CHÚ GIẢI BÀI
TIÊN THIÊN KHÍ HÓA
PHÂN CÂU
Bài Tiên
Thiên Khí Hóa xưng tán Đức Thái Thượng Đạo Quân mỗi khi cúng tứ thời trong
đạo Cao Đài. Các bản in trước đây thường xuống dòng như sau:
Nhị
ngoạt thập ngũ,
Phân
tánh giáng sanh.
Nhứt
thân ức vạn,
Diệu
huyền thần biến.
Tôi phân lại:
Nhị
ngoạt thập ngũ, phân tánh giáng sanh.
Nhứt
thân ức vạn, diệu huyền thần biến.
Tuy phân câu khác nhau, nhưng lúc đọc
kinh vẫn theo nhịp hai là: Nhị ngoạt / thập ngũ / phân tánh / giáng sanh / Nhứt thân / ức vạn
/ diệu huyền / thần biến…
Tôi phân câu lại vì có điểm ích lợi hơn:
[a] Dễ thấy hình thức thể văn biền ngẫu;([1]) [b] Dễ
nhận ra ý nghĩa câu kinh.
TRÌNH BÀY
Bài Tiên
Thiên Khí Hóa được khảo sát theo thứ tự như sau: Kinh Văn; Khảo Dị; Chú
Giải; Tổng Luận.
Về Chú Giải, tôi giải từng câu, hoặc hai,
ba hay bốn câu... cốt sao trọn ý văn mạch. Trước khi giải một câu, tôi xét từng
chữ, từng từ của câu đó, có chú thêm chữ Hán và tiếng Anh bên cạnh để tiện tham
khảo. Sau khi giảng xong hết từ trong một câu, tôi gom lại giảng theo cả câu.([2])
Về Tổng Luận, tôi muốn bổ túc cho phần Chú
Giải một cái nhìn tổng quát, thoát ra sự giải thích kinh văn gò bó theo từng
câu từng chữ.
KINH VĂN
01. Tiên thiên khí hóa,
02. Thái
Thượng Ðạo Quân.
03. Thánh
bất khả tri,
04. Công
bất khả nghị.
05. Vô
vi cư Thái Cực chi tiền,
06. Hữu
thỉ siêu quần Chơn chi thượng.
07. Ðạo
cao nhứt khí,
08. Diệu
hóa Tam Thanh.
09. Ðức
hoán hư linh,
10. Pháp
siêu quần Thánh.
11. Nhị
ngoạt thập ngũ, phân tánh giáng sanh,
12. Nhứt
thân ức vạn, diệu huyền thần biến.
13. Tử
khí đông lai, quảng truyền Ðạo Ðức,
14.
Lưu sa tây độ, pháp hóa tướng tông.
15. Sản
Tất Viên, Phương Sóc chi bối, đơn tích vi mang.
16. Khai
thiên địa, nhơn vật chi tiên, Ðạo kinh hạo kiếp.
17. Càn
khôn oát vận, nhựt nguyệt chi quang,
18. Ðạo
pháp bao la, Cửu Hoàng Tỷ Tổ.
19. Ðại
thiên thế giới dương tụng từ ân,
20. Vĩnh
kiếp quần sanh ngưỡng kỳ huệ đức.
21. Ðại
thần đại thánh,
22. Chí
cực chí tôn.
23. Tiên Thiên Chánh Nhứt Thái Thượng Ðạo Quân
Chưởng Giáo Thiên Tôn.
01. 先 天 氣 化,
02. 太 上 道 君.
03. 聖 不 可 知,
04. 功 不 可 議.
05. 無 為 居 太 極 之 前,
06. 有 始 超 群 眞 之 上.
07. 道 高 一 氣,
08. 妙 化 三 清.
09. 德 煥 虛靈,
10. 法 超 群 聖.
11. 二 月 十 五 分 性 降 生,
12. 一 身 億 萬 妙 玄 神 變.
13. 紫 氣 東 來 廣 傳 道 德,
14. 流 沙 西 度 法 化 相 宗.
15. 產 漆 園 方 朔 之 輩 丹 析 微 芒,
16. 開 天 地 人 物 之 先 道 經 浩 劫.
17. 乾 坤 斡 運 日 月 之 光,
18. 道 法 包 羅 九 皇 鼻 祖.
19. 大 千 世 界 揚 頌 慈 恩,
20. 永 劫 群 生 仰 其 惠 德.
21. 大 神 大 聖,
22. 至 極 至 尊.
23. 先 天 正 一太 上 道 君 掌 教 天 尊.
KHẢO DỊ
Câu 15 nhiều bản in sai là duy mang, duy man, di man.
Câu 17 nhiều bản in sai là hoát vận.
CHÚ GIẢI
Câu 1-2:
Tiên thiên khí 先天氣: Cũng gọi tiên thiên chi khí, khí tiên thiên (the former heaven essence). Còn gọi là hư vô chi khí, khí hư vô,
nguyên khí, hay khí hồng mông (the chaos
essence). Khí này có trước khi vũ trụ hình thành.
Hóa 化: Biến hóa, hóa ra (to transform, to make into, to change into).
