chữ viết đó còn có một cái tên xác đáng hơn, sâu sắc hơn: chữ Nho; nghĩa là văn tự của đạo Nho, chữ của nhà Nho. Chưa có một nền tư tưởng nào khác mà lại có cái vinh dự là đồng hóa danh xưng của nó với ngôn ngữ của cả một dân tộc. Nho Giáo duy nhất có được cái điều thế gian hy hữu ấy, đủ để thấy uy thế của Đức Khổng Tử vĩ đại như thế nào rồi.
Theo truyền thuyết, chữ Nho có từ đời thượng cổ, do Thương Hiệt sáng chế ra. Khi chữ viết được phát minh thì kinh thiên động địa, quỷ khốc thần sầu, sấm giăng mưa giáng... Trong kinh nói Tự lôi trữ bính (câu 5) không ra ngoài huyền thoại ấy. Nhìn ở khía cạnh khoa học, huyền thoại ấy nhằm diễn tả tầm quan trọng của chữ viết đối với văn hóa, văn minh của một dân tộc.
Trên cơ sở di chỉ khảo cổ An Dương (tỉnh Hà Nam), các nhà khảo cổ xác định rằng dân tộc Trung Hoa đã có văn tự rất sớm, nếu có chậm lắm thì cũng chỉ tới đời Thương (khoảng 1800 năm trước Công Nguyên) mà thôi.
Văn tự đã có rồi thì dần dần sẽ xuất hiện trường học. Chế độ giáo dục đời thượng cổ chỉ được sử sách chép lại rất sơ sài. Một cách khái quát, có thể ghi nhận như sau:
- Trường học có hai cấp: tiểu học (trẻ 8-14 tuổi) và đại học (15-20 tuổi).
- Tiểu học dạy cho trẻ biết thưa gởi, ứng đối, lễ phép xã giao và một ít chữ nghĩa.
- Đại học dạy lục nghệ gồm sáu môn: lễ, nhạc, xạ (bắn cung), ngự (đánh xe), thư (viết chữ), số (các phép toán).
- Con em bình dân chỉ được học vài năm tiểu học ở trường làng, mà số học trò lại rất ít.
- Con nhà quý tộc (vua chúa, chư hầu, quan lại) được học ở kinh đô, học hết đại học để sau làm quan. Vậy học hành là một đặc quyền của những nhà quý tộc.
Tới khoảng cuối đời Xuân Thu,([6]) Đức Khổng Tử là người đầu tiên mở trường tư dạy trẻ em và người lớn. Ngài không phân biệt thành phần xã hội, không kỳ thị giai cấp. Trong cái trường tư đầu tiên trên thế giới đó, dù là con vua cháu chúa mặc quần là áo lụa kiêu sa hay là con em thứ dân mặc áo vải quần bô lam lũ, tất cả đều vẫn được tiếp nhận và cùng hưởng chung một chế độ giáo dục bình đẳng. Luận Ngữ chép Hữu giáo vô loại là nói đến chế độ giáo dục bình đẳng ấy.([7])
Đây chính là một cuộc cách mạng giáo dục trong xã hội Trung Quốc thời cổ, bởi lẽ nhờ con đường giáo dục mà Đức Khổng Tử đã đào tạo từ trong quần chúng bình dân một tầng lớp trí thức có đủ tâm hạnh đức tài. Các bậc đại nho này về sau có điều kiện ra tham chính, làm quan giúp vua trị nước an dân, và như thế họ đã thực sự thay thế hạng quý tộc cha truyền con nối. Vậy, nhờ công lao của Đức Khổng Tử mà dân tộc Trung Hoa đã đi trước châu Âu trên hai ngàn năm về phương diện giáo dục. Mãi đến thế kỷ thứ 13 ở phương Tây mới có một vài nước theo kịp.
Các môn đệ của Đức Khổng Tử về sau lại noi gương Thầy, tiếp tục mở trường tư dạy học, lưu truyền đạo lý Thánh Hiền cho muôn đời noi theo. Theo sử quan Cao Đài, đạo Nho vốn đã có từ Nhất Kỳ Phổ Độ, nghĩa là có trước Đức Khổng Tử. Nhưng phải đợi đến Nhị Kỳ Phổ Độ, nhờ công Đức Khổng Tử và môn đệ mà đạo Nho được hoằng dương mạnh mẽ, hữu hiệu, và đạo Nho cũng được đồng hóa thành đạo Khổng. Trong kinh nói Nho Tông khai hóa (câu 16) chính là xưng tán công nghiệp hoằng đại của nhà giáo họ Khổng.
Thời đại của Đức Khổng Tử (từ cuối đời Xuân Thu đến cuối đời Chiến Quốc) là thời kỳ thiên hạ đại loạn. Các triết gia nô nức lập thuyết cứu đời, tạo nên một phong trào học thuật rực rỡ mà sử sách gọi là bách gia tranh minh (trăm nhà đua tiếng). Đức Khổng Tử chính là người đầu tiên đứng ra mở đường dọn lối cho phong trào ấy. Sử gia khẳng định rằng bình minh triết học Trung Quốc thực sự đã khởi phát từ chính đất Lỗ, quê hương Đức Khổng Tử (một phần của tỉnh Sơn Đông sau này), tuy chỉ là một nước nhỏ, nhưng còn giữ lại được ít nhiều sự giáo hóa của Chu Công, người mà Đức Khổng Tử vô cùng khâm phục và quyết tâm suốt đời nối chí.