Thái Thượng Đạo Quân 太上道君: Taishang Daojun, cũng gọi Thái
Thượng Lão Quân 太上老君 (Taishang Laojun, Senior Lord Taishang),
là thủy tổ của đạo Tiên. Xem thêm Tổng Luận.
Câu 1-2 ý nói khí tiên
thiên hóa thành Đức Thái Thượng Đạo Quân.
Câu 3-4:
Thánh 聖: Hiểu thoát nghĩa là linh thiêng, siêu
phàm (holiness).
Bất khả tri 不可知: Không thể biết được (unknowable).
Công 功: Công đức, công ơn (merits).
Bất khả nghị 不可議: Không thể luận bàn được (undis-cussible).
Câu
3-4 ý nói không ai biết được chỗ siêu phàm của Ngài và cũng không ai
luận bàn cho hết công đức to tát của Ngài.
Câu
5-6:
Vô vi 無為: Hiểu
thoát nghĩa là tiềm ẩn, chưa có hình trạng, không âm thanh sắc tượng (wu-wei).
Cư 居: Ở (to
reside).
Thái Cực chi tiền 太極之前: Trước
khi có Thái Cực (before the Taiji).
Hữu thỉ (thủy) 有始: Đã
có đầu mối rồi. Hiểu thoát nghĩa là từ khi vũ trụ được hình thành (since the universe creation).
Quần Chơn (Chân) 群眞: Hiểu thoát nghĩa là các Đấng thiêng liêng (spiritual or divine powers).
Siêu quần Chơn chi thượng 超群眞之上: Vượt
trổi hơn các Đấng thiêng liêng (above and
beyond divine powers).
Câu
5-6 ý nói khi vũ trụ chưa có, Ngài đã có rồi. Đến lúc vũ trụ này hình
thành thì Ngài cao trổi hơn tất cả các Đấng thiêng liêng.
Câu
7- 8:
Đạo cao nhứt (nhất) khí 道高一氣: Đạo
cao cả vốn là một khí (the noble Tao is
one essence).
Diệu 妙: Phép mầu thần diệu (miracle).
Hóa 化: Biến hóa, hóa ra (to transform, to make into, to
change into).
Tam Thanh 三清: Ba ngôi (the Trinity), gồm Ngọc Thanh, Thượng Thanh, và Thái
Thanh. Thái Thanh còn gọi là Chơn (Chân)
Thanh (xem thêm Tổng Luận). Dưới đây là một số tương quan giữa Tam Thanh, Tam Giáo, và tam sắc (ba màu).
Tam Thanh
|
Ngọc Thanh
|
Thượng Thanh
|
Thái Thanh
|
Tam Giáo
|
Nho Giáo
|
Tiên Giáo
|
Phật Giáo
|
Tam sắc
|
Đỏ
|
Xanh
|
Vàng
|
Trong hệ thống tổ chức Cửu Trùng Đài của Hội Thánh
Cao Đài, chức sắc gồm ba phái tương ứng như trên: phái Ngọc (Nho), thiên phục màu đỏ; phái Thượng (Tiên), thiên phục màu xanh; phái Thái (Phật), thiên phục màu vàng. Tùy theo mỗi phái mà thánh danh
của chức sắc Nguyễn Văn Nam là Ngọc Nam Thanh, Thượng Nam Thanh, hay Thái Nam Thanh. (Nữ chức sắc không theo
cách này, chỉ kèm chữ Hương. Thí dụ,
thánh danh của chức sắc Ngô Thị Bình là Hương
Bình.)
Lá cờ của đạo Cao Đài cũng gồm ba màu (từ trên xuống)
vàng, xanh, đỏ, tượng trưng cho Tam Giáo (Phật, Tiên,
Nho).
Câu 7-8 ý nói nhất khí
(Đạo) biến hóa thần diệu ra Tam Thanh.
Câu 9-10:
Đức 德: Đức độ (virtue).
Hoán 煥: Chiếu sáng rực
rỡ (to illuminate).
Hư linh 虛靈: Cõi trời thiêng liêng (the divine sphere).
Pháp 法: Phép tắc, phép
thuật (sacred power); cũng có thể
hiểu là giáo pháp (dharma).
Siêu 超: Vượt lên khỏi,
hơn hẳn (to surpass).
Quần Thánh 群聖: Các bậc Thánh (saints).
Câu 9-10 ý nói đức độ của
Ngài chiếu sáng khắp cõi trời và phép mầu của Ngài vượt hơn hẳn các vị Thánh.
Câu 11:
Nhị ngoạt (nguyệt) 二月: Tháng Hai âm lịch (the
second month of a lunar year).
Thập ngũ 十五: Nói tắt của thập ngũ nhật 十五日, tức là ngày mười lăm âm lịch,
hay ngày rằm, ngày vọng (the fifteenth
day of a lunar month).
Phân tánh (tính) giáng sanh 分性降生: Phân tánh sanh xuống cõi trần (to become embodied, to incarnate human form). Xem thêm Tổng Luận.
Câu 11 ý nói Ngài giáng
sanh vào ngày rằm tháng Hai âm lịch.
Câu 12:
Nhứt thân 一身: Một thân (one body, one figure).
Ức vạn 億萬: Nhiều vô số (innumerable).
Diệu huyền thần 妙玄神: Ba chữ này đều đồng nghĩa là mầu nhiệm (miraculously).
Biến 變: Biến hóa, hóa
ra (to transform, to make into, to change
into).
Câu 12 ý nói từ một thân
Ngài biến hóa mầu nhiệm ra thành vô số thân.
Câu 13:
Tử khí 紫氣: Làn khí màu đỏ
tía (purple essence).
Đông lai 東來: Từ phương đông
đến, ám chỉ từ kinh thành Lạc Dương đi sang ải Hàm Cốc (coming from the east). Thành Lạc Dương ở phía tây tỉnh Hà Nam ngày nay.
Theo sử gia Tư Mã Thiên (145-90 trước Công Nguyên), Đức Lão Tử (tức Đạo Quân,
Đạo Tổ) từng làm quan coi thư viện triều đình nhà Chu
ở thành Lạc Dương.
Quảng truyền 廣傳: Truyền bá rộng
rãi (to disseminate everywhere).
Đạo Đức 道德: Tức là bộ Đạo Đức Kinh (Dao De Jing) gồm hai quyển (81 chương), khoảng
5.292 chữ. Quyển thượng (37 chương, khoảng 2.380 từ) mở đầu với chương
1, câu đầu tiên nói tới Đạo: Đạo khả đạo
phi thường Đạo. Quyển hạ (44 chương, khoảng 2.912 từ) mở đầu với chương 38,
câu đầu tiên nói tới Đức: Thượng đức bất
đức thị dĩ hữu đức. Tổng số chữ của bộ kinh phải nói khoảng bởi vì có nhiều dị bản, số chữ mỗi bản kinh chênh lệch đôi
chút.
Câu 13 ý nói Ngài đi từ
phương đông [sang phương tây], trên trời hiện ra làn khí màu đỏ tía [báo điềm
lành], và Ngài đã trao bộ kinh Đạo Đức [cho ông Doãn Hỷ tại ải Hàm Cốc] nhờ đó
bộ kinh này được truyền bá rộng khắp. Xem thêm Tổng Luận.
Câu 14:
Lưu sa 流沙: Ở biên giới
phía tây Trung Quốc có những sa mạc lớn (đại mạc). Nơi đó cuồng phong thường
xuyên thổi, dời cát từ nơi này qua nơi khác, làm cho địa hình luôn luôn thay
đổi. Miền sa mạc đó gọi chung là lưu sa (shifting
sands). Lưu sa trong bài kinh còn ám chỉ sa mạc Gobi
nằm ở biên giới Trung Quốc và phủ luôn một phần phía nam của Mông Cổ. Người
Mông Cổ gọi nó là Govi. Người Trung
Quốc gọi là Qua Bích 戈璧.
Tây độ 西度: Qua Tây Vực độ
người (to teach the peoples of the
countries bordering on Western China ). Tây
Vực cũng gọi là Tây Vức, ám chỉ tất cả các nước ở miền biên giới phía Tây Trung
Quốc, như Tây Tạng, Ấn Độ… Người Trung Hoa ngày xưa gọi chung dân các nước ấy
là (rợ) Hồ, gọi nhà sư nước Ấn Độ là Hồ tăng.([3])
Pháp 法: Giáo pháp (dharma).
Hóa 化: Biến hóa, hóa
ra (to transform, to make into, to change
into).
Tướng tông 相宗: Nền tôn giáo có
thể tướng (institutional religion).
Câu 15:
Sản 產: Sinh ra (to give birth to).
Tất Viên 漆園: Vườn tất. Tất là một loại cây sơn (vanish tree), nhựa nó dùng làm hàng sơn
mài (lacquer ware). Trang Tử (cũng
gọi là Trang Chu hay Trang Sinh), sống khoảng năm 369-286 trước Công Nguyên, từng
trông coi một vườn sơn ở huyện Mông, với chức Tất Viên Lại (lại là quan nhỏ, cấp bực thấp). Do đó, Tất
Viên ám chỉ Trang Tử.
Phương Sóc 方朔: Tức là Đông
Phương Sóc 東方朔. Đây là hiệu,
không phải tên thật. Chẳng ai biết chính xác lai lịch của ngài, trừ vài chi
tiết nhỏ. Năm 138 trước Công Nguyên ngài làm quan dưới triều Hán Vũ Đế, thường
dùng lời lẽ hoạt kê, giọng phúng thích để can gián nhà vua. Khi chán công danh,
ngài đi tu và làm đệ tử của Huỳnh Mi Lão Tổ, rồi đắc đạo. Cũng giống như các
nhân vật Lão Tử, Trang Tử… ngài có rất nhiều huyền thoại. Người Trung Hoa cho
rằng thời thượng cổ, đời Hoàng Đế (năm 2697 trước Công Nguyên?) ngài tên là Phong Hậu. Đời vua Nghiêu (lên ngôi năm
2357 trước Công Nguyên?) ngài tên là Vụ
Thành Tử. Đời nhà Chu (thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên) ngài chính là Lão Tử. Đời Câu Tiễn (thế kỷ 5 trước Công
Nguyên) ngài lại là Phạm Lãi. Sau khi
giúp Câu Tiễn đánh thắng Ngô Phù Sai thì Phạm Lãi lặng lẽ bỏ đi, ngao du với
một con thuyền qua khắp miền Ngũ Hồ danh thắng. Lại có thuyết cho rằng Phạm Lãi
bỏ nước Việt đi ẩn, hiệu là Đào Chu Công, chính là ông già Ngu Công dọn núi.