Dân tộc Trung Hoa ngưỡng mộ ba vị đại hiền ở đầu nhà Chu (Tây Chu) và tôn là ba ông Thánh: Chu Văn Vương (tên Cơ Xương), Chu Võ Vương (tên Cơ Phát), và Chu Công (tên Đán, em Võ Vương). Võ Vương diệt Trụ, làm vua bảy năm thì mất. Trật tự trong nước chưa kịp ổn định. Con là Thành Vương nối ngôi còn nhỏ tuổi, các vụ phản loạn xảy ra. Chu Công giúp cháu giữ yên xã tắc, lại có công định ra lễ nghi, phép tắc, chấn hưng đạo đức... nhờ thế nhà Chu hưng thịnh, văn minh rực rỡ.
Sang thời Chu suy (Đông Chu), thiên hạ đại loạn, trong gia đình nhiều kẻ chém giết nhau, dâm loạn; ở triều đình thì bề tôi chuyên quyền lấn ép, bức hiếp chúa... Đức Khổng Tử đã lớn lên trong cảnh nhiễu nhương cùng cực ấy, và Ngài đã mơ ước nối chí Chu Công tái lập lại trật tự xã hội cho dân chúng thoát khỏi điêu linh. Ngài từng mong muốn đi qua Lạc Ấp (kinh đô nhà Chu) để khảo cứu và học tập công nghiệp của Chu Công. Năm ba mươi bốn tuổi được Lỗ Vương trợ giúp phương tiện, Ngài mới toại nguyện du học.
Sau chuyến đi đó, Đức Khổng Tử càng thêm thán phục Chu Công và càng nung nấu hoài bão nối chí Thánh Nhân đời trước lập đức cứu đời, cho nên có lần Ngài nói cùng môn đệ: Ngô tòng Chu. (Ta theo Chu Công.) Cũng do chỗ đồng thanh khí, đồng hoài bão lớn ấy, Đức Khổng Tử nằm mộng thấy Chu Công hiện về.([8]) Do tích này nên bài xưng tán nói: Ứng mộng bảo sanh (câu 9).
Cũng như Chu Công, Đức Khổng Tử nhận thấy nguyên nhân chủ yếu làm cho xã hội rối loạn đều bắt nguồn hoặc từ trong gia đình, hoặc từ trong triều đình. Do đó Ngài dạy con trong nhà phải hiếu, quan trong triều phải trung. Tiên khởi Ngài dạy phải lấy bản thân từng cá nhân mà tu tập nghĩa nhân, đạo đức. Bài xưng tán nói Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu / Thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi trung (câu 7-8) tức là đã nêu ra được cương lĩnh giáo dục của Đức Khổng Tử là tu thân, tề gia, trị quốc.
Đức Khổng Tử dạy cho học trò nhiều môn: về văn có Thi, Thư (sử), Lễ, Nhạc, Dịch và môn thư (viết chữ), số (toán học); về võ có môn xạ (bắn cung), ngự (đánh xe). Vì Ngài tài kiêm văn võ như vậy nên bài xưng tán khen là Thần văn thánh võ (câu 13).
Các đời sau, trường tư của đạo Khổng ngày càng thịnh. Cho đến đời Hán trở đi thì đã thành chế độ thi cử hẳn hoi. Nho sĩ càng lúc càng đông, có uy tín và khí tiết, đầy đủ tài năng đức trí, có khả năng trị thế an bang. Nhờ thi cử đỗ đạt họ đã vào triều nắm giữ các địa vị quan trọng. Lần đầu tiên trên thế giới đã có một nền văn minh độc sáng, lại xuất hiện rất sớm, và làm một cuộc cách mạng trong chế độ cai trị: thông qua học hành và thi cử, nhân tài trong nước không phân biệt thành phần xã hội hay giai cấp đều được tuyển chọn công bằng để ra làm quan, và do đó đã loại bỏ được chế độ quý tộc huyết thống cha truyền con nối, cho dù con bất tài, vô đức. Ở các nước đồng văn với Trung Quốc (như Việt Nam), truyền thống giáo dục và chọn nhân tài tốt đẹp, ưu thắng ấy cũng sớm được tiếp thu có hiệu quả rất tích cực.([9])
Có nhận thức rõ ý nghĩa và vai trò to tát của Nho học trong xã hội Trung Hoa và Việt Nam thời xưa thì càng cảm thụ sâu sắc các câu mở đầu bài xưng tán: Cửu thập ngũ hồi, chưởng thiện quả ư thi thơ chi phố. Bá thiên vạn hóa, bồi quế thọ ư âm chất chi điền. (câu 3-4).