Bối 輩: Bọn, đám, nhóm (group).
Tất Viên, Phương Sóc chi bối 漆園方朔之輩: Các ông Tất Viên và Phương Sóc.
Đơn (đan) 丹: Sắc đỏ. Trong
đông y, đơn là dạng thuốc nước (decotion)
hay viên (pill). Trong đạo Lão có các
thuật ngữ như: đơn dược, đơn sa, kim đơn, linh đơn, luyện đơn, ngoại đơn, nội
đơn, thần đơn, tiên đơn... Cần hiểu rõ đơn
ám chỉ gì.
Đạo Lão gồm nhiều phái, trong đó có phái Thần Tiên
Đan Đỉnh chủ trương dùng một số dược liệu để nấu thuốc trường sinh bất tử. Họ
có dùng một thứ đá cát (sa thạch), quến thành cục, lấy tay bóp vụn ra thành bột
được. Đá cát này không mùi, vị lạt và vì có màu đỏ nên gọi là chu sa hay đơn sa (đơn và chu đều là màu đỏ). Đông y cho rằng chu
sa có nhiều sắc đỏ khác nhau, càng đỏ thẫm thì càng là loại tốt. Chu sa tốt
nhất có ở đất Thần Châu (nay là tỉnh Hồ Nam ), Trung Quốc. Chu sa ở châu
Thần vì thế mà nổi tiếng, cũng gọi thần
sa. Muốn thử xem thần sa có đúng là loại tốt hay không, lấy tay bóp vụn
thành bột, nếu màu đỏ của đá cát không dính tay (không ăn da) thì quả thực là
thứ hảo hạng. Nhiều đạo sĩ và hoàng đế các đời Tần, Hán, Đường… đã ngộ độc, hóa
điên hóa dại vì uống “kim đơn” nấu bằng chu sa. Tại sao vậy?
Chu sa tên khoa học là cinnabaris, là một hợp chất chứa 86,2% thủy ngân, tức hydragyum (Hg), và 13,8% lưu huỳnh, tức sulfure (S). Khi đun chu sa, sẽ bốc ra
khí độc CO2, còn lại thủy ngân cũng là chất độc. Vì vậy, theo các
sách thuốc cổ, chu sa hay thần sa phải dùng sống (thí dụ, đem mài với nước),
không được đun nấu vì lửa nóng gây ra chất độc chết người. Lạm dụng chu sa lâu
ngày và với số lượng nhiều có thể làm cho người ta hóa ra si ngốc.([4])
Luyện đơn kiểu này là do mê tín. Thứ đơn ấy gọi là
ngoại đơn (elixir). Gọi kim đơn không
có nghĩa là thuốc nấu ra từ vàng. Người Trung Quốc tôn quý cái gì thì có khi
gán cho nó mỹ từ kim hay ngọc. Cho nên họ gọi con nhà quyền quý
là kim chi ngọc diệp (lá ngọc cành
vàng), và trên cõi trời thì có kim đồng
ngọc nữ... Nhưng do thuật ngữ kim đơn, người ta ngộ nhận rằng các đạo sĩ có
bí thuật luyện kim để chế tạo ra vàng. Sự theo đuổi bí thuật này sản sanh ra
phái luyện đan hay luyện kim (alchemy),
truyền sang cả Trung Đông và châu Âu thời
Trung Cổ, và có lẽ họ là thủy tổ của nghề hóa học sau này.
Kim đơn là một ẩn dụ. Cũng như khi nói nội dược là ám chỉ các vị thuốc đã sẵn
có trong người như âm dương, ngũ hành, nước miếng, tinh dịch... Các đạo sĩ tu
nội đơn (internal alchemy) quý nước
miếng và tinh dịch hơn vàng. Họ chủ trương trường trai tuyệt dục để khỏi hao
tinh (gọi là bảo nguơn tinh), dùng
phương pháp tham thiền, nuốt nước miếng... để tu
luyện đến chỗ thanh tĩnh vô vi, đắc đạo, thoát luân hồi sanh tử, thành tiên, nhưng
vẫn bỏ lại xác phàm (liễu đạo) chứ không chủ trương giữ hoài cái thể xác hữu cơ
hữu hình như phái ngoại đơn (external
alchemy).
Tóm lại, chữ đơn trong bài kinh này nên hiểu theo nghĩa của phái nội đơn.
Tích 析: Giải thích, phân tích (to interpret, to explain, to analyse).
Đơn tích 丹析: Giải thích, phân tích về việc tu đơn
hay thiền (analytic interpretation of
Daoist zen).
Vi mang 微芒: Mơ hồ, không rõ ràng, khó nhận thấy (obscure and indistinct).
Đơn tích vi mang 丹析微芒: Việc tu đơn nếu phân tích ra thì mù mờ,
khó nói cho tách bạch (Analytically
interpreting Daoist zen to make it clear is impossible).
Câu
15 ý nói Ngài sinh ra hai vị Trang Tử và Đông Phương Sóc; việc tu đơn
nếu phân tích, giảng giải thì mơ hồ, ẩn áo.
Câu
16:
Khai thiên địa 開天地: Tạo
nên vũ trụ (to create the universe).
Nhơn vật chi tiên 人物之先: [Ngài
là Đấng] có trước loài người và muôn vật (before
human beings and other creatures).
Đạo 道: Đạo pháp của Ngài (Daojun’s dharma).
Kinh 經: Trải qua, kinh qua (to pass through).
Hạo 浩: Lớn, to tát (great, grand).
Kiếp 劫: Một khoảng thời
gian rất lâu (kalpa).
Hạo kiếp 浩劫: Một khoảng thời
gian rất lớn, vô lượng (a great kalpa).
Câu 16 ý nói khi vũ trụ
thành hình thì Ngài có trước loài người và muôn vật. Đạo của Ngài trải qua vô
số kiếp [để giáo hóa cho đời].
Câu 17:
Càn khôn 乾坤: Trời đất, vũ
trụ (the universe).
Oát 斡: Xoay từ trong
ra ngoài (to revolve outwards).
Vận 運: Xoay vần.
Oát vận 斡 運: Xoay chuyển,
chuyển luân (to revolve).
Nhựt nguyệt 日月: Mặt trời và mặt
trăng (the sun and the moon), cũng là
lưỡng nghi (thái dương, thái âm), còn
ám chỉ nguyên lý âm dương (the yin-yang
principles).
Chi 之: Của (of).
Quang 光: Ánh sáng (light).
Nhựt nguyệt chi quang 日月之光: Ánh sáng mặt trời và mặt trăng (sunlight and moonlight).
Câu 17 ý nói trời đất
xoay vần, chuyển luân không ngớt, thành ra có ngày có đêm, âm dương đắp đổi.
Câu 18:
Bao la 包羅: Dung chứa mọi
thứ, bao hàm mọi thứ (all-embracing,
all-inclusive).
Đạo pháp bao la 道法包羅: Đạo pháp bao dung mọi thứ (Dharma is all-embracing).
Cửu Hoàng 九皇: Chín vị hoàng
đế đời thượng cổ (the Nine Emperors).
Theo sách Từ Nguyên, vị thứ chín là
Thần Nông.
Tỷ Tổ 鼻祖: Cũng gọi tỵ tổ, thủy tổ, thỉ tổ, là ông tổ đầu
tiên của con người (the earliest ancestor,
originator).
Cửu Hoàng Tỷ Tổ hiểu thoát ý là ám chỉ thời gian vô tận (indefinite time).
Câu 18 tạm hiểu là Đạo
pháp của Ngài dung chứa mọi thứ và có từ rất xa xưa.
Câu 19:
Đại thiên thế giới 大千世界: Cứ một ngàn thế giới (hành tinh) thì gọi là một tiểu thiên. Một ngàn tiểu thiên gọi là
một trung thiên (một triệu thế giới).
Một ngàn trung thiên gọi là một đại thiên
(một ngàn triệu hay một tỷ thế giới).
Đại thiên thế giới hiểu thoát ý ám
chỉ không gian vô biên (indefinite space).
Dương tụng 揚頌: Dương và tụng đều cùng nghĩa là xưng tán, khen ngợi (to praise).
Từ ân 慈恩: Ơn lành (merciful blessings).
Câu 19 ý nói khắp thế
gian, cùng vũ trụ. đâu đâu cũng xưng tụng ơn lành của Ngài.
Câu 20:
Vĩnh kiếp 永劫: Muôn kiếp, đời
đời (forever and ever; eternally,
everlastingly).
Quần sanh 群生: Chúng sanh (all mankind).
Ngưỡng 仰: Ngưỡng cầu,
trông lên mà cầu xin (to look up and beg
for).
Huệ 惠: Lòng nhân ải,
lòng thương người (mercy).
Đức 德: Đức độ, công
đức (virtuous merits).
Kỳ huệ đức 其惠德: Lòng nhân ái và
đức độ của Ngài (Daojun’s mercy and virtuous
merits).
Câu 20 ý nói chúng sanh
đời đời ngưỡng cầu lòng nhân ái và đức độ của Ngài.
Câu 21-22-23:
Đại thần đại thánh 大神大聖: Vô cùng huyền diệu nhiệm mầu (of great divine powers).
Chí cực chí tôn 至極至尊: Lớn hơn hết và được tôn kính hơn hết (the greatest, the most honoured one).
Tiên Thiên Chánh Nhứt 先天正一: Ngôi Một có trước khi hình thành vũ trụ (the former heavenly True One).
Thái Thượng Đạo Quân 太上 道 君: Đức Thái Thượng Đạo Quân (Taishang Daojun).