Đức Khổng Tử là tấm gương sáng cho muôn đời noi theo (vạn thế sư biểu). Ngài đã rất thành công trong sự nghiệp giáo dục mà ảnh hưởng hãy còn truyền lưu muôn thuở, lan truyền sang cả các nước phương Tây thời nay. Tuy nhiên Ngài lại thất bại trên con đường chính trị. Vua chúa tuy có đón tiếp Ngài để nghe bàn về kế sách trị quốc an dân, nhưng không một ai thực tâm thi hành chính sách vương đạo của Đức Khổng Tử. Ngài bôn ba nhiều mà chỉ hoài công. Luận Ngữ (Chương I, 10) chép lời ông Tử Cầm bảo ông Tử Cống: Phu Tử chí ư thị bang dã, tất văn kỳ chính. (Thầy ta đến nước nào thì ắt đều dự bàn việc chính trị của nước đó.) Bài xưng tán nói Vương tân sách phụ (câu 15) là liên hệ đến cuộc đời chính trị của Đức Khổng Tử.
Nhiều chỗ, bài xưng tán lặp đi lặp lại lời ca tụng Đức Khổng Tử: đại nhơn, đại hiếu, đại thánh, đại từ, hiếu, đức, trung, nhơn, hoằng nhơn, từ tế... Đọc kỹ Luận Ngữ, là sách do môn đệ chép lại lời nói, hành trạng của Ngài, ai cũng thấy rõ ràng bức chân dung của Ngài: một con người nhân bản toàn diện. Ngài luôn quán xét để dạy đời những điều chân chánh, cao thượng (Trừng chơn chánh quan), chẳng khác gì ánh sáng quý báu soi lối giúp đời (Bửu quang từ tế).
Biết người, biết mình, cho nên dù khiêm tốn rất mực mà cũng có lúc Ngài vẫn thực thà khẳng định sứ mạng của Ngài, như lời nói ở đất Khuông: Văn Vương ký một, văn bất tại tư hồ? ([10]) (Văn Vương mất đi rồi thì cái văn của Người chẳng phải là đã truyền lại nơi ta đấy sao?) Chữ văn trong câu có thể hiểu là cái đạo của Thánh Nhân, nhưng văn lại còn là vẻ sáng đẹp. Hiểu như thế, thì sau Văn Vương, Đức Khổng Tử qua cuộc đời chân thật, trong sáng, thẳng ngay của Ngài đã thể hiện trung thực một vẻ đẹp kỳ diệu, một ánh sáng thánh khiết để làm ngọn đuốc thiêng chói lọi soi rọi mãi mãi cho nhân loại muôn đời. Về cái ánh sáng đẹp ngời đó của Đức Khổng Tử, bài xưng tán nói: Bửu quang từ tế Thiên Tôn (câu 20). Hiểu như thế, rồi liên hệ đến bốn chữ Nho Tông chuyển thế trong đạo Cao Đài, sẽ xác tín thêm rằng, với Cao Đài xuất thế, chân truyền đạo Nho sẽ được phục hưng, và Đức Khổng Tử vẫn mãi mãi còn là một chân dung sống động trong tâm tình con người hôm nay và mai sau.



([1]) Cách phát âm Nam Bộ khiến cho kinh sách Cao Đài từ 1926 tới nay phần lớn đều bị sai chánh tả. Thực trạng này rất đáng ngại!
([2]) Có anh học trò nghèo, học giỏi, được thần nhân báo mộng sẽ đỗ đầu, làm quan to. Một đêm ngồi dưới trăng chợt nghĩ tới người vợ lam lũ quê mùa, anh toan tính khi làm quan sẽ bỏ vợ để cưới một tiểu thơ son trẻ quyền quý. Sau đó, thần nhân lại báo mộng rằng Thiên Đình vừa xóa tên anh trong danh sách thi đậu vì phạm tội “Nguyệt hạ phóng thê, thất đức.” (Dưới trăng bỏ vợ, thất đức.)
([3]) Luận Ngữ, Chương Thuật Nhi.
([4]) The Chinese Reader's Manual. Shanghai 1874, p. 105.
([5]) Mathews' Chinese-English Dictionary. Harvard University Press 1971, mục từ 2890-46.
([6]) Thời Xuân Thu (770-403 trước Công Nguyên) từ đời Chu Bình Vương tới cuối đời Chu Uy Liệt Vương. Thời Chiến Quốc (403-221 trước Công Nguyên) từ đời Chu Ân Vương đến khi Tần diệt Tể và thống nhất Trung Quốc. (Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử. Nxb Văn Hóa, 1992, tr. 25.)
([7]) Luận Ngữ, Chương XV, 38.
([8]) Luận Ngữ, Chương III, 14; Chương IV, 5.
([9]) Về tính tích cực của truyền thống thi cử chọn nhân tài của Nho Giáo, xem thêm bài “Góp Phần Nghiên Cứu Nho Tông Chuyển Thế…”, in trong: Huệ Khải, Triết Lý Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 36-38.
([10]) Luận Ngữ, Chương IX, 5.

HUỆ KHẢI