Chưởng Giáo Thiên Tôn 掌教天尊: Đấng được cõi trời tôn kính đang nắm
giềng mối Đạo (the Heavenly Honoured One,
who holds Daoism).
Cả ba câu ý nói Đức Thái Thượng Đạo Quân là Đấng vô
cùng huyền nhiệm, là Đấng được tôn sùng tột bực, là ngôi Một trước khi có vũ
trụ, là Đấng được cõi trời tôn kính và nắm giềng mối Đạo.
TỔNG LUẬN
Qua bài Tiên Thiên Khí Hóa, tuy xưng tán Đức Thái
Thượng Đạo Quân nhưng lại có nhiều câu cho thấy giống với truyền thuyết về Đức
Lão Tử. Nói khác đi, đạo Cao Đài quan niệm Thái Thượng Đạo Quân, Thái Thượng
Đạo Tổ, Thái Thượng Lão Quân, Lão Quân và Lão
Tử là một. Ngài ngự ở cung Đâu Suất. Các tôn hiệu
này có ý nghĩa như sau:
- Thái Thượng: Rất cao, cao tột, cũng là từ dùng để chỉ Thượng Đế.
- Đạo Quân: Vị chủ tể làm chủ Đạo,
tức cũng là Thượng Đế.
- Đạo Tổ : Tổ sư của Đạo Giáo, ông tổ của
Đạo, tức cũng là Thượng Đế.
- Lão Quân: Vị vua già. Trong thánh giáo Cao
Đài, Thượng Đế cũng xưng mình là Già, Trời già.
- Lão Tử: Vị thầy già. Trong
thánh giáo Cao Đài, Thượng Đế xưng mình là Thầy.
Tiểu sử Đức Lão Tử rất mơ hồ, thường chứa nhiều huyền thoại.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên,([5]) Đức Lão Tử tên Nhĩ,
tự là Đam (nhĩ là tai, đam là tai dài).([6])
Ngài họ Lý, người nước Sở, huyện Khổ (Khổ:
đắng, cực khổ), làng Lệ, xóm Khúc Nhân. Ngài làm quan ở kinh đô Lạc Dương, coi
kho sách của nhà Chu (có thể là giống như chức quản thủ thư viện bây giờ).
Theo Holmes Welch, Đức Lão Tử và Đức Khổng Tử sống
cùng thời đại, nhưng Đức Khổng kém hơn khoảng năm mươi ba tuổi, và hai vị gặp
nhau vào khoảng năm 517 trước Công Nguyên.([8])
Theo Max Kaltenmark, những điều ghi chép của Tư Mã
Thiên về nơi sinh của Đức Lão Tử tương ứng với huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam sau
này. Kể từ đời Hán, ở Lộc Ấp có điện thờ Đức Lão Tử, tên gọi là Thái Thanh
Cung.([9])
Về xuất xứ họ Lý, truyền thuyết cho rằng mẹ Ngài mang
thai tám mươi năm, sanh Ngài ở bên hông trái. Khi Ngài sanh ra tóc râu đã bạc
trắng. Do đó hai chữ Lão Tử có nghĩa là “đứa
trẻ già” và sau này còn được hiểu là “ông thầy già”.
Vừa chào đời, Ngài
liền chỉ vào cây mận (lý) mà bảo rằng
Ngài họ Lý, tức là lấy tên cây làm họ.
Đường Cao Tông tên thật là Lý Trị, làm vua Trung Quốc
(650-683). Ông tự nhận rằng Lý Lão Quân là tổ tiên của mình, đặt tên thụy cho Đức
Lão Tử là Huyền Nguyên Hoàng Đế.([10]) Nhưng Dư Bồi Lâm cho rằng thời Xuân Thu chưa có họ Lý, họ này mãi sang thời
Chiến Quốc mới xuất hiện;vậy Đức Lão Tử họ là Lão.([11])
Đức Lão Tử còn có tự là Bá
Dương.
Theo giáo sĩ Dòng Tên Henri Doré (1859-1931), Đức Lão Tử sinh năm 584 trước Công Nguyên.
Theo Holmes Welch, Đức Lão Tử sinh ở nước Trần năm
571 trước Công Nguyên chứ không phải ở nước Sở năm 604 trước Công Nguyên như
một số sách đã ghi.
Theo Dư Bồi Lâm, huyện Khổ thuộc về nước Trần, cuối
thời Xuân Thu; rồi Trần bị Sở thôn tính, trở thành đất của Sở, do đó Tư Mã
Thiên ghi là huyện Khổ thuộc nước Sở.
Đức Lão Tử bỏ Lạc Dương ở phía Đông cỡi trâu đi về
biên thùy phía Tây. Ngài đi tới đâu trên đầu cũng có đám mây màu tía hiện ra. Bài
xưng tán nói “Tử khí đông lai” (câu
13).
Theo Edward T. C. Werner, Đức Lão Tử rời Lạc Dương
vào khoảng năm 500 trước Công Nguyên. Có sách bảo năm ấy Đức Lão Tử một trăm
sáu mươi tuổi, còn Homes Welch cho là hai trăm tuổi.
Ông quan coi ải Hàm Cốc tên là Doãn Hỷ xem thiên
tượng thấy điềm lành, biết có Thánh Nhân sắp đi qua nên thành tâm chờ đón, xin
Đức Lão Tử truyền đạo. Ngài đã nán lại viết bộ Đạo Đức Kinh khoảng 5.292 chữ, để
lại cho đời một kỳ thư ngắn gọn, hàm súc và bất hủ mà từ đó đến nay đời nào
cũng có người dịch, nghiên cứu, luận bàn, lan truyền khắp thế giới. Bài xưng
tán nói “Quảng truyền Đạo Đức” (câu
13).
Rời ải Hàm Cốc, Đức Lão Tử tiếp tục đi sang hướng
Tây, nơi sa mạc mênh mông (đại mạc) mà người Trung Quốc gọi là Tây Vực hay Tây
Vức. Miền sa mạc này bị cuồng phong làm cho cát luôn luôn di chuyển, thay đổi
địa hình (lưu sa). Ở đó có nhiều chủng tộc sinh sống mà người Trung Quốc miệt
thị gọi chung là “rợ Hồ”, Ấn Độ cũng
bị liệt chung vào đó. Có sách cho rằng từ đó không ai biết về hành tung của Đức
Lão Tử nữa.
Lại có thuyết cho rằng Đức Lão Tử đã hóa độ “rợ Hồ”
nơi miền lưu sa phía tây. Bài xưng tán nói “Lưu
sa tây độ” (câu 14). Về thuyết này, có thể tóm lược như sau:
Khoảng đầu thế kỷ thứ 4, đời Hán Huệ Đế (290-306), đạo
sĩ Vương Phù tập hợp các truyền thuyết về việc Đức Lão Tử hóa độ rợ Hồ, viết tác phẩm Hóa
Hồ Kinh kể rằng Đức Lão Tử rời ải Hàm Cốc đi sang Thiên Trúc (Ấn Độ) dạy đạo cho Thái Tử Cồ Đàm
tu thành Phật.
Do
ảnh hưởng thuyết này, bản gốc bài xưng tán chữ Hán in trong Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc
Kinh Tường Chú có câu “lưu sa tây độ, hóa tướng pháp vi Thế Tôn”.
Thế
Tôn tức là một trong mười tôn hiệu của Đức Phật Thích Ca. Dĩ nhiên
thuyết của Vương Phù không được chư tăng Trung Hoa chấp nhận, gây nên nhiều
tranh cãi gay gắt đến độ có lúc triều đình phải can thiệp mạnh mẽ để ngăn ngừa
một cuộc “thánh chiến” giữa đạo sĩ và sư tăng.
Khi mượn bài xưng tán trong Huỳnh Đình Nội Cảnh Ngọc Kinh Tường Chú
làm kinh cúng tứ thời trong đạo Cao Đài, tiền bối Ngọc Lịch Nguyệt đã sửa lại
là lưu sa tây độ, pháp hóa tướng tông.
Như thế, tiền bối đã loại bỏ một thuyết vốn đã gây ra biết bao thị phi, tranh
đấu hơn thua dữ dội giữa Lão Giáo và Phật Giáo trong cổ sử Trung Quốc.
Theo Tư Mã Thiên, người xưa cũng không
biết chắc Lý Nhĩ và Lão Đam có phải chính là Đức Lão Tử không. Phùng Hữu Lan (tác
giả Trung Quốc Triết Học Sử) dè dặt
cho rằng Lão Đam là huyền thoại, còn Lý Nhĩ là người đời Chiến Quốc, ẩn sĩ,
chuộng cái học vô danh... Theo Dư Bồi Lâm, đó là ba nhân vật khác nhau.
Theo Edward T. C. Werner, năm 743, Vua
Đường Huyền Tông (713-756) tôn Đức Lão Tử là Thái
Thượng Lão Quân. Nhưng theo William Frederick Mayers, tôn hiệu này có từ
đời vua Tống Chân Tông, năm 1013. Tuy nhiên, Nguyễn Hiến Lê (trong Lão Tử Đạo Đức Kinh) cho biết tôn hiệu
Thái Thượng Lão Quân đã có từ năm 165 (đời Hậu Hán).
Tôn hiệu Thái Thượng Lão Quân của Đức Lão
Tử cũng phù hợp với truyền thuyết cho rằng Đức Lão Tử là hóa thân của Đức Lão
Quân. Tôn hiệu Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng Đế phù hợp với quan niệm rằng Đức
Thái Thượng có trước vũ trụ (tiên thiên), Ngài do khí hồng mông hóa thành, Ngài
có trước ngôi Thái Cực, Ngài tạo ra vũ trụ. Do đó trong bài xưng tán có những ý
như: “Tiên thiên khí hóa, Thái Thượng Đạo
Quân” (câu l-2); “Tiên thiên chánh
nhứt, Thái Thượng Đạo Quân” (câu 23-24); “Vô vi cư Thái Cực chi tiền” (câu 5); “Khai thiên địa nhơn vật chi tiên” (câu 16).
Quan niệm Đức Lão Tử là Lão Quân, Đạo
Quân, cũng đưa tới tôn hiệu Thái Thượng Đạo Tổ; nghĩa là đấng chủ tể nắm giềng
mối Đạo, đồng thời cũng là ông Tổ của đạo Lão, cho nên kết thúc bài xưng tán nói
“Chưởng Giáo Thiên Tôn” (câu 23).
Do thuyết Đức Thái Thượng Đạo Quân có
trước vũ trụ vạn vật và sáng tạo ra vũ trụ vạn vật mà có những hệ luận sau:
- Ngài sáng tạo ra con người, quyền năng
của Ngài vượt khỏi sự hiểu biết của con người (“Thánh bất khả tri”, câu 3); và cũng do đó công đức của Ngài ban
cho đời không ai luận bàn được cho rốt ráo (“Công
bất khả nghị”, câu 4).
- Ngài tạo ra tất cả nên Ngài trổi vượt
hơn tất cả, được tôn kính hơn tất cả. Những ý như “Hữu thỉ siêu quần Chơn chi thượng” (câu 6), “Đức hoán hư linh” (câu 9), “Pháp
siêu quần Thánh” (câu 10), “Chí cực
chí tôn” (câu 22) nhằm diễn tả điều này.
Kể từ đời nhà Hán (thế kỷ 2 trước Công
Nguyên) đã rất phổ biến thuyết cho rằng Đức Lão Tử giáng phàm nhiều lần để hóa
độ người đời, nhưng không ai biết chính xác Ngài lâm trần bao nhiêu
lần.
Do đó trong bài xưng tán nói: “Nhị ngoạt thập ngũ, phân tánh giáng sanh” (câu 11); “Nhứt thân ức vạn, diệu huyền thần biến”
(câu 12). Đạo Cao Đài thiết lễ vía Đức Đạo Tổ vào ngày rằm tháng Hai âm lịch
hàng năm (đây cũng là ngày tổ chức Đại Hội Thường Niên của Cơ Quan Phổ Thông
Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam mà nay là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo).
Lại có thuyết cho rằng Đức Lão Tử đã phân thân, tạo nên một tam vị
nhất thế (triad, trinity) như Thượng
Đế Ba Ngôi mà thuật ngữ đạo Lão gọi là Tam
Thanh. Thượng Đế Ba Ngôi của đạo Lão gồm có:
Tam Thanh (ba cung)
|
||
Ngọc Thanh
|
Thượng Thanh
|
Thái Thanh
(Chơn Thanh)
|
1. Nguyên Thủy
Thiên Tôn
|
1. Linh Bảo
Thiên Tôn
|
1. Thần Bảo
Thiên Tôn
|
2. Thiên Bảo
Quân
|
2. Linh Bảo
Quân
|
2. Lão Tử
|
3. Ngọc Hoàng
Thượng Đế
|
3. Lý Lão Quân
|
Do quan niệm như trên mà trong bài xưng tán nói: “Đạo cao nhứt khí, diệu hóa Tam Thanh”
(câu 7-8).
Trong đạo Cao Đài lâu nay có lưu truyền một bài thơ nói rằng
do cơ bút Cao Đài tiếp điển (nhưng không ghi rõ xuất xứ).([12]) Bài thơ này
cho biết Đức Thái Thượng Lão Quân là Đức Lão Tử qua phần khoán thủ TIÊN THIÊN KHÍ HÓA THÁI THƯỢNG ĐẠO QUÂN,
và phần khoán tâm NGÃ DANH LÃO TỬ GIÁO CHỦ
ĐẠO TIÊN (Ta tên là Lão Tử, làm giáo chủ đạo Tiên). Bài thơ như sau:
TIÊN tri NGÃ giáng lập Long
Hoa
THIÊN đạo DANH lưu vạn quốc
hòa
KHÍ mãn LÃO đồng vô ẩm thực
HÓA nhi TỬ thánh đạo chương
tòa
THÁI hoàng GIÁO huấn đời an lạc
THƯỢNG trí CHỦ tâm mối đạo nhà
ĐẠO chánh, ĐẠO Trời quy bá đạo
QUÂN ban TIÊN tịch hội Kỳ Ba.
Khi mới mở Đạo (1926), thánh giáo Cao Đài cho biết Đức
Thái Thượng cũng là Đức Cao Đài: Thái Thượng
Nguyên Thủy thị Ngã, kim viết Cao Đài.([13])
*
Tóm lại, trong nghi thức
cúng tứ thời của đạo Cao Đài, bài Tiên
Thiên Khí Hóa xưng tán Đức Thái Thượng Đạo Quân hàm chứa nhiều vấn đề từng
làm tốn biết bao giấy mực của những nhà nghiên cứu từ đông sang tây qua nhiều
thời đại mà vẫn chưa hề ngã ngũ. Nếu tìm hiểu bài xưng tán này theo khía cạnh
trích cú tầm chương có lẽ cũng không thể đạt đến kết quả mỹ mãn. Những điều
được dẫn lại nơi đây trong phần Tổng Luận chỉ có thể liên hệ đến một số câu
trong kinh văn với mục đích tham khảo giản lược.